Nói Thẳng – Nói Thật.



Tôi xin được phép tâm sự chút đỉnh về ‘thân thể’, ý quên ‘thân thế và sự nghiệp’ của cá nhân tôi trước khi tôi xin được phép đóng góp chút đỉnh ý kiến ý cò về những vấn đề của cuộc sống nhiều rắc rối mà chúng ta đang sống hiện nay, đời cũng như đạo.

Tôi cũng xin quý vị lượng tình tha thứ cho cái kiểu viết lách lung tung, không thứ tự lớp lang của tôi, vì tôi là ‘liền bà’ không giỏi giang về chữ nghĩa, nhưng cảm thấy bực bội trước những chuyện lẩm cẩm mà dường như không ai nói hoặc viết ra nên tôi mới xâm mình phát biểu cho nó đỡ tích tụ trong người, mà tích tụ thì dễ bệnh lắm, và phát biểu theo cái kiểu thấy đâu nói đấy, gặp đâu nói đấy, nghĩ tới đâu nói tới đấy, nhưng nói thật chứ không bóp méo, không xuyên tạc, vì tôi sợ tội lắm, vì tôi nghĩ rằng mình ‘nói bậy nói láo’ dù không ai biết, nhưng Chúa biết, lương tâm mình biết thì cũng đáng tội lắm, và lại phải đi xưng tội, và đáng mắc cỡ lắm, mắc cỡ với chính mình.

Tôi tên thật là Nguyễn thị Việt, sinh trưởng trong một gia đình đạo gốc và đương nhiên tôi được giáo dục theo tinh thần Công giáo, đại thể là tôi phải nghe lời dạy dỗ của các đấng bậc. Tôi là con nít, rồi con gái, rồi ‘liền bà’, nên trước hết tôi phải nghe lời các ma sơ, rồi các cha, và đương nhiên là phải nghe lời ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em…, nghe lời mọi người trong gia đình.

Quý vị thấy cái kiểu giáo dục này dường như không còn thích hợp trong cái thế giới gọi là văn minh và tự do ngày nay, cái thế giới mà có đấng bậc cha mẹ nào đó khi nói về con cái đã phải ‘xì’ ra rằng “Ngày xưa mình dạy chúng nó. Bây giờ chúng nó dạy mình”. Tôi nghĩ rằng vị nào đó nói quá đáng, có những ‘trường hợp’ con cái chúng nó ‘bảo ban’ mình chứ đâu có dám ‘dạy’ mình. Mà suy cho cùng thì chữ ‘dạy’ theo một nghĩa nào đó cũng đúng thôi. Này nhé, các đấng cha mẹ sang đất nước Mỹ này mà không chịu học tiếng Mỹ, vì cho rằng phát âm cái thứ tiếng này dễ trẹo quai hàm quá, hoặc lưỡi đã cứng quá rồi, để rồi chỉ biết có ‘he lô’ và ‘gut bai’, thì con cái muốn dạy mình cũng đúng quá đi chứ. Con cái chúng nó bảo mỗi ngày bố mẹ chì cần học và nhớ 2 chữ thôi thì một năm nhân lên 365 ngày là đã có 730 chữ rồi, vậy mà có bậc bố mẹ lại dành thời giờ làm những việc không đáng làm gương cho con cái lắm, như đi caxinô chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng các bậc bố mẹ chẳng nên lấy làm tủi thân làm gì vì chính các vị đã từng mong cho con cái hơn mình mà, các vị từng nói ‘con hơn cha là nhà có phúc’ mà.

“Giáo dục căn bản” của tôi thì đại khái như vậy. Tôi xin nói thêm rằng bố mẹ tôi, nhất là bố tôi, yêu nước Việt lắm lắm, nên tôi được đặt tên là Việt, thị Việt, hai thằng em của tôi được đặt tên là Nguyễn chí Nam và Nguyễn bảo Quốc. Xin quý vị đừng nghĩ rằng tôi khoe nhé. Hồi bố mẹ tôi còn sống, bố tôi có một bản đơn ca, hay một đoản văn đơn điệu mà mẹ con tôi chỉ cần nghe cũng đã thuộc lòng, và đã quá chán. Đó là bố tôi rất hãnh diện về cái họ Nguyễn của mình. Bố tôi bảo chỉ có họ Nguyễn là thuần Việt, còn lại là ‘lai’ hết, không lai sao được vì sau hơn một nghìn năm dưới sự đô hộ của đế quốc phương Bắc làm sao mà trong giòng máu Việt của mỗi người chúng ta không có tí hơi hướng Tàu, vậy thì tên họ ‘lai’ là cái chắc. Nhưng có một điều khác bố tôi còn có vẻ hãnh diện hơn. Đó là “đô hộ thì đô hộ, lai thì lai, nhưng không tuyệt chủng, không bị đồng hóa, mà còn đuổi cổ anh xâm lược hung hãn về nước”.

