1. Hai sở chỉ huy và tám cụm tập trung quân Nga trúng HIMARS

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 15 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong ngày qua, quân Nga đã tiến hành 23 cuộc không kích và 7 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Cuộc không kích thứ nhất nhắm vào thủ đô Kyiv. Quân Nga đã phóng các máy bay không người lái chiến đấu Shahed-136 và 131 do Iran sản xuất từ hướng bờ biển phía đông của Biển Azov để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng ở thủ đô. Tất cả 13 máy bay không người lái của Nga đều bị bắn hạ.

Lúc 11 giờ sáng, quân Nga phóng hỏa tiễn bằng các bệ phóng hàng loạt vào thành phố Kherson. Hỏa tiễn Nga đã rơi vào tòa nhà hành chính nơi tổng thống Ukraine đã đến thăm đúng một tháng trước đó, hôm thứ Hai 14 tháng 11, khi thành phố Kherson vừa được giải phóng. Hai tầng của tòa nhà đã bị hư hại.

Theo thông tin sơ bộ, không có thương vong. Một đám cháy đã bùng phát trong một nhà kho do hậu quả của cuộc pháo kích vào Kherson vào buổi sáng.

Quân Nga cũng phá hủy cơ sở hạ tầng của các thị trấn Kurakhove và Kostiantynivka, trong vùng Donetsk.

Trong ngày, lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện bảy cuộc tấn công vào các cụm binh sĩ, vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương và ba cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân xâm lược. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đánh trúng 2 sở chỉ huy và 8 cụm quân địch.

Thành phố Bakhmut tiếp tục là điểm nóng nhất hiện nay. Hôm 13 tháng 12, các bloggers quân sự Nga cho rằng quân Putin đã chiếm được 90% làng Opytne bên ngoài thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, trong bản báo cáo sáng 15 tháng 12, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ Đoàn Dù số 71 của Ukraine đã tràn ngập các phòng tuyến của đối phương tại Opytne sau khi các công sự của quân xâm lược bị pháo kích dữ dội trong nhiều giờ.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ trước đó, ít nhất 740 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến nâng tổng số tử sĩ của quân Nga lên khoảng 96,000 người tính từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 14 tháng 12 năm 2022.

2. Ukraine nhận lại 64 quân nhân bị Nga bắt làm tù binh

Như một phần của cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh khác vào thứ Tư, ngày 14 tháng 12, Ukraine đã nhận lại 64 quân nhân bị Nga bắt làm tù binh. Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak đã cho biết như trên.

“64 quân nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, những người đã chiến đấu ở các hướng Donetsk và Luhansk, đặc biệt là tham gia bảo vệ thành phố Bakhmut, đã về nhà. Đây là những sĩ quan, binh nhì và trung sĩ, những anh hùng của chúng ta,” Yermak nói.

Ông lưu ý rằng trong số các quân nhân vừa được trả tự do có một công dân Hoa Kỳ “đã giúp đỡ người dân Ukraine – là anh Suedi Murekezi”.

“Anh ấy đã bị quân xâm lược Nga bắt giữ vào tháng 6 tại thành phố Kherson với cáo buộc là đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine”.

Trụ sở điều phối đối xử với tù nhân chiến tranh ở Ukraine cho biết 59 quân nhân là thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine, trong khi 5 người khác thuộc lực lượng bảo vệ lãnh thổ.

Bốn người là sĩ quan, người lớn tuổi nhất trong cuộc hoán đổi là 57 và người trẻ nhất là 19.

Phần lớn những người bị bắt là từ các khu vực tiền tuyến như Bakhmut, Soledar, Zaitseve và những nơi khác ở Donetsk và Luhansk.

Ông Yermak cho biết Ukraine cũng đã nhận lại thi thể của 4 binh sĩ thiệt mạng.

Trong khuôn khổ một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh khác vào ngày 6 tháng 12, Ukraine đã nhận được 60 chiến binh do Nga trao trả, trong đó có 34 người bảo vệ Mariupol.

