Lm Trần Công Nghị: Kính thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y không những quan tâm đến đầu tư về nhân sự nhưng cũng đầu tư về trí thức, cách đây 10 năm thì số tu học rất là ít thế nhưng những năm gần đây số Linh Mục Tu Sĩ tu học tại hải ngoại rất là đông và sự đi lại cũng được dễ dàng. Như tại Paris cũng có đến 200 linh mục Việt Nam, bên Roma cũng có hơn 100 linh mục Việt Nam, hơn 100 nữ tu đang du học bên đó. Các giáo phận ngoài Bắc trong những kỳ mới đây, đã đề nghị để làm thế nào để giúp cho Linh Mục và Tu Sĩ có thể đầu tư trong vấn đề bồi dưỡng thêm kiến thức. Xin Đức Hồng Y cho biết quan niệm như thế nào?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Đối với tôi thì như thế này, là Linh Mục Tu Sĩ cốt lõi căn bản phải là con tim, rồi kiến thức đi sau cũng như nói đến ưu tiên một, ưu tiên hai. . cho nên ưu tiên một đối với Linh Mục Tu Sĩ là con tim. Là mục tử cho Chúa Giêsu cho nên các linh mục tu sĩ phải mang cái con tim đó, đó là chuyện làm ở bên này. Chuyện đi học thêm đó là ưu tiên hai. Đối với kinh nghiệm của tôi thì tôi thấy, các lãnh vực khác về thần học, Kinh Thánh thì tôi gởi đi học ở bên Roma, bên Pháp, ở đâu chứa nhận cho tôi thì tôi gởi liền. Còn ở bên Mỹ thường là kiến thức, kỹ năng chuyên môn về mục vụ. Nói cách khác là thực tập. Vì ở bên Mỹ thì cách làm việc của người Mỹ là thu thập dựa trên kinh nghiệm, nghĩa là kinh nghiệm thực hành. Cho nên tôi gởi qua bên đây nhằm mục đích học hỏi mục vụ, thí dụ như cách quản trị giáo xứ.

Hồi trước năm 1970, tôi muốn duy trì để học mấy thứ đó nhưng chưa có, thí dụ muốn học tâm lý mục vụ hay tư vấn mục vụ hay quản trị giáo xứ thì chưa có. Mà tôi thấy mấy thứ đó cần thiết để bổ sung cho quê nhà. Mỗi ngày mỗi hoàn cảnh nó càng trở nên phức tạp hơn, mà muốn tổ chức muốn điều hành có kế hoạch, có quản trị rồi nó cũng đẻ ra vấn đề này vấn đề kia phải tìm cách để giải quyết ra sao. Nếu mình có học mình có cái hướng thì nó làm dễ dàng hơn, còn không thì cũng phải làm nhưng rất căng thẳng và có khi bị trật giuộc. Thí dụ như có nhiều Cha bị căng thẳng rồi cao huyết áp khó mà làm việc. Tại một giáo xứ hết cha này tới bị căng thẳng rồi bị cao huyết áp phải đổi đi rồi đến cha khác cũng xảy ra như vậy. Riết rồi tôi phải tìm cách để giải quyết bằng không thì phải dời nhà thờ đi chỗ khác. ..

