Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng


I. Bản chất Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng

Sống Đạo là gì?

Sống Đạo là sống những lời dậy dỗ, sống cuộc đời của Chúa Kitô. Cuộc đời của Chúa là cuộc đời chân lý. Sống cuộc đời của Chúa là sống trong chân lý khi kết hiệp với Chúa Cha, Chúa Thánh thần và hiệp thông với anh chị em.

Loan Báo Tin Mừng là gì?

Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp Evangeli Nuntiandi (Rao giảng Tin mừng trong Thế Giới Tân Tiến Ngày nay) đã định nghĩa rằng Loan Báo Tin Mừng là đem Tin Mừng của Chúa Giêsu vào trong mọi hoàn cảnh, cuộc sống của con người, giúp canh tân thế giới và mỗi người nhờ sức mạnh ân sủng của Thánh Linh. Trọng tâm của Tin Mừng là Chúa Giêsu và ơn cứu chuộc của Ngài. Ơn cứu chuộc và cuộc đời của Đức Kitô được ghi lại trong thánh kinh, nhất là trong Tân Ước.

Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng cần hai yếu tố chính: hồi tâm và canh tân đời sống.

Hồi tâm là sự trở lại cùng Chúa nhờ ơn Chúa Thánh thần. Mọi người nhìn nhận Phúc âm đều liên tục hồi tâm bằng cách từ bỏ tội lỗi và trở nên môn đệ trung tín của Chúa trong Giáo hội. Hồi tâm, canh tân đời sống và sống Phúc âm liên hệ mật thiết với nhau.

  • hồi tâm
  • canh tân đời sống
  • sống Phúc Âm
Tại sao phải rao giảng Tin Mừng?

Sau khi đã hồi tâm, canh tân đời sống và sống Phúc âm, người tín hữu có bổn phận phải rao truyền Tin Mừng cho tha nhân. Nhiều người lầm tưởng rằng bổn phận rao giảng Tin Mừng chỉ thuộc về các linh mục, nữ tu hoặc một số người giáo dân thiện chí. Chúng ta phải rao giảng Tin Mừng vì Chúa đã truyền dậy chúng ta phải làm như vậy: "Các con hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy" (Mat-thêu 28: 19)

Chúng ta phải rao giảng Tin Mừng vì Tin Mừng mang tính cách cứu chuộc, mang tin vui, hạnh phúc cho mọi người. Tin Mừng không phải là gánh nặng. Đó chính là hạnh phúc là sự thật cần được rao giảng.

Khi hãnh diện với đức tin, khi vui mừng với sự thật đang sống, chúng ta phải rao giảng Tin Mừng, chia sẻ Tin Mừng cho tha nhân. Tất cả mọi người đều là con cái Chúa, là anh chị em trong một đại gia đình.

Đâu là nguồn sức mạnh để chúng ta rao giảng Tin Mừng?

Thiên Chúa và Thánh kinh. Trong Thánh kinh đặc biệt lưu ý đến Phúc âm. Chúng ta cần đọc, học hỏi Phúc Âm liên tục để có thể sống đời Phúc âm. Dưới sự hướng dẫn của Giáo hội, Ơn Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta chu toàn bổn phận và thiên chức của mình: thiên chức làm con Thiên Chúa.

Nên rao giảng Tin Mừng chỗ nào?

Một số người lầm tưởng rằng Tin Mừng chỉ được rao giảng trong nhà thờ hoặc khuôn viên thánh đường với các buổi họp tôn giáo. Ý tưởng này xem ra quá hạn hẹp. Chúa đã không chỉ rao giảng Tin Mừng trong hội đường nhưng trên đường phố, trong nhà, nơi bữa tiệc, ngoài bờ giếng... Nói cách khác khi sống Tin Mừng là rao giảng Tin Mừng. Lời nói, bài giảng chỉ là một phương cách rao giảng Tin Mừng mà thôi.