Quý vị thấy quả thật dân mình thì nhỏ con nhỏ người, đất nước thì cũng nhỏ xíu, vậy mà ghê nhỉ, chiến đấu ác nhỉ! Chỉ tiếc một điều là bố tôi đã không còn để ‘được’ nhìn thấy những cái đáng hãnh diện cũng như ‘bị’ nhìn thấy những cái không đáng hãnh diện của lịch sử Việt thời rất cận đại. Đánh giặc khi có giặc thì thật hay nhưng xây dựng thì không hay lắm. Phải chăng đó là lý do mà tôi nghe nói có người Việt nào đó viết sách chửi dân tộc mình. Ô hay! Cái ông hay bà nào lẩm cẩm quá mức rồi. Một số người làm bậy chứ đâu phải cả dân tộc làm bậy mà lại chửi dân tộc?

Tôi xin trở lại với việc tự giới thiệu mình. Khi tôi lớn lên, đang học dở dang thì gặp chồng tôi ngày nay. Ổng theo đạo tôi và khi học Giáo lý ổng thường bảo tôi ổng không thích lắm cái câu trong Thánh kinh dạy rằng “Người đàn ông bỏ cha mẹ để theo vợ mình và cả hai trở nên một”. Ổng nói thương vợ thì thương vợ chứ bỏ cha mẹ thì ổng không bỏ. Tôi giải thích là Thánh kinh đôi khi chỉ dạy ‘cái tuyệt đối’, nghĩa là đòi hỏi nhiều để rồi đối tượng làm ít đi thì vừa. “Vợ chồng mình thương nhau nhưng em có đòi hỏi anh bỏ cha mẹ anh đâu, Cũng như em có bỏ cha mẹ em đâu?” Thế là ổng hể hả và ổng sống đàng hoàng tử tế về mặt đạo, chứ không theo cái kiểu “Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ” đâu.

Chồng tôi có nghề nghiệp khá vững chắc và làm ra khá nhiều tiền so với bạn bè cùng trang lứa hồi ấy nên ổng không muốn tôi tiếp tục học hành mà chỉ muốn tôi làm vợ và làm mẹ. Hồi còn nhỏ ổng cũng vất vả lắm nên khi khá thành công rồi thì ổng cũng muốn làm một chút gì để góp phần xoa dịu những cảnh khổ của dân nghèo, cái cảnh khổ mà ổng đã nếm qua, mà dân nghèo thì nhiều quá, nên ổng hăng hái tham gia đảng này, hội đoàn nọ. Thế nghĩa là ổng cũng muốn mon men làm ‘chính chị chính em’. hòng mong góp phần làm sạch cái xã hội nát bấy, vị kỷ, và tàn nhẫn đang dửng dưng với những thảm cảnh chung quanh. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó thì ổng có vẻ chán chường và rút vào trong mái ấm gia đình. Tôi thích như vậy. Xin quý vị tha cho cái tính ích kỷ của tôi, nhưng là một người vợ thì nói chung, ai không thích chồng mình chỉ lo việc làm, lo cho gia đình, rồi sớm tối hú hí với vợ con, cứ ‘cơm nhà vác ngà voi’ mà chẳng đem lại lợi ích gì thì chỉ mệt xác.