Lm Trần Công Nghị: Đức Hồng Y đã gởi một số Linh Mục Tu Sĩ sang Roma, qua Pháp cũng như bên Hoa Kỳ, thì vấn đề đạo đức đi trước là con tim rồi đến kiến thức. Trong lúc giao thừa thì một linh mục đi sang Mỹ thí dụ như học tâm lý, thì khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ rồi phải làm quen đến đời sống văn hóa. Vậy thì Đức Hồng Y có nghĩ rằng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại có thể giúp được gì không đối với các Linh Mục Tu Sĩ Nam Nữ sang đây tu học tại các Chủng Viện hay tại các Đại Học, vị họ sẽ rất là cô đơn vì không có sự hỗ trợ tại bên ngoài, rồi sẽ nản chí. Đức Hồng Y nghĩ như thế nào?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Vấn đề đó thì cái thứ nhất là bà con bên ngoài có thể hỗ trợ, thí dụ như tại miền Bắc Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và một số Đức Cha đã kêu gọi cho quỹ hỗ trợ về vấn đề đi lại di chuyển. Còn vấn đề học bổng thì tôi phải tìm những người quen ở trong Đại Học để xin học bổng. Có lẽ ở ngoài Bắc chưa có quen nên chưa có tìm ra được học bổng, và du học rất là tốn phí. Hồi xưa mỗi tháng tôi phải chi ra 150 đô cộng thêm 60 đô tiền lễ để lo hết mọi thứ chi phí, xe cộ. . bây giờ thì nó phải tốn kém hơn nhiều. Ngoài Bắc có thể là không có nguồn hay không có quen. Ở trong Nam thì dễ quen hơn, tôi đi lòng vòng đi kiếm thì có học bổng gởi đi được. Nếu mà hình thành quỹ học bổng cho bên nhà, thí dụ như thư xin quỹ học bổng mà lá thư có đăng ở trên Net lấy xuống đưa cho tôi xem, đó là nhìn đến nhân sự cho Đại Chủng Viện Hà Nội, thì may ra quỹ đó sẽ hình thành được.

Lm Trần Công Nghị: Ngày mai chúng con sẽ bàn tới vấn đề này được coi là thí điểm, bên này đó là vấn đề tha thiết và quan tâm và nếu được thì họ sẽ giúp cho điều Đức Cha Kiệt xin là sẽ giúp 3 năm. Nếu quỹ đó sau này nhiều người hưởng ứng thì sẽ giúp được cho tất cả các giáo phận tại Việt Nam.

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Vấn đề có thể giới hạn lại thí dụ như thế này, theo tôi trước khi nghĩ đến các giáo phận thì phải nghĩ đến nhân sự cho các Chủng Viện. Tại Việt Nam có 6 Chủng Viện, tôi lấy ví dụ là có thể nói là mỗi Chủng Viện cho được 3 người cho 3 năm. Khi hết rồi thì tính tới nữa. ..

Lm Trần Công Nghị: Thì đó là vấn đề mà chúng con sẽ bàn đưa ra ngày mai trong buổi họp, và con được bầu làm trưởng ban. Đức Hồng Y đưa ra ý kiến rất hay vì dân chúng rất lấy làm tha thiết. Hôm trước cũng đã nghĩ bàn tới khi Đức Cha Kiệt và các Đức Cha ngoài Bắc có xin, thì đã đưa vấn đề ra cách công khai rồi chúng con có nghĩ đến không những chỉ giới hạn cho các Giáo Phận ngoài Bắc cho thời gian 3 năm đầu, và trong thời gian 3 năm đó nếu có thể tìm ra thêm được những học bổng thì sẽ giúp cho tất cả các Giáo Phận ở Việt Nam

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Thực ra thì ở bên nhà cũng đặt ưu tiên cho những nhu cầu theo thứ tự ưu tiên. Thì rõ ràng trong 6 Đại Chủng Viện, ở Hà Nội nhân sự cần số một. Và theo tôi hiểu thì tại Hà Nội vì Đức Cha Kiệt học ở bên Pháp, cho nên nhất là những lãnh vực về thực hành thì học ở bên Mỹ có nhiều kinh nghiệm kiến thức chuyên môn tốt hơn. Có lẽ Đức Cha nghĩ như vậy cho nên Hà Nội thật sự là cần thiết rồi đến quản trị giáo xứ. Tại miền Bắc thì mấy chục năm nay có quản trị gì đâu, có khi giáo dân làm chủ, ông Cha bị giáo dân sai, rồi không có cơ chế, không có tổ chức, thiếu nhân sự. Cho nên rõ ràng tôi thấy là nếu về phương diện mục vụ đi học bên đây tại Hoa Kỳ để về lo việc mục vụ thì nhu cầu cần thiết cho miền Bắc là số một. Miền Nam miền Trung cũng cần nhưng miền Bắc rất là cần. Có lẽ khi Ngài biên thư đó thì Ngài nghĩ tới ưu tiên đó. Tôi cũng thấy rất là chính đáng. Cho nên nếu quý vị đáp ứng được thì cho những nơi đó trước, còn những nơi khác cũng cần nhưng chưa đến độ thúc bách như miền Bắc.