JOE : NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH HOA KỲ



Nguyễn Đức Cung

Gần hai chục năm về trước, Khôi được thuyên chuyển đến một thành phố ven biển rất đẹp, dân cư đa số là những người giầu, lý do dễ hiểu: phải nhiều tiền mới mua được nhà ven biển để hứng gió biển, nghe tiếng sóng biển, tắm biển và thả bộ trên cát biển…. “Nói thì nói vậy” chứ cái thành phố mỹ miều này chả “ăn nhằm” gì với cá nhân Khôi cho lắm, vì trái tim anh nằm ở căn nhà nhỏ vùng núi cách đây chừng hai mươi dặm..

Hai ngày đầu mới tới nhận việc, được an nhàn cà kê đi gặp từng nhân viên sẽ làm dưới quyền, hỏi han về họ và tự giới thiệu qua loa về mình.

Trong số những nhân viên có Joe là người cao lớn vạm vỡ. Khôi để ý đến anh ngay, không phải do tầm vóc to lớn của anh, mà là cách anh phát âm tên Khôi rõ và chỉnh hơn mọi người, anh gọi Mr. Nguyên chỉ thiếu có dấu ngã (~), anh ta có vẻ ít nói hơn mọi người, sau câu chào xã giao bắt tay Khôi và nói rất ngắn gọn:-Chào mừng ông Nguyên! (welcome Mr. Nguyên!) rồi tiếp tục làm việc.

Những ngày sau đó, ai làm việc của người ấy, hầu hết nhân viên chu toàn nhiệm vụ của họ, kết qủa tốt, nên Khôi cũng nhàn và họ cũng thoải mái. Thỉnh thoảng có dăm ba phút dư thừa, Khôi đến thăm hỏi mọi người để biết thêm về họ và ngược lại cũng để họ hiểu thêm về mình, vì thế được biết Joe là cựu chiến binh Hoa Kỳ sang Việt Nam chiến đấu, anh đóng quân ở Nhà Bè, Tây Ninh, Biên Hòa v..v.. về phần Joe cũng hay là cùng thời gian anh phục vụ tại Việt Nam, Khôi ở trong quân đội dưới hình thức động viên và sau biệt phái về làm việc dân sự tại Saigon.

Joe rất ít nói và gần như lạnh lùng, tuy vậy từ khi biết anh đã chiến đấu ở Việt Nam, Khôi có một cảm tình với anh hơn những nhân viên khác. Tuy không nói ra nhưng mỗi lần Joe cần việc gì, Khôi đều cố gắng giúp, có lẽ anh ta cũng nhận ra điều đó, tuy nhiên cả hai không bao giờ nhắc đến sự kiện này.

Thế rồi vào một mùa Giáng Sinh, Joe ghé bàn làm việc của Khôi, để lên một thiệp Giáng Sinh in hồi xưa ở Việt Nam còn bọc trong bao giấy bóng đã ngả mầu, một bản đồ Việt Nam gấp ngay ngắn nhưng đã sờn các góc.

Joe nói:

- “Xếp”! ( Boss!) đây là hai kỷ vật tôi giữ sau khi mãn kỳ ở Việt Nam trở về Hoa Kỳ, cất trong hộp đựng giầy (Shoes box) đã bao nhiêu năm, nay xin tặng “xếp”!

Nhìn hai vật đơn sơ cũ kỹ trên bàn, Khôi choàng váng mất vài giây rồi bình tĩnh mỉm cười hỏi Joe:

- Cám ơn anh Joe nhiều lắm! thật là món quà rất bất ngờ và thích thú; Tuy nhiên anh có quả thật muốn cho tôi hai thứ này không?!

Joe cười toe (lần đầu tiên Khôi thấy anh như vậy) trả lời:

- Tất nhiên “xếp”!

Rồi họ bắt tay nhau rất chặt, lâu hơn bình thường. Sau đó cứ mỗi năm vào ngày lễ Cựu Chiến Binh, Khôi lại nhờ vợ ghé chợ Việt Nam dưới phố mua bia “33” tặng Joe.

Ít năm sau, Joe xin đổi về nhiệm sở mới tại một tiểu bang rất đẹp, có nhiều rừng núi; lý do trước hết đó là quê anh sinh trưởng, và cũng là nơi anh và bạn bè có thể đi săn thú rừng quanh năm.

Ngày cuối cùng, Joe vào phòng Khôi để tạm biệt, Joe nói:

-“Xếp”! thật là thích thú và hân hạnh làm việc với “xếp” trong những năm qua. Cám ơn “xếp” rất nhiều và chúc may mắn! tôi sẽ “nhớ” bia “33” trong những ngày lễ Cựu Chiến Binh sắp tới.(Joe cười hóm hỉnh).

Đã sửa soạn trước một món qùa nhỏ, Khôi đưa anh một “thẻ mua quà” (gift card) và nhìn vào mắt anh Khôi nói:

-Joe, tôi phải là người cám ơn anh chứ! mấy chục năm trước anh là một chiến sĩ chiến đấu bảo vệ cho tự do, tôi luôn mang ơn sự hy sinh đó, và Joe có biết không?! nhờ sự hy sinh ấy ngày hôm nay tôi hưởng tự do nơi đây và làm cấp chỉ huy của anh; thật quả là một chiến đấu vô vị lợi và qúi hóa..!

mắt Joe long lanh sáng quắc:

-“Xếp”! những lời ông vừa nói sẽ theo tôi suốt đời. Tôi chờ đã bao năm để được nghe điều ấy! Cám ơn “xếp”!

Joe đứng phắt lên, thẳng người chào Khôi theo kiểu quân đội.

Khôi cũng bật đứng dậy, nghiêm chỉnh chào lại anh …

Cuộc chiến tàn khốc và nổi tiếng đã chấm dứt mấy chục năm, thế mà giờ đây trong gian phòng bé nhỏ này, có hai người cựu chiến binh đứng nghiêm chỉnh chào nhau với một niềm hãnh diện và rung động tràn trề vì họ đều biết “chiến đấu cho tự do” dù trong trường hợp hay hoàn cảnh nào cũng luôn luôn là điều cao quý.

Nguyễn Đức Cung