Chúa Nhật 19 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 7 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét đối phương. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu đối phương và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần này thật đòi hỏi và có vẻ nghịch lý: Người mời gọi chúng ta hãy chìa má ra và yêu thương cả đối phương của mình (x. Mt 5:38-48). Chúng ta yêu mến những người yêu mến chúng ta, làm bạn với những người là bằng hữu của chúng ta; thế nhưng Chúa Giêsu khiêu khích chúng ta bằng cách nói: nếu anh em hành động theo cách này, “anh em có làm gì lạ thường đâu?” (câu 47). Anh chị em phải làm gì hơn nữa? Đây là điểm mà tôi muốn thu hút sự chú ý của anh chị em ngày hôm nay, về những gì điều ngoại thường anh chị em phải làm.

“Những gì hơn nữa”, “những gì ngoại thường” là những gì vượt ra ngoài giới hạn của thông thường, vượt quá những tập quán thông thường và những tính toán người ta thường tình do sự thận trọng quy định. Nói chung, chúng ta cố gắng sắp xếp mọi thứ ít nhiều vào trật tự và trong tầm kiểm soát, sao cho phù hợp với mong đợi của chúng ta, với thước đo của chúng ta: chúng ta sợ không được đáp lại hoặc phơi bày bản thân quá nhiều để rồi thất vọng, chúng ta thích yêu những người yêu thương chúng ta hơn để tránh những thất vọng, chúng ta chỉ làm điều tốt cho những người tốt cho chúng ta, chỉ hào phóng với những người có thể trả ơn; và với những người đối xử tệ bạc với chúng ta, chúng ta đáp lại cách nào đó để chúng ta cân bằng tỷ số. Nhưng Chúa cảnh cáo chúng ta: như thế vẫn chưa đủ! Chúng ta sẽ nói: đây không phải là Kitô giáo! Nếu chúng ta vẫn bình thường, trong sự cân bằng giữa cho và nhận, mọi thứ sẽ không thay đổi. Nếu Thiên Chúa cũng làm theo logic này, chúng ta sẽ không có hy vọng được cứu rỗi! Nhưng, thật may mắn cho chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn “phi thường”, tình yêu của Thiên Chúa vượt xa những tiêu chuẩn thông thường mà con người chúng ta sống trong các mối quan hệ của mình.

Vì vậy, những lời của Chúa Giêsu thách thức chúng ta. Trong khi chúng ta cố gắng duy trì sự bình thường của lý luận vị lợi, Người yêu cầu chúng ta mở lòng ra với điều phi thường, điều phi thường của một tình yêu cho đi nhưng không; trong khi chúng ta luôn cố gắng cân bằng tỷ số, thì Chúa Kitô khuyến khích chúng ta sống tình yêu không cân bằng. Chúa Giêsu không phải là người kế toán giỏi, không! Người luôn dẫn chúng ta đến sự mất cân bằng của tình yêu. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này. Nếu Thiên Chúa không tự “mất cân bằng”, thì chúng ta đã không bao giờ được cứu: chính sự mất cân bằng của thập giá đã cứu chúng ta! Nếu hành xử cân bằng, Chúa Giêsu sẽ không đến tìm chúng ta khi chúng ta lạc lối và xa cách; Ngài sẽ không yêu chúng ta cho đến cùng, Ngài sẽ không đón nhận thập giá vì chúng ta, là những người không xứng đáng với tất cả những điều này và không thể hồi đáp lại Ngài bất cứ điều gì. Như Thánh Tông đồ Phaolô viết, “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:7-8). Vì vậy, Thiên Chúa yêu chúng ta trong khi chúng ta là những người tội lỗi, không phải vì chúng ta tốt hay có thể hồi đáp lại cho Ngài điều gì đó. Anh chị em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu luôn dư dật, luôn vượt quá tính toán, luôn không cân xứng. Và hôm nay Người cũng xin chúng ta hãy sống như thế, vì chỉ có như thế chúng ta mới thực sự làm chứng cho Người.

Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta hãy bước ra khỏi logic của tư lợi và đừng đo lường tình yêu trên những thước đo tính toán và tiện lợi. Ngài mời gọi chúng ta đừng lấy điều ác đáp lại điều ác, hãy dám làm điều tốt, dám mạo hiểm trao ban, ngay cả khi chúng ta nhận được rất ít hoặc không nhận được gì. Vì chính tình yêu này từ từ chuyển hóa những xung đột, rút ngắn khoảng cách, chiến thắng thù hận và chữa lành những vết thương của hận thù. Và vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi, mỗi người chúng ta: trong cuộc sống của tôi, tôi tuân theo luận lý bánh ít trao đi bánh quy trao lại, hay luận lý của sự nhưng không, như Thiên Chúa làm? Tình yêu phi thường của Chúa Kitô không phải là điều dễ dàng, nhưng điều đó là có thể; điều đó là có thể bởi vì chính Ngài giúp chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài, tình yêu vô hạn của Ngài.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đã trả lời “xin vâng” với Thiên Chúa mà không cần tính toán, đã cho phép Ngài biến Mẹ thành kiệt tác của Ân Sủng Ngài.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tình yêu của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy để cho mình cảm động trước hoàn cảnh của những người đang gặp khó khăn. Tôi đặc biệt nghĩ đến Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đến rất nhiều nạn nhân của trận động đất, nhưng cũng đến những thảm kịch hàng ngày của người dân Ukraine thân yêu và nhiều dân tộc phải chịu hậu quả của chiến tranh hoặc nghèo đói, thiếu tự do hoặc môi trường đang tàn phá nhiều dân tộc… Về vấn đề này, tôi gần gũi với người dân New Zealand, những ngày gần đây đã bị một cơn bão tàn khốc tấn công. Anh chị em, chúng ta đừng quên những người đau khổ, và hãy quan tâm đến đức ái của chúng ta, hãy để đó là đức ái thực sự!

Tôi gửi lời chào đến tất cả anh chị em, từ Ý và các quốc gia khác. Tôi chào những người hành hương đến từ Oviedo, Tây Ban Nha, và các sinh viên của Vila Pouca de Aguair ở Bồ Đào Nha.

Sau đó, tôi chào các nhóm Công Giáo Tiến hành từ Rimini và Saccolongo; tín hữu Lentiai, Turin và Bolzano; các ứng viên phép Thêm Sức từ Valvasone và Almenno San Salvatore; các thanh thiếu niên của Tricesimo, Leno, Chiuppano và Fino Mornasco; những lễ sinh giúp lễ từ Arcene và các sinh viên của Trường Saint Ambrose ở Milan.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.

Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana