1. Giáo Hội Chính thống của Ukraine sẽ cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 như người Công Giáo

Giáo Hội Chính thống của Ukraine đã quyết định cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, trong một động thái tách biệt với truyền thống Chính Thống Giáo theo đó Lễ Giáng Sinh được cử hành vào ngày 7 tháng 1, cùng thời điểm với Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa, nơi đã xuất phát ra cuộc chiến của Putin.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius Đệ Nhất của Kyiv và Toàn Ukraine đã cho biết như trên, và coi quyết định này như là một cách để Ukraine thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Chính Thống Giáo Nga.

Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Chính thống giáo Nga, là người ủng hộ nổi bật của Vladimir Putin và đã nói rằng những người lính Nga thiệt mạng sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi của họ.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius cũng lên tiếng cáo buộc quân Nga cướp bóc Nhà thờ Thánh Catherine lịch sử của Kherson.

2. Tòa thượng phụ Georgia: Hạn chế lễ kỷ niệm vào ngày đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ vì tình hình Ukraine

Tòa thượng phụ Georgia đã công bố một tuyên bố, thông báo cho các tín hữu rằng các lễ kỷ niệm đánh dấu lễ đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ Georgia sẽ bị hạn chế.

Thông báo viết: “Các lễ hội kỷ niệm ngày lễ đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ Toàn Georgia sẽ được tổ chức với quy mô hạn chế do tình hình nghiêm trọng ở Ukraine và trên toàn thế giới.”

“Hơn nữa, không có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo Giáo Hội, đại diện hoặc các cá nhân thế tục”

Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị đã quyết định như trên để bày tỏ tình liên đới với người dân Ukraine đang rét căm căm vì các cơ sở hạ tầng năng lượng của họ bị quân Nga đánh sập.
Source:Orthodox Times

3. Các cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng nhân mùa Giáng Sinh

Tòa Thánh vừa công bố lịch cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng cho mùa Giáng Sinh và tháng Giêng năm 2023 đã được phát hành.

Dù Ý đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm vào 10 giờ tối được đưa ra trong thời gian cao điểm của đại dịch coronavirus, Đêm Giáng Sinh, ngày 24 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự tại thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 7:30 tối giờ địa phương.

Vào ngày lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc thông điệp Urbi et Orbi nghĩa là cho dân thành Rôma và thế giới và ban phép lành từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 12:00 trưa.

Ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ chủ sự Kinh Chiều Thứ Nhất và kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum để tạ ơn cho một năm qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5:00 chiều.

Vào ngày 1 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Trọng Thể kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10:00 sáng.

Tương tự như vậy, vào ngày 6 tháng Giêng, Lễ Trọng Chúa Hiển Linh, Thánh Lễ sẽ được cử hành lại tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10:00 sáng.

Cuối cùng, vào ngày 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cử hành Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào lúc 9:30 sáng tại Nhà nguyện Sistina. Ngài cũng sẽ rửa tội cho một số trẻ em trong Thánh lễ đó.


Source:Vatican News

4. Nữ phát ngôn viên của Nga quyết liệt bác bỏ lời đề nghị của Đức Hồng Y Parolin, giọng điệu đầy mỉa mai

Điện Cẩm Linh đã bác bỏ đề xuất của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về việc tổ chức một cuộc đối thoại giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv trên lãnh thổ trung lập của Thành phố Vatican.

“Chúng tôi sẵn sàng,” Đức Hồng Y Parolin cho biết vào chiều thứ Hai, bên lề một sự kiện về Tôi tớ Chúa Giorgio La Pira sinh năm 1904 và qua đời năm 1977, là một chính trị gia và người bảo vệ hòa bình.

“Tôi tin rằng Vatican có vị thế rất thích hợp. Chúng tôi đã cố gắng đưa ra những khả năng gặp gỡ với mọi người và duy trì trạng thái cân bằng. Chúng tôi đang cung cấp một không gian để các bên có thể gặp gỡ và bắt đầu đối thoại. Nội dung và phương pháp làm việc là do họ quyết định.”

Đáp lại, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Tôi sợ rằng những người anh em Chechnya và Buryats, cũng như bản thân tôi, sẽ không đánh giá cao điều đó”. “Theo những gì tôi có thể nhớ, không có lời xin lỗi nào từ Vatican.”

