1. Hàng loạt các tỉnh và thành phố Nga sát biên giới với Ukraine báo động không kích, tạo thành một cảnh hỗn loạn chưa từng có

Thống Đốc Belgorod là ông Vyacheslav Gladkov cho biết sáng thứ Tư 22 tháng Hai, tại các khu vực Bryansk, Kursk, Voronezh, và Belgorod, nhiều cảnh hỗn loạn đã diễn ra. Tại thị trấn Grayvoron, trong khu vực Belgorod, nơi có khoảng 6.000 dân, dân chúng nhốn nháo tìm chỗ tránh hỏa tiễn. Trong khi đó, tại thành phố Verigovka, người lái xe đi làm đã tấp vào lề đường, ngơ ngác nhìn lên bầu trời; nhiều người khác lại quay đầu xe vòng về nhà.

Cảnh hỗn loạn kéo dài gần cả buổi sáng cho đến khi Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga cho biết các đài phát thanh thương mại ở các vùng của Nga đã phát sai tin tức về cảnh báo không kích và khả năng tấn công bằng hỏa tiễn sau khi máy chủ của họ bị điện tặc tấn công.

Tin tức về cảnh báo sai đã lan truyền trên mạng xã hội vào sáng thứ Tư. Nhiều người thậm chí còn thêm mắm thêm muối cho biết chính mắt thấy hoả tiễn của Ukraine bắn vào các thành phố. Không rõ ai đứng sau vụ hack bị cáo buộc.

Theo Vyacheslav Gladkov, “Do một cuộc tấn công của tin tặc vào máy chủ của một số đài phát thanh thương mại ở một số vùng của đất nước, thông tin sai lệch đã được phát trên sóng về một cảnh báo không kích và mối đe dọa tấn công hỏa tiễn”

Ông khẳng định “Thông tin này là giả mạo và không tương ứng với thực tế. Chúng tôi yêu cầu các bạn theo dõi các tin nhắn trong các nguồn chính thức; và không tung ra các thông tin sai lệch.”

2. Quân Wagner nửa đêm bỏ trốn cũng không thoát, 620 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 8 xe tăng và 7 xe thiết giáp.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 22 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua, các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi bảy cuộc tấn công của kẻ thù, trong đó có một cuộc gần Bakhmut.

Trong 24 giờ, quân Nga đã tung ra 59 đợt tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Do hành động tội ác của quân xâm lược Nga, các tòa nhà dân cư đã bị phá hủy và hư hại, một số người bị thương và thiệt mạng. Bộ Tổng tham mưu cho biết: “Có nguy cơ lớn về các cuộc không kích và tên lửa của Nga trên khắp Ukraine”.

Quân xâm lược tiếp tục tập tấn công ở các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtar. Tuy nhiên, mức độ có chậm lại. Có lẽ quân Nga đã chịu tổn thất nặng nề. Cũng có lẽ là các tướng lãnh Nga nhận thức rằng các cuộc tấn công nhằm chiếm một thành phố nào đó trước khi Putin đọc bài diễn văn về tình trạng Liên Bang Nga đã thất bại; và họ không cố gắng nữa.

Gần thành phố Bakhmut, trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin, đã cáo buộc Bộ Quốc Phòng Nga phạm tội phản quốc khi không cung cấp đạn pháo, cũng chẳng bắn yểm trợ cho họ tấn công hay rút lui. Sau khi quân Wagner đã mất khoảng 400 quân khi tấn công Vasiukivka, cách thành phố Bakhmut 22 km về phía Bắc, nhằm cắt đứt xa lộ T0513; họ đã tìm cách bỏ trốn vào ban đêm, nhưng vẫn đạp phải mìn khiến quân trú phòng Ukraine nhận ra và tấn công cả bằng súng cá nhân lẫn pháo binh từ xa.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong 24 giờ qua, Nga đã mất thêm 620 binh sĩ, 8 xe tăng, 7 xe thiết giáp và 7 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 22 Tháng Hai, 145.060 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Thiệt hại của quân xâm lược còn bao gồm 3.334 xe tăng, 6.569 xe thiết giáp, 2.345 hệ thống pháo, 471 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 243 hệ thống tác chiến phòng không, 299 máy bay chiến đấu, 287 máy bay trực thăng, 2.026 máy bay không người lái chiến thuật, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.212 xe chuyển quân và nhiên liệu; và 226 thiết bị đặc biệt.

