RUTENG, Indonesia (UCAN) -- Hai nhóm giới trẻ Công giáo kết luận rằng cần có các chương trình đào tạo tính cách dựa trên các giá trị Kitô giáo để chống lại các áp lực của "sự mãn nguyện ngay lập tức" và "nền văn hóa thay đổi nhanh" hiện nay.

Trong nửa cuối tháng 6, hai nhóm riêng biệt này đã tham dự các sự kiện khác biệt ở các vùng khác nhau trong nước nhưng lại đi đến những kết luận giống nhau.

Một nhóm khoảng 30 người Công giáo tuổi từ 22-32, tất cả đều là thành viên của một tổ chức cấp giáo xứ được gọi là Giới trẻ Công giáo (Mudika), đã tham dự một hội thảo về những ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Nhóm thanh niên này đã không hoạt động trong nhiều giáo xứ, nhưng các thành viên của Mudika đến từ 18 trong số 69 giáo xứ của giáo phận Ruteng đã tham dự cuộc hội thảo ở Ruteng, thủ phủ của quận Manggarai, cách Jakarta 1.510 kilômét về phía đông.

Nhóm thứ hai gồm 100 bạn trẻ Công giáo của giáo phận Purwokerto trên Đảo Java, đã tham dự hội trại thiêng liêng tại thánh địa Đức Mẹ Kaliori, phía nam Purwokerto ở Trung Java, cách Jakarta 270 kilômét về phía đông nam. Trong hội trại từ ngày 20-23/6, họ tìm hiểu về suy niệm và cầu nguyện, và thảo luận các vấn đề liên tôn trong xã hội.

Các tham dự viên ở Ruteng nhất trí cho rằng giới trẻ Công giáo trong giáo phận họ cần một chương trình xây dựng tính cách Kitô hữu để đối phó với những ảnh hưởng của toàn cầu hóa.

Cha Max Regus, chủ tịch Ủy ban Giới trẻ của Ruteng, ủy ban tổ chức hội thảo, nói với UCA News rằng toàn cầu hóa và công nghệ thúc đẩy tiêu cực tác động đến giới trẻ. Ngoài chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa khoái lạc, ngài viện dẫn "tính mãn nguyện ngay tức khắc" là một tác dụng phụ hoàn toàn không ai muốn.

Theo vị linh mục, tâm tính này nhanh chóng khám phá các vấn đề và nhu cầu, vì thế nó "có thể khiến người ta dính líu đến tham nhũng, cờ bạc, trộm cướp và các tệ nạn xã hội khác". Khi vị linh mục và các bạn trẻ Công giáo thảo luận các vấn đề này trong hội thảo, họ nhất trí về nhu cầu phát triển một chương trình xây dựng tính cách Kitô hữu trong việc mục vụ giới trẻ của Giáo hội địa phương.

Một chương trình như thế được mỗi giáo xứ thực hiện, sẽ giúp giới trẻ "nâng cao nhận thức làm sao để sống đời sống Kitô hữu tốt hơn, và đề cao giá trị của việc lao động tích cực và tính kiên nhẫn. Cha Regus lưu ý rằng các tham dự viên còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy hiệp nhất và đoàn kết với nhau nhằm sống đức tin tốt hơn.

Vị linh mục người Florina cho biết, các bạn trẻ Công giáo còn lo lắng về tình trạng suy thoái môi trường, cũng như tham nhũng lộ liễu, nghèo đói và suy thoái đạo đức xã hội. Họ còn nói thẳng là Giáo hội hoàn toàn không có phản ứng nhanh trước sự bất công, và người Công giáo thuộc thế hệ của họ dường như đang trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin và đạo đức.

Ngoài nhu cầu phát triển tính cách Kitô hữu và tình đoàn kết, vị linh mục cho biết các tham dự viên đã đi đến chỗ nhận ra rằng giới trẻ hôm nay sống cuộc sống tương đối thoải mái so với các thế hệ trước. Họ không cần chịu nhiều "hy sinh hay những khó khăn to lớn", và việc này có ý nghĩa quan trọng bởi vì qua đó họ mất cơ hội "nếm mùi gian khổ để giành lấy một điều gì đó".

Khi hội thảo thảo luận tầm quan trọng của đạo đức và tôn trọng sự sống, giới trẻ Công giáo nói rằng nhiều người đồng trang lứa với họ sống thử, quan hệ tình dục bừa bãi, nạo phá thai, sử dụng ma túy và hủy hoại môi trường.

Cha Regus nói, để bắt đầu thay đổi tất cả điều đó các tham dự viên cam kết "bắt đầu phục hồi Mudika trong từng giáo xứ của họ".

Hội trại thiêng liêng với sự tham dự của 100 bạn trẻ Công giáo của giáo phận Purwokerto, được tổ chức bởi các linh mục dòng Tận Hiến quản lý thánh địa nơi họ gặp nhau.

Trong Thánh lễ khai mạc, Đức cha dòng Tên Julius Sunarka của Purwokerto nhấn mạnh tầm quan trọng của suy niệm và cầu nguyện trong đời sống đức tin của giới trẻ. Ngài nói với họ, suy niệm 10-15 phút mỗi ngày có thể giúp người ta kiểm soát được những dục vọng thấp hèn như tính tham lam và dâm ô.

Hội trại thiêng liêng này còn giúp hưng phấn thể lý, cha Dominikus Pareta dòng Tận Hiến nói với UCA News. Bằng cách sống trong lều trại, "các trại viên học được cách không dễ bị nản chí", một điều khó mà có được trong tình trạng tâm lý của "nền văn hóa thay đổi nhanh" ngày nay.

Các bạn trẻ thảo luận các vấn đề như hôn nhân hỗn hợp, tại sao nữ sinh Hồi giáo tại trường công phải mặc jilbab (khăn trùm đầu chỉ thấy mặt) khi đi học vào các ngày thứ bảy, và tại sao sinh viên Kitô giáo tại trường công bị cấm đeo Thánh giá ở trường.

Các bạn trẻ còn đối thoại với các linh mục và tu sĩ về chủ đề ơn gọi, và tham dự buổi cầu nguyện Taize.

Firmatus Firman Laia, 21 tuổi, thuộc Nhà thờ Thánh Stêphanô của Cilacap, nói với UCA News rằng em vui mừng được tham dự hội trại bởi vì "hướng dẫn đức tin là điều mà em mong ước".