3. Việc Belarus tham gia chiến tranh Ukraine có thể 'tàn phá' quân đội của Lukashenko

Các nhà đối lập Belarus cảnh báo rằng qua cái chết đột ngột của Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei, Nga đang ép nhà độc tài nước này phải can dự trực tiếp vào cuộc chiến tại Ukraine. Thâm ý của Putin là nếu Belarus có thể giúp ông ta chiếm được Ukraine thì là tốt nhất. Nếu không, lợi dụng lúc quân Belarus đã suy yếu, Putin sẽ chiếm Belarus và xem đó là chiến thắng thay cho chiến thắng tại Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Belarus Joining Ukraine War Could Be 'Devastating' to Lukashenko's Army”, nghĩa là “Việc Belarus tham gia chiến tranh Ukraine có thể 'tàn phá' quân đội của Lukashenko.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Belarus đã tăng cường hành động quân sự trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể gia nhập lực lượng Nga ở Ukraine. Nhưng làm như vậy có thể “tàn phá” quân đội của họ, một chuyên gia nói với Newsweek.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Belarus đã nổi lên như một trong những đồng minh chiến lược thân cận nhất khi Putin phải đối mặt với sự chỉ trích từ phương Tây. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã công khai ủng hộ Putin, thậm chí cho phép quân đội Nga tiến vào Ukraine từ biên giới Belarus-Ukraine, tạo điều kiện tiếp cận gần hơn với thủ đô Kyiv.

Belarus hôm thứ Ba đã công bố kế hoạch kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đây là hành động mới nhất trong một số hành động của quân đội trong những tuần gần đây, theo Reuters. Nó diễn ra sau một cuộc tập trận chống khủng bố trong tháng này, một cuộc kiểm tra các thành viên dịch vụ đủ điều kiện và một cuộc tập trận quân đội vào tháng Mười.

Javed Ali, giáo sư Đại học Michigan chuyên về chính sách quốc tế và ngoại giao, nói với Newsweek hôm thứ Ba rằng Belarus tham chiến ở Ukraine có thể có những bất lợi.

“Nó đi kèm với những rủi ro đáng kể cho người Belarus. Hãy nhìn vào sức mạnh mà quân đội Nga đã gây ra ở Ukraine,” Ali nói. “Belarus là một quốc gia nhỏ. Nó có nguồn lực quân sự hạn chế. Mất vài trăm quân hoặc vài nghìn quân sẽ rất tàn khốc đối với họ.”

Mặc dù Ali không “nhìn thấy chiều hướng” Belarus tham chiến, vì nó có thể gây ra những hậu quả khốc liệt về chính trị và điều hành cho chính phủ, nhưng ông cho biết Belarus vẫn có thể tham chiến nếu Putin “mạnh mẽ thúc bách” Lukashenko làm như vậy.

Ông Ali cho biết Nga, đối mặt với những tổn thất ngày càng gia tăng, có thể sẽ cố vơ vét bất kỳ sự hỗ trợ nào có thể, nhưng Belarus cũng có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế vì tham chiến nếu quân đội của họ bị coi là hỗ trợ kẻ xâm lược hoặc tấn công các mục tiêu dân sự. Nước này có thể phải đối mặt với áp lực ngoại giao hoặc các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã sử dụng để chống lại Nga.

“Tôi nghĩ rằng, trừ khi tổng thống Belarus có cùng quan điểm về việc đẩy đất nước của mình xuống mương và không có khả năng lùi xe lại thì tôi không thấy Belarus có chút lợi lộc nào,” Ali nói.

Ali cho biết Belarus cũng có thể tăng cường các cuộc tập trận quân sự để thể hiện tình đoàn kết với Nga hoặc phô trương lực lượng đối với Ukraine, nhưng ông nghi ngờ rằng điều đó sẽ “thay đổi cơ bản” kết quả của cuộc chiến, chỉ ra quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế của Belarus. Tuy nhiên, ông nói, sẽ không có nhiều bất lợi đối với Nga, nước được cho là đã chịu tổn thất quân số đáng kể trong suốt cuộc chiến.

Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho thấy các lực lượng Belarus “rất khó có khả năng” tham chiến, ngay cả khi Điện Cẩm Linh tìm cách gây áp lực buộc Lukashenko gửi quân vào Ukraine.

Lukashenko bác bỏ suy đoán rằng quân đội của ông sẽ tham chiến vào tháng trước, mô tả nó là “hoàn toàn vô nghĩa.”

Ông nói với các phóng viên: “Nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng Vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm bất cứ điều gì vào đó. Ngược lại, chúng ta sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Đó không phải là vai trò của Belarus trong cuộc xung đột này.”

Tháng 10 vừa qua, Ukraine đã cảnh báo Lukashenko không được gửi quân của mình vào cuộc xung đột. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang đã viết trong một bài đăng trên Facebook: “Nếu quân đội Belarus ủng hộ sự xâm lược của Nga, chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi sẽ đáp trả gay gắt như chúng tôi đáp trả với tất cả những kẻ xâm lược trên lãnh thổ Ukraine.”

