Việc truyền giảng Tin Mừng trong gia đình Việt Nam hôm nay



(Bài thuyết trình của Lm Lê Văn La Vinh, OP)

Như chúng ta vừa được nghe trong phần giới thiệu về Đại hội Gia đình thế giới, chủ đề cũng như tài liệu học tập mà Giáo hội muốn triển khai cho các gia đình qua kỳ Đại hội này. Cùng với Giáo hội toàn cầu trong ngày Đại hội Gia đình thế giới, đại diện cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận chúng ta hôm nay cùng quy tụ lại để cùng hiệp thông với ngày đại hội này để chia sẻ với nhau về những vấn đề liên quan đến gia đình và đặc biệt đối với việc CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CHO CON CÁI trong mỗi gia đình. Đây là chủ đề chính của ngày đại hội gia đình thế giới và cũng là chủ đề chính trong ngày hội gia đình của giáo phận chúng ta.

Riêng phần tôi, trong phần thuyết trình sáng hôm nay với đề tài: THỬ NHẬN DIỆN VỀ VIỆC TRUYỀN GIẢNG ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH KITÔ HÔM NAY. Để một khi đã nhận diện được sự cần thiết, cấp bách cũng như những khó khăn cụ thể trong đời sống của gia đình hôm nay, chúng ta mới có những phương cách thích hợp để giúp nhau thực hiện việc chuyển giao đức tin cho con cái của mình. Phần trình bày này được chia làm III phần với phần thứ I là cùng trở về nguồn để tìm lại những nền tảng căn bản của đời sống và gia đình Kitô giáo. Trên cơ sở này, chúng ta cùng tìm hiểu thực trạng và những thách đố của gia đình hôm nay (Phần II); và cuối cùng là việc thử đề ra một vài phương cách khả thi để mời gọi mọi người, mọi gia đình chúng ta cùng nhau áp dụng để mang lại hiệu quả tốt cho việc chuyển giao đức tin cho con cái mà các bậc cha mẹ có bổn phận thực hiện trong đời sống gia đình của mình

1. Nền tảng căn bản của gia đình theo nhãn quan Kitô giáo.

Khái niệm gia đình ngày hôm nay thường được nhiều người hiểu là một cộng đoàn bao gồm cha mẹ và con cái họp thành một cộng đồng yêu thương. Nói cách khác, gia đình là một cộng đoàn mà trong đó hai người nam nữ yêu thương nhau và hoa trái của tình yêu thương đó là chính những người con của mình. Nơi gia đình, mỗi người con được được thừa hưởng và đón nhận một tình yêu thương và giáo dục của cha mẹ để trở thành một con người phát triển đầy đủ. Và như vậy, nói theo kiểu nói của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thì gia đình kết thành một cộng đoàn sự sống và tình yêu (1).

Trong chúng ta ai ai cũng biết gia đình là tế bào đầu tiên đồng thời cũng là nền tảng của xã hội cũng như Giáo hội. Nơi gia đình Kitô giáo, qua bí tích hôn nhân, mọi người được củng cố và được thánh hiến bằng một bí tích riêng. Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ (2).

Gia đình không chỉ là một tế bào sống động của xã hội, nhưng gia đình còn là một Giáo hội thu nhỏ hay một Giáo hội tại gia (3). Gia đình thể hiện đời sống Giáo hội ngay trong mái ấm của mình, nơi đó đời sống phụng vụ được thể hiện qua việc cha mẹ cùng con cái đọc kinh chung với nhau; Và nhờ ân sủng của Bí tích Hôn phối, vợ chồng giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái nên thánh (4).

Thêm vào đó, gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng Giáo hội. Đó là góp phần vào việc truyền giảng Tin Mừng của Chúa Kitô. Ở điểm này, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, đức Phao lô VI nói rõ về bổn phận phải truyền giảng Tin Mừng trong mỗi gia đình như sau: “Cũng như Giáo hội, gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan toả ra. Vậy trong một gia đình ý thức về sứ mạng này, mọi phần tử gia đình đều Phúc âm hóa và được Tin Mừng hoá. Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc tứ phía con cái” (5). Và cụ thể hơn Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trong Tông Huấn về Gia đình số 60 đã đề cập đến vai trò của cha mẹ và đặc biệt nhắc nhở họ trong việc truyền giảng đức tin cho con cái để dần dần đưa con em mình khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và có thể đối thoại cá nhân với Ngài. Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục đức tin và việc cầu nguyện: chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái, và để lại đó những dấu vết mà các biến cố cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhoà được.

