Ðại Hội Công Giáo Ðức, phản ảnh dấu chỉ thời gian



Sau bốn ngày khai mạc Ðại Hội Công Giáo thứ 96 của Giáo Hội Ðức được long trọng bế mạc trong ngày Chúa Nhật hôm nay, 28.05.2005, tại sân vận động của thủ phủ Tiểu bang Saarland (một Tiểu có tới khoảng 70-80% người Công giáo), với khoảng 40.000 người tham dự.

Trong 96 lần được tổ chức thay đổi trên lãnh thổ các giáo phận của nước Ðức, thì đây là lần thức năm, ÐHCG được tổ chức trên lãnh thổ giáo phận Trier, một giáo phận cổ kính nhất nước Ðức : Ðược tổ chức tại Trier vào các năm 1865, 1887 và 1970; tại Koblenz vào năm 1890 và năm 2006 tại Saarbrücken.

Vào năm 1865 ÐHCG Ðức được gọi là « Generalversammlung der Katholischen Vereine » : Ðại Hội các đoàn thể Công giáo. Các phái đoàn thuộc các giáo phận từ khắp nơi tuôn về Trier, chung quanh tòa Giám Mục, trong một hoàn cảnh chính trị đầy khó khăn. Tình hình xã hội và tôn giáo ở Ý bắt đầu trở nên hết sức căng thẳng : Năm 1867 quân giải phóng do Garibaldi Giuseppe lãnh đạo, lần đầu tiên hùng hậu kéo vào thủ đô Roma và tuyên bố chấm dứt quyền hạn và ảnh hưởng chính trị của Ðức Giáo Hoàng. Trong thời điểm đó, người công giáo ở Ðức đã tập trung về Trier nhiệt liệt ra thông cáo ủng hộ Ðức Thánh Cha và tôn vinh ngài là « Vua của sự vinh hiển thiên đàng » với « triều thiên bất tử ». Những đề tài thời sự nóng bỏng được đem ra bàn thảo trong Ðaị Hội, trước hết là về thông điệp của Ðức Giáo Hoàng chống lại « Chủ Nghĩa Duy Tân » vừa được ban bố, tiếp đến là những căng thẳng giữa những người Công giáo Ðức với thủ tướng Bismarck. Ngoài ra Ðại Hội còn đưa bàn thảo về những vấn đề xã hội thời sự vào lúc bấy giờ, vì trong Ðại Hội có sự tham dự của Linh mục thời danh Adolph Kolping, cha đẻ của các hiệp hội thợ thuyền công giáo. Trong Ðại Hội con số tham dự chính thức là 615 đại biểu của các giáo phận, trong số đó đã có tới 340 giáo sĩ và chủng sinh.

Vào năm 1887, Ðại Hội nhắm tới định hướng mới cho Giáo Hội Công Giáo Ðức sau những hậu quả bất ổn của cuộc tranh đấu văn hóa. Trong lần này Ðại Hội được gọi là « Generalversammlung der Katholiken Deutschlands » : Ðại Hội những người Công Giáo nước Ðức. Ðặc biệt Ðại Hội lần này mang « màu sắc » giáo dân, vì trong 1500 người tham dự đa số là giáo dân và họ đóng vai trò chủ yếu trong Ðại Hội. Họ ý thức được trách nhiệm của mình là phải sống đức tin giữa lòng trần thế, bảo vệ Giáo Hội trước những thách đố của thế quyền, v.v… Sự hăng hái chủ động của giáo dân đã làm cho một vài vị trong hàng ngũ Giáo sĩ bỡ ngỡ, đến nỗi trong bài diễn thuyết của ngài, Ðức Giám mục Michael Felix Forum đã đặt câu hỏi : « Không biết tôi có cần phát biểu hay không ? không biết tôi có được phép phát biểu hay không ».

Sau những Ðại Hội được tổ chức tại Trier, thì sau đó không lâu, vào năm 1890 Ðại Hội được tổ chức tại Koblenz, một thành phố đa số công giáo thuộc giáo phận Trier. Trong Ðại Hội lần này các đại biểu đào sâu các đề tài chính đã được bàn thảo trong Ðại Hội trước đó ở Trier. Mục đích Ðại Hội nhắm tới là : « Thắp sáng lên tình yêu đối với Giáo Hội; Thăng tiến các cơ sở bác ái; Trợ giúp các tai ương đương thời; Chống lại phong trào ngoại giáo tân thời và hàn gắn những đổ nát xã hội ! »

Trong Ðại Hội lần thứ 83 tại Trier vào năm 1970, bởi sự ảnh hưởng sâu đậm của tinh thần Công Ðồng Vatican II, Ðức Cha Bernhard Stein, Giám mục Trier, đã viết : « Người ta sẽ phải nỗ lực loại bỏ đi quan niệm : mọi sự phải ‘từ trên’ truyền xuống, phải ‘do các Ðấng’ ban ra, và nỗ lực xây dựng ‘từ dưới lên’, ‘từ các giáo dân’, ý thức trách nhiệm trong Giáo Hội ». Nhiều người cho rằng Ðại Hội thứ 83 này là một hình thức chuẩn bị cho Công Nghị các giáo phận Ðức sắp được tổ chức sau đó. Riêng đối với Ðức Cha Stein, sau những lộn xộn tại Ðại Hội năm 1968 tại tỉnh Essen, ngài cảm thấy là một điều mạo hiểm khi mời tổ chức Ðại Hội năm 1970 tại giáo phận ngài. Nhưng cuối cùng Ðại Hội đã thực sự rất thành công, vì đã tạo ra được bầu không khí đối thoại cởi mở giữa các đại biểu tham dự - giáo sĩ cũng như giáo dân - về các vấn đề. Ðặc biệt nhất là vấn đề Ðại Kết giữa các Giáo Hội Kitô giáo và giữa Kitô giáo với Do-thái giáo đã được các phái đoàn bàn cãi sôi nổi.

Còn năm nay, trong bầu không khí bất ổn và bất bình của nhiều từng lớp dân chúng, nhất là tầng lớp nghèo, về chương trình cải cách xã hội của chính phủ Liên Bang : Tăng các loại thuế má; cắt giảm các trợ cấp xã hội, v.v… Ðại Hội lấn thứ 96 tại thủ phủ Saarbrücken đã đề cập đến những đề tài rất thời sự : Sự công bằng trước mặt Thiên Chúa; Trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về sự công bằng; Chương trình hội nhập các ngoại kiều. Qua đó Ðại Hội muốn lưu ý các cấp chính quyền cũng như các tầng lớp trong xã hội phải đặt nhân phẩm con người lên trên tất cả mọi mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội, v.v… Các mục tiêu chính trị và kinh tế phải phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ cho các mục tiêu chính trị và kinh tế. Vì con người mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa.