Nhiều cơ cấu khác nhau của công việc bác ái trong bối cảnh xã hội của ngày hôm nay

30. Trước khi thử đưa ra một mô tả cụ thể về hoạt động phục vụ con người của Hội Thánh, giờ đây tôi muốn xem hoàn cảnh tổng quát của cuộc chiến cho công bằng và tình yêu trên thế giới ngày hôm nay.

a) Ngày hôm nay các phương tiện truyền thông đã làm cho hành tinh của chúng ta trở thành nhỏ hơn, bằng cách nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc và văn hoá khác nhau. “Sự sống chung” này đôi khi làm nảy sinh sự hiểu lầm và căng thẳng, tuy nhiên khả năng biết hầu như tức khắc nhu cầu của kẻ khác thách thức chúng ta chia sẻ hoàn cảnh và khó khăn của họ. Dầu có những tiến bộ lớn lao về mặt khoa học và kỹ thuật, mỗi ngày chúng ta thấy biết bao đau khổ trên thế giới do bởi nhiều thứ nghèo khó khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần. Thời đại chúng ta kêu gọi một sự sẵn sàng mới mẻ để trợ giúp những người lân cận đang thiếu thốn. Công đồng Vatican II đã nói rất rõ về điểm này: “Thời nay, nhờ những phương tiện truyền thông tốt hơn, khoảng cách giữa con người không còn nữa, những hoạt động bác ái có thể và phải bao gồm mọi người và mọi nhu cầu.”[24]

Mặt khác—và đó cũng là một khía cạnh thách thức và đồng thời tích cực của tiến trình toàn cầu hoá—giờ đây chúng ta có được trong tầm tay nhiều phương tiện để đem lại sự trợ giúp nhân đạo cho anh chị em chúng ta đang thiếu thốn, đặc biệt là các hệ thống hiện đại để phân phối lương thực và quần áo, cung cấp nhà cửa và chăm sóc. Mối quan tâm đối với những người lân cận của chúng ta vượt qua ranh giới của cộng đồng quốc gia và dần dần mở rộng chân trời ra toàn thể thế giới. Công đồng Vatican II đã nhận xét cách đúng đắn rằng “trong các dấu chỉ của thời đại chúng ta, phải đặc biệt chú ý tới ý thức ngày càng gia tăng và không thể tránh được về tình liên đới giữa các dân tộc.”[25] Các cơ quan của quốc gia và các hiệp hội nhân đạo hành động để cổ võ điều này, nhờ tiền trợ cấp hay giảm thuế, hoặc cung cấp những tài nguyên đáng kể cho người khác. Như thế sự liên đới được xã hội dân sự tỏ bày vượt quá cách đầy ý nghĩa sự liên đới của các cá nhân.

b) Hoàn cảnh này đã dẫn đến sự khai sinh và tăng trưởng của nhiều hình thức cộng tác giữa các Quốc gia và các cơ quan của Hội Thánh, điều này đã mang lại nhiều kết quả. Các cơ quan của Hội Thánh, với hoạt động trong sáng và trung thành với nhiệm vụ làm chứng cho tình yêu, đã có thể đem lại một phẩm tính kitô giáo cho cả các cơ quan dân sự nữa, bằng cách cổ võ một sự cộng tác lẫn nhau mà chỉ có thể đem lại hiệu năng cho công việc bác ái.[26] Nhiều tổ chức bác ái hay từ thiện cũng đã được thành lập và những tổ chức này đã dấn thân để đi đến những giải pháp thích hợp cho những vấn đề xã hội và chính trị của ngày hôm nay. Một hiện tượng quan trọng của thời đại chúng ta là sự xuất hiện và lan rộng những hình thức thiện nguyện khác nhau, đảm nhận rất nhiều hình thức phục vụ.[27] Tại đây tôi muốn nói lên lời cám ơn và kính trọng đặc biệt đối với tất cả những ai góp phần vào trong các hoạt động này bất cứ cách nào. Đối với người trẻ, sự dấn thân ngày càng lan rộng này làm thành một trường học của sự sống, ngôi trường này đào tạo họ về tình liên đới và sự sẵn sàng hiến dâng cho người khác, không chỉ bằng những trợ giúp vật chất mà còn bằng chính bản thân họ. Nền văn hoá-đối lập của sự chết, vốn tìm cách diễn tả chẳng hạn qua việc sử dụng ma túy, đã được chặn lại bởi một tình yêu vô vị lợi, tình yêu này tỏ bày chính mình là một văn hoá của sự sống bằng chính ước muốn “đánh mất mạng sống mình” (x. Lc 17,33) cho kẻ khác.

