Đại Hội Hành hương Lộ Đức của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, kỷ niệm 30 năm hành trình đức tin 1976-2006

từ 03 đến 07/08/2006

Sinh hoạt ngày Chủ Nhật 06/08/06 tại Lộ Đức của các cộng đoàn CGVN tại Pháp

Với chủ đề là Dâng Các Cộng Đoàn cho Mẹ Maria, bốn hoạt động chính đã được đề nghị cho toàn thể các khách hành hương, trưởng thành cũng như giới trẻ :

-Thánh lễ quốc tế

-Dâng các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam cho Mẹ Maria

-Học hỏi trao đổi

-Và đêm văn nghệ « Văn Hoá và Đức Tin ».

1. Thánh lễ quốc tế

Các cộng đoàn CGVN rước kiệu Đức Mẹ tại Lộ Đức
Cả buổi sáng chủ nhật hôm nay được dành cho thánh lễ quốc tế. Tất cả các cộng đoàn hiện diện tại Lộ Đức hôm nay ước chừng khoảng 50 000 người hành hương, mà đông nhất là các cộng đoàn Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ái Nhĩ Lan, Đức, Sri Lanka và Việt Nam. Tát cả đều tập trung trong Vương Cung Thánh Đường thánh Piô X. Đây là một công trình vĩ đại về kỹ thuật xây cất. Hoàn tất do công ty Campenon Bernard với chiều dài 200 mét, chiều ngang 80 mét và chiều cao 10 mét, Vương cung thánh đường Piô X nằm dưới hầm đất, trên trải thảm cỏ, rất thích hợp với môi trường thiên nhiên. Đức Hồng Y Roncalli, sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã cắt băng khánh thành Vương Cung Thánh Đường vào năm 1958 để kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiên ra tại Lộ Đức với Bernadette. Các Cộng đoàn Việt Nam, với bảng hiệu tên của 47 cộng đoàn, tất cả 600 người đều quàng khăn xanh quanh cổ. Quả là một lực lượng hùng hậu.

2. Dâng các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam cho Mẹ Maria

Từ 14 giờ, lũ lượt đoàn tín hữu Việt Nam qua cầu, kéo về phía bên kia Hang Đá, trên một đồng cỏ mênh mông, quanh lều vải trắng. Đúng 14 giờ 30 nghi lễ « Dâng các Cộng Đoàn cho Mẹ Maria » bắt đầu.

Mỗi cộng đoàn có 2 đại diện và một cây nến cao 1 mét. Trên thềm lều, các đại diện đứng trước, các tuyên úy và tu sĩ đứng sau, các giáo hữu khác đứng vây chung quanh. Đức Ông Mai Đức Vinh làm chủ sự, Cha Vũ Mộng Thơ diều hợp. Lần lượt bốn lời nguyện đã được dâng lên Mẹ Maria :

Thuyết trình đoàn
Lời nguyện của cộng đồng dân Chúa,

Lời nguyện của các đại diện các cộng đoàn,

Lời nguyện của các tuyên úy,

Lời nguyện của các tu sĩ.

Sau đó, Đức Ông chủ sự làm phép nến và dâng lời nguyện kết thúc. Ngài mời các tín hữu cùng ngài đi đến Hang Đá dâng nến và dâng cộng đoàn mình cho Đức Mẹ.

3. Học hỏi trao đổi

Ba đề tài đã được Tuyên Úy Đoàn đề nghị với Các Cộng đoàn để học tập và trao đổi, trong dịp hành hương Lộ Đức từ 03 đến 07 tháng 8 năm 2006, trong hai ngày : thứ sáu vừa qua và chủ nhật hôm nay. Mỗi người có thể nghe hai bài thuyết trình.

Trình bày đề tài thứ nhất « Hiện tình các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp », Linh mục Hà Quang Minh, Đại diện Tuyên Úy Đoàn đã dẫn khán thính giả qua năm tiết mục :

1. Một cái nhìn tổng quát cho thấy số các Cộng đoàn đã tăng nhiều trong 30 năm qua. Năm 1978 có 18 cộng đoàn. Đến 2006, con số các cộng đoàn là 47, như vậy, từ 1976 đến 2006, 29 cộng đoàn mới đã được tổ chúc. Cộng đoàn là « một nhóm tín hữu, vì nhu cầu hay hoàn cảnh đặc biệt, qui tụ lại với mục đích cùng nhau đọc kinh, tham dự thánh lễ, tổ chức một vài sinh hoạt có tính cách tập thể và được giáo quyền địa phương biết đến hoặc nhìn nhận chính thức ».

