Đức Tổng Giám Mục Prague: phải dựa vào Kinh thánh và cảm thức đức tin

Giảng trong Thánh lễ khai mạc của Phiên họp tại Nhà thờ Premonstratensian ở Prague vào ngày 5 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Graubner đã đưa ra một đánh giá quan trọng về tiến trình thượng hội đồng đang diễn ra ở châu Âu.



Đức Tổng Giám Mục Prague nói, “Trong nhiều tháng, chúng ta đã cố gắng, theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, để gặp gỡ trong một bầu không khí cởi mở với Chúa Thánh Thần, học cách lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã hiểu mọi điều đang áp bức hoặc làm tổn thương nhiều người, những gì họ cần và muốn trong cộng đồng Giáo hội, và những gì họ muốn thay đổi.”

“Tuy nhiên, chúng ta đã không khám phá ra cảm thức đức tin của các tín hữu. Rõ ràng là nhiều người, trong khi làm việc tích cực trong Giáo hội, lại không quen thuộc với Kinh thánh, cũng như những lời dạy của Giáo hội, và điều này không thực sự có lợi cho công việc của chúng ta.”

Ngài nói thêm rằng “giờ đây điều tối quan trọng là lắng nghe tiếng Chúa và tự hỏi: Chúa Giêsu là gì, Đấng đã thành lập cộng đồng Giáo hội và mời chúng ta tham gia, nói với chúng ta điều gì?”

Truyền thông Công Giáo Thụy Sĩ đưa tin rằng cảnh sát đã đến tiền sảnh của khách sạn nơi diễn ra phiên họp vào ngày 6 tháng 2 và đuổi nhà hoạt động LGBT và người sống sót lạm dụng Ladislav Koubek, người đã phát một bức thư ngỏ cho những người tham gia.

Đại biểu Ba Lan cảnh báo về cám dỗ ‘xây dựng một Giáo hội khác nào đó’ tại Thượng hội đồng

Cũng theo ký giả Luke Coppen, một đại biểu Ba Lan nói với phiên họp lục địa Châu Âu hôm thứ Ba, phải tránh “sự cám dỗ xây dựng một Giáo Hội khác nào đó”.

Phát biểu vào ngày 7 tháng 2, ngày thứ ba của cuộc họp kéo dài một tuần tại Prague, Aleksander Bańka nói rằng mục đích của cuộc họp vào tháng 10 của các giám mục thế giới tại Rôma nên đào sâu “linh đạo đồng nghị” trong Giáo hội như đã được Chúa Kitô thiết lập.

Vị giáo sư triết học giáo dân, là một trong bốn đại diện của Giáo hội Ba Lan tại cuộc họp ngày 5-9 tháng Hai, cho biết, “Mục tiêu của cuộc thảo luận tại phiên họp thượng hội đồng đầu tiên vào tháng 10 năm 2023 không phải là khuất phục trước cám dỗ xây dựng một Giáo Hội khác nào đó, mà là tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nhận ra linh đạo của tính đồng nghị trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô, với cấu trúc phẩm trật của nó”.

Ông phát biểu một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đức kêu gọi những người tham gia xem xét việc tiếp nhận các mục tiêu của “Con đường Đồng nghị” gây tranh cãi của Đức.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Ba Lan và Đức đã công khai bất đồng về Con đường Đồng nghị vốn đã phải đối đầu với một loạt can thiệp của Vatican kể từ khi nó được đưa ra vào năm 2019.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, đã viết một lá thư cho Đức Giám Mục Bätzing vào tháng 2 năm ngoái bày tỏ mối quan ngại về hướng đi của sáng kiến. Vị giám mục người Đức trả lời, bảo đảm bảo với ngài rằng Giáo hội Đức không tìm kiếm “sự đổi mới một cách bất cẩn và chắc chắn không ở bên ngoài Giáo hội hoàn vũ.”