Trong buổi triều yết chung tại giáo triều Rôma vào ngày 11.8.1976, đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã ngõ lời với các cha mẹ như sau: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu: xưng tội, rước lễ, thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không? Còn anh em hỡi nhưng người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sáng của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nghiệm chung quả là một bài học sống, nhờ hành vi thờ phương đáng tuyên dương. Như thế anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em; “bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em xây dựng Giáo hội” (6).

2. Tìm hiểu một chút về hiện trạng gia đình hôm nay:

Được sống trong bầu khí lễ giáo của người Á Đông, và nhất là những gia đình được sống trong sự bao bọc của làng quê, của gia tộc nơi những vùng nông thôn nước Việt; chúng ta thấy là hầu hết các gia đình Việt Nam đều sống trong sự yêu thương, đùm bọc, ổn định. Và những đức tính này này càng được biểu hiện rõ hơn nơi các gia đình Công giáo nhờ mối dây liên kết của Bí tích Hôn nhân. Thế nhưng, cuộc đời cũng như xã hội là một dòng chảy sống động và biến đổi không ngừng. Điều này đã ảnh hưởng một phần không nhỏ trong những suy nghĩ, cách sống và nhịp độ sinh hoạt của các gia đình và phần nào làm cho nền tảng và ý nghĩa ban đầu của khái niệm về hôn nhân và gia đình trong một số bộ phận của cộng đồng dân cư có nhiều sự biến đổi

2.1 Do tác động của đời sống xã hội - nhất là tại các thành phố lớn như Sài Gòn đây - đời sống hôn nhân và gia đình ngày hôm nay đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách đố, mà trong đó nguy hiểm đầu tiên mà người ta có thể thấy là tình trạng mong manh, không bề vững vì chính “những người trong cuộc” đã hiểu sai lệch đi ý nghĩa và bản chất của đời sống hôn nhân và gia đình được biểu hiện qua việc việc tự do luyến ái giữa nam nữ cũng như tình trạng sống chung, sống thử trước hôn nhân ngày càng phổ biến. Thêm vào đó quan niệm về sự trinh tiết, thuỷ chung ngày nay đã được nhiều bạn trẻ nhân danh tự do biến thành trào lưu của sự phóng túng. Điều này được biểu hiện rõ ràng qua con số những vụ phá thai gia tăng đến mức kinh khủng và số vụ ly hôn cứ ngày một tăng trong các cặp vợ chồng. Hơn nữa, trên bình diện kinh tế và xã hội, khi kinh tế thay đổi và nhu cầu về một đời sống chất lượng hơn được hình thành trong đời sống của cộng đồng dân cư thì việc chuyển đổi chỗ ở hay phải đi xa để kiếm việc làm - mà Việt Nam ta gọi là tình trạng di dân - lại nảy sinh nhiều vấn để xã hội và điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống hôn nhân và gia đình mà trong đó những gia đình công giáo chúng ta cũng chịu một sức tác động khá lớn. Từ đó chúng ta thấy là việc giữ đạo, sống đạo xưa nay vốn không phải là điều dễ dàng gì đối với số đông các tín hữu công giáo, thì nay dưới tác động của yếu tố xã hội trong thời kỳ mới thì lại càng có nhiều điều khó khăn hơn.

