Đại hội Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế

(Internationale Gesellschaft Für Menschenrechte-IGFM)

và bài tham luận về quyền tự do ngôn luận của giáo hội Công giáo Việt Nam


Königstein, Đức, ngày 5.6.2006. Đại hội thường niên của Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế năm nay diễn ra tại Königstein, một thị trấn nhỏ ở phía bắc thành phố Franfurt, Đức quốc. Đại hội đã dành ra trọn một ngày để thảo luận về đề tài Bảo vệ quyền tự do ngôn luận và báo chí. Theo chương trình được công bố ông Vaclav Havel, cựu tổng thống Tiệp khắc và cộng hoà Tiệp đọc tham luận khai mạc đại hội. Nhưng vì mắc trở ngại, ông chỉ gửi một cuốn phim với hình ảnh ông trong bộ áo tù và còng tay (*1). Ông tha thiết nhắn nhủ mọi người đừng thờ ơ với nạn nhân của những chế độ độc tài.

Bác Sĩ Trần Hoành đọc bài tham luận tại đại hội
Bài tham luận chính nhắm vào Cuba do ông Michael Gahler, chủ tịch uỷ ban nhân quyền của quốc hội Âu châu trình bầy. Sau khi kể ra những vi phạm nhân quyền trầm trọng, ông thẳng thừng đòi hỏi: „Castro phải ra đi“.

Ngoài ra còn có mục trao giải truyền thông về đề tài vi phạm nhân quyền. Đáng ghi nhận là cả ba người đoạt giải đều có công vạch ra những vi phạm nhân quyền tại Trung quốc. Người đoạt giải nhất, ông Bernd Ziesemer, tổng biên tập tờ Handelblatt; một nhật báo lớn tại Đức, thú nhận trong lời phát biểu: ông thuộc Thế hệ 1968 và thời đó đã „thơ ngây“ tôn sùng thần tượng Mao Trạch Đông (*2). Nhiều người của Thế hệ 1968 nay đã nhận ra lầm lạc, nhưng ngậm miệng, không có can đảm nói lên sự thực. Phần ông, sau khi phản tỉnh, ông đã bỏ công tìm hiểu tường tận về chế độ cộng sản tại Trung quốc và đã đăng trên Handelblatt (31.1.2006) một bài nghiên cứu về vi phạm nhân quyền tại Trung quốc, được hội đồng giáo khảo cho là rất xúc tích. Ông khẳng định Mao Trạch Đông là tay độc tài lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngoài ra những nhân chứng Cuba, Tầu và Pakistan đã có dịp nói lên những vi phạm nhân quyền tại quê hương họ và chính họ là nạn nhân.

Sau đó hội trường chia ra bốn nhóm sinh hoạt. Một trong những nhóm đó thảo luận về đề tài vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Mở đầu ông Vũ Thư Hiên trình bầy về Tình trạng tự do ngôn luận, báo chí và thông tin tại Việt Nam. Thính giả đã tham gia thảo luận sôi nổi.

Tiếp đó là phần trình chiếu cuốn phim dài trên một giờ về thực trạng bi đát của đồng bào Thượng vùng Tây nguyên. Năm 2005 hai khách du lịch từ Đức đi Việt Nam, kín đáo lên Tây nguyên ghi hình và phỏng vấn trực tiếp nhiều nhân chứng. Họ khéo léo mang được toàn bộ tài liệu vượt biên giới an toàn và trình chiếu lần đầu tại đại hội. Họ cũng phỏng vấn một số người Thượng trốn sang Cao Miên. Những nhân chứng đã nói ngược hẳn luận điệu tuyên.truyền lừa dối, xảo quyệt, che đậy tội ác tầy trời của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Phần phát biểu về Quyền tự do ngôn luận của giáo hội công giáo Việt Nam do bác sĩ Trần Hoành trình bầy. Thuyết trình viên đã cô đọng những ý tưởng chính của ông như sau:

