(Perth 11/08/2006)
Lễ ra mắt cuốn Advancing the Culture of Death
Cha Phêrô Trần Mạnh Hùng
Dân Biểu Philip Pendal
Cha Joe Parkingson
Tiến Sĩ Paul Skerrit
Ký tặng sách
“Đấu tranh cho nền văn hóa sự sống là một thách đố cam go đối với những ai tham gia trong lãnh vực chính trị. Nó đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo vấn đề và khả năng trình bày những quan điểm của Giáo Hội cách ngắn gọn nhưng trung thực và đi vào lòng người”. Dân biểu Phillip Pendal đã phát biểu như trên với tư cách là người “trình làng” cuốn sách mới của cha Phêrô Trần Mạnh Hùng, thuộc dòng Chúa Cứu Thế Úc Châu, cuốn “Advancing the Culture of Death” (tạm dịch: Chập chờn Nền Văn Hóa Sự Chết).

Buổi ra mắt cuốn sách đã được hội Các Hiệp Sĩ Southern Cross Tây Úc tổ chức vào tối thứ Sáu 11/8/2006 tại Country Women House 1174 Hay St, Perth lúc 7h30. Hiện diện trong buổi lễ ra mắt có đông đảo các thành viên Quốc Hội Úc trong khối phò sinh, các linh mục thuộc tổng giáo phận Perth, các bác sĩ trong Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo Úc, các phong trào phò sinh thuộc tổng giáo phận và các cơ quan truyền thông Úc, Việt. Về phía Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam có sự hiện diện của cha Nguyễn Minh Thúy, quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc, cha Nguyễn Kim Sơn, phó quản nhiệm và một số anh chị em giáo dân, cùng một số vị khách mời của cha Hùng đến từ phương xa.

Theo dân biểu Phillip Pendal, thách đố của những ai cố gắng trình bày quan điểm của Giáo Hội Công Giáo nơi công chúng là phải làm sao cho thấy “Giáo Hội không đóng kín với thế giới ngày nay, Giáo Hội hiểu rõ con người ngày nay, hiểu thấu đáo những thách đố và khó khăn mà họ phải đương đầu, những cạm bẫy đang chờ đón họ, và đưa ra những giải đáp không chỉ trên căn bản đức tin nhưng còn là trên cơ sở lý trí và thiện ích chung”.

Dân biểu Phillip Pendal đã khái quát sơ qua về cách thế Các Hiệp Sĩ Southern Cross Tây Úc tiếp cận với các thành viên Quốc Hội Úc, nâng đỡ họ không chỉ bằng những ủng hộ chính trị mà còn qua việc cung cấp tích cực những kiến thức về lập trường của Giáo Hội. Các Hiệp Sĩ Southern Cross Tây Úc không chỉ rao giảng nhưng có những cách thế đi sâu vào các lãnh vực khoa học chuyên môn. Đường lối Các Hiệp Sĩ Southern Cross Tây Úc là trình bày đức tin và cho thấy đức tin ấy dung hợp với khoa học và lý trí.

Dân biểu Phillip Pendal cho biết ông đã đọc kỹ lưỡng cuốn sách mới của cha Hùng và tự tin để tuyên bố với cử tọa rằng cuốn sách này sẽ dõi chiếu ánh sáng cho những vấn đề đang gây ra tranh luận trong dư luận xã hội. Để kết luận, ông ca ngợi cố gắng của Các Hiệp Sĩ Southern Cross Tây Úc và hoan nghênh đóng góp quan trọng của cha Hùng cho cuộc tranh luận phò sinh hiện nay. Ông nhận xét rằng, việc cha Hùng, một “thuyền nhân”, một người tị nạn, đóng góp quan yếu cho lập trường phò sinh và cho lãnh vực tri thức Úc Châu là “đầy biểu tượng”.

Sau bài phát biểu được cử tọa nhiệt liệt ca ngợi của dân biểu Phillip Pendal, cha Phêrô Trần Mạnh Hùng đã đăng đàn trình bày những điểm quan yếu trong cuốn sách mới của ngài.

Theo cha Hùng, cuốn sách được chia thành 5 chương. Chương một giới thiệu tình hình hiện nay liên quan đến cuộc tranh luận về an tử và trợ tử. Tại sao an tử và trợ tử trở thành vấn đề cho ngày nay? Cuốn sách trình bày sơ lược lịch sử của trào lưu an tử và trợ tử, cũng như cố gắng giải thích thuật ngữ "an tử" (euthanasia) nghĩa là gì, được sử dụng theo nhiều cách khác nhau ra sao và đâu là trung tâm của cuộc tranh luận?

Chương hai trình bày các luận cứ của cả hai phía: phía bênh và phía chống an tử, trợ tử.

Chương ba và chương bốn đánh giá kỹ lưỡng các luận cứ của cả phía bênh và phía chống an tử, trợ tử. Những luận cứ này được coi là trung tâm của cuộc tranh luận hiện nay. Vì thế trong hai chương này cuốn sách đưa ra những phê bình và đánh giá về những lý lẽ mà cả hai phía nêu ra, như quyền tự quyết cá nhân, quyền được chết, hành vi giết người vì nhân đạo, tính chất luân lý của việc kết liễu mạng sống, sự phân biệt về luân lý giữa giết người và để cho chết, sự khác biệt giữa phương tiện điều trị thông thường và phương tiện điều trị ngoại thường, v.v.

