Vatican -- Thời gian gần đây, hầu như hằng ngày đều có tin tức người Kitô hữu bị đàn áp bách hại tại các nước Hồi Giáo. Là một mối quan tâm đối với Tòa Thánh Vatican.

Trong bài phát biểu tại hội nghị với chủ đề di dân và các nước Hồi Giáo, do Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Dân và Du Lịch tổ chức ngày 15-17 tháng 5 năm 2006, Đức Tổng Giám mục Giovanni Lajolo, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vatican, sau khi nói về các vấn đề di dân, đã nêu lên việc liên hệ tới Hồi Giáo. Niềm tin là một sự kiện trở nên quan trọng hơn trong tranh luận về di dân.

Đức TGM Lajolo nói rằng Tòa Thánh thường bênh vực quyền tự do tôn giáo cho người di cư khắp nơi trên thế giới. Điều này có nghĩa là người dân di cư phải được tự do thực hành tôn giáo, kể cả việc muốn thay đổi niềm tin tôn giáo của mình. Dĩ nhiên, người di cư cần tôn trọng luật lệ và các giá trị xã hội nơi họ mới đến, gồm cả các giá trị tôn giáo địa phương.

Nói về hành vi can thiệp vào tôn giáo của chính quyền các nước Hồi Giáo, Đức TGM Lajolo cảnh giác rằng chúng ta không bị đối diện với tình trạng thống nhất của một tôn giáo, nhưng với một tôn giáo bao gồm nhiều mặt và nhiều khuynh hướng khác nhau. Có những nhà cầm quyền cổ võ các bộ luật Hồi Giáo tại các quốc gia khác. Cách riêng là do áp lực của các nhóm quá khích từ Saudi Arabia và Iran.

Tại Á Châu, cho tới gần đây, người Hồi Giáo và người theo các tôn giáo khác đều sống chung hài hòa. Tuy nhiên, những năm vừa qua, các nhóm Hồi Giáo cực đoan nổi lên và các tôn giáo thiểu số là đối tượng bị đàn áp và không được luật pháp bảo vệ. Đức TGM Lajolo cũng quan tâm tới việc Hồi Giáo bành trướng tại Phi Châu, và Âu Châu mặc dù có ít hơn.

Hồi Giáo cực đoan là hậu quả của nhiều vấn đề bức bách: từ việc người Kitô hữu bị đối xử bất công tại các tòa án Hồi Giáo, cho tới sự thiếu tự do trong việc xây cất nơi thờ phượng và những trở ngại cho việc thực hành niềm tin tôn giáo.

Vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Vatican chỉ trích các nước Hồi Giáo không lưu tâm tới quan niệm ngoại giao hai chiều, một quan niệm liên hệ song phương giữa các quốc gia, khi đối diện tới các vấn đề niềm tin tôn giáo. Đức TGM Lajolo nói rõ rằng các nước Hồi Giáo đòi hỏi quyền tự do tôn giáo cho công dân của họ khi đến định cư nơi các quốc gia khác, nhưng chính họ lại gạt bỏ nguyên tắc này đối với người không phải là Hồi Giáo hiện diện trên các phần đất của họ.

Một Số Đề Nghị Thực Hành Cụ Thể

Giáo Hội cần làm gì trước những khó khăn này? Đức TGM Lajolo nêu lên những đề nghị thực hành cụ thể sau đây:

Đối diện với Hồi Giáo, Hội Thánh được mời gọi sống đúng hoàn toàn với căn tính của mình, không rụt rè nhưng thể hiện rõ ràng và can đảm xác tín căn tính Kitô. Các nhóm Hồi Giáo quá khích luôn lợi dụng từng dấu hiệu để họ giải thích như những yếu kém mà người Kitô không dám sống chứng nhân cho niềm tin của mình.

Chúng ta cũng cần mở rộng đối thoại tự do tôn giáo, trao đổi với từng quốc gia hay giữa Liên Hiệp Quốc hoặc với các tổ chức khác.

Một vấn đề khó khăn khi trao đổi với các nước Hồi Giáo là việc thiếu sự phân biệt giữa tôn giáo và nhà nước. Một phần trong việc đối thoại với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị Hồi Giáo rất cần nhắm vào việc giúp phát triển một sự phân biệt giữa hai bầu khí để dần dần được rõ ràng hơn, không lẫn lộn giữa việc tôn giáo với việc nhà nước.

  • Một điểm hết sức tế nhị là sự tôn trọng các nhóm thiểu số và nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tôn giáo. Tòa Thánh sẽ tiếp tục phát biểu tại các cuộc hội nghị quốc tế về nhân quyền cho người di cư. Cộng đồng quốc tế cần bảo đảm các tổ chức nhân đạo không được ép buộc người di cư phải thay đổi niềm tin tôn giáo của mình khi họ nhận các sự trợ giúp.
  • Tòa Thánh sẽ tiếp tục xác định lập trường dứt khoát của mình đối với tất cả những chủ trương lợi dụng tôn giáo, sử dụng niềm tin tôn giáo làm lý do biện bạch cho hành động khủng bố và bạo động.
  • Việc bảo vệ các Kitô hữu sống trong các nước Hồi Giáo từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước cả vùng Trung Đông là điều đặc biệt rất khó khăn. Cần tìm ra những giải pháp an toàn cho nhiều Kitô hữu phải rời bỏ quê cha đất tổ của mình vì lo sợ bị đàn áp bách hại.
  • Người Hồi Giáo sống trong các nước đa phần là người Kitô hữu, cần được giúp đỡ hội nhập vào các quốc gia đó.
  • Truyền thông Công Giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục các Kitô hữu, gồm luôn cả những người sống trong các nước Hồi Giáo.
  • Giáo Triều Rôma cùng với các Hội Đồng Giám Mục và các giáo hội địa phương nên cùng nhau làm việc chặt chẽ trong các vấn đề này, bao gồm việc tìm kiếm phương thức loan báo Tin Mừng tại các nước Hồi Giáo.


Đức Tổng Giám mục Giovanni Lajolo, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vatican kết luận bài thuyết trình hôm 17 tháng 5 năm 2006: Công cuộc rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô cho tới tận cùng thế giới chính là bổn phận của chúng ta và là quyền của chúng ta.