Thực ra, rao giảng Tin Mừng không đòi buộc chúng ta làm những việc vĩ đại. Chúng ta cần sống theo sự thật, theo lương tâm chính trực do Thánh kinh hướng dẫn mà thôi. Giáo hội nhắc nhở phương cách này là sống như "chứng nhân của Tin Mừng" và chia sẻ Tin Mừng đó với tha nhân.



II. Mục Tiêu Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng

Mục tiêu 1: Rao giảng Tin Mừng cho chính mình. Hãy hãnh diện với đức tin và truyền thống Công giáo mình đang sống. Hãy làm sống lại đức tin Công giáo nơi mọi người tín hữu để đang khi sống đức tin này trong Chúa Kitô, chúng ta được tự do chia sẻ với người khác.

Mục tiêu 2: Mời gọi mọi người tại Hoa kỳ dù thuộc thành phần xã hội hoặc văn hoá nào đi nữa cùng nghe sứ điệp cứu chuộc của Chúa Cứu thế. Mời gọi họ cùng chia sẻ đức tin Công giáo với chúng ta. Cần chia sẻ và sống Tin Mừng Phúc âm với mọi người.

Mục tiêu 3: Cổ võ các giá trị Phúc âm trong xã hội, nâng cao phẩm giá con người, tầm quan trọng của gia đình, của xã hội, nhờ đó quốc gia này sẽ tiếp tục được biến đổi trong sức mạnh cứu chuộc của Đức Kitô.

A- Mục tiêu 1

Rao giảng Tin Mừng cho chính mình. Hãy hãnh diện với đức tin và truyền thống Công giáo mình đang sống (số 47; 49). Hãy làm sống lại đức tin Công giáo nơi mọi người tín hữu để đang khi sống đức tin này trong Chúa Kitô, chúng ta được tự do chia sẻ với người khác (từ các số 90-93).

Nhận định: Người Công giáo Việt Nam chúng ta hiện đang có rất nhiều đoàn thể. Tuy nhiên, đa số các đoàn thể đều sinh hoạt giống nhau: đó là đọc kinh, cầu nguyện, yểm trợ ơn gọi, làm các bổn phận theo nhu cầu Giáo xứ như làm thừa tác đọc sách, Thánh thể. Việc học hỏi Thánh kinh chưa được phổ biến rộng rãi. Do đó, sống lời Chúa còn bị giới hạn.

A1- Chỉ tiêu 1: Hồi tâm và canh tân chính mình

Chỉ tiêu này chú trọng nhiều về Thánh kinh và sự hồi tâm của mỗi người trong Thánh kinh. Mọi người được kêu gọi sống đời toàn thiện.

Đối tượng

Các nhóm Công giáo Tiến hành và Hội đoàn nên chú tâm đến Thánh kinh là:

  • 1. Các chương trình cấm phòng Giáo xứ hoặc đoàn thể
  • 2. Canh tân Giáo xứ
  • 3. Chương trình RENEW
  • 4. Các bà mẹ Công giáo, Cursillo, Liên minh Thánh tâm, Ca đoàn, Phong trào Thánh linh đặc sủng, Huynh đoàn Đa Minh, Huynh đoàn Phanxicô, Thiếu nhi Thánh thể, Thăng tiến Hôn nhân, Hội cầu nguyện, Đoàn thanh niên Công giáo, Thanh sinh công và các đoàn thể Công giáo Tiến hành khác....
  • 5. Cấm phòng thanh niên, thiếu nữ cuối tuần
  • 6. Dự bị hôn nhân
  • 7. Các chương trình canh tân
  • 8. Các chương trình học Giáo lý cho người tân tòng, cho người bảo trợ
  • 9. Các buổi Giáo xứ chuẩn bị các bí tích, nhất là bí tích giao hòa.
Phương Cách

  • 1. Cổ võ việc mỗi người đọc thánh kinh hằng ngày. Ít nhất, mỗi ngày nên đọc một đọan Thánh kinh. Đánh dấu đọan đó rồi ngày sau đọc tiếp.
  • 2. Tổ chức các lớp học Thánh kinh, chia sẻ lời Chúa cho cả Giáo xứ hoặc cho từng nhóm.
  • 3. Cổ động việc nghiên cứu Thánh kinh chung từng nhóm
  • 4. Chú tâm nhiều hơn nữa đến việc nghe lời Chúa trong Thánh lễ. Chuẩn bị trước bài đọc trong Thánh lễ. Nghe và thảo luận những gì cha chủ tế giảng trong Thánh lễ.
Câu hỏi: Có cần lập thêm đoàn thể nào chuyên lo việc học hỏi và dậy dỗ Thánh kinh không?

Trả lời: Không. Chúng ta đã có đủ các đoàn thể. Mỗi đoàn thể cần đào sâu đời sống Thánh kinh của chính mình.

Câu hỏi: Có cần cử các vị lãnh đạo đoàn thể đi học hỏi Thánh kinh trước rồi về dậy lại mọi người trong đoàn?

Trả lời: Người dậy Thánh kinh nên có một trình độ khả tín cùng với tinh thần học hỏi.

A2- Chỉ tiêu 2: Truyền giáo qua việc tham gia Thánh lễ ngày Chúa nhật và hiểu biết ý nghĩa các Bí tích. Tri ân và cảm mến sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể và trong các Bí tích. (94-97)

Nhận định: Người xưa có câu: Vô tri bất mộ: không biết thì không yêu mến. Nhiều khi chúng ta đi lễ, đi dự các Bí tích nhưng hiểu biết rất giới hạn. Chính vì thế chúng ta không cảm nhận được giá trị của các việc phụng vụ cũng như các sinh hoạt trong Giáo xứ.

Đối tượng

  • 1. Bằng hữu. Mời gọi bạn bè đi nhà thờ. Đến nhà thờ tham dự Thánh lễ đúng giờ.
  • 2. Người mới đến. Thăm viếng các người mới gia nhập Giáo xứ
  • 3. Mời gọi mọi người tham gia vào các chương trình, sinh hoạt của Giáo xứ.
  • 4. Người thiếu phương tiện. Giúp cho người không có phương tiện đi nhà thờ có thể đến được nhà thờ.
  • 5. Giúp cho người khác thấy rằng họ cũng thực sự thuộc về Giáo xứ và không bị lẻ loi, lạc lõng.
  • 6. Giúp cho người chung quanh cảm thấy thoải mái khi đi nhà thờ
Phương cách

  • 1. Học hỏi lịch sử của Thánh lễ và ý nghĩa chung của Thánh lễ.
  • 2. Giải thích ý nghĩa các phần trong Thánh lễ. Tìm hiểu ý nghĩa của các phần trong Thánh lễ.
  • 3. Tìm hiểu các nghi thức trong Thánh lễ mang ý nghĩa gì?
  • 4. Chuẩn bị Thánh lễ bằng cách đọc trước các bài đọc.
  • 5. Mỗi Thánh lễ là một nghi thức cử hành long trọng. Mỗi Thánh lễ đều có một chủ đề. Tìm hiểu để biết chủ đề đó là gì?
  • 6. Nhắc nhở chính mình và người khác rằng đi lễ là đang cùng nhau cử hành việc chào đón Chúa và tha nhân. (So sánh Thánh lễ với việc chào mừng mỗi khi có dịp gặp Đức Giáo hoàng, tổng thống, ông bà nhưng ở trình độ cao tuyệt đối)
  • 7. Lắng nghe Lời Chúa như quà tặng cứu chuộc Chúa ban cho chúng ta qua Giáo hội
  • 8. Tìm hiểu thêm ý nghĩa của các Bí tích.
  • 9. Chính mình cùng với bạn bè đi dự các buổi chầu Thánh thể.
  • 10. Nếu có thể, chính mình trở thành thành viên của ban phụng vụ Giáo xứ.
  • 11. Các linh mục và những người có bổn phận giảng cũng rất cần: để thời giờ tìm hiểu ý nghĩa bài đọc dù đã quen thuộc, suy niệm bài giảng, soạn bài giảng, chia sẽ bài giảng trước ngày giảng với một nhóm nào đó, lắng nghe những phản ảnh của họ, bầy tỏ sự kính trong khi đọc, rước Sách Thánh.
A3- Chỉ tiêu 3: Cổ động đời sống cầu nguyện nơi người Công giáo

Nhận định: Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh hoặc lần hạt Mân côi, tuy đọc kinh và lần hạt phải đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống người Kitô hữu.

Đối tượng 1: Cá nhân

Phương cách:

  • 1. Cầu nguyện hằng ngày vào những giờ giấc đã được ấn định, như vậy chúng ta sẽ không quên.
  • 2. Đọc sách nguyện "Các giờ kinh phụng vụ" do Hội đồng Giám mục ấn hành. Sách cũng chỉ dẫn cho mọi người biết giờ nào cầu nguyện, đọc những kinh gì.
  • 3. Đọc chậm rãi và suy nghĩ những gì đang nguyện.
  • 4. Tìm hiểu và tập những phương cách suy niệm, hồi tâm.
  • 5. Nghiên cứu, thực hành và tham dự các nghi thức cũng như các bài đọc mang tính cách cầu nguyện thờ phượng.
  • 6. Khi đi tham dự Thánh lễ hoặc cầu nguyện, chúng ta sẽ tránh khỏi chia trí nếu có một chủ đề nào đó. Chủ đề có thể là cầu nguyện cho ông, bà, cha, me hoặc người thân còn sống hay đã qua đời; có thể là những chương trình chung của Giáo xứ, Giáo phận, Giáo hội; có thể cầu nguyện cho hoà bình thế giới hoặc ơn thiên triệu, cho người tỵ nạn và di dân, cho người bị bách hại, túng khổ...
Sử dụng các phương tiện:

  • 1. Dùng các phương tiện âm thanh, hình ảnh như slides, nhạc, trống, đàn giúp cho việc cầu nguyện thêm sốt sắng
  • 2. In các bản kinh để mọi người cùng đọc chung hoặc riêng khi thuận tiện
  • 3. Nhiều phương cách cầu nguyện đã được in trong những sách Giáo lý Công giáo của nhiều Giáo phận. Hãy đem ra sử dụng những tài liệu này.
  • 4. Các vị giám đốc hoặc trưởng những chương trình Giáo lý tại Giáo xứ / Cộng đoàn thường thường có nhiều tài liệu về những phương cách cầu nguyện, đọc kinh, nên liên lạc với họ để có thêm nguồn tài liệu.
  • 5. Có thể lựa chọn một kiểu cầu nguyện nào mà chúng ta thấy quen thuộc và thoải mái như cầu nguyện theo linh đạo Phanxicô gọi mặt trời, mặt trăng, cỏ cây hoa lá là anh, là chị, linh đạo Đa Minh với chín hình thái, linh đạo Ignatius, hoặc sách Đường Hy Vọng của Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận
  • 6. Bên cạnh hình thái quỳ cầu nguyện, còn có nhiều hình thái khác như đi, đứng, giang tay hoặc cả ngồi và nằm.
  • 7. Nếu thích hợp và thuận tiện, các hình thức giúp cầu nguyện mang tính cách truyền thống và văn hóa như dâng hoa, ngắm đứng nên được cổ võ.
Đối tượng 2: Gia đình, nhóm hoặc đoàn thể

Nhóm hoặc đoàn thể bao gồm việc cả nhà cùng cầu nguyện, cầu nguyện tại sở làm, cầu nguyện trong khung cảnh và hoàn cảnh riêng của các sắc dân.

Các nhóm cầu nguyện nhỏ -với người Việt Nam chúng ta là các đoàn thể Công giáo. Không nên và không được tách rời các nhóm cầu nguyện này khỏi các sinh hoạt Giáo xứ. Các đoàn thể nên nhắc nhở thành viên của mình cầu nguyện khi họp nhóm và trở thành men bột khi về nhà hoặc khi đi làm.