Thưa quí vị

Đây là bức tranh Tự Do Ngôn Luận tại Việt Nam (diễn giả chỉ vào tấm hình phóng lớn, đặt trên bàn, vẽ một khuôn mặt với ba bàn tay che hai mắt và bịt miệng). Tấm hình lấy từ Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận (giơ tờ báo làm bằng chứng). Đây là tờ báo duy nhất cương quyết không xin phép chính quyền cộng sản, kể từ ngày họ nắm quyền vào năm 1954 trên miền Bắc và năm 1975 thêm miền NamViệt Nam. Số đầu ra mắt ngày 15 tháng tư năm 2006. Tổng biên tập là nhà phản kháng nổi tiếng: linh mục Chân Tín. Ông viết: „TỰ DO NGÔN LUẬN ra đời trước hết để khẳng định và đồng thời thực hiện quyền tự do căn bản đó. Chúng tôi mạnh dạn vượt qua những cấm cả vô lý vô luật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để cho nó ra mắt mà không xin phép“.

Với kinh nghiệm đau thương những người chủ trương tờ báo dĩ nhiên biết rằng cộng sản sẽ có những biện pháp đàn áp. Vì thế hai trong những người chủ trương, đồng thời là hai tiếng nói phản kháng, tức hai linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi, đã phổ biến Lời tuyên bố (giơ bằng chứng): „Nếu Bạo quyền CSVN khám xét, cướp đoạt Bán Nguyệt san nói trên và các phương tiện làm việc của chúng tôi, bắt giam hoặc đuổi khỏi sở làm 01 trong số 118 Công dân thuộc Nhóm 118 hoặc trong số Công dân tham gia ủng hộ ngày càng đông, thì khi nhận được thông tin xác thực, Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý sẽ tuyệt thực vô thời hạn ngay lập tức để phản đối hành động vi phạm Công pháp Quốc tế nầy của Bạo quyền CSVN. Nếu Linh mục Phan Văn Lợi bị khám xét, cướp đoạt các phương tiện làm việc hoặc bị bắt, thì Linh mục nầy sẽ tuyệt thực ngay lập tức vô thời hạn. Cả hai chúng tôi sẽ từ khước ký vào mọi biên bản „tịch thu tang vật“ và từ khước mọi cuộc hỏi cung liên quan đến vấn đè trên, vì chúng tôi cho đó là hành vi rất tàn ác xấu xa của một tà quyền chỉ y như một đảng cướp“.

Thưa quí vị

Trong Quyền Tự do ngôn luận của giáo hội công giáo Việt Nam gồm quyền rao truyền và đón nhận Tin Mừng của Đức Ki-tô, giáo huấn của giáo hội công giáo cũng như những thông tin cần thiết để sống đời tín hữu Ki-tô tại việt Nam.

Đây là một trong những quyền căn bản được tôn trọng trong một xã hội dân chủ. Nhưng ở Việt Nam lại khác. Trên đất nước chúng tôi chế độ độc tài về ý thức hệ và chính trị của người cộng sản được họ ghi trên hiến pháp. Thí dụ ở điều 4: „Đảng cộng sản Việt Nam,...theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội“. Hoặc điều 38: „Chủ nghĩa Mác-Lê-nin quyết định sự phát triển xã hội“ (hiến pháp 1980). Nhiều sắc lệnh, nghị định hay pháp lệnh về tôn giáo,- pháp lệnh cuối cùng ban hành ngày 18 tháng sáu, năm 2004,-trên thực tế là bản thống kê những cấm cản hoặc hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, và như thế cũng là cấm cản hoặc hạn chế quyền tự do ngôn luận của giáo hội công giáo. Nhà cầm quyền cộng sản tuỳ tiện định đoạt mọi sinh hoạt của giáo hội qua cơ chế xin-cho. Cả những quyền căn bản cũng phải xin phép. Nhà cầm quyền cầm mọi quyền quyết định trong tay. Biết điều thì cho, không biết điều sẽ bị từ chối. Trên thực tế họ thường xuyên vi phạm quyền tự do ngôn luận của giáo hội công giáo qua những cấm đoán, hạn chế, đầu độc tư tưởng, lèo lái xuyên tạc dư luận và bôi nhọ giáo hội.

Vì thời giờ hạn chế tôi không thể trình bầy đề tài cách đầy đủ, nhưng chỉ tập trung vào vài điểm quan trọng.

