Vatican Lo Lắng Về Các Quốc Gia Hồi Giáo

Cuộc Nói Chuyện Thẳng Thắng Về Những Vấn Nạn Mà Những Người Kitô Giáo Đang Diện Đối

VATICAN CITY (Zenit.org).- Việc những người Kitô Giáo bị hành quyết tại các quốc gia Hồi Giáo hầu như trở thành bản tin hằng ngày, điều này khiến cho Vaticăn phải lo ngại.

Phải chăng đây là sự đe dọa Hồi Giáo
Vào ngày 17 tháng 5 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Giovanni Lajolo, thư ký đặc trách các mối quan hệ với các quốc gia tại Bộ Ngoại Giáo Vaticăn, đã nói với các tham dự viên trong phiên họp chung của Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Những Người Di Dân và Du Mục. Chủ đề của của hội thảo diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 5 là về vấn đề di dân và các quốc gia Hồi Giáo.

Sau khi bàn về các vấn đề có liên quan đến di dân, Đức Tổng Giám mục Lajolo, vị giữ chức tương đương với chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao của Tòa Thánh, đã đề cập về Hồi Giáo. Ngài lưu ý rằng: yếu tố đức tin càng ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các cuộc thảo luận về vấn đề di dân.

Trước tiên Ngài đề cập đến vấn đề di dân từ các quốc gia Hồi Giáo. Ngài cho biết rằng: Tòa Thánh vẫn thường bảo vệ cho những người di dân, nhất là việc họ có thể tự do theo đuổi những tín ngưỡng tôn giáo của riêng họ. Sự tự do này gồm có việc có thể thực hành tôn giáo, hoặc thậm chí có thể thay đổi đức tin. Về phần những người di dân, họ cũng nên tôn trọng các luật lệ và các giá trị của xã hội mà họ hiện đang sống, bao gồm luôn cả những giá trị tôn giáo địa phương.

Hướng về chính thái độ của các quốc gia Hồi Giáo, Đức Tổng Giám Mục Lajolo cảnh cáo rằng chúng ta không phải diện đối với một tình huống đồng nhất hóa, nhưng là với tôn giáo vốn bao gồm nhiều bộ mặt, nhiều chiều kích khác nhau. Tuy nhiên, hiện đang có một khuynh hướng đối với những chính phủ Hồi Giáo này trong việc cổ võ cho những quy chuẩn và lối sống theo kiểu Hồi Giáo cực đoan tại các quốc gia khác. Ngài nêu ra đích danh cụ thể là những áp lực đến từ các nhóm thuộc Ả Rập Saudi và Irăn.

Tại Châu Á mãi cho đến gần đây, những người Hồi Giáo và không Hồi Giáo đều sống an bình với nhau. Thế nhưng, trong vài năm qua, những nhóm cực đoan đã phát triển dần lên và những cộng đồng tôn giáo gốc thiểu số trở thành nạn nhân của sự bạo động. Đức Tổng Giám mục cũng bày tỏ quan ngại về sự bành trướng của Hồi Giáo tại Phi Châu, và ở một cấp độ nhỏ hơn là tại Châu Âu.

Những vấn nạn được áp đặt ra bởi sự cực đoan hóa Hồi Giáo bao gồm từ việc những người Kitô Giáo bị chủ quan xét xử thiếu công bằng bởi các tòa án Hồi Giáo, cho đến việc mất đi sự tự do để xây dựng những nơi phụng tự và những trở ngại cho việc thực hành đức tin.

Vị đại diện của Vaticăn chỉ trích những quốc gia Hồi Giáo trong việc cố tình làm ngơ đến khái niệm về sự tương trợ lẫn nhau, vốn vẫn thường thấy trong các mối quan hệ giữa các quốc gia, khi đức tin là những vấn đề đang quan tâm. Ngài lưu ý rằng các quốc gia Hồi Giáo đòi hỏi những quyền về tôn giáo cho những công dân của họ khi những người này di cư đến các quốc gia khác, thế nhưng lại cố tình làm ngơ về nguyên tắc này đối với những người di dân không phải là Hồi Giáo hiện đang có mặt tại chính mảnh đất riêng của họ.