Gia đình:

  • 1. Nên cầu nguyện chung và hằng ngày tại gia.
  • 2. Thiết lập những giờ cầu nguyện cố định cho cả nhà.
  • 3. Buổi tối và trước bữa ăn tối chung là giây phút thuận lợi hơn cả.
  • 4. Cha mẹ, con cái cùng chia sẻ những bài đọc, và nếu có thể, chia sẻ kinh nghiệm sống, suy tư về tu đức, về thánh kinh.
  • 5. Áp dụng và thực hành những phương cách mới biểu dương đức tin trong gia đình.
Gợi ý: Một buổi cầu nguyện tại gia đình

  • 1. Xướng kinh: Bố hoặc Mẹ
  • 2. Dấu thánh giá
  • 3. Kinh Đức Chúa Thánh Thần
  • 4. Kinh ăn năn tội, Tin Cậy Mến như thường lệ
  • 5. Đọc một chục kinh (cả nhà)
  • 6. Đọc một đọan Thánh kinh (một người con hoặc cháu)
  • 7. Im lặng suy niệm một vài phút
  • 8. Chia sẻ bài Thánh kinh (nếu thuận tiện)
  • 9. Kinh Cám ơn, trông cậy, kinh cầu cho các linh hồn
Tất cả cầu nguyện xong trong 15-17 phút.

Đối tượng 3: Tại sở làm

  • 1. Sống với Chúa ngay trong sở làm. Thấy Chúa hiện diện và cùng làm với mình.
  • 2. Thấy các người làm cùng sở là những chứng nhân của Chúa.
  • 3. Khuyến khích những người làm cùng sở nâng cao giá trị luân lý, đức tin, nhân vị ngay tại sở làm. Những phương cách như tránh nói những lời thiếu thật thà, chửi bới, nói lời không trong sạch, trộm cắp, chửi thề... đi ngược lại tinh thần Kitô giáo. Liêm chính, sống và làm theo lương tâm, thành thật... là những giá trị Phúc âm.
  • 4. Tại các cuộc hội họp và cử hành riêng của mỗi sắc dân.
  • 5. Cử hành các nghi thức văn hóa, tu đức, tinh thần trong chiều hướng nhận ra ơn sủng riêng của sắc dân mình cũng như tính đại đồng Công giáo.
  • 6. Kính trọng các hình thức sùng kính cá nhân và đặc thù.
  • 7. Khuyến khích các sự cử hành phản ảnh tình yêu Thiên Chúa trong sinh hoạt chung của mỗi sắc dân.
Câu hỏi: Phải chăng việc lần hạt Mân côi đã lỗi thời? Có nên thay thế lần hạt Mân côi bằng các phương thế khác văn minh hơn?

Trả lời: Trên thực tế theo các cuộc thăm dò ý kiến phân tách, đa số người không thích lần hạt Mân côi cũng là người không thích cầu nguyện. Không lần hạt Mân côi nhiều khi chỉ là cái cớ để khỏi cầu nguyện. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng kinh Mân côi đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của ngài. Có nhiều cách cầu nguyện với kinh Mân côi chứ không chỉ là cách đọc kinh đối đáp. Nên chú tâm đến phẩm hơn đến lượng. Xin vừa đọc vừa suy niệm mầu nhiệm Kinh thánh được gói trong kinh Mân côi.

Có thể làm giầu thêm đời sống nguyện cầu của chúng ta với việc đọc "Các giờ Kinh Phụng vụ" là những bản kinh được trích trong Thánh kinh và trong kinh nghiệm sống hằng ngày.