Người Việt chúng tôi thường nói: Đánh rắn thì đánh ở đầu. Trong trường hợp giáo hội công giáo Việt Nam, cộng sản chĩa mũi tấn công vào những người lãnh đạo giáo hội, tức các vị Giám mục. Nhà cầm quyền hạn chế hoặc cấm cản các ngài thi hành chức vụ. Các ngài không được tự do đi thăm các xứ đạo. Công an theo dõi nghe và ghi các bài giảng thuyết. Thư luân lưu bị kiểm duyệt chặt chẽ. Việc truyền chức giám mục hoặc bị cấm, hoặc bị làm khó dễ. Vì thế nhiều giáo phận không có chủ chăn nhiều năm. Tôi xin trưng một thí dụ: Năm 1960 linh mục Phạm Văn Dụ được chọn làm giám mục giáo phận Lạng Sơn. Cộng sản không cho phép ngài tiếp xúc với bất cứ giám mục nào khác. Mãi tới năm 1979, vì chiến cuộc giữa Trung quốc và Việt Nam, ngài chạy loạn về Bắc Ninh và được truyền chức chui ở đó. Khi trở về Lạng Sơn, cộng sản không công nhận ngài là giám mục. Mãi tới năm 1990, sau những thương thảo khó kăn giữa Vatican và nhà cầm quyền ngài mới được chính thức công nhận là giám mục. Dù thế ngài vẫn không được hoàn toàn tự do thi hành chúc vụ.

Từ năm 1990 tới 2004, Vatican đã 13 lần gửi phái đoàn sang Việt Nam và hai lần tiếp phái đoàn Việt nam tại Vatican để thương thảo nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề cắt cử giám mục. Nhiều lần cộng sản từ chối những ứng viên thích hợp, do giáo hội đề nghị. Bởi vì thâm ý của cộng sản trước sau vẫn là chỉ chấp nhận vào chức vụ giám mục những ứng viên họ hy vọng sẽ bịt tai, che mắt và ngậm miệng trước những vi phạm nhân quyền trầm trọng và những tệ nạn thê thảm trong xã hội.

Công đồng chung Vatican II diễn ra từ 1962 tới 1965. Cộng sản không cho phép các giám mục ở miền Bắc Việt Nam thời đó tham dự. Các văn kiện của công đồng không được phép phổ biến ở miền Bắc. Cũng thế, các giám mục miền Bắc không được phép liên lạc làm việc chung với hội đồng giám mục Á châu.

Mãi tới năm 1980 hầu hết (*3) các giám mục Việt nam mới được phép gặp nhau lần đầu ở Hà Nội và thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Các cuộc họp hội đồng giám mục đều phải có phép nhà cầm quyền. Chương trình nghị thảo phải nộp nhà cầm quyền kiểm duyệt trước. Cán bộ cộng sản tới diễn thuyết và ra chỉ thị. Các quyết định phải báo cáo cho nhà cầm quyền duyệt xét, trước khi được công bố cho tín hữu.

Một thí dụ khác: Linh mục. Giống như trường hợp các giám mục, các linh mục không được phép tự do gíảng thuyết và đi lại làm mục vụ. Việc truyền chức linh mục lúc đầu bị nghiêm cấm. Dần dần được nới rộng nhỏ giọt, nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Chỉ một số ít người được chấp nhận theo học tại đại chủng viện, sau khi lý lịch đã được cứu xét cặn kẽ. Số giáo sư đại chủng viện bị hạn chế; cộng sản chỉ chấp nhận những vị có lý lịch trong sạch về ý thức hệ và chính trị. Toàn bộ giáo trình phải nộp cho chính quyền kiểm duyệt. Chủ nghĩa Mác-Lê là môn học bó buộc, do cán bộ cộng sản giảng bài. Muốn lãnh chức linh mục phải có phép nhà cầm quyền; phải khai báo lý lịch cá nhân và của thân nhân, bạn bè; ngoài ra cần có điểm tốt về môn chủ nghĩa Mác-Lê.

