PHẦN II

BÁC ÁI

HỘI THÁNH, MỘT “CỘNG ĐOÀN YÊU THƯƠNG”,

THỂ HIỆN TÌNH YÊU

Hoạt động bác ái của Hội Thánh như là một cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi

19. Thánh Augustinô đã viết: “Nếu bạn thấy tình bác ái thì bạn nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi”. Trong những giòng suy tư trên, chúng ta đã hướng về Đấng bị đâm thâu (x. Ga 19,37; Dcr 12,10), để nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa Cha, Đấng do tình yêu thôi thúc (x. Ga 3,16), đã sai Con yêu dấu duy nhất của mình đi vào thế giới để cứu chuộc con người. Khi chết trên Thập giá - như thánh Gioan kể lại - Đức Giêsu đã “trao Thần Khí” (x. Ga 19,30), báo trước quà tặng là Chúa Thánh Thần mà Người sẽ ban sau khi phục sinh (Ga 20,22). Như thế đã ứng nghiệm lời hứa về “những dòng sông mang nước hằng sống” sẽ tuôn chảy từ tâm hồn các tín hữu, qua việc đổ tràn của Chúa Thánh Thần (Ga 7,33-38). Quả thế, Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh bên trong làm hoà nhập trái tim của họ với trái tim của Đức Giêsu và thúc đẩy họ yêu thương anh em mình như Đức Giêsu đã yêu thương họ, khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1; 15,13) và nhất là, khi Người trao ban mạng sống Người cho chúng ta (Ga 13,1; 15,13).

Thánh Thần cũng là nguồn sinh lực làm biến đổi con tim của cộng đoàn hội thánh, để cộng đoàn trở thành chứng nhân cho thế giới về tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Con của Người. Toàn bộ hoạt động của Hội Thánh là biểu lộ của một tình yêu muốn tìm kiếm sự thiện hảo toàn vẹn cho con người: nó tìm cách loan báo Tin mừng qua Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, một công việc thường rất anh hùng khi được thực hiện trong lịch sử; và nó tìm cách nâng cao con người trong các lãnh vực đa dạng của cuộc sống và hoạt động nhân bản. Vì thế, yêu thương là công việc phục vụ mà Hội Thánh thực hiện để luôn đáp ứng trước những nỗi đau và nhu cầu của con người, kể cả các nhu cầu vật chất. Việc phục vụ của đức ái, đó chính là khía cạnh mà tôi muốn tập trung trong phần thứ hai của Thông điệp.

Bác ái như một nhiệm vụ của Hội Thánh

20. Yêu thương người lân cận, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước hết và trên hết là một nhiệm vụ của mỗi cá nhân người tín hữu, nhưng nó cũng còn là nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn Hội thánh ở mọi cấp độ: từ cộng đoàn địa phương đến Hội thánh địa phương và Hội thánh hoàn vũ trong toàn thể của nó. Hội thánh, trong tư cách một cộng đoàn, phải thực hành tình yêu. Vì thế, tình yêu cũng cần được tổ chức nếu nó muốn trở thành một công việc phục vụ có thứ tự đối với cộng đoàn. Ý thức về nhiệm vụ này đã có một tính chất thiết yếu trong Hội thánh ngay từ buổi đầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2, 44-45). Bằng những lời này, thánh Luca đưa ra một thứ định nghĩa về Hội thánh, với những yếu tố cấu thành là sự trung thành đối với “lời giảng dạy của các thánh tông đồ”, “hiệp thông” (koinonia), “bẻ bánh”, và “cầu nguyện” (Cv 2, 42). Yếu tố “hiệp thông” không được xác định rõ ngay từ đầu, nhưng xuất hiện cách cụ thể trong những câu được trích dẫn trên: nó hệ tại ở sự kiện các tín hữu để mọi sự làm của chung và giữa họ, không còn có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo (x. Cv 4,32-37). Hình thức triệt để này của sự hiệp thông vật chất thực tế không còn tồn tại với sự tăng trưởng của Hội Thánh. Nhưng điểm cốt yếu của nó còn lưu lại: trong cộng đoàn các tín hữu, không thể tồn tại một hình thức nghèo đói là từ chối với ai điều gì cần thiết để có một cuộc sống xứng đáng.

