Beirut -
Đức Hồng Y Nasrallah Sfeir
Tổng Thống Emile Lahoud
Trong bài giảng Thánh Lễ Giáng Sinh hôm 25/12/2005, trước mặt tổng thống Emile Lahoud đang ngồi ngay ở hàng ghế đầu, Đức Hồng Y Nasrallah Sfeir, thượng phụ giáo chủ Công Giáo nghi lễ Maronite đã đưa ra lời kêu gọi tổng thống hãy xem xét lại xem mình có xứng đáng trong cương vị tổng thống hay không và sớm đưa ra quyết định từ chức vì lợi ích tối thượng của quốc gia. Đức Thượng Phụ cầu nguyện để cho quyết định từ chức của tổng thống đem lại an ninh cho quốc gia. Những lời lẽ thẳng thắn và trực tiếp của Đức Thượng Phụ đã làm ông Lahoud tái mặt và lúng túng vì bất ngờ.

Tổng thống Emile Lahoud, một người có khuynh hướng thân Syria đã chịu nhiều áp lực buộc phải từ chức từ sau cái chết của ông Rafik Hariri, cựu thủ tướng Li Băng, người đã bị ám sát hôm 14/2/2005. Trong ngày đó, một trái bom đã phát nổ ngay giữa lòng thủ đô Beirut giết chết 17 người trong đó có cựu thủ tướng Li Băng, ông Rafik Hariri. Những áp lực buộc ông Lahoud từ chức lại bộc phát lên trong những ngày qua tiếp theo sau vụ ám sát ông Gibran Tueni, chủ bút tờ An-Nahar, một tờ báo lớn ở Li Băng có lập trường chống Syria. Vụ sát hại ông Gibran Tueni hôm 12/12/2005 là vụ chót trong 14 vụ ám sát bằng bom đã diễn ra tại Li Băng nhắm vào các thành phần chống đối Syria.

Đức Thượng Phụ nói thêm rằng quyết định có nên từ chức hay không tùy thuộc lương tâm tổng thống. "Chúng tôi chỉ có thể cầu xin cùng Thiên Chúa để linh hứng cho ngài biết làm thế nào để gìn giữ thể diện một vị tổng thống và vị trí nguyên thủ quốc gia, và bảo đảm an ninh cho người Li Băng".

Ông Lahoud đã tiếp tục tham dự thánh lễ cho đến hết. Sau thánh lễ, phát ngôn viên tổng thống cho biết những nhận xét của Đức Thượng Phụ sẽ không làm thay đổi ý định của tổng thống muốn tại vị cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2007.

Trong khi đó, diễn biến mới nhất liên quan đến Syria và Li Băng là việc cựu phó tổng thống Syria, ông Abdul-Halim Khaddam, trong một chương trình truyền hình tại Paris hôm 1/1/2006, đã lên tiếng tố cáo rằng các nhà lãnh đạo Syria đã hăm dọa ông Rafik Hariri, cựu thủ tướng Li Băng, nhiều tháng trước khi ra tay ám sát ông này.

Đảng cầm quyền Baath tại Syria đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách khai trừ ông Abdul-Halim Khaddam khỏi đảng. Quốc hội Syria cũng đã nhóm khẩn cấp một phiên họp để đưa ông Abdul-Halim Khaddam ra tòa về tội phản quốc. Ông Abdul-Halim Khaddam có lẽ sẽ phải xin tị nạn tại Pháp hay một quốc gia Tây phương.