Một thí dụ khác: Báo chí và các phương tiện truyền thông. Đỗ Mười, nguyên tổng bí thư đảng cộng sản, đã từng phát biểu về tự do báo chí như sau: „Ở việt Nam báo chí phải phục vụ toàn dân, phục vụ tổ quốc và phục vụ hệ thống chính trị tiên tiến“ (*4). Có nghĩa là ngành báo chí nằm gọn trong tay kiểm soát của đảng cộng sản. Trong trường hợp giáo hội công giáo, tất cả các nhà in và nhà xuất bản bị đóng cửa. Năm 1999 chính quyền thành lập một nhà xuất bản cho mọi ấn phẩm tôn giáo trên toàn quốc để dễ bề kiểm soát. Việc kiểm soát này hữu hiệu đến độ người ta không đọc thấy từ cộng sản trong cuốn Niên Giám 2004 của giáo hội công giáo Việt Nam với 960 trang sách, có những bài viết về lịch sử các tôn giáo tại Việt Nam. Tất cả các tờ báo độc lập đều bị đình bản. Sách xuất bản ở ngoài nước không được phép nhập vào Việt Nam, thí dụ cuốn Muối Cho Đời của Joseph Ratzinger (giơ sách, nguyên bản tiếng Đức). Cuốn sách đã được dịch ra 23 thứ tiếng và phổ biến khắp thế giới, nhưng bị cấm tại Việt Nam. Và đây là bản dịch lậu và phổ biến chui của cuốn sách trên tại Việt Nam (giơ bằng chứng).

Những chương trình phát thanh và truyền hình công giáo bị cấm. Phim trường của các linh mục dòng Tên bị đóng cửa. Cơ sở cả các ngài bị trưng dụng làm tòa soạn báo Tuổi Trẻ của cộng sản. 5 linh mục dòng tên bị bỏ tù. Những mạng internet do người Việt tại hải ngoại thực hiện, thí dụ www.vietcatholic.net, bị bức tường lửa chặn lại ở Việt Nam.

Phải sau nhiều năm xin phép và chờ đợi hội đồng giám mục Việt Nam mới được phép ra tờ thông tin nội bộ Hiệp Thông. Lúc đầu tờ Hiệp Tông bị hạn chế hết sức vô lý: định kỳ 3 tháng, tối đa 50 trang và 100 ấn bản cho một giáo hội với khoảng 6 triệu tín đồ. Theo tin của linh mục Nguyễn Ngọc Sơn, thư ký văn phòng thường trực của hội đồng giám mục Việt Nam, tờ Hiệp Thông hiện nay được ra mắt định kỳ 2 tháng với 2000 ấn bản. Dĩ nhiên nội dung vẫn bị kiểm duyệt khắt khe.

Thưa quí vị

Những gì tôi vừa trình bầy đã nói lên những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam, nhưng chưa quỉ quyệt và nguy hiểm bằng sự đầu độc tư tưởng và lèo lái dư luận qua tuyên truyền xuyên tạc và bôi nhọ giáo hội.

Tất cả các trường công giáo từ vườn trẻ tới đại học, cũng như những cơ sở đào tạo của các giáo phận và dòng tu đều bị đóng cửa và trưng dụng. Trẻ em, học sinh và sinh viên bị nhồi sọ lý thuyết Mác-Lê vô thần. Những năm đầu sau khi cộng sản nắm quyền, họ không cho phép tuổi trẻ công giáo ghi danh vào đại học và một số trường cấp cao.

Sắc lệnh số 234/SL về tôn giáo ban hành ngày 14 tháng 6 năm 1955 có câu: „Khi một chức sắc tôn giáo giảng thuyết, ông có bổn phận đồng thời nhắc nhở tín đồ về lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, phục tùng chính phủ và các đạo luật của chính phủ“ (*5). Ngoài ra cộng sản còn cho phổ biến nhiều bài viết, sách báo, phim ảnh, những buổi phát thanh và truyền hình có nội dung xuyên tạc sự thực và mạ lỵ giáo hội công giáo, thí dụ cuốn sách Gia-tô bí lục.