4. Một tư lệnh quân Nga đề xuất vũ khí hạt nhân là lựa chọn 'duy nhất' để giành chiến thắng

Chứng kiến sự thất bại thê thảm tại thành phố Bakhmut, một chỉ huy Nga đề xuất rằng vũ khí hạt nhân là lựa chọn 'duy nhất' để giành chiến thắng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Commander Suggests Nukes as 'Only' Option to Win War”, nghĩa là “Chỉ huy Nga đề xuất vũ khí hạt nhân là lựa chọn 'duy nhất' để giành chiến thắng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một chỉ huy Nga cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là cách duy nhất để Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Nhận xét này được đưa ra hơn 9 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2, với hy vọng giành chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu.

Tuy nhiên, những nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ của Ukraine, được hỗ trợ bởi viện trợ nhân đạo và quân sự của phương Tây, đã ngăn chặn thành Chúa Giáng Sinh lợi ích quân sự của Mạc Tư Khoa. Quân đội của Putin tiếp tục phải vất vả để đạt được những thành công ít ỏi ở các mục tiêu quan trọng.

Trong suốt cuộc xung đột căng thẳng, đã xuất hiện những lo ngại về việc liệu Putin có ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân hay không nếu cảm thấy không còn cách nào khác để chiến thắng trong cuộc chiến hoặc nếu cuộc chiến phát triển thành một cuộc xung đột lớn hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

Alexander Khodakovsky, tư lệnh lực lượng dân quân Donetsk của Nga, đã chỉ ra vũ khí hạt nhân là một cách để Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến trong một lần xuất hiện trên truyền hình nhà nước. Đoạn video về sự xuất hiện của ông ta đã được dịch và đăng lên Twitter bởi phóng viên BBC Francis Scarr.

Ông cho biết giới chức quân sự Nga nhận ra nguồn lực của họ “có giới hạn”, và nhất trí rằng họ có thể phải chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh bại Ukraine.

Khodakovsky nói: “Mọi người đều nhận ra rằng vòng xoáy leo thang tiếp theo chỉ có thể là giai đoạn chiến tranh hạt nhân.”

Khodakovsky cho biết Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân nếu NATO vượt qua “những ranh giới nhất định” và “tham gia trực tiếp” vào cuộc xung đột quân sự. Cho đến nay, phương Tây đã hạn chế sự tham gia của mình vào cuộc chiến trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine, vì việc gửi quân có thể sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh.

Ông thừa nhận rằng Nga thiếu khả năng chiến đấu chống lại toàn bộ NATO bằng vũ khí thông thường.

Ông nói: “Chúng ta không có khả năng – chúng ta là một quốc gia hiện đang chiến đấu với toàn bộ thế giới phương Tây và chúng ta không có đủ nguồn lực để đánh bại khối NATO bằng các biện pháp thông thường. Nhưng chúng ta có vũ khí hạt nhân cho việc đó. Chúng ta đã xây dựng chúng đặc biệt cho những tình huống như vậy. Đó là lý do tại sao chỉ có một lựa chọn.”

Bất chấp nhận xét của Khodakovsky, NATO đã không chỉ ra bất kỳ kế hoạch nào để bắt đầu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine.

Nga đã nói gì về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine

Nga đã đưa ra những tín hiệu lẫn lộn về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong suốt cuộc xung đột. Các nhà chức trách đã chính thức bác bỏ ý tưởng triển khai các loại vũ khí này, nhưng truyền hình nhà nước, liên kết chặt chẽ với Điện Cẩm Linh, đã liên tục cảnh cáo phương Tây về khả năng tấn công hạt nhân.

Vào tháng 9, Putin đã đưa ra lời đe dọa chống lại các quốc gia mà ông tin rằng đang cố gắng “tống tiền” ông bằng vũ khí hạt nhân của họ, một hành động rõ ràng nhằm vào các nước phương Tây, khi ông ra lệnh huy động một phần quân đội để leo thang chiến tranh.

Cả Nga và phương Tây đều trình bày bộ sưu tập vũ khí hạt nhân tương ứng của họ như những biện pháp răn đe nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công có thể gây ra đau khổ trên diện rộng.

Ông Putin nói: “Những kẻ đang cố tống tiền chúng ta bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi chiều”.

Tuy nhiên, vào tháng 10, Putin đã hạ thấp khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, nói rằng “việc đó chẳng ích lợi gì, cả về chính trị lẫn quân sự,” theo Associated Press.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuần trước đã cảnh báo rằng Putin đang phát triển và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận.

5. Trò đùa khốn nạn liên quan đến lễ Giáng Sinh của người Nga

Trước hết Kim Thúy kính mời quý vị và anh chị em xem đoạn video này thu được trong một sự kiện từ thiện của Duma quốc gia Nga, hay Hạ Viện Nga.