Thế Giáo Hội cần phải làm gì để diện đối với những khó khăn này? Đức Tổng Giám Mục Lajolo phát thảo ra một số đề nghị sau:

(1) Diện đối với Hồi Giáo, Giáo Hội được kêu gọi để sống đúng với danh xưng trọn vẹn của mình, mà không phải thụt lùi, thẳng thắng và can đảm để xác nhận về danh xưng Kitô Giáo. Ngài cảnh cáo rằng: những người Hồi Giáo cực đoan lợi dụng những điểm yếu của Kitô Giáo để biến chúng thành điểm mạnh của họ.

(2) Chúng ta nên có một cuộc đối thoại công khai, cho dù ở cấp các quốc gia riêng lẻ hay trong phạm vi của Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức khác.

(3) Một vấn đề còn tồn đọng trong việc đối phó với những quốc gia Hồi Giáo chính là việc thiếu đi sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước. Một phần của cuộc đối thoại với Đạo Hồi và với các nhà lãnh đạo chính trị nên nhắm vào việc giúp đỡ để triển khai một sự tách biệt rõ ràng giữa hai chiều kích này.

(4) Một điểm cụ thể hết sức nhạy cảm chính là việc phải tôn trọng những người thuộc gốc thiểu số, và tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là những quyền về tôn giáo. Tòa Thánh sẽ tiếp tục nói về những điều này tại các cuộc gặp gỡ quốc tế về nhân quyền cho những người di dân.

Về phần mình, các cộng đồng quốc tế nên đảm bảo rằng những tổ chức nhân đạo không nên làm áp lực quá đáng đối với những nước nhận viện trợ để bắt họ thay đổi tôn giáo.

(5) Tòa Thánh sẽ tiếp tục công bố sự chống đối thẳng thừng của Tòa Thánh với tất cả mọi nổ lực hòng khai thác, bóc lột tôn giáo bằng cách sử dụng nó như là cái cớ để lý giải cho nạn khủng bố và bạo động.

(6) Việc bảo vệ những người Kitô Giáo tại các quốc gia Hồi Giáo là điều cực kỳ khó khăn tại những vùng từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Đông. Cần phải tìm ra những giải pháp cho những người Kitô Giáo trốn khỏi nơi di trú của họ trong việc kiếm tìm sự an toàn.

(7) Những người Hồi Giáo nào sống tại các quốc gia mà người Kitô Giáo chiếm đa số nên được có cơ hội để hội nhập vào các quốc gia đó.

(8) Giới truyền thông Công Giáo có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục những người Kitô Giáo, kể cả những người Kitô Giáo nào sống tại các quốc gia Hồi Giáo.

(9) Giáo triều Rôma cùng với các Hội Đồng Giám Mục và các giáo hội tại địa phương cần phải cộng tác chặt chẽ với nhau trong những vấn đề này, gồm cả việc nghĩ ra cách để lan truyền Phúc Âm trong thế giới Hồi Giáo. Đây chính là nghĩa vụ và quyền lợi của chúng ta, và đó cũng chính là lời kết của Đức Tổng Giám Mục Lajolo.

Các mối quan hệ giữa Công Giáo và Hồi Giáo vừa mới đây cũng được kiểm nghiệm một cách rõ ràng bởi Đức Hồng Y Cormac Murphy-O’Conor.

Trong bài diễn văn đọc tại Trung Tâm Oxford về Nghiên Cứu Hồi Giáo vào ngày 16 tháng 5 vừa qua, vị Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Wesminster nói: “Sự hiểu biết lẫn nhau của chúng ta rất là quan trọng cho sự hòa bình và tiến bộ của nhân loại trên khắp thế giới, ít ra là trong thời đại ngày nay khi mà sự toàn cầu hóa và tình trạng di cư khổng lồ đã đặt những người Kitô Giáo và Hồi Giáo gần gũi với nhau hơn, như là những bà con hàng xóm láng giềng tại các thị trấn và thành phố của Châu Âu.”

Việc đối thoại giữa hai tôn giáo phải phối hợp cả về sự nhận thức mà cả hai tôn giáo đều có những điểm chung - và điều sâu sắc của từng tôn giáo một.

Đức Hồng Y nói tiếp: “Những người Công Giáo, để trở thành những đối tác hữu hiệu trong cuộc đối thoại đại kết, phải trước tiên hiểu thấu được nền tảng và tình yêu của Đạo Công Giáo, và tôi cũng ngờ vực rằng đối với những người Hồi Giáo nào cũng vậy.”

