1. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein viết về cơ mật viện bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách là Niên Trưởng Hồng Y Đoàn đã triệu tập các Hồng Y và chuẩn bị tang lễ cho vị Giáo hoàng người Ba Lan. Cuốn sách nhấn mạnh rằng trong bài giảng của Cha Rainero Cantalamessa cho các Hồng Y, các câu hỏi về tương lai của Giáo hội được giải quyết bằng cách sử dụng những lời lẽ của Đức Ratzinger đã được xuất bản cho đến thời điểm đó.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nhận xét rằng khi bắt đầu Cơ Mật Viện, “Chúng tôi không nghĩ rằng tên của ngài sẽ tồn tại trong một thời gian dài khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, vì sự thù địch mà chúng tôi hình dung từ những người chưa bao giờ đánh giá cao sự mạch lạc trong tư tưởng và sự vững vàng trong quan điểm thần học của ngài là rất cao.”

Họ cũng không coi ngài là người dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vì ngài đã nói về việc nghỉ hưu của mình với những cộng tác viên. Các vị Hồng Y Tettamanzi, Arinze, Maradiaga, Sodano... khi đó được báo chí Ý đưa vào danh sách papabili - những vị có khả năng cao trở thành Giáo Hoàng; trong khi ngài “không gặp riêng các Hồng Y anh em hoặc tham gia vào những khoảnh khắc thảo luận chung và tham khảo ý kiến.”

Bản thân linh mục Georg Gänswein đã tham gia mật nghị với tư cách là trợ lý của Niên trưởng Hồng Y Đoàn, nhưng tiếng ồn trong phòng ăn khiến ngài không thể nghe thấy các cuộc trò chuyện tại bàn của các Hồng Y ở Santa Marta.

Đối với Đức Tổng Giám Mục, bài giảng của Đức Hồng Y Ratzinger tại thánh lễ 'pro eligendo Romano Pontifice', tức là Thánh Lễ Tiền Cơ Mật Viện là điều then chốt do “sự chắc chắn của những xác tín được bày tỏ và sự nhắc lại mạnh mẽ của những quan điểm nòng cốt của chính ngài”.

Đức Cha Gänswein cũng kể lại rằng cái lạnh trong Nhà nguyện Sistina đã buộc Đức Hồng Y Ratzinger phải mặc một chiếc áo len mầu đen bên dưới chiếc áo dài bên ngoài mà sau này đã trở thành bất tử trong tất cả các bức ảnh về cuộc chào đón giáo hoàng đầu tiên từ ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô. “Như thể trong nháy mắt, hình ảnh chiếc áo len mầu đen mà Đức Hồng Y Ratzinger đã mặc bên trong chiếc áo ngoài hiện ra trong tâm trí tôi vào lúc đó. Tôi lập tức liên lạc với Đức ông Francesco Camaldo, trưởng ban nghi lễ và cũng là cộng tác viên của ngài, và nói với ông: 'Nếu Đức Hồng Y Ratzinger là Giáo hoàng mới, xin hãy bảo đảm rằng Người chủ trì các nghi thức phụng vụ Giáo hoàng nói ngài cởi cái áo len ấy ra, hay ít nhất, nhét vào bên trong.' Cha ấy bảo đảm với tôi rằng cha ấy sẽ làm điều đó, nhưng rất tiếc, trong những giây phút phấn khích sau đó, cha ấy đã quên mất”

