Trong cuộc tiếp kiến riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 10 tháng 10, thủ tướng Montenegro đã đề xuất rằng một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill của Mạc Tư Khoa có thể diễn ra tại đất nước của ông.

Phát biểu với CNA vào ngày 11 tháng 10, Dritan Abazović lưu ý rằng “chúng tôi là một quốc gia nhỏ bé và hòa bình không có áp lực chính trị. Chúng tôi không có nền kinh tế lớn để cạnh tranh với các nước khác. Chúng tôi là một quốc gia Chính thống giáo, nhưng chúng tôi tràn đầy tinh thần đối thoại. Vì vậy, chúng tôi có thể là quốc gia nơi Đức Giáo Hoàng có thể tổ chức các cuộc họp quan trọng với các nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu khác”.

Abazović nói: “Tôi đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Montenegro, và tôi đã đề nghị với Đức Giáo Hoàng rằng Montenegro, nếu ngài đồng ý với điều đó, có thể là nơi thích hợp để cố gắng sắp xếp cuộc gặp ở Montenegro với Thượng phụ Mạc Tư Khoa Kirill, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.”

Vào năm 2020, có tin đồn về một chuyến thăm Montenegro có thể xảy ra. Đây sẽ là một điểm dừng chân trong chuyến đi đến Síp và Hy Lạp. Tuy nhiên, hành trình đến Síp và Hy Lạp diễn ra vào năm 2021 và không bao gồm chuyến thăm tới Montenegro.

Các cuộc nói chuyện về cuộc gặp thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga - sau cuộc gặp gỡ của hai vị vào năm 2016 - đã diễn ra kể từ trước cuộc chiến ở Ukraine.

Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Kirill đã gặp nhau trực tuyến vào ngày 6 tháng 3, và một cuộc gặp gỡ cá nhân được cho là sẽ diễn ra tại Giêrusalem vào ngày 14 tháng 6 khi kết thúc chuyến đi đến Li Băng, cũng đã bị hủy bỏ.

Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng một cuộc gặp với Thượng Phụ Kirill được coi là không phù hợp.

Một địa điểm khác cho cuộc gặp gỡ là Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9, nơi cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill đều được lên kế hoạch tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Thượng Phụ Kirill, tuy nhiên, đã rút lại sự tham gia của mình ngay trước cuộc họp.

Chính trong bối cảnh đó mà thủ tướng Montenegro hiện đã đề xuất đất nước của mình cho một cuộc gặp như vậy. Quốc gia ở Đông Nam Âu Châu, nhỏ hơn một chút so với bang Connectictut của Hoa Kỳ, là nơi sinh sống của khoảng 620,000 người và từng là một phần của Nam Tư. Ngày nay, Montenegro có chung biên giới với Albania, Bosnia và Herzegovina, Croatia, Kosovo và Serbia.


Source:Catholic News Agency