Vào tháng 3 năm 2022, các giám mục của các quốc gia Bắc Âu — Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland — cũng đã viết thư cho Giám mục Bätzing bày tỏ sự báo động về đường đi của Con đường Đồng nghị.

Nik Bredholt nói rằng người Công Giáo ở Đan Mạch và Thụy Điển đã tìm kiếm “một Giáo hội mạnh dạn công bố giáo lý chân chính của mình, đồng thời chấp nhận và đón nhận mọi người và đồng hành với họ về mặt mục vụ, nghĩa là thực sự sống mối căng thẳng giữa sự thật và lòng thương xót”.

Ông nói tiếp: “Một cái nhìn sâu sắc đặc biệt quan trọng đối với người Công Giáo ở Phần Lan và miền bắc Na Uy là xu hướng ngày càng tăng xem Giáo hội chủ yếu là một cơ cấu quyền lực. Điều đó cần phải được thử thách và thay đổi.”

“Tuy nhiên, tốt hơn hết là đừng quên rằng bất cứ sự đổi mới thực sự nào và củng cố tính đồng nghị trong Giáo hội nào cũng phải bắt đầu từ những nguyên tắc căn bản của chính Giáo hội, từ những nền tảng mà Giáo hội được thành lập, từ phía Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

Cha Marco Pasinato, cũng đại diện cho các quốc gia Bắc Âu, nói rằng người Công Giáo địa phương lo ngại về sự phân cực trong Giáo hội ở châu Âu.

Ngài nói: “Khoảng cách giữa bảo thủ và cấp tiến, giữa truyền thống và hiện đại ngày càng rộng và ngày càng hung hăng. Điều này được cho là đặc biệt đau đớn trong lĩnh vực phụng vụ. Việc giới thiệu Nghi thức Tridentine dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và sự hạn chế của nó bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến các quốc gia Bắc Âu căng thẳng ở một số khu vực.

Ngài nói thêm rằng cũng có những bất đồng về giáo huấn Công Giáo về đạo đức tình dục.

Ngài nói, “Trong các cuộc thảo luận khác nhau trong và ngoài Giáo hội, câu hỏi được đặt ra là liệu Giáo hội có còn 'quyền' để bày tỏ chính mình một cách đòi hỏi khắt khe về đạo đức và luân lý tình dục hay không. Nhưng hạn từ 'đúng' có phải là một hạn từ đúng trong bối cảnh này không? Đến mức độ nào thì vẫn còn sự phân biệt giữa các thành viên của một định chế và chính định chế?”

Cha Pasinato gợi ý rằng tiến trình công nghị phải luôn ghi nhớ bản chất của Giáo hội.

Ngài hỏi, “Giáo Hội là gì và nó không phải là gì? Giáo hội chỉ là một định chế xã hội, hay là thân thể của Chúa? Làm sao Giáo hội có thể được đổi mới thực sự mà không phản bội nguồn gốc thiêng liêng của mình?”

“Rất khó thắp lại tình yêu đối với Giáo hội sau những vi phạm lạm dụng. Nhưng cuối cùng, chúng ta chỉ quan tâm đến những điều chúng ta yêu thích, và nếu không có tình yêu mới này, được đánh thức, cảm nhận và thể hiện cho Giáo hội, thì có thể rất dễ bị cám dỗ coi Giáo hội chỉ như một hiện tượng cấu trúc có thể thay đổi theo ý muốn.”

Cũng phát biểu trước Phiên họp vào ngày 7 tháng 2 là các đại diện của Giáo hội Ái Nhĩ Lan. Họ nhấn mạnh rằng “lạm dụng là một vết thương còn rỉ máu và sẽ vẫn là rào cản đối với sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mệnh cho đến khi vấn đề này được giải quyết một cách toàn diện”.

Họ cũng bày tỏ niềm tin “rằng nhiều lạm dụng có thể đã được ngăn chặn nếu chúng ta thực sự đồng nghị, cởi mở và lắng nghe tiếng nói cũng như năng khiếu của toàn thể gia đình chúng ta”.