Zakharova đang đề cập đến một cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi tạp chí America của Dòng Tên vào ngày 28 tháng 11, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng quân Chechenya và Buryats, là các dân tộc thiểu số ở Nga, phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác tồi tệ nhất đối với người Ukraine trong cuộc chiến hiện nay. Những bình luận của ngài được đưa ra trong bối cảnh cố gắng bằng cách nào đó bảo vệ Nga khỏi những cáo buộc về sự tàn ác.

Bất chấp phản ứng mỉa mai của nữ phát ngôn viên Nga, ngày hôm sau, 13 tháng 12, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại rằng Tòa Thánh muốn giúp tạo điều kiện cho hòa bình.

Tại một Hội nghị do Đại sứ quán Ý tại Tòa thánh tổ chức ở Rôma về sự cần thiết phải tìm ra những cách thức ngoại giao mới để chấm dứt chiến tranh, và lấy cảm hứng từ hiệp định Helsinki, Đức Hồng Y bảo đảm rằng Tòa thánh “sẵn sàng làm mọi thứ có thể để khuyến khích quá trình này.”

Đức Hồng Y Parolin nói rằng những giọt nước mắt của Đức Thánh Cha trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong khi ngài cầu nguyện cho Ukraine giúp chúng ta không trở nên thờ ơ khi giờ đây có lẽ chúng ta đã quen nghe về chiến tranh.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào giữa tháng 11 rằng Vatican sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để hòa giải và chấm dứt chiến tranh. Cuối tháng đó, Điện Cẩm Linh cho biết họ hoan nghênh đề nghị của Vatican cung cấp một nền tảng đàm phán để giải quyết xung đột nhưng Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng lập trường của Ukraine khiến điều này là không thể.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh ý chí chính trị như vậy, nhưng với tình hình thực tế và pháp lý mà chúng tôi hiện có ở phía Ukraine, những nền tảng như vậy là không thể”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhấn mạnh rằng việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi tất cả các khu vực của Ukraine, bao gồm cả Crimea, mà Mạc Tư Khoa đã chiếm giữ vào năm 2014, phải được thực hiện trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể diễn ra.

Theo Ngoại trưởng Anh James Cleverly, quan điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là có thể hiểu được. Ông cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine để che đậy việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

“Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần phải thực tế, chúng cần phải có ý nghĩa, chúng không thể chỉ là lá vả để Nga tái vũ trang và tuyển thêm binh sĩ”, Ngoại trưởng Anh cho biết như trên.

Ngoại trưởng Cleverly nói rằng, trong khi Anh muốn thấy các cuộc đàm phán hòa bình “sớm hơn là muộn”, Vương quốc Anh nhắc lại rằng Ukraine nên đặt ra các thông số cho bất kỳ cuộc đàm phán nào được tổ chức.

“Tôi thực sự không thấy bất cứ điều gì đến từ phía Nga khiến tôi tin tưởng rằng Vladimir Putin sẽ tham gia các cuộc đàm phán này một cách thiện chí. Những lời hoa mỹ được tung ra rất nhiều nhưng vẫn còn rất đối đầu,” ông nói.

Hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Parolin nói, “Thật khó để biết, nhưng tôi nghĩ rằng ý nguyện của chúng tôi là cung cấp một không gian trong đó các bên có thể gặp gỡ và bắt đầu đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết.”

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng “ngày nay, không có nhiều điều kiện để đối thoại”.

Ngài nói thêm, “Một nền hòa bình đến từ chiến thắng sẽ phải trả giá rất đắt. Tôi không muốn thấy những gì người Rôma cổ đại đã nói: Ubi Desertum faciunt, ibi pace appellant”, nghĩa là họ tạo ra một sa mạc và gọi nó là hòa bình.

Nhưng ngài khẳng định rằng Tòa thánh muốn thấy một “nền hòa bình trong đó các quyền và công lý được thể hiện”.

Dù Vatican muốn giúp đỡ đến mức nào, rõ ràng là cần phải có một phép lạ để một cuộc hòa đàm có thể xảy ra. Khó khăn trong quan hệ của Vatican với Nga đã có từ lâu.
Source:Aleteia