TÔNG THƯ

ROSARIUM VIRGINIS MARIAE

CỦA ĐỨC THÁNH CHA

GIO-AN PHAO-LÔ II

GỞI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC

VÀ CÁC TÍN HỮU

VỀ KINH RẤT THÁNH MÂN CÔI




DẪN NHẬP

1. Kinh mân côi kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, dần dần được hình thành trong Ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích. Đơn sơ nhưng sâu sắc, lời kinh này vẫn là một lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện. Nó dễ dàng hoà nhập vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống ki-tô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và cảm thấy được Thánh Thần Thiên Chúa lôi kéo chèo ra chỗ sâu (duc in altum!) để một lần nữa loan báo, và cả đến hô to lên, trước thế gian rằng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và Đấng Cứu độ, là đường, sự thật và sự sống (Ga 14,6), mục tiêu của lịch sử nhân loại và đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về.1

Kinh mân côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Ma-ri-a, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Ki-tô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Ma-ri-a, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh mân côi, Dân ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Ma-ri-a và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.

Các Giáo hoàng và Kinh mân côi

2. Nhiều vị tiền nhiệm của tôi đã gán một tầm quan trọng lớn lao cho lời kinh này. Đáng đặc biệt ghi nhớ là Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII ngày 1.9.1883 đã ban hành Thông điệp Supremi Apostolatus Officio,3 một văn kiện rất có giá trị, khởi đầu của nhiều lời phát biểu của ngài về lời kinh này; trong Thông điệp này, ngài xem Kinh mân côi như một vũ khí thiêng liêng hữu hiệu chống lại sự dữ đang phương hại đến xã hội. Trong số các Giáo hoàng mới đây, từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, nổi danh trong việc cổ võ Kinh mân côi, tôi muốn nhắc đến Á thánh Gio-an XXIII4 và nhất là Đức Giáo hoàng Phao-lô VI, trong Tông huấn Marialis Cultus, đã nhấn mạnh, theo tinh thần của Công đồng Va-ti-ca-nô II, tính chất tin mừng của Kinh mân côi và chiều hướng quy ki-tô. Chính tôi cũng đã thường xuyên khuyến khích năng đọc Kinh mân côi. Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Tôi đã được gợi nhớ cách mãnh liệt về điều đó qua chuyến công du mới đây về Ba Lan, và nhất là tại Đền thánh Kalwaria. Kinh mân côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ. Cách đây 24 năm, vào ngày 29.10.1978, vừa mới hai tuần sau khi được chọn lên ngôi toà Phê-rô, tôi đã thẳng thắn thừa nhận: Kinh mân côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó. [...]. Có thể nói rằng Kinh mân côi, theo một nghĩa nào đó là lời kinh chú giải chương cuối cùng của Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Va-ti-ca-nô II, một chương đề cập đến sự hiện diện đáng thán phục của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Đức Ki-tô và mầu nhiệm Giáo hội. Trên bối cảnh lời kinh Ave Maria những biến cố chính trong đời sống Đức Giê-su Ki-tô diễn ra trước con mắt của linh hồn. Được quy lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, chúng dẫn chúng ta đến thông hiệp cách sống động với Đức Giê-su qua con tim của Mẹ Người, ta có thể nói thế. Đồng thời con tim của chúng ta có thể gán vào chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo hội và toàn thể nhân loại. Mối quan tâm của riêng ta và của những người thân cận, đặc biệt những người gần gũi nhất của ta, những người thân thiết nhất của ta. Vì thế lời kinh mân côi đơn sơ ghi dấu ấn lên nhịp sống của con người.5

Anh chị em thân mến, với những lời này, tôi đã đặt những năm đầu của triều giáo hoàng trong nhịp sống hằng ngày của Kinh mân côi. Hôm nay, khi bắt đầu năm thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phê-rô, tôi muốn làm lại cũng một điều đó. Biết bao nhiêu ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này từ Đức Thánh Trinh nữ qua Kinh mân côi: Magnificat anima mea Dominum! Tôi muốn dâng lời cảm tạ lên Chúa bằng những lời kinh của Mẹ rất thánh của Người, dưới sự che chở của ngài, tôi đã đặt công việc phục vụ giáo hoàng của tôi: Totus Tuus!