Lời chào đầu tiên của linh mục Gänswein là: “Thưa Đức Thánh Cha, chúc ngài được bầu chọn làm người kế vị thánh Phêrô. Con cung cấp cho Đức Thánh Cha tất cả sự sẵn có của con. Ngài có thể tin tưởng vào con. Đó không phải là một bài phát biểu mạch lạc, nhưng ngài hiểu cảm xúc của tôi và chỉ nói: 'Cảm ơn, cảm ơn'. Khi đã lên xe sau màn chào hỏi, ngài kể lại, “Đức Bênêđictô XVI đã làm theo chỉ dẫn là ngồi bên phải hàng ghế sau, sau đó ngài tìm tôi và ra hiệu cho tôi ngồi cùng ngài ở phía bên kia. “Khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã đưa ra yêu cầu nổi tiếng là: “Hãy cầu nguyện cho tôi, để tôi không chạy trốn vì sợ hãi trước bầy sói.” Vị thư ký bảo đảm rằng “vào thời điểm đó, ngài đã không đề cập đến những lo ngại cụ thể về tương lai của triều đại giáo hoàng của mình, ngài cũng không đề cập đến những vấn đề khó khăn mà ngài rõ ràng đã biết, chẳng hạn như lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ hoặc những khó khăn về tài chính của Vatican.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cũng bao gồm một suy tư về cái gọi là “sự phù hợp gấp bốn lần” của tân Giáo hoàng, “uy tín trí tuệ của nhà thần học vĩ đại; uy thế của tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Niên trưởng Hồng Y Đoàn; tư cách là thành viên của Giáo triều trong nhiều năm; và là người đàn ông đáng tin cậy của Đức Gioan Phaolô II”; và ngài nói thêm rằng cón có “uy thế thiêng liêng của một linh mục có đời sống nội tâm sâu sắc, đồng thời, với tinh thần tông đồ sống động, giống như Đức Gioan Phaolô II, luôn sẵn sàng mang giáo lý và tình yêu của Chúa Kitô đến tất cả các miền của thế giới “. Cuốn sách cũng ám chỉ rằng Đức Ratzinger đã bỏ phiếu cho Hồng Y Giacomo Biffi, lúc đó là Tổng Giám mục của Bologna.

2. Bây giờ công chúng có thể nhìn thấy ngôi mộ của Đức Bênêđíctô tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Giờ đây, công chúng có thể viếng mộ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong các hang động dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng được chôn cất vào ngày 5 tháng Giêng ngay sau tang lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngôi mộ của Đức Bênêđíctô nằm trong các hang động dưới tầng chính của ngôi thánh đường.

Vatican đã thông báo vào thứ Bảy rằng công chúng có thể đến thăm ngôi mộ bắt đầu từ sáng Chúa Nhật.

Đức Bênêđíctô đã sống từ năm 2013 với tư cách là Đức Giáo Hoàng danh dự, sau khi ngài nghỉ hưu khỏi chức vụ giáo hoàng. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên làm như vậy sau 600 năm. Ngài qua đời vào ngày 31 tháng 12 ở tuổi 95, tại tu viện Vatican, nơi ngài đã sống những năm cuối đời.

Hôm thứ Năm, thư ký lâu năm của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, đã ban phép lành cuối cùng sau khi thi hài của ngài, được đựng bên trong ba chiếc quan tài – chiếc quan tài bằng gỗ bách được trưng bày tại quảng trường trong tang lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự, chiếc quan tài bằng kẽm và chiếc ngoài cùng được đẽo từ gỗ sồi, đã được hạ xuống một khoảng trống trên sàn nhà.

Hài cốt được đặt trong ngôi mộ cũ của vị tiền nhiệm của Bênêđictô là Thánh Gioan Phaolô II. Hài cốt của Đức Gioan Phaolô đã được chuyển đến một nhà nguyện trên tầng chính của ngôi thánh đường sau khi ngài được phong chân phước vào năm 2011.

Khoảng 50.000 người đã tham dự lễ tang của Đức Bênêđíctô, sau ba ngày thi hài được quàn trong Đền Thờ Thánh Phêrô, một sự kiện thu hút gần 200.000 người

Vatican cho biết tên của Benedict, vị giáo hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo, đã được khắc trên một phiến đá cẩm thạch trắng.

Vatican không cho biết liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có đến thăm riêng ngôi mộ đã hoàn thành của Đức Bênêđíctô trước khi cho phép công chúng xem hay không, hay có thể làm như vậy vào một thời điểm khác.

Vào sáng Chúa Nhật, Đức Phanxicô đã chủ trì buổi lễ rửa tội cho 13 em bé trong Nhà nguyện Sistina. Nhà nguyện, được vẽ bởi Michelangelo, là bối cảnh truyền thống cho lễ rửa tội, một sự kiện kết thúc các nghi lễ cuối năm của Vatican.