Để thực hiện những việc này cộng sản không ngần ngại xử dụng đe doạ và bạo lực. Ai không tuân thủ luật lệ họ đặt ra sẽ bị trừng trị với những biện pháp như xách nhiễu, đuổi việc, quản chế, bỏ tù, tra tấn. Thí dụ vào năm 1960 ở Bắc Việt, linh mục Phạm Quanh Hân bị án 30 năm tù, vì ngài tố cáo cái gọi là Uỷ Ban Liên Lạc Công Giáo Yêu Tổ Quốc Và Hòa Bình có âm mưu chia rẽ giáo hội. Ủy ban này hoạt động dưới sự lãnh đạo của cộng sản, muốn lập một giáo hội tự trị tách khỏi Vatican, rập theo mẫu của giáo hội tự trị bên Trung quốc. Hoặc trường hợp linh mục Phạm Ngọc Liên và tu sĩ Nguyễn Thiên Phụng thuộc dòng Đồng công ở Thủ Đức, gần Sài Gòn. Vào năm 1987 hai vị này bị kết án 20 năm tù với tội danh tổ chức lớp học đạo trái phép và phổ biến ấn phẩm tôn giáo. Trường hợp giám mục Nguyễn Kim Điền, các linh mục Thanh Lãng, Nguyễn Văn Lý, Chân Tín, Phan Văn Lợi, hoặc các ông Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Ngọc Lan và nhiều vị khác, có lẽ nhiều người trong quí vị đã biết.

Thưa quí vị

Tôi xin kết thúc bài tham luận ở đây. Tôi đánh giá rất cao sự kiện được tự do - xin nhấn mạnh: tự do – nói chuyện với quí vị nơi đây. Bởi vì trên quê hương tôi đồng bào tôi không được hưởng quyền này. Lời tuyên bố của linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan văn Lợi nhắc chúng ta nhớ rằng, những người thực hiện Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận phải sẵn sàng đối phố với những xách nhiễu và hình phạt. Chúng ta chưa biết cộng sản sẽ áp dụng biện pháp nào đối với họ. Dù sao chúng ta cũng phải cảm phục lòng can đảm của những chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ và tự do này. Bất chấp những khó khăn và nguy hiểm, họ đã phát hành tờ báo số 2 vào ngày mồng 1 tháng 5, năm 2006 (giơ bằng chứng).

Xin kính chào và cảm ơn quí vị đã lắng nghe.

Tài liệu tham khảo

1 – Georg Evers, Zur Lage der Menschenrechte in der Sozialistischen Republik Vietnam –

Religionsfreiheit (Tình trạng nhân quyền tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Tự do

tôn giáo), Hsgr. Internationales Katholisches Missionswerk e.V, Aachen 2002.

2 - Trần Anh Dũng, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam 1960-1995, Đắc Lộ Tùng Thư, Paris 1996.

3 - Trần Anh Dũng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980-2000, Đắc Lộ Tùng Thư, Paris

2001.

4 - Trần Anh Dũng, Hàng Giám Mục Việt Nam 1933-2003, Đắc Lộ Tùng Thư, Paris

2005.

5 - Trần Ngọc Báu và một số tác giả, Ba Mươi Năm Công Giáo Việt nam Dưới Chế Độ Cộng

Sản, Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân và Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại Cơ

Sở Đức Quốc xuất bản, 2005.

6 – Bán Nguyệt San TỰ DO NGÔN LUẬN, số 1 và 2, Việt Nam 15.4. và 1.5.2006.

Ghi chú

*1: Valav Havel(1936-. ), lãnh đạo cuộc tranh đấu bất bạo động chống chế độ độc tài cộng

sản tại Tiệp khắc, vì thế ông bị quản chế và giam tù nhiều năm. Sau khi cuộc cách mạng

nhung tại Tiệp khắc thành công, ông đuợc bầu làm tổng thống, 1989-2003.

*2: Năm 1968 có phong trào giới trẻ Tây Âu nổi loạn chống lại xã hội truyền

thống. Họ ngây thơ đề cao những lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Che

Guevara và Hồ Chí Minh như thần tượng.

*3: Một số giám mục vắng mặt: Nguyễn Văn Thuận đang bị quản chế tại giáo xứ Giang Xá,

Phạm Ngọc Chi, Nguyễn Khắc Ngữ, Phan Văn Hoa trở ngại sức khỏe, Trần Văn Thiện

nghỉ hưu ở Pháp.

*4 và *5: Chuyển ngữ từ bản tiếng Đức (xem tài liệu tham khảo, số 1, trang 42/43 và trang

11), nên không bảo đảm nguyên văn tiếng Việt.