CN II b Chay : Đệ Tam Nhãn

Hôm nay Chúa Giêsu đưa 3 môn đệ lên núi. Ở trên núi, trong lúc hiển dung sáng láng, các môn đệ thấy ba vị : Chúa Giêsu, Elia và Mosê. Phêrô mừng quá muốn dựng đúng 3 cái lều.

Ba môn đệ lên núi, thấy 3 vị trên núi, dựng 3 lều. Vì thế đề tài cũng dừng ở con số ba : ba con mắt, hay đúng hơn, con mắt thứ ba : đệ tam nhãn.

Con người bình thường có hai con mắt. Với hai con mắt này, rất nhiều điều ta không thấy được. Cần có con mắt thứ ba : đệ tam nhãn, mới thấy được. Con mắt thứ ba là con mắt tâm hồn. Có khi gọi là con mắt đức tin.

Ví dụ, cái căn bản của con người sống trên đời là tình yêu thương. Nhưng với hai mắt thường ta nào thấy được, cần con mắt thứ ba, con mắt của tâm hồn, của con tim. Với hai con mắt thường kia, ta nào thấy được tình yêu màu gì, nó nặng bao nhiêu. Nhưng với mắt của tâm hồn, ta thấy được tình yêu của họ màu hồng hay màu xám. Màu hồng là thành thật, màu xám là mưu mô. Nó nặng hay nhẹ tênh, ta biết được nhờ con mắt tâm hồn.

Những nhà thần bí học đã đề cập đến đệ tam nhãn -con mắt thứ ba. Họ nói tới việc nhìn thấy với con mắt của tâm hồn. Họ nói cho chúng ta rằng nếu chúng ta nhìn xem bề ngoài thì chúng ta đánh mất điều cơ bản, cái thực tại ở bên trong. Có một câu đầy ý nghĩa trong sách "The Little Prince" (Hoàng Tử Bé). Câu đó là: "Điều gì cơ bản thì con mắt không thể thấy được."

Thiên Chúa là điều cơ bản, ta không thể thấy với hai mắt thường. Hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi con người, ta cũng không thể thấy bằng hai mắt thường, cần con mắt thứ ba.

Muốn con mắt thứ ba sáng, không cận, không loạn, không mờ… phải tập cho nó nhìn nữa. Tập rõ nhất là lên núi cao.

Lên núi cao

Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi cao, chứ không phải xuống lũng sâu, và ở trên núi cao các môn đệ mở mắt ra, -con mắt thứ ba, thấy Chúa Giêsu sáng láng lạ thường, áo Ngài mặc trắng tinh như tuyết.

Chúng ta khi đi thăm một thành phố nào, cũng cố đi lên nơi cao nhất, để thấy được cái mà nếu chỉ vật lộn với cuộc sống lè tè dưới thấp, ta không thấy nổi. Đến Paris, thế nào cũng kiếm một vé leo lên Eiffel cao hơn 300m. Đến Chicago thế nào cũng ghé toà nhà Sears (nay đã đổi chủ) cao hơn 410m. Ở Việt Nam, đi Châu Đốc, lên núi Sam; đi Tây Ninh leo núi Bà Đen. Lên cao mới thấy rõ. Đalat cao 1500 mét rồi, nhưng nếu không lên đồi Du Sinh cũng khó trông thấy toàn Đalat.

Lên núi cao, đối với chúng ta người có Đạo, đích thị là lên với Chúa, đến với Ngài ở nơi Ngài thường ngự là Nhà Thờ.

Kinh Thánh cho ta những dữ liệu :Giêrusalem, nơi Chúa ngự, cũng nằm trên núi Sion. Môse cũng lên núi Sinai mới gặp được Chúa. Elia đi 40 ngày lên núi Horeb để thấy Chúa. Vì thế lên núi cao là đến với Chúa, đối với chúng ta không có núi cao, sẽ là đến Nhà Thờ.

Đến với Ngài ở Nhà Thờ sẽ dễ mở ra con mắt thứ ba hơn cả.

Chắc nhiều người trong chúng ta cũng đã cảm được điều này. Đến Nhà Thờ, mà phải quỳ kìa, còn chỉ đứng quan sát chẳng thấy Chúa đâu. Quỳ trong Nhà Thờ, tuy không thấy phép lạ “trắng gì mà trắng thế, sao mà sáng thế” của chiếc áo Chúa mặc, nhưng ta thấy được Chúa là nguồn tình yêu và nhất là nguồn bình an, để rồi chắc chắn ta có được một chút bình an khi ra về.

Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quí giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngã và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quí giá nhất ấy.

Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quí giá nhất trên trần gian này. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.

Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông kia đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.

Ngày nọ, ông ngổi thần thờ bên một giòng sông. Nhìn giòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn con đang bơi lội. Đàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Còn vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm hết con này đến con kia mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.

Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quí mới buột miệng hỏi trước: “Cho tôi xem thử điều quí giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy”.

“Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Chúa là Đấng đi tìm tôi”

Với cặp mắt thường (dẫu đeo kính) chỉ thấy vịt mẹ tìm vịt con. Nhưng với con mắt thứ ba, sẽ thấy Chúa đi tìm con người. Tôi lên núi cao, tôi tới Nhà Thờ tìm Chúa, và chắc chắn sẽ nghiệm ra rằng Chúa đang tìm tôi, kiên trì không mệt mỏi tìm tôi. Và khi tìm ra tôi rồi Ngài không giữ lại trên núi, mà nói tôi hãy xuống núi đi.

Xuống khỏi núi

Chúa biến hình chốc lát trên núi cao, rồi cũng chẳng ở trên núi cao lâu, Ngài cùng ba đồ đệ hạ san. Xuống núi. Nhưng cái nhìn sẽ khác với ở dưới núi khi chưa lên núi.

Và khi đã hạ san xuống chân núi, về với đời thường, ta sẽ thấy Chúa, thấy hình ảnh của Chúa nơi con người.

Một người Nga, lao động cải tạo, gặp tai nạn bị gù lưng. Ông kể : Một ngày kia có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: “Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?”. Tôi nghĩ rằng cậu bé có ý chế nhạo tôi, dù vậy tôi bình thản trả lời: “Cục bướu đấy cháu ạ”.

Tôi chờ đợi cậu bé sẽ tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một cách trìu mến và nói: “Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có giấu đôi cánh của thiên thần... Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó”. Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.

Biết nhìn xa hơn đằng sau hình hài của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh nhân là người biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát thua thiệt, và nhất là biết nhìn thấy hình Thiên Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Dĩ nhiên cần có con mắt thứ ba mới nhận ra như vậy.

Xin Chúa cho chúng ta con mắt thứ ba, để nhìn thấy Chúa đang tìm ta, và nhìn người ta như là hình hài của Chúa, đặc biệt nơi những người nghèo khổ mà chính Chúa Giêsu Kitô đã đồng hoá Ngài với họ. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh ghi lại