Người đàn ông này là ai? Và ông ta nói cái gì? Ông ta là Dân biểu Oleg Nilov. Ông ta lấy một tấm thiệp những lời mơ ước trên một cây thông Giáng Sinh và đọc như thế này:

“Cậu bé Vova đến từ Kyiv mơ được nhận hỏa tiễn. Vova, cháu sẽ nhận được hỏa tiễn, hãy đợi nhé”.

Hãy để ý phản ứng của một Dân biểu khác, một người có lẽ còn chút lương tâm nên lấy tay che mặt đi trước một trò giễu cợt mà nhiều người đã chỉ trích. Nhẹ nhàng thì người ta cho rằng đây là trò giễu dở. Nặng nề hơn thì người ta viết: “сволочь”, là tiếng Nga, dịch ra tiếng Việt là “Thằng khốn nạn”.

Tờ Newsweek có bài tường trình về biến cố này nhan đề “Russian Politician Jokes Kyiv Children Will 'Get Rockets' at Holiday Event”, nghĩa là “Trong một sự kiện liên quan đến ngày lễ Chính trị gia Nga giễu cợt rằng trẻ em ở Kyiv sẽ nhận được hỏa tiễn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một chính trị gia Nga gần đây đã được nghe thấy trên đoạn video được quay trong một sự kiện liên quan đến thời gian nghỉ lễ sắp tới nói rằng trẻ em ở thủ đô Kyiv của Ukraine sẽ “nhận được hỏa tiễn”.

Trong một video được hãng tin Nexta TV của Belarus đăng lên Twitter, chính trị gia Nga Oleg Nilov được nhìn thấy đang lấy một tấm thiệp trang trí trên cây thông Giáng Sinh và đọc nó.

“Cậu bé Vova đến từ Kyiv mơ được nhận hỏa tiễn. Vova, cháu sẽ nhận được hỏa tiễn, hãy đợi nhé”, Nilov nói trong video, theo bản dịch từ Nexta TV. Phương tiện truyền thông này báo cáo rằng những lời bình luận này đã được đưa ra trong một sự kiện bác ái tại Duma Quốc gia Nga.

Bình luận của Nilov được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến đang tiếp tục diễn ra giữa Ukraine và Nga, bắt đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hoạt động quân sự đặc biệt vào tháng Hai.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng thủ đô của quốc gia gần đây đã bị tấn công bởi máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất do Nga gửi đến.

“Những kẻ khủng bố bắt đầu sáng nay với 13 Shahed. Theo thông tin sơ bộ, tất cả 13 máy bay không người lái đã bị hệ thống phòng không của chúng ta bắn hạ. Tốt lắm. Tôi tự hào,” Zelenskiy nói trong một video. “Các công dân thân mến, chúng ta hãy cảm ơn lực lượng phòng không và đừng quên còi báo động.”

Trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Ba, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết 13 máy bay không người lái Shahed-136 đã bị bắn hạ trong thành phố.

Ngoài các cuộc tấn công vào Kyiv, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine gần đây cho biết các cuộc tấn công quân sự của Nga đã xảy ra ở khu vực Kherson.

“Ngoài ra, những kẻ xâm lược đã thực hiện hơn 10 vụ pháo kích… bao gồm cả thành phố Kherson,” Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trên Facebook.

“Ở hướng Zaporizhzhia và Kherson, những người Nga xâm lược tiếp tục… nã pháo vào cơ sở hạ tầng dân sự của các khu định cư dọc theo hữu ngạn sông Dnipro. Các khu vực của 28 khu định cư bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn.”

Các video đăng trên mạng xã hội cũng xuất hiện cho thấy các cuộc tấn công của Nga ở Kherson.

“Hỏa tiễn của Nga đã đánh trúng toà nhà chính quyền khu vực Kherson. Đây cũng chính là tòa nhà mà một tháng trước, người Ukraine đã rất vui mừng giương cao lá cờ của chúng ta. Nó không có giá trị quân sự. Đó chỉ là hành động khủng bố và báo thù thuần túy. Điều đó chỉ cho thấy Nga yếu thế nào,” Maria Avdeeva, giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Chuyên gia Âu Châu tại Ukraine, đã viết trong một tweet chia sẻ video về các cuộc tấn công.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Ngoại giao Ukraine, cũng chia sẻ video tương tự trên Twitter.

“Người Nga đã nã pháo vào tòa nhà của chính quyền khu vực Kherson. Rất may, không có ai bị thương”, Gerashchenko viết. “Nga là một quốc gia khủng bố.”

Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao ở cả Nga và Ukraine để bình luận.