Chương năm đánh giá kỹ lưỡng cuộc tranh luận hiện nay về an tử và trợ tử. Chương cuối cùng này cho thấy Giáo Hội Công Giáo đưa ra luận cứ của mình như thế nào, trên cơ sở nào và dựa trên đức tin ra sao? Nói cách khác, luận cứ của Giáo Hội mang tính cách suy lý và thần học như thế nào? Chương cuối cùng này cũng cố gắng nêu ra xem có lý do nào để bác bỏ cả an tử lẫn trợ tử chăng, và những lý do ấy có thể biện minh được hay không? Thiết tưởng những vấn nạn này cần phải được suy tư thêm, nhất là những ai tham gia tích cực vào cuộc tranh luận và chống lại việc hợp pháp hoá an tử và trợ tử.

Trình bày một vấn đề phức tạp, dễ gây tranh cãi, liên quan đến nhiều lãnh vực khoa học và luân lý trước một cử tọa hùng hậu gồm đầy những khuôn mặt khoa bảng, chính trị bằng ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình chắc chắn không phải là một điều dễ dàng. Cha Hùng đã làm được điều đó cách xuất sắc, lôi cuốn và rất tự tin. Cuốn sách và bài nói chuyện của ngài không những đóng góp cho cuộc tranh luận về an tử và trợ tử tại Úc, mà còn làm vẻ vang cho dân Việt ta nơi xứ người.

Sau bài nói chuyện của cha Trần Mạnh Hùng, cử tọa đã chú ý lắng nghe những phát biểu của cha Joe Parkingson, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Sinh Học LJ Goody của tổng giáo phận Perth. Đây là một bài phát biểu quan trọng cho thấy cuốn sách mới của cha Hùng dõi chiếu ánh sáng ra sao cho những vấn đề luân lý vẫn thường gây khúc mắc trong cuộc tranh luận hiện nay. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có bản dịch toàn văn bài nói chuyện này.

Cử tọa cũng đã lắng nghe Tiến Sĩ Paul Skerrit, chủ tịch Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo Tây Úc trình bày những vấn đề khó khăn của các bác sĩ đối với các bệnh nhân nan y, những băn khoăn trước một bệnh nhân trước sau gì cũng chết và việc kéo dài sự sống có khi chỉ là kéo dài sự đau khổ cho người ấy… và cuốn sách của cha Hùng đã soi sáng như thế nào cho những vấn đề này.

Trong phần đặt câu hỏi nữ dân biểu Barbara Scott đã xin linh mục tác giả và linh mục Joe Parkingson khai triển thêm vấn đề “quyền tự quyết” (autonomy) của cá nhân đối với sinh mạng của mình. Theo nữ dân biểu Barbara Scott, đây là một điểm chủ yếu trong cuộc tranh luận hiện nay. Tuy nhiên, dân biểu Barbara yêu cầu các linh mục cho bà một cách giải thích ngắn gọn, “dễ hiểu”, và dễ trình bày.

Đáp ứng yêu cầu của nữ dân biểu Barbara, cha Joe Parkingson nhận xét rằng trong cuộc sống chung người ta phải chấp nhận hy sinh một phần quyền tự quyết của mình vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề thiện ích chung. Nói thí dụ, sau buổi ra mắt cuốn sách này, liệu chúng ta có quyền lái xe phóng như bay về nhà không? hay là chúng ta vẫn phải dừng ở đèn đỏ để cho người khác được qua. Cha nêu ra câu hỏi rằng quyền muốn được chết ngay tức khắc liệu có nghĩa gì không nếu tôi không có khả năng bắt buộc một bác sĩ chích cho tôi chết vì vị bác sĩ này, đến lượt ông, lại cũng có quyền tự quyết của mình để không muốn thi hành điều đó?

Cha bày tỏ sự ủng hộ đối với các dân biểu trong khối phò sinh. Cha cho biết tổng giáo phận thông cảm và hiểu biết những khó khăn của họ như việc phải làm sao trình bày các vấn đề đức tin trong khuôn khổ của một nghị trường không phải ai cũng chia sẻ niềm tin của mình và trong một khuôn khổ hạn chế về thời gian được ấn định bởi các nghị trình thảo luận.

Cha Parkingson đưa ra lời khuyên rằng trong xã hội con người có khả năng tri thức khác biệt nhau. Để lập trường Giáo Hội được sáng tỏ chúng ta cần tìm kiếm những cách thế giải thích đơn giản và cần nhất là kiên trì lập đi lập lại cách giải thích của mình.

Một nhận xét của cha Parkingson để lại trong lòng người một nỗi xúc động. Cha nói: “Trong xã hội có nhiều người sợ phải chết trong đau khổ. Đau khổ nói theo nghĩa rộng gồm cả những đau đớn thể xác và tâm hồn, chẳng hạn như không muốn cuộc sống của mình phải lệ thuộc vào người khác, không muốn trở thành gánh nặng của họ. Giáo Hội của Đức Kitô hiểu rõ và trắc ẩn trước những đau khổ này. Tất cả chúng ta đây cũng phải hiểu rõ và trắc ẩn trước những đau khổ này. Trong khi chúng ta kiên trì trình bày quan điểm đạo đức phù hợp với đức tin và lương tâm Công Giáo, chúng ta đã và đang có những hành động cụ thể chăm sóc y tế và tinh thần cho những người đó”.

Buổi lễ ra mắt đã thành công tốt đẹp và có thể nói là đánh dấu một bước tiến nữa trong sự hội nhập của người Việt nói chung và của người Công Giáo Việt Nam nói riêng vào xã hội Úc.

Trong phần tiệc trà, tiến sĩ Graham Jacobs, dân biểu Quốc Hội Úc nhận xét với chúng tôi rằng ông có ấn tượng mạnh mẽ về sức năng động và khả năng của người Việt trong nhiều lãnh vực khác nhau. Đặc biệt, lòng đạo đức và ý chí tiến thủ của người Công Giáo Việt trong địa phương của ông.