Phát biểu của Đức Hồng Y Marc Ouellet

Phiên họp hôm thứ Ba bắt đầu với Thánh lễ do Đức Hồng Y Marc Ouellet của Vatican cử hành.

Trong bài giảng của mình, vị tổng trưởng sắp mãn nhiệm của Bộ Giám mục gợi ý rằng tầm nhìn trong Kinh thánh về người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa nên đóng vai trò là “một ngọn hải đăng quý giá cho các cuộc tranh luận và biện phân của chúng ta”.

Ngài nói: “Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án những người Pharisêu giả hình về điều răn của Thiên Chúa: Hãy thảo kính cha mẹ. Người Pharisêu thực hành một cách giải thích cho phép họ coi thường lời Thiên Chúa vì lợi ích ích kỷ của họ. Chúa loại trừ não trạng tuyên bố vâng lời Thiên Chúa nhưng lại hành động trái ngược với Lời Người.”

“Lời cảnh báo này cũng liên quan đến chúng ta và thách thức chúng ta trong công việc của mình để đạt được một Giáo hội đồng nghị hơn. Há đôi khi chúng ta đã không bị cám dỗ muốn giải thích Lời Chúa theo cách trái ngược với những gì nó thực sự nói đó sao?”

Đức Hồng Y Ouellet là một trong ba vị Hồng Y của Vatican đã ký một lá thư gần đây thông báo cho các nhà tổ chức Con đường Đồng nghị Đức rằng họ không có thẩm quyền thành lập một hội đồng thường trực gồm giáo dân và giám mục để giám sát Giáo hội địa phương. Ngài cũng đã kháng cáo không thành công về việc hoãn sáng kiến này trong chuyến thăm ad limina của các giám mục Đức tới Rôma vào tháng 11 năm ngoái.

Sau Thánh lễ là phần trình bày của 13 phái đoàn quốc gia, với ba phút tạm dừng để cầu nguyện sau mỗi bài phát biểu hôm thứ tư.

Sau đó, hội nghị chia theo ngôn ngữ thành 14 nhóm gồm 13 đại biểu, trước khi quay trở lại hội trường chính để chia sẻ tóm tắt các cuộc thảo luận của họ.

Vào buổi tối, 13 phái đoàn quốc gia khác sẽ chia sẻ các báo cáo của họ trong một phiên họp do Beate Gilles, tổng thư ký của hội đồng giám mục Đức, điều hành, sau đó là một cuộc đối thoại tự do.

Trong số 13 phái đoàn đầu tiên phát biểu tại phiên họp vào ngày 6 tháng 2 có đại diện của Giáo hội ở Anh và xứ Wales.

Viên chức đại kết quốc gia Cha Jan Nowotnik lưu ý rằng trong số 10 đại biểu Anh và xứ Wales sau cuộc họp trực tuyến có “một đại diện của cộng đồng Do Thái và cũng là một đại diện của Cộng đồng Anh giáo.”

Cha nói, “Họ đã cho chúng tôi những hiểu biết rất hào phóng và chúng tôi rất vui vì điều đó,”.

Đức Giám Mục Nicholas Hudson, Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Westminster, nói rằng Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa (DCS), tức bản văn làm việc cho giai đoạn hiện tại của tiến trình thượng hội đồng, “đã xác định chính xác sự căng thẳng giữa những người trẻ muốn tuân theo Sách Lễ năm 1962 và những người thích cử hành hiện đại hơn.

Nhưng ngài nói thêm: “Chúng tôi cảm thấy Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa đã không truyền đạt đầy đủ ‘nỗi buồn và sự tức giận… cảm thức bất bình và bị gạt ra bên lề’ của nhiều người xung quanh phụng vụ.”