3. Kho đạn của Nga ở Mariupol bị phá hủy, nổ long trời suốt đêm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 22 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tại Mariupol, một kho đạn của quân đội Nga đã bị phá hủy gần sân bay.

Hội đồng thành phố Mariupol và ông Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, đã xác nhận tin tức và kết quả của các vụ nổ xảy ra ở Mariupol sau 22 giờ đêm ngày 21 tháng 2.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, “Có tổng cộng 12 tiếng nổ đã được nghe thấy. Trong số đó, hai cú chắc chắn là kết quả của hệ thống phòng không của quân xâm lược. Một kho đạn tại sân bay Mariupol đã bị trúng đạn và những tiếng nổ thứ cấp đã xảy ra sau đó. Một căn cứ của quân xâm lược trên lãnh thổ của Xưởng gang thép Ilyich cũng bị tấn công.”

Theo ông, quân xâm lược đã phải khẩn cấp di tản máy bay. Ngay trong đêm, người ta nghe thấy tiếng súng máy và sự di chuyển của thiết bị địch cũng được phát hiện”.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo ngày 22 tháng Hai, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 21 tháng 2 năm 2023, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu về Tình trạng Quốc gia đầu tiên kể từ năm 2021. Ông nói rõ rằng ông có ý định tiếp tục 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine.

Ông mô tả giới tinh hoa phương Tây là đã “trở thành biểu tượng của những lời nói dối hoàn toàn vô nguyên tắc” và đình chỉ Nga khỏi hiệp ước START mới.

Putin tiếp tục giọng điệu hiếu chiến mà ông đã áp dụng trong các bài phát biểu trong sáu tháng qua nhưng không tiết lộ bất kỳ biện pháp thiết thực nào có thể giải tỏa tình thế bế tắc hiện tại của Nga trên chiến trường.

Putin tiếp tục trình bày một câu chuyện mâu thuẫn về cuộc đấu tranh sinh tồn, trong khi khẳng định mọi thứ ở Nga vẫn ổn và đang được lên kế hoạch. Điều này làm cho cả hai thông điệp của ông trở nên vô hiệu.

5. Ukraine cho biết: Nga mất 3 máy bay không người lái quan trọng để bảo vệ tiền tuyến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 3 Drones Key to Defending Its Front Lines: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết: Nga mất 3 máy bay không người lái quan trọng để bảo vệ tiền tuyến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Quân đội Kyiv hôm thứ Ba cho biết Nga đã mất 3 máy bay không người lái vốn là chìa khóa để bảo vệ tiền tuyến trước những bước tiến của Ukraine, khi cuộc chiến Nga-Ukraine sắp tròn một năm.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã viết trong một bản cập nhật hoạt động vào sáng sớm thứ Ba rằng quân đội của họ đã bắn hạ ba máy bay không người lái của Nga, được gọi là máy bay không người lái ZALA Lancet, vào ngày thứ Hai. Những máy bay không người lái này cung cấp cho Nga cả khả năng do thám, lẫn khả năng và tấn công, đồng thời đánh dấu tổn thất mới nhất mà quân đội Mạc Tư Khoa phải gánh chịu chỉ ba ngày trước lễ kỷ niệm.

“Trong ngày, Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành 16 cuộc không kích nhằm vào các điểm tập trung binh lính và thiết bị quân sự của Nga, bao gồm cả một cuộc tấn công vào tổ hợp hỏa tiễn phòng không ở vị trí khai hỏa của nó. Hơn nữa, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ 3 máy bay không người lái loại Lancet”.

“Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công gấp 2 lần các vị trí của hệ thống phòng không đối phương và khẩu đội hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt của Nga”.