Có một điều tôi thực sự vui là kể từ ngày ấy, chồng tôi tâm sự với tôi nhiều hơn. Tôi biết ổng muốn trút bớt những ẩn ức trong lòng nên tôi luôn tham gia “đối thoại” với chồng tôi một cách tích cực.Tôi thích lắm. Trong lúc ngày xưa bố tôi tuy là con chiên ngoan đạo nhưng lại hơi lai Nho giáo khi nói về “liền bà” thì chồng tôi lại luôn tâm sự với tôi và khuyến khích tôi nói ra những ý nghĩ của mình. Tôi nhớ mãi những câu nói của bố tôi khiến mẹ tôi và tôi rất bất đồng ý nhưng không bực bội vì biết rằng ngoài cái quan niệm cổ hủ về “liền bà”, bố tôi là người rất “biết điều”. Tôi xin được phép nhắc lại nguyên văn hai câu nói của bố tôi và cũng xin quý vị niệm tình cho. Khi bố tôi muốn trấn át ý kiến của mẹ con tôi thì bố tôi thường bảo “Liền bà thì biết gì”. Mẹ con tôi chỉ cười xòa vì biết rằng thực sự thì bố tôi không đến nỗi cực đoan như vậy.

Một điều vui vui là kể từ khi chồng tôi rút về với mái ấm gia đình, không “tham da tham xương” vào các hoạt động “chính chị chính em” nữa thì ổng thường cười và nói với tôi rằng: “Em thật là cứu tinh của anh chứ nếu em không chịu nghe anh thì có lẽ anh chỉ còn vạch đầu gối lên mà truyện trò quá”. Tôi nguýt ổng: “Và bây giờ thì anh lại muốn gối đầu lên em để truyện trò phải không?”

Tôi hiểu chồng tôi đang bực bội với cái ‘nồi cám lợn’ của cái hoàn cảnh xã hội ta trong cái giai đoạn ‘tiền đau thương’ ấy. Hoạt động gì nổi, làm gì được khi cái ‘hầu bao’ của chúng ta rỗng tuếch mà ‘bạn bè’ giúp làm đầy cái hầu bao ấy thì chỉ muốn chúng ta nói “Yes” chứ không muốn chúng ta nói “No”. Nói “No” là chấp nhận cái ‘đọi’ và có khi là chấp nhận từ bỏ mạng sống mình. Mà người bạn ấy có hiểu gì nhiều về dân tộc Việt cho cam. Và ngày nay thì chúng ta đã có thể thấy rằng khi mình chỉ toàn nói “Yes… Yes…” mà đã đến lúc ‘bạn bè’ cần bỏ mặc mình vì quyền lợi chia chác của họ mang tính toàn cầu thì họ vẫn bỏ mình như thường. Tôi xin thắc mắc chúng ta đã thực sự cảm nhận được cái đau đớn này chưa?

Tới đây tôi lại xin tâm sự thêm chút chút để quý vị hiểu cho là tại sao một “mụ liền bà” như tôi mà lại cả gan lớn tiếng như vậy. Tôi xin thưa ngay rằng cái vốn kiến thức của tôi hầu như “một chăm phần chăm” là của chồng tôi. Bạn bè thân của vợ chồng tôi khi tới thăm mà vì lý do nào đó, tôi được thay thế chồng tôi để tiếp chuyện, họ thường nói rằng: “Bà nói y như ổng vậy”. Tôi không buồn họ và chỉ cười xòa vì tôi bắt chước chồng tôi chứ có bắt chước ông hàng xóm đâu, thì có gì đáng gọi là xấu hổ.

Thế rồi kể từ ngày chồng tôi không tham gia vào việc khuấy cám chính trị nữa thì đôi khi ổng nói nửa đùa nửa thật với tôi: “Có thể ngày nào đó em viết giùm anh”. Tôi rất thông cảm với chồng tôi vì ổng thực sự chán cái mùi cám lợn chính trị của xã hội ta thời ‘tiền đau thương’ ấy lắm rồi. Thế rồi gia đình tôi cũng chen lấn sang được đất nước ‘tự do’ này vào những ngày chót của cái ngày 30 tháng tư năm ấy. Tôi vui mừng vì cảm thấy cơ hội đã đến để tôi có thể giúp xả bớt cái bầu tâm sự không mấy thơm tho của chồng tôi trong đất nước tự do ai muốn nói gì thì nói này, mà không sợ bị chụp nón chụp mũ gì ráo. Và đương nhiên chúng tôi phải ổn định cuộc sống trước đã rồi mới viết với lách được. Thế nhưng việc làm lại cuộc đời ở đất nước này cũng không phải đơn giản, không dễ như chúng tôi nghĩ, cũng như nhiều người nghĩ.

(còn tiếp)