Sau đó, chào đón những người hành hương và khách du lịch tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, Đức Phanxicô đã trích dẫn từ một bài giảng năm 2008 của Đức Bênêđictô, trong đó Đức cố Giáo Hoàng nói về ơn cứu độ.

Lấy cảm hứng từ những lời của vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô nói rằng các tín hữu khi phán xét người khác, kể cả trong Giáo Hội Công Giáo, không nên áp dụng sự khắc nghiệt mà là lòng thương xót, “chia sẻ những vết thương và sự mỏng manh” và tránh chia rẽ.

Trong một số thành phần Công Giáo, Đức Phanxicô đã bị chỉ trích bởi những người ủng hộ lập trường bảo thủ hơn của Đức Bênêđictô vì bài giảng tang lễ của ngài chỉ đề cập đến Đức cố Giáo Hoàng một lần duy nhất, trái với bài giảng của Đức Bênêđíctô trong tang lễ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đức Bênêđictô và Đức Phanxicô đã công khai nói về nhau với sự kính trọng. Nhưng căng thẳng đã bùng phát trong nhiều năm giữa những người trung thành với cả hai người.


Source:AP

3. Để chống lại 'chiến tranh thế giới thứ ba', Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất 'sự thật, công lý, đoàn kết và tự do'

Cộng đồng toàn cầu đang tham gia vào một “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba” được đánh dấu bằng nỗi sợ hãi, xung đột và nguy cơ bạo lực hạt nhân gia tăng, nhưng một sự tái cam kết với “sự thật, công lý, đoàn kết và tự do” có thể mang lại một con đường dẫn đến hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà ngoại giao hôm thứ hai.

Trích dẫn cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine nhưng cũng rút ra những cuộc xung đột ở những nơi như Syria, Tây Phi, Ethiopia, Israel, Miến Điện và Bán đảo Triều Tiên, Đức Thánh Cha cho biết cuộc xung đột toàn cầu này diễn ra “từng phần” nhưng dù sao cũng có mối liên hệ với nhau.

“Ngày nay, chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi các cuộc xung đột chỉ liên quan trực tiếp đến một số khu vực nhất định trên hành tinh, nhưng thực tế là liên quan đến tất cả chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu như trên tại điện Tông Tòa Vatican.

Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời nhận xét này như một phần trong bài diễn văn hàng năm của ngài trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả bài phát biểu này là “lời kêu gọi hòa bình trong một thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ và chiến tranh gia tăng”.

Là một phần của sự gia tăng căng thẳng này, Đức Thánh Cha đã cảnh báo về mối đe dọa gia tăng của chiến tranh hạt nhân, đặc biệt gây lo ngại là sự đình trệ trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngài nói với các nhà ngoại giao rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân là “vô đạo đức” và kêu gọi chấm dứt tâm lý theo đuổi việc ngăn chặn xung đột thông qua việc phát triển các phương tiện chiến tranh ngày càng nguy hiểm.

“Cần phải thay đổi cách suy nghĩ này và hướng tới một giải trừ quân bị toàn diện, vì không thể có hòa bình khi các công cụ chết chóc đang sinh sôi nảy nở,” Đức Thánh Cha nói.

Khi đề xuất một con đường hướng tới hòa bình toàn cầu, Đức Thánh Cha đã rút ra rất nhiều từ thông điệp Pacem in Terris nghĩa là “Hòa bình tai thế”), là thông điệp do Thánh Gioan XXIII ban hành năm 1962. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết những điều kiện đã thúc đẩy “giáo hoàng nhân lành” viết thông điệp Pacem in Terris cách đây 60 năm mang một nét tương đồng nổi bật với tình hình thế giới ngày nay.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha đã rút ra từ điều mà Đức Gioan XXIII mô tả là “bốn điều thiện cơ bản” cần thiết cho hòa bình: sự thật, công lý, tình đoàn kết và tự do, những giá trị “đóng vai trò là trụ cột điều chỉnh các mối quan hệ giữa các cá nhân cũng như các cộng đồng chính trị”.