Trong Hội Thánh Công giáo, và cũng như trong các Giáo hội khác và các Cộng đoàn Giáo hội, những hình thức mới của hoạt động bác ái đã nảy sinh, trong khi những hình thức cũ hơn đã tái xuất hiện với một nhiệt tình đổi mới. Trong những hình thức mới này, thường có thể thiết lập một mối liên kết sinh nhiều hoa trái giữa loan báo Tin mừng và công việc bác ái. Tại đây tôi muốn tái khẳng định cách rõ ràng điều mà vị tiền nhiệm vĩ đại của tôi, Đức Gioan-Phaolô II đã viết trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis [28] khi ngài xác nhận sự sẵn sàng cộng tác của Hội Thánh Công giáo với các cơ quan bác ái của các Giáo hội và Cộng đoàn Giáo hội, bởi vì tất cả chúng ta có cùng động lực nền tảng và nhắm đến cùng một mục tiêu: một chủ nghĩa nhân đạo đích thực, biết rằng con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và muốn giúp con người sống theo một lối sống xứng hợp với phẩm giá ấy. Thông điệp Ut Unum Sint của ngài đã nhấn mạnh rằng việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đòi hỏi các kitô hữu phải lên tiếng chung với nhau trong khi hành động để ghi khắc “lòng kính trọng đối với quyền lợi và nhu cầu của mọi người, đặc biệt những người nghèo, người thấp kém và không được bảo vệ.” [29] Ở đây tôi muốn diễn tả sự hài lòng của tôi khi lời mời gọi này đã có được một âm vang rộng rãi trong nhiều sáng kiến khắp thế giới.

Khía cạnh riêng biệt của hoạt động bác ái của Hội Thánh

31. Sự gia tăng các tổ chức khác nhau dấn thân trong việc đáp ứng các nhu cầu khác nhau của con người rốt cuộc là do bởi sự kiện: giới luật yêu thương người lân cận đã được Đấng Tạo hoá ghi khắc trong chính bản tính con người. Đó cũng là kết quả của sự hiện diện của kitô giáo trong trần gian, bởi vì kitô giáo thường sống và thể hiện mệnh lệnh này, mệnh lệnh thường bị lu mờ theo thời gian. Cuộc cải tổ ngoại giáo do hoàng đế Giulianô Kẻ Bội giáo thực hiện chỉ là một ví dụ ban đầu của hiệu quả này; ở đây chúng ta thấy làm sao quyền lực của kitô giáo lan rộng vượt quá các ranh giới của đức tin kitô giáo. Vì lý do ấy, thật là quan trọng khi hoạt động bác ái của Hội Thánh giữ được tất cả vẻ huy hoàng của nó và không trở thành chỉ là một hình thức khác của trợ giúp xã hội. Vậy đâu là những yếu tố nền tảng của bác ái kitô giáo và của Giáo hội?

a) Theo mẫu gương đề ra trong dụ ngôn người Samaritanô nhân lành, bác ái kitô giáo trước tiên là lời đáp trả đơn sơ cho những nhu cầu cấp thời và những hoàn cảnh riêng biệt: cho kẻ đói ăn, mặc cho kẻ ở trần, chăm sóc và chữa lành bệnh nhân, thăm viếng kẻ bị tù đày v.v… Các tổ chức bác ái của Hội Thánh, khởi đầu với tổ chức Caritas (ở bình diện giáo phận, quốc gia, quốc tế), phải làm hết mọi khả năng của mình để cung cấp các tài nguyên và trên tất cả là nhân sự cho công việc này. Những người chăm sóc những kẻ thiếu thốn trước tiên phải có nghiệp vụ: họ phải được đào tạo cách đúng đắn họ phải làm gì và làm như thế nào, và dấn thân trong việc chăm sóc thường xuyên. Quả vậy, trong khi khả năng nghiệp vụ là một đòi hỏi đầu tiên, nền tảng, điều đó không đủ. Chúng ta đang quan hệ với những con người, và con người luôn cần cái gì hơn là sự chăm sóc về phương diện kỹ thuật. Họ cần đến tình người. Họ cần đến sự quan tâm chân thành. Những ai làm việc trong những tổ chức bác ái của Hội Thánh phải nên lỗi lạc bởi sự kiện là họ không chỉ đáp ứng những nhu cầu hiện tại, nhưng họ hiến mình cho người khác với sự quan tâm chân thành, bằng cách giúp người khác cảm nghiệm sự phong phú của nhân tính họ. Vì thế, thêm vào việc đào tạo chuyên môn cần thiết, những người làm bác ái cần được “đào tạo con tim”: họ cần được dẫn tới gặp Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng thức tỉnh tình yêu của họ và mở lòng họ ra cho kẻ khác. Như thế, tình yêu đối với tha nhân không còn đối với họ là một lề luật áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một hệ luận phát xuất từ đức tin, một đức tin trở nên sống động nhờ tình yêu (x. Gl 5,6).