Câu hỏi cần tìm hiểu và thảo luận:

  • Các giờ kinh phụng vụ (hoặc Phụng vụ các giờ kinh) là gì?
  • Tại sao gọi là Thánh Kinh? Tân ước là gì? Cựu ước là gì?
  • Tại sao gọi là Tin Mừng? Phải chăng Tin Mừng và Phúc Âm là một?
  • Thánh truyền là gì?
  • Ơn Thánh sủng là gì?
B- Mục tiêu 2

Mời gọi mọi người tại Hoa kỳ dù thuộc thành phần xã hội hoặc văn hoá nào đi nữa cùng nghe sứ điệp cứu chuộc của Chúa Cứu thế. Mời gọi họ cùng chia sẻ đức tin Công giáo với chúng ta. Cần chia sẻ và sống Tin Mừng Phúc âm với mọi người (53, 54) (104-115)

Mục tiêu này nhằm đến các sinh hoạt truyền giáo trên bình diện Giáo xứ.

Đối tượng: Mọi người trong Giáo xứ

Phương cách


Giáo xứ nên tổ chức:

  • 1. Các buổi cấm phòng chung nơi mọi người có thể cùng thu xếp thời giờ đến tham dự. Nếu được, nên hoạch định chương trình trước từng năm, thông báo trên tờ thông tin Giáo xứ để mọi người cùng dành thời giờ đó cho buổi tĩnh tâm.
  • 2. Nên tổ chức cấm phòng, khóa huấn luyện Thánh kinh, thần học, tu đức vào các mùa Vọng và mùa Chay. Ít nhất là vào mùa Chay.
  • 3. Tổ chức các buổi huấn luyện cá-nhân-truyền-giáo-cá-nhân. Cá-nhân-truyền-giáo-cá-nhân là phương cách đi truyền giáo mang tính cách riêng tư như bạn bè nói chuyện, thăm viếng nhau chứ không mang tính cách tập thể và công khai trong nhà thờ. Nên biết, các giáo phái bảo căn (fundamentalist) đang rất thành công qua lối truyền giáo này. Người được truyền giáo thấy lối này có tình thân mật và nhân bản. Họ cảm thấy các câu hỏi của họ được lắng nghe. Người đến truyền giáo cũng là bạn bè với họ chứ không thuộc về giai cấp khác. Trong Công giáo, thành viên các phong trào canh tân đặc sủng cũng quen thuộc với hình thức trên.
  • 4. Khuyến khích các chương trình canh tân đặc sủng hoặc canh tân đức tin nhưng cần ghi nhớ rằng các nhóm trên phải liên hệ với sinh hoạt chung của toàn Giáo xứ.
  • 5. Khuyến khích mọi người nhận ra và nhớ lại rằng chúng ta được mời gọi làm môn đệ qua Bí tích Rửa tội.
  • 6. Khuyến khích các vị lão thành đã có nhiều kinh nghiệm sống và tương đối nhiều thời giờ rảnh rỗi trở thành các nhà truyền giáo toàn phần.
  • 7. Nên có những người đặc trách lưu tâm và chăm sóc các gia đình trẻ, các sinh viên và học sinh. Nhóm trẻ có những nhu cầu khá khác biệt. Có thể mời gọi ngay những người trẻ phục vụ người trẻ, sinh viên phục vụ cho sinh viên...
  • 8. Thăm viếng các gia đình hoặc người mới ngụ cư tại Giáo xứ (Tương tự như nơi Chỉ tiêu 2, phần đối tượng, nhưng nơi đây thuộc bình diện Giáo xứ).
  • 9. Nên lưu tâm đến các gia đình rối vì ly dị, vì tái hôn ngoài hội thánh, những người không sống đạo nữa. Cần tổ chức các nhóm đến thăm viếng, an ủi họ. Nên bầy tỏ cho họ biết rằng Thiên Chúa là đấng nhân từ và đầy lòng thương xót.
  • 10. Bí tích Giao hoà đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền giáo.
Câu hỏi cần tìm hiểu và thảo luận:

  • Có bao nhiêu "mùa" trong một năm?
  • Mùa trong "năm phụng vụ" nghĩa là gì?
  • Năm nay là năm phụng vụ nào? Giáo hội đọc Phúc âm của thánh nào trong năm phụng vụ này?
  • Mùa Chay và mùa Vọng, Giáo hội thường đọc Thánh kinh của vị nào?
  • Thấy mầu áo nào tượng trưng cho các mùa hoặc ngày lễ khác nhau? Tại sao?
C- Mục tiêu 3

Cổ võ các giá trị Phúc âm trong xã hội, nâng cao phẩm giá con người, tầm quan trọng của gia đình, của xã hội, nhờ đó quốc gia này sẽ tiếp tục đươc biến đổi trong sức mạnh cứu chuộc của Đức Kitô.