Các cộng đoàn CGVN taị cuộc hành hương Lộ Đức năm 2006

3. Nhu cầu mục vụ cũng biến đổi nhiều. Vào những năm 70-80, nhu cầu là công tác xã hội, làm mục vụ bằng tiếng việt với giáo dân. Nhu cầu hiện nay là các vấn đề hôn nhân và gia đình, vấn đề thờ ơ của giới trẻ đối với cộng đoàn, giáo hội và đức tin và vấn đề của các người già cả bị cô đơn, không được con cái thăm viếng, nâng đỡ.

Không kể sinh hoạt sầm uất của Giáo Xứ Paris, các cộng đoàn địa phương thường sinh hoạt chung quanh những lãnh vực sau : gặp nhau xem lễ hàng tháng, hoặc các dịp lễ trọng, tham dự các khoá huấn luyện mục vụ trưởng thành hoặc các sinh hoạt mục vụ giới trẻ, một vài nơi có sinh hoạt báo chí.

5. Nhìn về tương lai, ba điểm đang được các cộng đoàn quan tâm : Ơn gọi tín hữu, đào tạo cán bộ mục vụ và tổ chức các hội đoàn công giáo tiến hành.

Đề tài thứ hai đã được Giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh trình bày : « Sứ mệnh truyền giáo của người giáo dân ».

Dàn sứ mệnh truyền giáo của giáo dân trong bối cảnh của 2 sắc lệnh « Tông đồ giáo dân », (18.11.1965)« Đến với muôn dân » (07.12.1965) và tông huấn « Người tín hữu giáo dân » (30.12.1988), giáo sư Minh Khánh đặt 5 vấn đề và gợi ý giải quyết :

Tại sao phải truyền giáo ?

Truyền giáo cách nào ?

Truyền giáo để làm gì ?

Truyền giáo cho ai ?

Và khởi sự từ đâu ?

GS. Tạ Thanh Minh Khánh
Để kết thúc, Giáo sư Minh Khánh lặp lại những lời động viên tâm huyết của các vị đã hướng dẫn bà cách nay hơn nửa thế kỷ :

« Nguyện đem hết tuổi xanh đắp bồi

Từ Nam chí Bắc cho đất Việt mọi người sống vui

Trước xã hội lầm than sẵn sàng chung tay thi Bác Ái Công Bằng

Nữ nhi dẫu thân dòn mỏng

Vinh hoa thói đời quyết chẳng vấn vương

Nguyền đồng lòng đắp xây nền luân lý Việt Nam

Nguyền đồng lòng theo chân lý Phúc Âm vững vàng,… »

(Đoàn ca Thiếu Nữ Công Giáo VN – Nhà thờ Đức Bà Sàigòn)

Vì tha thiết với nước Chúa,

Quyết một lòng ngày mai ta ra đi vãi gieo Phúc Âm

Cho mọi người mọi nơi biết sống đời Cậy, Mến, Kính Tin,..

Cho sơn hà gặt lấy giống đạo màu thơm ngát vui mừng.

(Bài ca khoá huấn luyện Quản Giáo Thiếu Nhi Thánh Thể của LM Thanh Ngã)

Thuyết trình viên LM. Hà Văn Quang Minh
Đề tài thứ ba đã được Giáo Su Trần Văn Cảnh trình bày : « Những thách đố trong đời sống đúc tin ».

Phân biệt ba loại thách đố : thử đức, thách lòng và đọ trí, giáo sư Cảnh đưa ra sáu nguy hiểm mà tín hữu có thể bị bại : chối Chúa như Phêrô, bán Chúa như Giuđa, té xuống hố sâu dục vọng, để cho hôn nhân và gia đình bị xâu xé, mất bản lãnh việt nam công giáo, thiếu hoà đồng để mở ra với môi trường xã hội chung quanh. Từ đó ông đặt sáu vấn nạn và gợi ý giải quyết :

Làm sao đủ dũng mãnh để vẫn trung thành mà không vấp ngã chối Chúa trước những núi cao « lăng nhục, hoạn nạn, đe doạ, bắt bớ, tra tấn » vì đức tin trong cuộc đời ?

Làm sao đủ kiên cường để thờ kính mà không bị cuốn lôi vào việc bán Chúa trước những sông sâu « khinh khi, thoá mạ, đe dọa, hoặc những vuốt ve, quyến dũ, lôi cuốn của lợi lộc, danh vọng, chức quyền » trên dòng đời ?

Làm sao cho lòng tin cậy mến cao và mạnh đủ để vẫn giữ được tâm hồn ổn định, yên tĩnh và an bình mà không bị lôi đẩy té xuống hố sâu dục vọng ?

Làm sao xây luỹ Gia Đình cho vững mạnh trong văn hoá tình yêu của Chúa ?

Làm sao dựng thành Bản Thân cho kiên cố, để mình vẫn là mình, vàng da văn hoá Việt Nam và đỏ máu đức tin công giáo ?

