Diễn Văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI dành cho Những Tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế tại Ðại Học Truyền Giáo Roma, để kỷ niệm 40 năm công bố Sắc Lệnh của Công Ðồng Vaticano II về Truyền Giáo (Ad Gentes).

Sáng thứ Bảy, ngày 11 tháng 3 năm 2006, ÐTC Bênêđitô XVI đã tiếp kiến khoảng 1,000 tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế do bộ Truyền Giáo và Ðại Học Urbaniana, cùng tổ chức tại Thính Ðường Ðại Học, để kỷ niệm 40 năm Công Bố Sắc Lệnh của Công Ðồng Vaticanô II "Ad Gentes" về Truyền Giáo. ÐTC đã ngỏ lời với các tham dự viên như sau:

Thưa Quý Ðức Hồng Y,

Chư Huynh đáng kính trong hàng giám mục và linh mục,

Anh chị em thân mến,

Tôi chân thành chào tất cả quý vị và anh chị em, đã tham dự Hội Nghị Quốc Tế, do Bộ Truyền Giáo và Ðại Học Urbaniana cùng tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 40 năm công bố Sắc Lệnh Công Ðồng Vaticanô về Truyền Giáo "Ad Gentes". Trước hết tôi kính chào Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo. Tôi cám ơn Ðức Hồng Y về những lời tốt đẹp ngài dành cho tôi, nhân danh tất cả. Tôi chào quý đức giám mục và các linh mục hiện diện và tất cả những ai đã tham dự vào sáng kiến hết sức hợp thời này, bởi vì nó đáp lại nhu cầu phải tiếp tục và đào sâu những giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II, để làm nổi bật sức thúc đẩy được Sắc Lệnh của Công Ðồng Vaticanô II khắc ghi vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Thật vậy, với sự chấp nhận vào ngày 7 tháng 12 năm 1965 của sắc lệnh Ad Gentes, một sức thúc đẩy mới đã được đưa vào sứ mạng của Giáo Hội. Những nền tảng thần học của việc dấn thân truyền giáo đã được làm sáng tỏ cách tốt đẹp hơn; giá trị và tính cách thời sự của Sắc Lệnh, trước những thay đổi của thế giới và trước những thách thức mà thế giới tân tiến đặt ra cho việc rao giảng Tin Mừng (x. số 1). Giáo Hội đã có một ý thức rõ ràng hơn về ơn gọi truyền giáo bẩm sinh của mình, vừa nhìn nhận đó như là yếu tố cấu thành chính bản chất của mình. Trong tinh thần vâng phục mệnh lệnh của Chúa Kitô, Ðấng đã sai các môn đệ ra đi rao giảng Phúc âm cho tất cả mọi dân tộc (x. Mt 28,18-20), cộng đoàn kitô, cả trong thời đại chúng ta hôm nay, cảm thấy mình được sai đến những con người nam nữ của ngàn năm thứ ba, để làm cho họ nhận biết sự thật của sứ điệp Tin Mừng và mở ra cho họ con đường cứu rỗi. Và điều này, như tôi đã nói, không phải là điều tự do làm hay không cũng được, nhưng là ơn gọi riêng biệt của Dân Chúa, một bổn phận của Dân Chúa do mệnh lệnh của chính Chúa Giêsu Kitô (x. Evangelii Nunbtiandi, 5). Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới.

Việc công bố Sắc Lệnh về Truyền Giáo - Ad Gentes - của Công Ðồng Vaticanô II, sắc lệnh mà quý vị và anh chị em được dịp suy nghĩ, đã cho phép ta làm nổi bật gốc rễ nguyên thủy của sứ mạng của Giáo Hội; gốc rễ nguyên thủy đó là chính Ba Ngôi Thiên Chúa, mà từ đó phát sinh dòng tình yêu từ Ba Ngôi Thiên Chúa đổ tràn xuống trên nhân loại. Tất cả được phát sinh từ con tim Thiên Chúa Cha trên trời, Ðấng đã yêu thuơng thế gian đến nổi trao ban Con Một Mình cho thế gian, ngõ hầu bất cứ ai tin vào Người, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời (x. Gn 3,16). Với Mầu Nhiệm Nhập Thể, Con Một Thiên Chúa đã được thiết lập làm đấng trung gian đích thật và tối cao giữa Thiên Chúa Cha và con người. Trong Người, Ðấng đã chết và sống lại, lòng nhân từ dịu dàng đầy quan phòng của Thiên Chúa, chạm đến từng người trong những hình thức và theo những con đường mà chỉ một mình Thiên Chúa mới biết mà thôi. Trách vụ của Giáo Hội là không ngừng thông truyền tình yêu thần thiêng này, nhờ qua tác động ban sức sống của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chính Chúa Thánh Thần là Ðấng biến đổi đời sống của các tín hữu, vừa giải thoát họ khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết, và làm cho họ có khả năng làm chứng cho tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa, Ðấng muốn làm cho nhân loại trở thành một đại gia đình duy nhất, trong Con Một Ngài (x. TÐ "Thiên Chúa là Tình yêu", Deus Caritas est).

Ngay từ khởi đầu, Dân Kitô đã ý thức rõ ràng về tầm quan trọng phải chia sẻ sự phong phú tình yêu Thiên Chúa cho tất cả những ai chưa biết Chúa Kitô, nhờ qua hoạt động truyền giáo không ngừng. Hơn nữa, trong những năm qua, người ta cảm thấy nhu cầu cần nhấn mạnh lại sự dấn thân này, bởi vì trong thời hiện đại, -- như vị tiền nhiệm đáng mến của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, nhận định -- sứ mạng truyền giáo Ad Gentes xem ra như đã bước vào giai đoạn bị chậm lại, do khó khăn phát sinh từ sự thay đổi khung cảnh nhân học, văn hoá, xã hội và tôn giáo của nhân loại. Ngày hôm nay, Giáo Hội được mời gọi đối diện với những thách thức mới và sẵn sàng đối thoại với những nền văn hoá và những tôn giáo khác nhau, vừa cố gắng cộng tác với mọi người thiện chí để cùng nhau xây dựng sự chung sống hoà bình giữa các dân tộc. Như thế lãnh vực của sứ mạng truyền giáo ad gentes cho thấy được nới rộng thêm một cách đáng kể, và không phải chỉ được xác định dựa trên những nhận định về địa dư hay pháp lý mà thôi; thật vậy, không phải chỉ có những dân tộc không kitô và những vùng đất xa xôi, nhưng còn phải kể đến những môi trường xã hội và văn hoá nữa, nhất là những con tim, đối tượng đích thật của họat động truyền giáo của Dân Chúa.

(còn tiếp)