21. Một bước quyết định trong việc tìm kiếm đầy khó khăn những phương thế để thực hiện nguyên tắc nền tảng này của Giáo hội được thấy rõ qua việc chọn lựa bẩy người, vốn là khởi điểm của chức vụ phó tế (x. Cv 6,5-6). Quả vậy, trong Hội Thánh tiên khởi, trong việc phân phát lương thực hằng ngày cho các bà goá, có một sự chênh lệch nảy sinh giữa những người nói tiếng Do Thái và những người nói tiếng Hy Lạp. Các Tông đồ, vì đã được giao phó trước tiên “việc cầu nguyện” (Bí tích Thánh Thể và phụng vụ) và “việc phục vụ Lời”, cảm thấy quá tải với “việc phục vụ bàn ăn”, vì thế các ngài quyết định dành cho mình nhiệm vụ chính yếu và chỉ định một nhóm bẩy người làm công việc kia, cũng cần thiết trong Hội Thánh. Tuy nhiên, nhóm này không chỉ chu toàn một công việc thuần túy kỹ thuật là phân phát: họ là những con người “đầy Thần Khí và khôn ngoan” (x. Cv 6,1-6). Điều đó có nghĩa là công việc phục vụ xã hội mà họ phải đảm nhận thì thật cụ thể, tuy nhiên đồng thời đó cũng là một việc phục vụ thiêng liêng; đối với họ đó quả là một việc phục vụ thiêng liêng đích thực, thực hiện một nhiệm vụ cốt yếu của Hội Thánh, đó là tình yêu đối với người lân cận được tổ chức cho có trật tự. Với sự hình thành nhóm bẩy này, “diaconia”— thừa tác vụ bác ái được thực thi một cách cộng đồng và trật tự—trở nên thành phần trong cơ cấu nền tảng của Hội Thánh.

22. Trải qua năm tháng, với sự bành trướng dần dần của Hội Thánh, việc thực hành đức bác ái được thiết lập như một hoạt động cốt yếu của Hội Thánh, cùng với việc ban phát các bí tích và loan báo Lời: tình yêu đối với các quả phụ và kẻ mồ côi, người bị tù đày và người bệnh, và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thì cũng thiết yếu đối với Hội Thánh như thừa tác vụ các bí tích và việc rao giảng Tin mừng. Hội Thánh không thể lơ là việc phục vụ bác ái cũng như không thể lơ là trong việc ban các bí tích và Lời. Một vài quy chiếu cũng đủ chứng tỏ điều này. Thánh Giútinô tử đạo († c. 155) khi nói về cuộc cử hành ngày Chúa Nhật của các kitô hữu, cũng đã đề cập đến hoạt động bác ái của họ, vì nó gắn liền với Bí tích Thánh Thể. Những người khá giả đã dâng cúng theo khả năng của họ, mỗi người tùy theo ý nguyện của họ; Giám mục sử dụng những của này để trợ giúp các trẻ mồ côi, người goá bụa, người bệnh và những người vì những lý do khác đang túng quẫn, chẳng hạn những người bị tù đày và những người ngoại kiều. [12] Đại văn sĩ kitô giáo Tertullian († sau 220) kể lại làm sao những người ngoại đã bị đánh động khi thấy người kitô hữu quan tâm đến những nhu cầu dưới mọi hình thức.[13] Và khi thánh Ignatiô thành Antiôkia († c. 117) mô tả Giáo hội Rôma “đứng đầu trong việc bác ái (agape)”,[14] chúng ta có thể nghĩ rằng với định nghĩa này, ngài cũng muốn diễn tả một cách nào đó hoạt động bác ái cụ thể.

23. Ở đây có lẽ hữu ích khi đề cập đến những cơ cấu pháp lý tiên khởi liên quan đến việc phục vụ bác ái trong Hội Thánh. Vào khoảng giữa thế kỷ IV, chúng ta thấy sự phát triển của “diaconia” tại Ai Cập: đó là cơ chế trong mỗi đan viện, chịu trách nhiệm về các hoạt động cứu tế, nói cách khác, việc phục vụ bác ái. Suốt sáu thế kỷ cơ chế này đã phát triển thành một tổ chức có đầy đủ tư cách pháp lý, mà chính quyền dân sự đã giao phó một phần thóc lúa để phân phát cho dân chúng. Tại Ai Cập, không chỉ mỗi đan viện, nhưng mỗi giáo phận cuối cùng đã có diaconia riêng; cơ chế này đã phát triển cả tại Đông phương lẫn Tây phương. Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả († 604) đã đề cập đến diaconia của thành Napôli; trong khi tại Rôma, các diaconia được các tài liệu ám chỉ từ thế kỷ VII và VIII. Nhưng hoạt động cứu tế cho người nghèo và người đau khổ vốn đã là một thành phần thiết yếu của Hội Thánh tại Rôma ngay từ lúc đầu, theo những nguyên tắc của đời sống kitô giáo được trình bày trong sách Công vụ các Tông đồ. Hoạt động ấy tìm thấy một sự diễn tả sống động trong trường hợp của phó tế Lôrensô († 258). Bài tường thuật cảm động về việc tử đạo của thánh Lôrensô đã được biết đến nhờ thánh Ambrosiô († 397) và cung cấp một bức chân dung xác thực về vị thánh. Sau khi Đức Giáo hoàng và các bạn phó tế bị bắt, Lôrensô, vì là người chịu trách nhiệm chăm sóc các người nghèo tại Rôma, đã được cho một thời gian để gom góp các của cải châu báu của Giáo hội và trao nộp cho chính quyền. Ngài đã phân phát tiền của có trong tay cho người nghèo và sau đó trình diện với chính quyền các người nghèo như là kho báu đích thực của Giáo hội.[15] Dù những chi tiết này đáng tin về phương diện lịch sử đến mức độ nào đi nữa, thánh Lôrensô luôn hiện diện trong ký ức của Hội Thánh như một nhân vật tiêu biểu về lòng bác ái của Hội Thánh.