Tổn thất mới nhất của Nga xảy ra gần một năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, ban đầu nhằm giành chiến thắng nhanh chóng và sâu rộng trước nước láng giềng Đông Âu vốn được cho là có quân đội tương đối yếu hơn.

Nhưng Ukraine đã phản ứng lại cuộc xâm lược của Nga bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự kiến, được hỗ trợ bởi hàng tỷ đô la viện trợ quân sự của phương Tây đã làm giảm bớt lợi ích quân sự của Nga. Ukraine đã phát động cuộc phản công của riêng mình vào mùa thu năm ngoái, chiếm lại hàng ngàn dặm vuông lãnh thổ bị xâm lược trước đây.

Khi Ukraine tiếp tục cản bước tiến của Nga, Nga đã trải qua những khó khăn trên chiến trường, trong đó có việc quân đội thiếu động lực. Ukraine cũng tuyên bố đã phá hủy một lượng đáng kể thiết bị quân sự của Nga trong suốt cuộc xung đột, bao gồm cả việc bắn hạ ba máy bay không người lái mũi mác này.

Máy bay không người lái ZALA Lancet là gì?

Máy bay không người lái ZALA Lancet là một máy bay không người lái do Nga sản xuất, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 2019, theo Military Today. Chúng di chuyển với tốc độ tối đa khoảng 186 dặm hay 300 km một giờ và được sử dụng cho cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công.

Nga lần đầu tiên tuyên bố sử dụng máy bay không người lái ở Ukraine vào tháng 6 năm 2022 và đã sử dụng nó để tấn công các mục tiêu của Ukraine, bao gồm cả các hệ thống phòng không, Military Today đưa tin.

Theo Starshe Eddy, một kênh Telegram ủng hộ chiến tranh của Nga, Lancet đóng “vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phòng thủ” đối với Nga trên tiền tuyến Svatovo-Kremennaya ở miền đông Ukraine.

Theo Starshe Eddy, Nga đã sử dụng Lancet để thực hiện các chuyến bay phản pháo và hạ gục “hàng chục” hệ thống pháo của Ukraine.

Ukraine trước đó đã tuyên bố bắn hạ các máy bay không người lái Lancet khác. Vào tháng 12, Lữ đoàn phòng thủ chống khủng bố số 121 của tỉnh Kirovohrad đã chia sẻ những bức ảnh cho thấy hai máy bay không người lái Lancet bị bắn rơi.

Nga đã mất bao nhiêu máy bay không người lái trong cuộc chiến Ukraine?

Trong suốt cuộc chiến, Ukraine đã cung cấp các ước tính hàng ngày về số lượng thiết bị của Nga mà họ đã phá hủy, nhưng những con số này chưa được Nga xác nhận và chưa được xác minh độc lập.

Tính đến ngày 21 tháng Hai, Ukraine tuyên bố họ đã phá hủy 2.023 máy bay không người lái cấp tác chiến-chiến thuật, theo Bộ Quốc phòng Ukraine. Hiện vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu máy bay không người lái còn lại trong kho vũ khí của Nga. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã nhận được sự hỗ trợ từ Iran, quốc gia đã cung cấp cho quân đội nước này các máy bay không người lái Shahed-136.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine, cũng như các nhà phân tích quân sự để bình luận.

6. Phản ứng của Bộ Quốc Phòng Nga sau khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin cáo buộc họ tội 'phản quốc'.

Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga cho biết các chỉ huy quân sự của Mạc Tư Khoa đang từ chối cung cấp đạn dược cho nhóm này và đang tìm cách tiêu diệt nhóm này, cáo buộc họ là “phản quốc”, trong một cuộc khẩu chiến leo thang giữa các quan chức cấp cao của Nga và quân đội tư nhân do ông ta làm chủ.