Mục đích của mục tiêu này là qua đức tin Công giáo, xã hội sẽ được thăng hoa.

Đối tượng: Mọi thành phần, nhất là người nghèo, người cô thân cô thế, cô độc, bị bỏ rơi trong xã hội.

  • 1. Sau khi canh tân đức tin của mình qua đời sống cá nhân và Giáo xứ, người Công giáo cần chia sẽ niềm vui Thánh kinh với xã hội. Giáo hội Công giáo đã đưa ra rất nhiều văn kiện liên quan đến công bằng xã hội và công ích đề cập đến phẩm giá con người. Tại Hoa Kỳ, truyền thống này chú tâm đến tự do tôn giáo, theo đuổi công bằng xã hội, lưu tâm đến người nghèo, người cô thế, người sống bên lề xã hội; đến nhu cầu công bằng khi chia sẻ kinh tế, lợi nhuận; giá trị con người ngay khi còn là thai nhi và lo lắng cho một thế giới được thực sự hòa bình.
  • 2. Người Công giáo cần lưu tâm đến người nghèo cách cụ thể. Một linh mục Công giáo đã đề ra "5 cô" cần được lưu ý cách cụ thễ và đặc biệt là: cô thân, cô thế, cô đơn, cô độc và cô bần.
  • 3. Nên đặt ưu tiên nào trước, ưu tiên nào sau về các hoạt động liên quan đến công bằng xã hội trong Giáo xứ cũng như trong các cơ quan, đoàn thể thuộc về Giáo xứ.
  • 4. Phát triển các việc bác ái giúp cho người nghèo.
  • 5. Hoạch định các kế họach cụ thể, chương trình cụ thể, chỉ tiêu cụ thể thực hiện các công tác bác ái của Giáo xứ.
Phương pháp

  • 1. Tổ chức các lớp dự bị hôn nhân
  • 2. Cấm phòng dành riêng cho gia đình để bàn thảo, dậy dỗ về các vấn nạn gia đình
  • 3. Cố vấn hôn nhân, trợ giúp kinh tế, linh hướng gia đình
  • 4. Tổ chức các nhóm tương trợ gia đình
  • 5. Tổ chức các nhóm gia-đình-trợ-giúp-gia-đình
  • 6. Tổ chức các buổi huấn luyện nhằm giúp nhân viên hiểu rõ thêm các bổn phận cần theo nơi sở làm.
  • 7. Tích cực trong vấn đề truyền thông. Sử dụng các phương tiện truyền thông để nói về chân lý và giá trị Kitô giáo.
  • 8. Khuyến khích việc làm chứng đức tin Công giáo nơi môi trường văn nghệ và trí thức.
  • 9. Nếu thuận tiện, mời các người chuyên gia thuyết trình về các đề tài liên quan đến kinh tế toàn cầu, các vấn đề bảo vệ môi sinh, các đề tài quan trọng và nóng bỏng liên quan đến luân lý như phá thai, ngừa thai, trợ tử, tử hình...
  • 10. Mời các chuyên viên xã hội thuyết trình về các đề tài liên quan đến xã hội như gia cư, giáo dục trẻ thơ, trẻ em, người lớn, vô gia cư, thất nghiệp, trợ cấp xã hội, bình đẳng nam nữ, bình đẳng mầu da...
  • 11. Tham gia vào các chương trình chung nhiều lợi ích mang tính cách địa phận, quốc gia và toàn cầu.
  • 12. Phát triển và nuôi dưỡng những đặc điểm văn hóa khác biệt và đa dạng nhưng chứng minh cho thấy nét toàn thể của Giáo hội.