Một khía cạnh nữa mà chúng ta cũng cần đề cập đến là chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân làm cho các thành viên trong gia đình mất dần sự gắn bó với nhau (7), cộng thêm nữa là công việc làm ăn cũng như điều kiện làm việc của mỗi người khác nhau trong một gia đình đã làm mất đi những cuộc gặp gỡ, những bữa cơm thân mật trong gia đình. Bầu khí gia đình hôm nay không còn nhiều điều kiện để vợ chồng con cái sum họp, chia sẻ như là một “trường học để phát triển nhân cách” của mỗi con người. Nhân đây cũng xin được trình bày tình trạng gia đình của một giáo khu ven đô Sài Gòn mà trong đó dân cư vùng này không phải là những tín hữu toàn tòng; và cũng không phải là nơi có nhiều giáo hữu thập phương qua lại. Đối tượng khảo sát là 65 gia đình công giáo, cho thấy có những vấn đề sau:

  • - 19 gia đình rối vì cha hoặc mẹ đi lấy người khác, hoặc con cái lấy chồng không theo đạo, không có phép chuẩn cũng không cưới xin theo luật đạo.
  • - 9 gia đình có một vài người theo đạo (hoặc cha hoặc mẹ hay một vài người con), còn những người kia thì không.
  • - 5 gia đình thuộc diện di dân, có cha hoặc mẹ đã rửa tội, nhưng khi đến đây lại lập gia đình thêm với ngưòi khác.
  • - 4 gia đình thuộc diện di cư đi nơi khác làm ăn, thỉnh thoảng hoặc ít khi trở về, đời sống đạo không dều đặn.
Trong số 19 gia đình thuộc diện số 1 nêu trên có 8 gia đình không bao giờ đi nhà thờ và sinh hoạt đạo đức; 8 gia đình còn lại chỉ có vài người đi nhà thờ và có tham gia sinh hoạt đạo đức. Từ những số liệu tổng hợp ở trên, tác giả cuộc khảo sát nhận định là phần lớn các gia đình có khó khăn về đời sống đạo đều do cha mẹ (phần lớn là do người cha) không quan tâm đến gia đình hay bỏ bê gia đình. Hoàn cảnh kinh tế làm tăng thêm điều kiện cho các gia đình lao vào cuộc sinh nhai mà quên đi bổn phận Kitô hữu của mình. Tác giả còn cho biết thêm là những gia đình được khảo sát tại khu vực này không có khó khăn về kinh tế. Chỉ có 4/65 gia đình phải đi làm thuê. Và như để kết luận, tác giả cuộc khảo sát viết thêm “ một xã hội thu nhỏ phản ánh một xã hội lớn đang phát triển”(8).

Vẫn biết rằng những con số của cuộc khảo sát trên đây không phản ánh đầy đủ và trọn vẹn bức tranh toàn cảnh của gia đình công giáo Việt Nam hôm nay; và cũng không thể coi đây là một khuôn mẫu điển hình. Nhưng nó cũng soi sáng cho chúng ta được một phần nào đó trong việc tìm hiểu tình trạng của gia đình Việt Nam hôm nay.

2.2 Những thách đố mà các gia đình công giáo hôm nay phải đối diện

Ngoài những nguyên nhân và hiện trạng chung mà các gia đình bị tác động, những gia đình ông giáo chúng ta còn phải đương đầu với một số thách thức khác mà nổi bật hơn cả là:

Trước nhất đó là việc các gia đình hôm nay phải đối diện với hiện tượng tục hóa. Hiện nay thế giới đang sống trong giai đoạn mà người ta đang thế tục hóa tất cả mọi giá trị trong xã hội và đang làm biến dạng ý nghĩa căn bản của gia đình. Người ta đặt các giá trị trần thế và đề cao các giá trị nhân bản cao hơn những ý niệm thiêng thánh. Giá trị của niềm tin tôn giáo, của tâm linh bị đặt xuống hàng thứ yếu trong cuộc sống hàng ngày. Với đời sống thực dụng, người ta đã làm đảo lộn mọi giá trị; cuộc sống tâm linh và các giá trị thiêng thánh dường như không còn chỗ đứng trong tâm thức của con người hôm nay. Hơn nữa, người ta hình như không còn biết phải giải quyết các vấn đề “đạo đức” như thế nào. Luân lý không còn là chỉ nam cho cuộc sống con người. Cứu cánh của cuộc sống hôm nay chính là hưởng thụ. Đạo đức bị chôn vùi dưới chiêu bài đề cao tự do cá nhân (9). Có một cha xứ thuật lại việc cha vừa được tiếp xúc với một bà mẹ qua điện thoại, và bà xin với cha là cho cậu con trai của bà được xưng tội rước lễ lần đầu. Bà cho biết là con của bà vừa lãnh được tấm bằng thạc sĩ và xin cha sắp xếp thuận lợi giờ học giáo lý bởi vì con bà hiện nay bận rộn lắm, không có tí thì giờ…

