Những nhà lãnh đạo của Giáo Hội nổi bật trong một năm chiến tranh đẫm máu

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trước thềm kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine, ông vừa có bài viết nhan đề “CHURCHMEN OF THE YEAR”, nghĩa là “Những nhà lãnh đạo của Giáo Hội của năm”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi họ làm việc cùng nhau cách đây nhiều năm tại Đại học Công giáo Ukraine – là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Công giáo trong không gian của Liên Xô cũ - Cha Borys Gudziak và Cha Sviatoslav Shevchuk đã không tưởng tượng mình sẽ đảm nhận vị trí hiện tại. Họ cũng không thể tưởng tượng rằng mình sẽ là trung tâm của các sự kiện lịch sử hoành tráng vào năm 2022 và 2023, bảo vệ trật tự và khuôn phép trong nền chính trị thế giới giữa một cuộc chiến tàn khốc. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hoàn toàn không lường trước được đó, và từ các vị trí chịu trách nhiệm hiện tại của các ngài trong Giáo hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, gọi tắt là UGCC, Đức Tổng Giám mục Shevchuk (người đứng đầu UGCC) và Đức Tổng Giám mục Gudziak (giáo chủ Philadelphia của UGCC) đã đưa ra một bằng chứng toàn cầu mạnh mẽ với những chân lý của đức tin Công giáo giữa cuộc tấn công diệt chủng người dân Ukraine của một con quái vật đạo đức giả.

Lần đầu tiên tôi gặp Cha Borys Gudziak là tại nhà của những người bạn chung trong một buổi tiệc chiêu đãi sau lễ rửa tội, anh ấy đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard. Và tôi không mảy may nghĩ rằng cuối cùng tôi sẽ chuyển luận văn mà ngài đang viết (sau này đã trở thành một cuốn sách quan trọng) cho Đức Gioan Phaolô II trên bàn ăn tối của Đức Giáo Hoàng. Nhưng vào buổi chiều Chúa Nhật đó vào giữa những năm 1980, tôi có cảm giác rằng đây là người mà tôi sẽ trò chuyện suốt phần đời còn lại của mình—và đúng như vậy.

Chính Cha Gudziak lúc bấy giờ đã thúc giục Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, người mới đắc cử đứng đầu Giáo hội Công giáo Đông phương lớn nhất, đến gặp tôi khi Shevchuk và tôi đều ở Rôma vào tháng 4 năm 2011. Tám tuần trước, tôi đã dành hai giờ với Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfayev của Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga ở Mạc Tư Khoa, người đã nói nhiều điều cay đắng và sai lầm về UGCC trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi tại Thư viện Quốc hội. Tôi đã viết một bản ghi nhớ về cuộc gặp đó, mà Gudziak nghĩ rằng đồng nghiệp cũ của ngài nên xem trong khi Shevchuk đang gặp gỡ nhiều quan chức Vatican (thường là những người có đôi mắt lấp lánh về Chính thống giáo Nga) sau khi ngài gia nhập tòa Tổng Giám Mục Kyiv-Halych. Vị tổng giám mục mới vô cùng bận rộn nhưng đã dành ra một giờ đồng hồ, trong thời gian đó, tôi bị ấn tượng bởi sự thân thiện ngay lập tức và sự bình tĩnh đáng kinh ngạc của ngài khi ngài đọc qua một bản ghi nhớ báo trước những khó khăn nghiêm trọng về đại kết đối với ngài—nhận xét duy nhất của ngài thỉnh thoảng thốt lên khi đọc bản ghi nhớ, “Lạy Chúa tôi!”

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã truyền cảm hứng cho Giáo hội của ngài và toàn thể người dân Ukraine qua những suy tư hàng ngày đề cập đến nỗi đau khổ của Ukraine qua lăng kính của một đức tin chịu đóng đinh. Ngài vẫn ở vị trí của mình khi Kyiv bị quân xâm lược ném bom hết lần này đến lần khác, duy trì một lịch trình cầu nguyện và thờ phượng nghiêm ngặt thể hiện quyết tâm của ngài và của toàn thể Giáo hội của ngài, nhằm duy trì một đời sống thiêng liêng ca ngợi, thờ phượng và cầu thay trong những điều kiện khó khăn nhất. Đức tổng giám mục cũng đã làm việc không mệt mỏi để thông báo cho chính quyền Rôma về thực tế của cuộc chiến, nguyên nhân của nó và hành vi man rợ của Nga trong cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ, một lần trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô một mảnh mìn của Nga đã phá hủy mặt tiền của một nhà thờ của Giáo hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương vào đầu cuộc chiến.

Đức Tổng Giám mục Gudziak, trong khi lãnh đạo và đổi mới Tòa Giám Mục của mình, đã không mệt mỏi trong việc hỗ trợ trường đại học mà ngài và những người khác xây dựng từ đầu, trường vẫn phục vụ đất nước mà nó đang giúp hình thành. Ngài cũng là người ủng hộ thuyết phục nhất cho chính nghĩa của Ukraine ở Hoa Kỳ, ở Rôma và khắp Âu Châu. Tôi không thể hình dung một giáo sĩ nào khác có thể thu hút sự chú ý của những người tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, như Đức Cha Gudziak gần đây đã làm, khi ngài nói về các nguy cơ ở Ukraine không gì khác hơn là các nguyên tắc nền tảng của học thuyết xã hội Công giáo, bao gồm phẩm giá của con người, công ích và tình liên đới. Trong một môi trường bị chi phối bởi những mối quan tâm của giới thượng lưu đối với lợi nhuận tài chính, Đức Tổng Giám mục Gudziak đã khiến “Người dân Davos” suy nghĩ về ý nghĩa siêu việt của cuộc sống con người, là điều được bộc lộ hàng ngày khi người Ukraine dũng cảm đối mặt với cái chết, biết rằng cái chết không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời họ, câu chuyện cá nhân, hoặc câu chuyện của con người. Đó là một thông điệp truyền giáo, vượt qua mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ thông điệp nào mà tôi từng thấy được các nhà ngoại giao Vatican chuyển tải trong những lần họ thỉnh thoảng xuất hiện ở Davos.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk và Đức Tổng Giám mục Gudziak là những tấm gương sáng chói về lòng nhiệt thành và can đảm tông đồ. Các ngài có thể là những mẫu mực như vậy bởi vì các ngài là những người thánh thiện. Cầu mong các ngài truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta, và đặc biệt là các giám mục anh em của các ngài, sống đức tin một cách dũng cảm, trong mọi thời điểm—và trong mọi gian truân nguy hiểm.
Source:First Things