Ngài nói thêm: “Cũng như ở hầu hết các quốc gia, nhiều linh mục người Anh và xứ Wales không rõ ràng về cách họ phải tham gia vào tiến trình thượng hội đồng. Như ở hầu hết các quốc gia, người ta thường bày tỏ lòng biết ơn đối với các linh mục của chúng ta, cùng với mối lo ngại rằng người ta đòi hỏi quá nhiều nơi các ngài. Tuy nhiên, cả giáo sĩ và giáo dân đều ngạc nhiên khi thấy Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa ít đề cập đến lạm dụng tình dục của giáo sĩ.”

Phát biểu trong thời gian thảo luận tự do sôi nổi vào tối thứ Hai, Giám mục Bätzing ta thán về điều ngài nói là thiếu quan tâm đến những nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng ở giai đoạn lục địa của tiến trình thượng hội đồng. Ngài nói rằng ngài thấy thật khó hiểu khi “hàng trăm ngàn nạn nhân” không có tiếng nói tại thượng hội đồng.



Phần một của Phiên họp cấp lục địa châu Âu về tính đồng nghị đã kết thúc

Theo CNA, Người Công Giáo Châu Âu đã tranh luận vào sáng thứ Năm về nội dung của tài liệu cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican vào mùa thu.

Vào ngày cuối cùng của các bài phát biểu trước công chúng ở Prague vào ngày 9 tháng 2, 200 đại biểu tại Phiên họp Lục địa Châu Âu đã được hỏi liệu tài liệu cuối cùng của Phiên họp - được soạn thảo bởi một ủy ban gồm sáu thành viên - có trung thành với những gì đã được thảo luận trong ba ngày của phiên họp trước đó hay không.

Giám mục Ukraine Oleksandr Yazlovetskiy, một Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Kyiv theo nghi lễ Latinh, là một trong những người đầu tiên lên tiếng, đưa ra phản đối việc sử dụng lặp đi lặp lại thuật ngữ LGBTQ trên “mọi trang khác” của tài liệu, thay vào đó gợi ý tốt hơn nên bao quát chủ đề trong một đoạn văn duy nhất.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki phản đối việc đóng khung “bảo thủ và tự do” khi mô tả Giáo hội, thay vào đó đề nghị nên nói rõ các tuyên bố đưa ra có nhất trí hay không với Tin Mừng.

Vị giáo phẩm người Ba Lan nói thêm rằng tài liệu không truyền đạt lập trường của Giáo hội khi đề cập đến những người “LGBT”.

Đức Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, nói rằng Giáo hội vẫn chưa ở trong “Lễ Hiện xuống mới” như tài liệu tuyên bố.

Đức Tổng Giám Mục Felix Gmür của Basel, Thụy Sĩ, lưu ý rằng các phần của văn bản dường như “quá mơ hồ” và có thể rõ ràng hơn, đặc biệt là trong phần nhấn mạnh tới những chỗ căng thẳng tồn tại.

Phát biểu bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Ba Lan và tiếng Anh, các đại biểu đã đưa ra các đề xuất về cách cải thiện bản văn.

Giám mục Brian McGee nói rằng phái đoàn Scotland đã rất ngạc nhiên khi thấy cách tài liệu “trình bày việc lên nhãn hiệu hoặc mô tả đặc điểm của các nhóm khác nhau trong một câu nhiều lần”.

Ngài nói: “Chúng tôi hoàn toàn không phản đối việc bao gồm mọi người, nhưng chúng tôi cảm thấy nó có thể được xử lý một cách mẫn cảm hơn”.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin cho biết “chúng tôi có một chút xấu hổ” vì “tiếng nói của người nghèo” không nổi bật hơn trong tài liệu, mặc dù có sự đóng góp trong cuộc họp từ Caritas Quốc tế và các tổ chức bác ái Công Giáo khác.

Ngài nói, “Tôi chỉ muốn nổi bật hơn một chút đối với tiếng kêu của người nghèo, tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu vì hòa bình”.