Tháng 10.2002 -Tháng 10.2003:

Năm của Kinh mân côi


3. Vì thế, tiếp nối suy tư của tôi trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte, trong đó, sau kinh nghiệm Năm Thánh, tôi đã mời gọi Dân Thiên Chúa xuất phát lại từ Đức Ki-tô, 6 tôi cảm thấy được thôi thúc đưa ra một suy tư về Kinh mân côi, như một thứ bổ túc thánh mẫu học cho Tông thư ấy và một lời khuyên nhủ chiêm ngưỡng dung nhan Đức Ki-tô trong tâm tình thông hiệp với, và theo trường học của, Mẹ rất thánh Người. Đọc Kinh mân côi chính là chiêm ngưỡng với Đức Ma-ri-a dung nhan Đức Ki-tô. Để làm nổi bật lời mời gọi này, nhân cơ hội kỷ niệm 120 năm ban hành Thông điệp của Đức Lê-ô XIII nói trên, tôi ước muốn rằng suốt năm nay, Kinh mân côi sẽ được đặc biệt đề cao và cổ võ trong các cộng đồng ki-tô giáo khác nhau. Vì thế tôi công bố từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003 là Năm của Kinh mân côi.

Tôi giao phó đề nghị mục vụ này cho sáng kiến của mỗi cộng đoàn Giáo hội. Ý hướng của tôi không phải là chất thêm gánh nặng nhưng đúng hơn kiện toàn và củng cố những chương trình mục vụ của các Giáo hội địa phương. Tôi tin tưởng rằng đề nghị này sẽ được sẵn lòng và quảng đại đón nhận. Nếu được tái khám phá trong ý nghĩa trọn vẹn của nó, Kinh mân côi đi vào giữa lòng đời sống ki-tô hữu; nó trao ban một cơ hội quen thuộc nhưng đem nhiều hoa quả thiêng liêng và giáo dục cho đời sống chiêm ngưỡng cá nhân, đào tạo Dân Thiên Chúa và công cuộc phúc âm hoá mới. Tôi sung sướng tái khẳng định điều đó khi vui mừng tưởng nhớ một kỷ niệm khác: kỷ niệm 40 năm khai mạc Công đồng Va-ti-ca-nô II vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, hồng ân lớn lao mà Thần Khí Thiên Chúa ban cho Giáo hội thời đại chúng ta.7

Ý kiến bác bẻ Kinh mân côi

4. Đề nghị này quả là hợp thời xét từ nhiều lý do. Trước tiên, nhu cầu cấp bách phải đối diện với một thứ khủng hoảng nào đó của Kinh mân côi, mà trong bối cảnh lịch sử và thần học hiện tại có nguy cơ bị hạ giá cách sai lầm, và do đó không còn được truyền dạy cho thế hệ trẻ nữa. Có vài người nghĩ rằng tính cách trung tâm của phụng vụ, được Công đồng Va-ti-ca-nô II nhấn mạnh cách chính đáng, đương nhiên dẫn đến việc giảm bớt tầm quan trọng của Kinh mân côi. Vâng, như đức giáo hoàng Phao-lô VI đã làm sáng tỏ, lời kinh này không những không đối lập với Phụng vụ, nhưng hỗ trợ, bởi vì nó dẫn nhập rất tốt và làm vang dội lại Phụng vụ, bằng cách giúp cho dân chúng tham gia trọn vẹn và có chiều sâu, và thu nhận hoa quả của nó trong đời sống hằng ngày.

Cũng có thể có một vài người e ngại rằng Kinh mân côi một cách nào đó không có tính đại kết bởi vì tính chất quy hướng rõ ràng về Đức Ma-ri-a của nó. Vâng Kinh mân côi rõ ràng là một sùng kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa mà Công đồng đã mô tả: một sự sùng kính hướng về trung tâm ki-tô của đức tin ki-tô giáo, đến độ khi Mẹ được tôn vinh, người Con được hiểu biết đúng đắn, yêu mến và tôn vinh.8 Nếu được khám phá lại cách đúng đắn, Kinh mân côi là một phương tiện trợ giúp và chắc chắn không cản trở việc đại kết!

Một lối chiêm ngưỡng

5. Nhưng lý do quan trọng nhất để mạnh mẽ khuyến khích việc thực hành Kinh mân côi là vì nó là một phương tiện hữu hiệu nhất để cổ võ các tín hữu dấn thân chiêm ngưỡng mầu nhiệm ki-tô giáo mà tôi đã đề nghi trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte như một sư phạm dạy đường nên thánh đích thực: Điều cần đến là một đời sống ki-tô hữu lỗi lạc hơn cả về nghệ thuật cầu nguyện.9 Bởi vì nền văn hoá hiện tại, dù giữa nhiều dấu chỉ mâu thuẫn, đã chứng kiến sự nở rộ của một lời mời gọi mới mẻ sống chiều kích thiêng liêng, cũng là do ảnh hưởng của các tôn giáo khác, thì càng khẩn cấp hơn bao giờ hết các cộng đoàn ki-tô giáo phải trở thành những trường học đích thực của việc cầu nguyện.10

Kinh mân côi thuộc về truyền thống tốt đẹp và đáng ca ngợi nhất của chiêm ngưỡng ki-tô giáo. Được phát triển bên Tây phương, đó là một hình thức cầu nguyện suy tư điển hình, tương ứng cách nào đó với lời kinh của con tim