Về “hòa bình trong sự thật”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “nhiệm vụ hàng đầu” của các chính phủ là bảo vệ quyền sống ở mọi giai đoạn của cuộc sống con người.

“Hòa bình trước hết đòi hỏi phải bảo vệ sự sống, một điều tốt lành mà ngày nay đang bị đe dọa không chỉ bởi xung đột, đói kém và bệnh tật, mà tất cả thường xảy ra ngay trong lòng người mẹ, thông qua việc thúc đẩy ‘quyền được phá thai’,” ngài nói. Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng kêu gọi chấm dứt án tử hình và bạo lực đối với phụ nữ.

Nói về sự cần thiết của tự do tôn giáo vì hòa bình, Đức Thánh Cha lưu ý không chỉ cuộc đàn áp tôn giáo lan rộng đối với các nhóm thiểu số Kitô giáo mà còn cả sự phân biệt đối xử ở các quốc gia nơi Kitô giáo là tôn giáo đa số.

Ngài nói: “Tự do tôn giáo cũng bị đe dọa ở bất cứ nơi nào mà các tín hữu thấy khả năng bày tỏ niềm tin của họ trong đời sống xã hội bị hạn chế do hiểu sai về tính bao gồm”.

Về công lý, Đức Thánh Cha kêu gọi “xét lại sâu sắc” các hệ thống đa phương như Liên Hiệp Quốc để làm cho chúng hiệu quả hơn trong việc ứng phó với các cuộc xung đột như cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng ngài cũng chỉ trích các tổ chức quốc tế vì “áp đặt các hình thức thực dân hóa ý thức hệ, đặc biệt là đối với các nước nghèo hơn” và cảnh báo về nguy cơ ngày càng tăng của “chủ nghĩa toàn trị về ý thức hệ” thúc đẩy sự không khoan dung đối với những người bất đồng với một số lập trường được cho là đại diện cho 'sự tiến bộ'“.

Đức Thánh Cha cũng nói về sự cần thiết phải đào sâu ý thức liên đới toàn cầu, nêu ra bốn lĩnh vực liên kết với nhau: nhập cư, kinh tế và việc làm, và chăm sóc tạo vật.

“Con đường hòa bình là con đường đoàn kết, vì không ai có thể được cứu rỗi một mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối với nhau mà cuối cùng, hành động của mỗi bên sẽ gây hậu quả cho tất cả.”

Cuối cùng, liên quan đến “hòa bình trong tự do”, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo về “sự suy yếu của nền dân chủ” ở nhiều nơi trên thế giới và sự gia tăng phân cực chính trị. Ngài nói rằng hòa bình chỉ có thể thực hiện được nếu “trong mỗi cộng đồng đơn lẻ, không tồn tại thứ văn hóa áp bức và xâm lược, trong đó người hàng xóm của chúng ta bị coi là kẻ thù để tấn công hơn là anh chị em để chào đón và ôm ấp.”

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn, bao gồm đại diện của 91 quốc gia và thực thể có văn phòng đại sứ quán được công nhận tại Tòa thánh, cũng là cơ hội để điểm lại những điểm nổi bật về ngoại giao trong năm qua và những kỳ vọng cho năm tới.

Các mốc quan trọng bao gồm việc ký kết các hiệp định song phương mới với cả Cộng hòa Dân chủ São Tomé và Príncipe và với Cộng hòa Kazakhstan. Đức Thánh Cha cũng đề cập ngắn gọn về thỏa thuận tạm thời giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được thỏa thuận lần đầu tiên vào năm 2018 và được gia hạn vào năm 2022 thêm hai năm nữa.

“Tôi hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác này có thể tăng lên, vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo và của người dân Trung Quốc.”

Điểm đánh dấu quan trọng tiếp theo trên sổ ghi chép ngoại giao của Đức Thánh Cha: chuyến đi của ngài đến Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối tháng với tư cách là một “khách hành hương của hòa bình”, tiếp theo là chuyến viếng thăm chung tới Nam Sudan với tổng giám mục Canterbury và người đứng đầu Tòa thánh. Nhà thờ Trưởng lão Scotland.