- Kế đến, hoàn cảnh xả hội hôm nay đã ảnh hưởng và gây những tác động không tốt đến sinh hoạt chung của gia đình làm cho các thành viên trong gia đình không có điều kiện để gặp gỡ, đối thoại và cảm thông trong đời sống thường ngày. Thiết nghĩ đây chính là điều căn bản nhất gây cản trở cho việc thực hiện sứ mạng căn bản của gia đình là yêu thương và chuyển thông sự sống (sự sống thể chất và sự sống tâm linh) trong mỗi gia đình. Cụ thể là việc xa cách thể lý giữa những thành viên trong gia đình do điều kiện kinh tế và công việc; hay là do sự cách biệt về nhận thức về những vấn đề xã hội và đạo đức giữa cha mẹ và con cái

- Một thách đố kế tiếp mà những gia đình công giáo hôm nay phải đối diện đó là sự mặc cảm tự ti trong cách suy nghĩ và nhận thức của người giáo dân trong việc dạy dỗ giáo lý và hướng dẫn tâm linh cho con cái. Làm cho họ nghĩ rằng việc “chuyển giao đức tin cho con cái” không thuộc thẩm quyền của mình. Hơn nữa phải kể đến một số không ít những bậc cha mẹ ỷ lại và nghĩ rằng đây là việc làm và bổn phận của các lớp giáo lý, của nhà thờ. Như đã nêu ở phần trên, thì bổn phận này không phải là những điều quá khó đối với các bậc cha mẹ, bởi lẽ đây chì là việc chuyển giao kinh nghiệm sống đạo và lương tâm Kitô giáo mà thôi

- Một khó khăn nữa mà chúng ta cũng cần nhận diện là cách chung người tín hữu Việt Nam chúng ta chỉ biết giữ đạo chứ không sống đạo, và việc thực hành những hành vi đạo đức đôi khi cũng được thực hành cách chiếu lệ, máy móc vụ luật… mà thiếu hẳn sinh khí và sự thăng hoa trong chính đời sống đạo đức hằng ngày thì thử hỏi với một đời sống đức tin như thế thì chúng ta lấy gì để mà chuyển giao cho con cái của mình? (10).

3. Giải pháp nào giúp cha mẹ có thể hoàn thành sứ mạng chuyển giao đức tin cho con cái

Trở lại chủ đề của ngày đại hội gia đình hôm nay là VIỆC CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CHO CON CÁI thì chúng ta thấy chủ thể ở đây là người cha và người mẹ trong gia đình. Gia đình, hay nói cách cụ thể hơn là chính cha mẹ, có trách nhiệm giáo dục con cái nên người (giáo dục nhân bản) và nên người Kitô hữu (giáo dục đức tin). Và như vậy, để xây dựng được một gia đình bình thường trong bối cảnh của xã hội hôm nay xem ra đã khó; thì việc chuyển giao đức tin cho con cái trong gia đình ngày hôm nay thật cả là một vấn đề!

- Trước hết, chúng ta thấy là chủ thể của hành động này (chuyển giao đức tin) là chính cha mẹ. Thì lẽ đương nhiên cha mẹ phải là những người có đạo đức, sống trọn lương tâm kitô giáo. Và như vậy, việc CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CHO CON CÁI có nghĩa là cha mẹ phải chuyển giao tất cả những hiểu biết, tình cảm, thực hành, tập quán, kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh cho con cái. Nói cách khác, chuyển giao đức tin có nghĩa là cha mẹ chuyển giao cho con cái lương tâm và kinh nghiệm sống đạo của chính mình.

Theo cách hiểu này, chúng ta có thể cùng nhau đề ra một số những biện pháp khả thi giúp cha mẹ có thể thực hiện được bổn phận này:

- Ngoài việc chuyển giao kinh nghiệm sống và lương tâm kitô giáo cho con, các bậc cha mẹ cần phải trau dồi thêm đức tin bằng cách lắng nghe và thực hành Lời Chúa để có thể sống đức tin một cách hiểu biết và tích cực.