b) Hoạt động bác ái của kitô giáo phải độc lập với các phe nhóm và ý thức hệ. Nó không phải là một phương thế để thay đổi trần gian về phương diên ý thức hệ, và không nhằm phục vụ các mưu kế trần gian, nhưng nó là một cách thế làm cho tình yêu hiện diện tại nơi đây và lúc này, tình yêu mà con người luôn cần đến. Thời hiện đại, đặc biệt kể từ thế kỷ XIX, đã bị thống trị bởi những bản phóng tác khác nhau của một triết lý về tiến bộ, mà hình thức triệt để nhất là thuyết Mácxít. Một phần của chiến lược Mácxít là lý thuyết bần cùng hoá: trong hoàn cảnh của một quyền lực bất chính, họ lập luận như thế, bất cứ ai dấn thân trong những sáng kiến bác ái thì đang phục vụ hệ thống bất chính ấy, bằng cách làm cho nó có vẻ có thể chịu đựng được tới một mức độ nào đó. Việc ấy làm chậm đi một cuộc cách mạng tiềm tàng và vì thế gây trở ngại cho cuộc chiến xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhìn theo cách ấy, bác ái bị loại trừ và bị tấn công như một phương thế bảo vệ hiện trạng status quo. Quả vậy đây là một triết lý vô nhân đạo. Con người của ngày hôm nay bị sát tế cho thần môlốc của ngày mai—một ngày mai mà sự thực hiện có hiệu quả thì đáng ngờ. Ta không thể làm cho trần gian nhân bản hơn bằng cách từ chối hành động cách nhân đạo lúc này và ở đây. Chúng ta đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn chỉ bằng cách từng cá nhân làm việc thiện ngày hôm nay, với sự dấn thân trọn vẹn và bất cứ nơi nào chúng ta có cơ hội, độc lập với mọi mưu kế và chương trình của phe phái. Chương trình của kitô giáo —chương trình của người Samaritanô nhân hậu, chương trình của Đức Giêsu—là “một trái tim biết nhìn thấy”. Trái tim này nhìn thấy nơi nào tình yêu đang cần đến và hành động cách phù hợp. Rõ ràng là khi hoạt động bác ái được thực hiện bởi Hội Thánh như một sáng kiến của cộng đoàn, sự tự phát của cá nhân phải phối hợp với kế hoạch, tầm nhìn và cộng tác với những tổ chức tương tự.

c) Hơn thế nữa, bác ái không thể được sử dụng như một phương tiện để dấn thân trong cái mà ngày nay ta gọi là chiêu mộ tín đồ. Tình yêu thì tự do; nó không thể được thực hành như một phương thế để đạt tới mục đích khác.[30] Nhưng điều này không có nghĩa là phải để Thiên Chúa và Đức Kitô ra một bên. Bởi vì nó luôn liên can đến toàn thể con người. Thường nguyên do sâu xa nhất của đau khổ là chính sự vắng mặt của Thiên Chúa. Những ai thực hành đức ái nhân danh Hội Thánh sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt đức tin của Hội Thánh trên kẻ khác. Họ nhận thức rằng một tình yêu tinh tuyền và quảng đại là chứng tá tốt nhất về Thiên Chúa mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương. Một kitô hữu biết lúc nào phải nói về Thiên Chúa và lúc nào không nói gì thì tốt hơn và để cho một mình tình yêu cất tiếng. Người ấy biết rằng Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,8) và sự hiện diện của Thiên Chúa được cảm nghiệm chính vào lúc điều duy nhất chúng ta làm là yêu thương. Người ấy biết rằng—để trở về với câu hỏi đặt ra trước kia—khinh thị tình yêu là khinh thị Thiên Chúa và con người; đó là một nỗ lực hành động mà không có Thiên Chúa. Vì thế, sự bảo vệ tốt nhất cho Thiên Chúa và con người hệ tại chính yếu trong tình yêu. Trách nhiệm của những tổ chức bác ái của Hội Thánh là tăng cường ý thức này nơi các thành viên, để nhờ hoạt động của họ—cũng như nhờ lời nói, sự thinh lặng, gương sáng của họ—họ có thể trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Đức Kitô.