Thế nhưng trở ngại chính cho cuộc đối thoại này “chính là sự thất bại, tại một số quốc gia Hồi Giáo, trong việc tuân giữ lấy nguyên tắc căn bản của sự tự do tôn giáo.”

Đức Hồng Y nói tiếp: “Nếu điều quan trọng là những người Hồi Giáo có thể thờ phượng một cách tự do tại Oxford hay tại Luân Đôn, thì đó cũng là điều quan trọng tương tự đối với những người Kitô Giáo, vì họ cũng muốn được tự do thờ phượng tại Riyadh hay Kabul.”

Đức Hồng Y Murphy-O’Connor cũng kêu gọi những người Hồi Giáo sống tại Anh Quốc hãy lên tiếng bênh vực khi thấy những người Kitô Giáo bị từ chối các quyền cơ bản của họ tại các quốc gia Hồi Giáo. Ngài biện luận rằng: “Ở những nơi nào mà những quyền lợi về tôn giáo của những người gốc thiểu số bị xem thường vì danh nghĩa của Đạo Hồi, thì tại nơi đó trên thế giới, gương mặt của Hồi Giáo cũng bị biến dạng đi.”

Sau đó, Đức Hồng Y phân biệt một cách rõ ràng hơn nữa giữa một “tôn giáo vòng xoắn” đó là cách dùng để lý giải cho sự thù ghét và bạo động, và một tôn giáo thật sự. Ngài giải thích rằng: tôn giáo thật sự là tôn giáo giúp cho người ta được chữa lành, được vinh dự và được thanh bạch.

Một vị Hồng Y có tiếng khác cũng vừa mới bày tỏ những quan ngại của Ngài gần đây có liên quan đến Hồi Giáo. Đức Hồng Y George Pell của Tổng Giáo Phận Sydney, đã nói về chủ đề “Những Nền Dân Chủ Hồi Giáo và Tây Phương” (Islam and Western Democracies) tại cuộc hội thảo do tổ chức Legatus tổ chức tại thành phố Naples thuộc tiểu bang Florida vào ngày 2 tháng 2 năm 2006 vừa qua.

Mặc dầu bài diễn văn của Ngài được đọc ra vào ngày 2 tháng 2 vừa qua, thế nhưng nó chỉ vừa mới được cho phổ biến trên trang Web của Tổng Giáo Phận Sydney. Về khía cạnh tích cực, Đức Hồng Y Pell lưu ý về những điểm chung có được giữa những người Kitô Giáo và Hồi Giáo, và Ngài lưu ý về sự đa dạng qua việc tín ngưỡng Hồi Giáo được diễn dịch và sống như thế nào trong hiện thực.

Về mặt bi quan, Đức Hồng Y quan sát rằng Kinh Koran chứa đựng những lời khiêu khích bạo động. Hơn nữa, những người Hồi Giáo tin rằng Kinh Koran là đến trực tiếp từ Thiên Chúa. Điều này khiến cho Kinh Koran khó mà có thể nhận được một sự phản ánh và phân tích một cách sâu sắc và quan trọng nơi những người Kitô Giáo so với cuốn Thánh Kinh. Theo Đức Tổng Giám Mục Sydney, điều cần thiết chính là cuộc đối thaọi giữa những người Kitô Giáo và những người Hồi Giáo.

Đức Thánh Cha vào ngày 15 tháng 5 vừa qua cũng đã nói chuyện với tất cả các tham dự viên quy tụ tại Rôma trong kỳ họp chung của Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Những Người Di Dân và Du Mục.

Liên quan đến Hồi Giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 quan sát rằng trong những giai đoạn này, những người Kitô Giáo được mời gọi để thực hiện việc đối thoại, mà không để cho căn tính của mình bị mất đi.

Đức Thánh Cha làm sáng tỏ rằng tiến trình này đòi hỏi sự nhân hượng lẫn nhau. Về phần mình, cộng đồng Kitô Giáo phải sống đúng với mệnh lệnh của tình yêu được Chúa Kitô giảng dạy, và tỏ bày lòng bác ái đến cho tất cả mọi người di dân, với hy vọng rằng những người Kitô Giáo hiện đang sống tại các quốc gia Hồi Giáo cũng được đón nhận một cách chu đáo tương tự, và nhận được sự tôn trọng về căn tính tôn giáo.

Sự nhân nhượng trông có vẽ như đang dần tăng lên trong tâm trí của Vaticăn khi vấn đề có liên quan tới những mối quan hệ với thế giới Hồi Giáo.