Đức Giám Mục Aliaksandr Yasheuskiy, phụ tá Minsk, Belarus, khuyến nghị rằng bản văn nên làm rõ việc lưu ý rằng các nhận xét về việc phong chức cho nam giới đã kết hôn và phong chức cho nữ giới không phản ảnh quan điểm chung của Phiên họp.

Trong khi phần lớn các diễn giả chọn đưa ra ý kiến của họ về bản văn là các giám mục, thì một số phụ nữ cũng phát biểu trước Phiên họp.

Anna Diouf, một phụ nữ trẻ đại diện cho Vọng Quan sát về Không khoan dung và Kỳ thị chống các Kitô hữu ở Châu Âu, đã hỏi làm thế nào có chuyện bản văn có thể nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong Giáo hội mà lại không đề cập đến Đức Trinh Nữ Maria.

Tài liệu cuối cùng

Do thời gian có hạn, các đại biểu không thể đọc và suy ngẫm về tài liệu cuối cùng trước khi bước vào phần tranh luận. Thay vào đó, Cha Jan Nowotnik đã đọc to tài liệu dự thảo tóm tắt và tổng hợp những đóng góp của người Công Giáo từ khắp lục địa trong ba ngày qua.

Tục hóa, giáo sĩ lạm dụng, căng thẳng xung quanh phụng vụ và đối thoại đại kết là một trong nhiều chủ đề được nêu bật trong tài liệu dự thảo vẫn chưa được công bố, vốn tìm cách cung cấp một viễn cảnh châu Âu về một Giáo hội đồng nghị.

Bản văn đề cập rằng việc truyền chức phó tế cho phụ nữ đã được đề cập đến như một khả thể tại Phiên họp và nói thêm: “Mặt khác, có một sự phân chia rõ ràng ở châu Âu về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, không chỉ giữa Đông và Tây, mà còn ở các nước phương Tây khác nhau.”

Tài liệu cũng đề cập đến việc có bao nhiêu đại biểu châu Âu đã bày tỏ lo ngại rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị có thể dẫn đến việc “hạ thấp” Tín lý Công Giáo.

Tài liệu viết, “Một số người nhấn mạnh rằng trong một quá trình như thế này, có nguy cơ bị tinh thần thế gian khuất phục. Những lo ngại này cũng đã được bày tỏ trong Phiên họp của chúng tôi, mối lo ngại về khả năng làm loãng tín lý hoặc việc sử dụng các kiểu phát biểu xã hội học trong các nhóm làm việc đã được nhấn mạnh”.

Không có cuộc bỏ phiếu nào về bản văn cuối cùng trong nửa đầu Phiên họp. Thay vào đó, những người tổ chức Phiên họp hỏi liệu có ai phản đối việc dự thảo bản văn được công bố hay không.

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich đảm bảo với các đại biểu rằng các ý kiến và đề xuất của họ trong cuộc tranh luận buổi sáng sẽ được xem xét trong quá trình hình thành bản dự thảo cuối cùng.

Bắt đầu từ ngày 10 tháng 2, các giám mục châu Âu sẽ nhóm họp Chủ yếu dành ba ngày ở Prague trong nửa sau của Phiên họp để cùng nhau xem xét tài liệu, lắng nghe các bài phát biểu của chủ tịch hội đồng giám mục của mỗi quốc gia, và đưa ra tài liệu cuối cùng thứ hai của riêng họ cho tiến trình cấp lục địa của thượng hội đồng.

Đại hội ở Prague là một trong bảy Phiên họp cấp châu lục diễn ra trên hoàn cầu vào tháng Hai và tháng Ba.

Đức Hồng Y Hollerich lưu ý rằng ngài và Đức Hồng Y Mario Grech sẽ đi tham dự các hội nghị châu lục ở Beirut, Bangkok và Bogotá, Colombia, trong những tuần tới.