- Đồng thời chính cha mẹ phải là những người có khả năng chuyển giao hay giáo dục Đức Tin, tức là biết dùng các phương thế phù hợp với từng giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách của con cái, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và giai đoạn sống để con cái có thể đón nhận và sống Đức Tin Kitô giáo(11).

- Có một điều cần phải nhắc lại ở đây là gia đình Kitô giáo phải là nơi mà mà mọi người quy tụ xung quanh Chúa Kitô. Hay nói cách khác là Chúa Kitô phải là trung tâm và là cùng đích của mọi gia đình Kitô giáo. Khi xác định được điều đó thì mọi thành viên trong gia đình, và nhất là những bậc cha mẹ phải tập cho mình có được kinh nghiệm sống với Chúa Kitô và để cho Chúa Kitô làm chủ cuộc đời của mình. (Ở đây, chúng ta thấy là vai trò của những việc thực hành đạo đức bình dân có tác động rất lớn để mọi người ý thức được sự hiện diện của Chúa Kitô trong gia đình của mình)

Một điều kiện không thể không nhắc đến trong việc giúp các cha mẹ thực hiện bổn phận này (chuyển giao đức tin) đó là mục vụ hôn nhân và gia đình, hay nói rõ hơn đó là sự quan tâm chăm sóc cho các gia đình của những người mục tử. Trước nhất là việc chuẩn bị cho những người sắp lập gia đình qua các lớp giáo lý hôn nhân: chương trình, giảng viên, và việc chăm sóc mục vụ sau hôn nhân cho các gia đình trẻ. Cần có những chương trình cụ thể như gặp mặt, thăm viếng, những hội thảo, những thánh lễ định kỳ cho các gia đình; đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và những gia đình tân tòng

Kết luận:

“Gia đình là một cộng đoàn sự sống và tình yêu” mà nơi đó con cái được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu. Và chính trong bầu khí yêu thương này, cha mẹ Kitô giáo phải chuyển giao chính nguồn sống đích thực cho con cái của mình đó là CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN CHO CON CÁI. Muốn được như vậy, chính cha mẹ phải có kinh nghiệm sống với Chúa, phải biết để Chúa làm trung tâm trong mọi sinh hoạt của gia đình mình và phải nêu gương sáng cho con về niềm xác tín đó. Có như thế việc chuyển giao đức tin cho con cái trong gia đình mới mong đạt được hiệu quả tốt đẹp.

Xin được dùng một đoạn văn của công đồng Vatican II nói về vai trò của gia đình mà người viết nhận thấy là phù hợp với chủ đề của đại hội hôm nay như là lời kết thúc cho bài viết này: “Có một bậc sống rất có giá trị để thực hiện nhiệm vụ đó. Bậc sống được một bí tích thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là một môi trường hoạt động và là trường học tuyệt hảo cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Bằng gương lành và lời chứng, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian về tội lỗi, đồng thời cũng soi sáng cho những ai tìm kiếm chân lý” (12)

Chú thích:

1 Tông Huấn Gia Đình số 17

2 GS số 48

3 Xc Hiến chế Lumen Gentium, số 11

4 Lm Hà Văn Minh, Gia đình hôm nay: những thách đố và con đường tái khám phá căn tính đích thực của gia đình

5 Tông Huấn Loan báo Tin Mừng số 71

6 Trích lại trong Tông Huấn Gia Đình số 60

7 Lm Hà Văn Minh, Ibidem.

8 Trần Bá Nguyệt, Những thách đố mục vụ cho gia đình ở Á châu, đặc biệt là ở Việt Nam và giáo phận Tp Hồ Chí Minh

9 Lm Hà Văn Minh, Ibidem

10 Xc Lê Văn La Vinh, Nghĩ về việc truyền giáo hôm nay. Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc số 112 (tháng 4 / 04)

11 xc Nguyễn Văn Nội, Gia đình sống đạo là trở nên môi trường chính yếu cho việc truyền giảng Đức tin. www. Thanhlinh.net

12 Hiến chế Lumen Gentium, số 35