Trên Settimo Cielo, Sandro Magister vừa cho hay:



Cuộc phỏng vấn ngày 24 tháng 1 của ngài với hãng tin AP đã gây ra một rắc rối không nhỏ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trước khi ngài đến Juba, Nam Sudan vào ngày 3 tháng 2, điểm dừng chân thứ hai, sau Congo, trong chuyến tông du sắp tới của ngài tới Châu Phi.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng và đơn giản rằng “đồng tính luyến ái không phải là một tội ác,” và do đó “thật bất công” khi “hơn 50 quốc gia” lên án và trừng phạt nó, bao gồm “mười hoặc mười hai, nhiều hơn hoặc ít hơn, quốc gia” thậm chí còn có án tử hình.

Và do đó, ngài tiếp tục nói, các giám mục của các quốc gia này phải phản ứng chống lại các luật này và nền văn hóa sản sinh ra chúng.

Những lời này của Đức Giáo Hoàng đã truyền đi khắp thế giới và cũng đã đến Nam Sudan, nơi đồng tính luyến ái là một tội ác có thể bị phạt tới 14 năm tù. Và vào thứ Sáu ngày 27 tháng 1, trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các do Tổng thống Salva Kiir chủ trì, Bộ trưởng Thông tin Michael Makuei Lueth cho biết: “Nếu ngài (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) đến đây và nói với chúng tôi rằng hôn nhân đồng tính, đồng tính luyến ái là hợp pháp, chúng tôi sẽ nói không.”

Vị bộ trưởng nói tiếp, “Chúa không lầm. Người tạo ra đàn ông và đàn bà và bảo họ cưới nhau và làm đầy thế giới. Bạn tình đồng tính có sinh con được không? Hiến pháp của chúng tôi rất rõ ràng và nói rằng hôn nhân là giữa những người khác giới và bất cứ cuộc hôn nhân đồng giới nào cũng là một tội ác, là một tội ác hiến định.”

Nhưng Makuei cũng nói rằng “ngài đến đây không phải vì mục đích đó,” vì mục tiêu chính của ngài là rao giảng hòa bình. Và ngài sẽ làm như vậy cùng với giáo chủ Justin Welby của Giáo hội Anh giáo và người điều hành Giáo hội Trưởng lão của Scotland Iain Greenshields: “một sự kiện lịch sử,” bởi vì “ba người này đã ở Rome khi các nhà lãnh đạo của chúng tôi đến đó và bây giờ họ đang gặp nhau và điều đó có nghĩa là có một điều gì đó đặc biệt về Nam Sudan”.

Ông có ý nói tới chuyến thăm của Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đến Vatican vào tháng 4 năm 2019, khi được mời tham dự một khóa tĩnh tâm được Đức Giáo Hoàng kết thúc bằng cách cúi xuống hôn chân cả hai người (xem ảnh).

Thành viên của các bộ lạc đối địch, cả hai đang có chiến tranh với nhau và chiến tranh tiếp tục trong những năm tiếp theo, giết chết 400,000 người và hai triệu người phải dời cư.

Nhưng quay trở lại vấn đề đồng tính luyến ái, phải nói rằng Giáo hội Anh cũng bị chia rẽ mạnh mẽ về vấn đề này.

Hầu hết ở Vương quốc Anh và Bắc Mỹ muốn bỏ mọi điều cấm kỵ và chúc phúc cho hôn nhân đồng tính trong nhà thờ. Trong khi ở Châu Phi, nơi có 3/4 người Anh giáo trên thế giới sinh sống, sự phản đối mạnh mẽ đang cản trở việc đạt được một lập trường chung.

Vào ngày 18 tháng 1, một thỏa hiệp đã được đề xuất từ London: một lời cầu nguyện đơn giản không có tính bắt buộc cho các cuộc kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính.

Như có thể dễ dàng nhận thấy, sự chia rẽ đang diễn ra trong Giáo hội Anh giáo rất giống với sự chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo, về cùng một vấn đề. Bộ giáo lý đức tin đã cấm việc ban phép lành cho các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái, nhưng ở Đức, Bỉ và các quốc gia khác, điều này được biện minh và thực hành như nhau, và Đức Phanxicô đang bỏ qua nó; và trên thực tế, trong cuộc gặp gỡ với các giám mục Bỉ vào cuối tháng 11, ngài đã cho họ biết rằng họ đã được sự chấp thuận của ngài.

Vào ngày 5 tháng 2, tại cuộc họp báo dự kiến cho chuyến bay trở lại Rome, Đức Phanxicô sẽ có Welby và Greenshields bên cạnh. Và chắc chắn rằng các câu hỏi sẽ không bỏ qua vấn đề đồng tính luyến ái.