GIÁO DỤC CON CÁI - Bài 3 : Phương pháp đối thoại



Khởi đầu, một trong những lý do khiến các nhà sư phạm dùng phương pháp đối thoại là để tránh sự tẻ nhạt và buồn chán mà phương pháp huấn dụ có thể gây ra, đặc biệt cho những môn học quá trừu tượng, mà các học trò không có cùng một trình độ, cũng không có cùng một thích thú. Phương pháp đối thoại tìm kiếm cái thích thú sâu xa của học trò, đáp ứng và thoả mãn những thích thú ấy bằng cách gởi đến và gợi ra những đề tài, những vấn nạn mà học trò lưu tâm và như vậy người dậy khơi động được cái tư tưởng, cái tâm tư sống động của học trò. Nhờ đó, học trò không còn thụ động lập lại bài học, không còn bị gò bó trả bài, nhưng sẵn sàng vận động trí thông minh để tìm hiểu chín chắn câu hỏi hầu tìm kiếm một cách tích cực câu trả lời.

Dĩ nhiên, tìm hiểu (và hiểu được) là một tác động không đơn giản và không dễ dàng. Trước nhất phải làm chủ được ngôn ngữ để hiểu điều người ta đặt ra, để theo dõi được ý tưởng người ta đối thoại và để thảo ra được câu trả lời của mình cho người ta hiểu. Thứ đến, trên bình diện tư tưởng, phải làm chủ được những khái niệm, những hệ thống tư tưởng căn bản mà cuộc đối thoại đề cập đến. Đồng thời phải mẫn cảm để nhận ra được những quan hệ trong đề tài đối thoại, những nguyên nhân cũng như những hiệu quả từ hoặc do những ý tưởng đã và đang được cuộc đối thoại đưa ra, nghĩa là phải có khả năng phân tích và tổng hợp tinh nhuệ. Sau cùng, phải có một kinh nghiệm tối thiểu để chắp nối và so sánh những tư tưởng đang được đối thoại với thực tế sống mình đã, đang hoặc sẽ có thể gặp, hầu tìm ra câu trả lời khách quan, chính xác và thực tế.

Đối thoại là phương pháp xử dụng nói truyện, phỏng vấn như là phương tiện để đo lường những hiểu biết đã thâu nhận và khai phá, khám phá, sáng tạo ra những hiểu biết mới.

o Trong mục tiêu thứ nhất, là đo lường những hiểu biết đã thâu nhận, sự đối thoại có thể được gọi là đối thoại kiểm tra. Loại đối thoại này đã được phương pháp huấn dụ dùng đến để hỏi bài và khảo bài. Nhưng phương pháp huấn dụ chỉ dừng lại ở trí nhớ, đòi phải có một trả lời chính xác, không ngần ngừ, không vu vơ, nhưng vào thẳng đề, trực tiếp. Phương pháp đối thoại cũng xử dụng trí nhớ, nhưng đi xa hơn, vận dụng nhiều đến trí hiểu, trí thông minh. Đối thoại có thể đề cập đến những điều đã đề cập trước, nhưng không phải để kiểm tra xem học trò có thuộc, có biết không, mà là để kiểm tra xem học trò có hiểu không. Đối thoại về cùng một đề tài, nhưng đặt ra những câu hỏi khác đi, chưa được đặt ra, nhưng câu trả lời vẫn sẽ dễ dàng, nếu đã hiểu. Tóm lại, dẫu có mục tiêu kiểm tra, đối thoại muốn vượt trên trí nhớ, đặt nó vào đúng chỗ của nó, như là một dụng cụ của trí hiểu, của trí thông minh, để trẻ nhỏ luôn gắng tìm ra cách hiểu của mình, cách diễn tả của mình mà sống một cách thông minh.

o Trong mục tiêu thứ hai, là khám phá những hiểu biết mới, những ngôn từ mới, những tác phong mới hoặc những hành động mới, sự đối thoại có tầm vóc khai phá, khai phóng và sáng tạo. Đây mới đích thực là đối thoại. Sự đối thoại này không chỉ có tính cách phỏng vấn, điều tra, mà còn có đặc điểm gợi ý, hướng dẫn.