Lực lượng lính đánh thuê của Yevgeny Prigozhin, được tuyển mộ từ các nhà tù trên khắp nước Nga để củng cố hàng ngũ, đang đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chiếm thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine. Trận chiến đã phơi bày căng thẳng giữa nhóm Wagner và quân đội Nga, mặc dù Điện Cẩm Linh phủ nhận bất kỳ sự rạn nứt nào.

“Tổng tham mưu trưởng và bộ trưởng quốc phòng đưa ra mệnh lệnh trái và phải mà không cung cấp đạn dược cho PMC Wagner, họ cũng còn không hỗ trợ vận tải hàng không,” Prigozhin nói trong một tin nhắn được chia sẻ bởi dịch vụ báo chí của ông vào hôm thứ ba.

“Có sự phản đối trực tiếp đang diễn ra, đó không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm tiêu diệt Wagner. Điều này có thể bị coi là tội phản quốc cao độ,” ông ta nói thêm.

Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận việc hạn chế vận chuyển đạn dược cho các tình nguyện viên ở mặt trận, nhưng không đề cập đến quân đội tư nhân của nhóm Wagner hoặc các cáo buộc của Prigozhin.

“Tất cả các yêu cầu về đạn dược cho các đơn vị tấn công đều được đáp ứng càng sớm càng tốt,” Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh, hứa hẹn sẽ giao hàng mới vào thứ Bảy và tố cáo các báo cáo về tình trạng thiếu hụt là “hoàn toàn sai sự thật”.

“Nỗ lực tạo ra sự chia rẽ trong cơ chế tương tác và hỗ trợ chặt chẽ giữa các đơn vị của các nhóm chiến đấu của Nga là phản tác dụng và chỉ hoạt động vì lợi ích của đối phương,”

7. Biden gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhóm 'Bucharest Nine' ở Ba Lan

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vẫn đang ở Ba Lan, nơi ông sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nhóm “9 nước Bucharest”, là các thành viên Đông Âu của Nato và người đứng đầu Nato Jens Stoltenberg.

Bucharest Nine, hay B9, được thành lập vào năm 2015 để đáp trả sự gây hấn của Nga ở Ukraine. Các thành viên của nhóm bao gồm Ba Lan, Rumani, Bulgaria, Cộng hòa Tiệp, Lithuania, Estonia, Hung Gia Lợi, Latvia và Slovakia.

Biden dự kiến sẽ trở lại Washington vào tối thứ Tư.

Hôm thứ Ba, ông đã có một bài phát biểu tại Warsaw, trong đó ông tập hợp các đồng minh, nói rằng, “Khi Nga xâm lược, không chỉ Ukraine bị thử thách. Cả thế giới phải đối mặt với một thách thức lâu đời.”

8. Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi tăng tốc gởi đạn pháo Ukraine

Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã kêu gọi các quốc gia thành viên tăng tốc vận chuyển đạn dược từ kho dự trữ của họ tới Ukraine “như một vấn đề cấp bách”.

Dựa trên các bình luận tại hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua và tại trụ sở của Nato vào hôm thứ Ba, Borrell cho biết Liên Hiệp Âu Châu đang “xem xét vấn đề mua sắm chung “ đạn dược và “làm thế nào để tăng cường năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu”.

Trong một bức thư gửi các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu mà Guardian được xem, ông hứa hẹn các đề xuất trước cuộc họp ở Stockholm trong hai ngày 7 và 8 tháng 3. Ủy ban Âu Châu dự định hoàn trả cho các quốc gia thành viên số đạn dược được gửi đến Ukraine và thực hiện việc mua sắm chung thông qua Cơ sở Hòa bình Âu Châu, một quỹ quân sự của Liên Hiệp Âu Châu. Quỹ này đã phát hành 3,6 tỷ euro để thanh toán thiết bị quân sự cho Ukraine trong 12 tháng qua.

Borrell viết “Vì vấn đề cấp bách, tôi kêu gọi tất cả các bạn đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược mà bạn có thể cung cấp từ kho dự trữ của mình... Tương lai của Ukraine đang bị đe dọa.”

9. Quốc hội Nga bỏ phiếu rút khỏi hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, một ngày sau khi ông Vladimir Putin tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ trong một bài phát biểu quan trọng, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu đình chỉ việc nước này tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START.