24. Đề cập đến Hoàng đế Giulianô Kẻ Bội giáo († 363) cũng có thể minh chứng Hội Thánh tiên khởi đã xem việc thực hành bác ái có tổ chức thiết yếu như thế nào. Khi lên sáu tuổi, Giulianô đã chứng kiến người cha, các anh em và những thành viên khác của gia đình mình bị đội bảo vệ hoàng cung giết hại; đúng hay sai thì không biết, ông đã gán hành vi bạo hành này cho Hoàng đế Constantinô, người tự nhận là một kitô hữu trổi trang. Vì thế, đức tin kitô giáo dứt khoát đã bị mất uy tín dưới con mắt của ông. Khi trở thành hoàng đế, Giulianô quyết định tái lập ngoại giáo, tôn giáo của đế quốc Rôma cũ, nhưng đồng thời canh tân lại, nhằm làm cho nó trở thành thực sự sức mạnh hấp dẫn của đế quốc. Trong kế hoạch này ông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ kitô giáo. Ông đã thiết lập một hàng giáo phẩm gồm các Đại tư tế và các tư tế là những người phải cổ võ cho tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận. Trong một lá thư,[16] ông viết rằng khía cạnh duy nhất của kitô giáo đã đánh động ông là hoạt động bác ái của Hội Thánh. Vì thế, ông xem điều đó là thiết yếu đối với tôn giáo mới đến nỗi bên cạnh hệ thống bác ái của Hội Thánh, ông đã thiết lập một hoạt động tương tự cho tôn giáo của ông. Theo ông, đó chính là lý do mà những người “Galilê” được quần chúng yêu thích. Họ cần phải được noi gương và bị vượt qua. Như thế, Hoàng đế đã khẳng định rằng bác ái là một điểm đặc trưng quyết định của cộng đoàn kitô hữu, của Hội Thánh.

25. Đến đây, hai sự kiện cốt yếu đã nảy sinh từ suy tư của chúng ta:

a) Bản tính sâu xa nhất của Hội Thánh được diễn tả qua ba nhiệm vụ: loan báo lời của Thiên Chúa (kerygma-martyria), cử hành các bí tích (leitourgia), và thi hành tác vụ bác ái (diakonia). Những nhiệm vụ này bao hàm lẫn nhau và không thể tách rời. Đối với Hội Thánh, bác ái không phải là một thứ hoạt động trợ giúp xã hội mà ta cũng có thể để lại cho người khác làm, nhưng thuộc về bản tính của Hội Thánh, một lối diễn tả không thể thiếu của bản chất Hội Thánh.[17]

b) Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa trong trần gian. Trong gia đình này không ai phải chịu đau khổ vì thiếu cái cần thiết của sự sống. Đồng thời caritas - agape trải rộng vượt qua biên giới của Hội Thánh. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu vẫn là một chuẩn mực đòi chúng ta tỏ bày tình yêu phổ quát đối với người thiếu thốn mà chúng ta “tình cờ” gặp gỡ (x. Lc 10,31), dù họ là ai đi chăng nữa. Không hề giảm giá trị của giới luật này về tình yêu phổ quát, Hội Thánh cũng có một trách nhiệm đặc biệt: trong gia đình Hội Thánh không ai phải chịu đau khổ vì thiếu thốn. Giáo huấn của Thư gởi tín hữu Galát thật mạnh mẽ: “Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (6,10).

Bản dịch của Phan Du Sinh (để tham khảo – sẽ có bản dịch chính thức được Ban Giáo lý Đức tin phê chuẩn)