Thuyết trình viên: GS. Trần Văn Cảnh
Làm sao kiến quốc Hoà Đồng mà mở ra với mọi người để hội nhập tôn giáo, hội nhập văn hoá mà giơ cao Đèn Tình Yêu để chiếu sáng vào môi trường mình sống, cho những người mình gặp, bất kể là đồng hương hay không ?

Rồi trong phần trao đổi, có người đã xin đặt thêm năm vấn đề và xin thuyết trình viên giúp tìm giải đáp :

Đức tin là gì ?

Nhờ đâu và làm sao mà nhiều tín hữu vẫn vững mạnh tin vào Chúa ?

Làm sao để đức tin không bị lỏng lẻo, nhất là nơi người trẻ ?

Làm sao để lấy lại đức tin khi đã bị mất ?

Làm sao truyền bá đức tin (dẫu còn tin mạnh, tin lỏng lẻo hay không còn tin) ?

Để kết thúc, giáo sư Cảnh xin Đức Ông Mai Đức Vinh cho cử tọa một định nghĩa về Đức Tin. Ngài trả lời : « Đức tin là đón nhận ý Chúa và giáo huấn của Ngài một cách vô điều kiện và với lòng yêu mến ».

4. Và đêm văn nghệ « Văn Hoá và Đức Tin » và Lên đường

Kết thúc cuộc hành hương và ba ngày gặp gỡ là đêm văn nghệ. Với chủ đề « Văn Hoá & Đức Tin », 17 tiết mục văn nghệ đã được các bạn trẻ chuẩn bị và thực hiện để cống hiến các tín hữu Việt Nam. Có ca hát, có kịch vui, có nhạc, có chuyện vui,.. Các tu sĩ cũng đã đóng góp một phần quan trọng.

Khởi đầu từ 20 giờ, đêm văn nghệ đã kết thúc vào khoảng 24 giờ. Ai về khách sạn nấy. Ngủ một giấc an lành, rồi ngày mai sáng sớm LÊN ĐƯỜNG, ai về nhà nấy.

Kết thúc cuộc hành hương, có lẽ lời nhắn nhủ của cha Hà Quang Minh, Đại Diện Tuyên Úy Đoàn, vẫn sẽ vọng mãi trong tâm tư mỗi người :

« Cuộc hành trình 30 năm Đức Tin không chỉ vỏn vẹn là một ngày sinh nhật của các cộng đoàn. Nó còn là một cơ hội LÊN ĐƯỜNG.

Thực vậy, nếu chỉ « ôn cổ » mà không « tri tân », thì chuyến đi Lộ Đức sẽ mất đi 50% ý nghĩa của nó. Chúng ta sẽ làm gì trong những tháng năm sắp tới ? Sẽ sống thế nào với cộng đoàn chúng ta, với những anh em Kitô hữu tại Giáo Hội địa phương ? Chúng ta sẽ có những chương trình mục vụ nào cho giới trẻ ?

Rước kiệu tại sân nhà thờ Lộ Đức
Vẫn biết rằng chúng ta không nắm chắc được tương lai nhưng ít ra có thể chuẩn bị cho tương lai. Có những dấu chỉ cho thấy nhu cầu xã hội, văn hoá, tôn giáo của cộng đoàn người Việt đã thay đổi sau 30 năm hiện diện trên đất Pháp. Có những phong trào xã hội hiện đại đang đối chọi với nền luân lý cổ truyền. Có những con số minh chứng sự lãnh đạm thờ ơ với cộng đoàn. Trước hoàn cảnh trên, người tín hữu Việt Nam sẽ có những phản ứng gì ?Nhiệm vụ tiếp tục sứ mệnh truyền giáo sẽ do ai đảm nhận ?

Lên đường là cùng đứng dậy, trong tình hiệp thông, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm truyền giáo. Ý thức mình đã lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta cùng nhau sống ơn gọi thanh tẩy. Lời vị linh mục nhắn nhủ trong nghi thức rửa tội cần được chúng ta suy gẫm : « Con mãi mãi là chi thể Đức Kitô, là tư tế, tiên tri và vương đế ». Ba ơn gọi đó là ba nguòn ân sủng giúp chúng ta phát triển đời sống người Kitô hữu, tham gia trách nhiệm sống đạo và truyền đạo bên cạnh các linh mục, tu sĩ nam nữ, các vị tuyên úy.

Ước gì cuộc hành hương « Ba mươi năm hành trình đức tin » năm nay sẽ giúp mỗi người chúng ta thêm nghị lực, thêm sức mạnh, thêm ý chí truyền giáo, thêm tình đoàn kết. Có được như vậy, chuyến đi về đền Mẹ mới có ý nghĩa như lòng mong muốn.

Xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho 47 cộng đoàn Việt Nam chúng con và cho Tuyên Úy Đoàn trong cuộc hành trình hướng về tương lai của Giáo Hội. »