Theo TASS, việc đình chỉ đã được nhất trí tại Duma. Sự chấp thuận của Quốc hội chỉ là một hình thức sau quyết định của Putin rằng Nga sẽ chính thức ngừng tham gia.

Hiệp ước đặt ra giới hạn về số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa được triển khai mà cả Mỹ và Nga có thể sở hữu. Lần cuối cùng nó được gia hạn là vào đầu năm 2021 trong 5 năm, nghĩa là hai bên sẽ sớm cần bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác.

Theo hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng, cả Hoa Kỳ và Nga đều được phép tiến hành kiểm tra các địa điểm vũ khí của nhau.

Mặc dù Nga không hoàn toàn rút khỏi hiệp ước, nhưng dường như nước này đang chính thức hóa lập trường hiện tại của mình; Trong nhiều tháng, các quan chức Mỹ đã thất vọng về việc Nga thiếu hợp tác với thỏa thuận.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gọi quyết định của Putin hôm thứ Ba là “vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm.”

10. Trung Quốc bác bỏ lo ngại NATO có thể hỗ trợ sát thương cho Nga

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết nước này không xem xét gửi hỗ trợ sát thương cho Mạc Tư Khoa để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, cáo buộc Hoa Kỳ và NATO lan truyền thông tin sai lệch về vai trò tiềm năng của Bắc Kinh trong cuộc xung đột.

Hôm thứ Tư, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết: “Mỹ và các nước NATO khác hiện đang liên tục lan truyền rằng Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí cho Nga, đây là một mánh khóe đã được sử dụng và bị phá vỡ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Bình luận của ông Vương được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba cho biết liên minh này “ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch hỗ trợ nguy hiểm cho cuộc chiến của Nga”.

Trong bài phát biểu của mình hôm thứ Tư, ông Vương cho biết Trung Quốc kêu gọi NATO “ngừng bôi nhọ Trung Quốc bằng những suy đoán vô căn cứ về Ukraine, từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh cũ về trò chơi có tổng bằng không và đối đầu theo khối, đồng thời ngừng xúi giục đối đầu”.

Vương cũng tuyên bố Mỹ và các nước NATO khác là “nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho chiến trường Ukraine”.

Một số bối cảnh: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị vào thứ Bảy và cảnh báo “về những tác động và hậu quả” nếu Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga, theo một tuyên bố của Hoa Kỳ về cuộc họp.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo Trung Quốc không ủng hộ Nga, nói rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới khác.

11. Tờ Wall Street Journal đưa tin Tập Cận Bình có kế hoạch gặp Putin tại Mạc Tư Khoa

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa trong “những tháng tới”, Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với kế hoạch này.

Tạp chí cho biết, việc sắp xếp cho chuyến đi đang ở “giai đoạn đầu” và thời gian chưa được hoàn thiện, trích dẫn những người quen thuộc với chuyến thăm, đồng thời cho biết thêm rằng ông Tập có thể tới Nga vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã trích dẫn báo cáo của tờ Wall Street Journal, cho biết ông Tập “có thể sớm” thăm Nga.

Putin đã gửi lời mời tới Tập trong cuộc điện đàm cuối năm theo thông lệ giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch nào.

Quan hệ đối tác “không giới hạn”: Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố trung lập đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng họ đã từ chối lên án Mạc Tư Khoa và lặp đi lặp lại các đường lối của Điện Cẩm Linh đổ lỗi cho NATO vì đã kích động cuộc xung đột.

Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa vẫn thân thiết hơn bao giờ hết kể từ khi các nhà lãnh đạo của họ tuyên bố về tình bạn “không giới hạn” một năm trước – một phần do sự thù địch chung của họ đối với Hoa Kỳ. Và khi Mỹ và các đồng minh tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và tăng cường viện trợ quân sự, thì mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga đã dấy lên hồi chuông cảnh báo ở các thủ đô phương Tây.