§ Thay vì đọc một bài giảng, cắt nghĩa một bài học, để trẻ nhỏ nghe và tiếp thâu một cách thụ động, cha mẹ hoặc người dạy chuẩn bị và tổ chức bài học một cách linh động hơn, khiến người học tham gia tích cực hơn.

§ Liên tục người dạy đặt người học trước những vấn đề, trước những hoàn cảnh, rồi hướng dẫn, chỉ bảo và soi sáng tiệm tiến những khía cạnh khác nhau của đề tài. Dĩ nhiên cha mẹ không thể đòi hỏi con cái tìm ngay ra được những kiến thức chính xác mà chúng chưa hề được biết. Mục tiêu là đặt vấn đề chứ không phải là đặt câu đố.

§ Dùng những câu hỏi đáp ứng thích thú tìm tòi để con cái tự mình tìm ra những kiến thức, những dữ kiện, cha mẹ có thể giúp con tìm ra trả lời bằng cách trực tiếp và đúng lúc cho trả lời, hoặc chỉ cho cách tìm ra trả lời, hoặc qua sách vở, hoặc qua quan sát, hoặc qua suy lý.

§ Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp con vận động tất cả những hiểu biết, những nguyên tắc, những điều luật mà nó đã biết để suy đoán ra, diễn dịch ra, khám phá ra những kết luận tổng quát mới, những hiểu biết tổng hợp mới.

§ Trong quá trình này, mục tiêu quan trọng là giúp con suy nghĩ và suy nghĩ đúng, rồi từ những ý tưởng tìm ra, giúp con diễn tả chính xác. Do đĩ, cha mẹ phải biết đặt ra nhiều câu hỏi, phải biết gạt bỏ những câu trả lời sai lệch, cải tiến và hoàn hảo hoá những câu trả lời phiến diện hoặc khiếm khuyết.

§ Có những trường hợp, đứa trẻ tự mình đặt ra câu hỏi cho cha mẹ. Đây là đối thoại rất tích cực và năng động. Trường hợp này, khó khăn lớn nhất là phải hiểu đúng ý mà đứa trẻ thắc mắc. Năm giai đoạn có thể áp dụng ở đây. Thứ nhất lắng nghe câu hỏi con đặt ra. Sau đó, lặp lại với nó câu hỏi mà mình đã nghe, để kiểm xem mình có hiểu đúng ý của nó không. Thứ ba là trả lời mà gắng hết sức dùng ngôn ngữ của trẻ. Thứ tư là kiểm xem trẻ có hiểu đúng câu trả lời của mình không. Và thứ năm, nếu câu trả lời của con đúng, thì nên xác định với nó là nó đã hiểu đúng.

Dĩ nhiên phương pháp đối thoại có những giới hạn của nó. Giới hạn thứ nhất là có những đối tượng không thể suy ra mà thấy được, như những dữ kiện lịch sử và địa lý, những tên gọi của các thảo mộc, địa danh, những thông tư, luật lệ,.. Giới hạn thứ hai là khả năng còn rất giới hạn của trẻ nhỏ về suy lý, phân tích và tổng hợp. Những nghiên cứu về tâm lý phát sinh và tâm lý dị biệt, khởi đầu từ Alfred BINET, Jean PIAGET cho thấy những khả năng mạnh và yếu của từng lứa tuổi. Điều quan trọng là cha mẹ phải biết áp dụng đối thoại một cách thông minh, tùy hoàn cảnh, tùy đứa trẻ, tùy vấn đề. Không dưng mà phương pháp đối thoại đã được các bậc thầy tên tuổi Á, Âu áp dụng. Socrate với phương pháp đối thoại mà ông gọi là ‘hộ sinh tư tưởng’. Khổng Tử đã giảng dẫn phần lớn tư tưởng của mình trong sách Luận Ngữ, không gì khác hơn là một cuộc đối thoại dài giữa ông và các đệ tử.

TRẦN VĂN CẢNH

tranvancanh_paris@yahoo.fr