Chúa Nhật 16 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 29 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói:

“Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng trong phần Phụng vụ hôm nay kết thúc bằng một câu hỏi nan giải do Chúa Giêsu đặt ra: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18: 8) Gần giống như Chúa Giêsu đang nói: “Khi Thầy lại đến vào thời sau hết” - hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ, ngay cả lúc này, vào lúc này của cuộc đời - “Thầy có còn tìm được một chút niềm tin nơi các con, trong thế giới của các con chăng?” Đây là một câu hỏi nghiêm trọng. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng ngày hôm nay Chúa đã đến trên trái đất này. Thật không may, Ngài sẽ chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhiều nghèo đói và nhiều bất bình đẳng. Đồng thời, Ngài sẽ thấy những chinh phục kỹ thuật to lớn, những phương tiện hiện đại và những con người luôn chạy, không bao giờ dừng lại. Nhưng liệu Ngài có tìm được một người dành thời gian và tình cảm cho Ngài, một người sẽ đặt Ngài lên vị trí hàng đầu không? Trên hết, chúng ta hãy tự hỏi mình, “Người sẽ tìm thấy gì trong tôi, nếu Chúa đến ngày hôm nay, Người sẽ tìm thấy gì trong tôi, trong cuộc đời tôi, trong trái tim tôi? Ngài sẽ nhìn thấy những ưu tiên nào trong cuộc sống của tôi? “

Chúng ta thường tập trung vào quá nhiều việc cấp bách nhưng không cần thiết. Chúng ta bận rộn và lo toan với quá nhiều thực tại thứ cấp. Và có lẽ thậm chí không nhận ra điều đó, chúng ta bỏ qua những gì quan trọng nhất và chúng ta để cho tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa trở nên nguội lạnh, nguội lạnh từng chút một. Hôm nay, Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta phương thuốc để thắp lại một đức tin nồng nàn. Và cách khắc phục là gì? Người cầu nguyện. Vâng, cầu nguyện là liều thuốc cho đức tin, nó là sự phục hồi cho tâm hồn. Tuy nhiên, nó cần phải là sự cầu nguyện liên tục. Nếu chúng ta phải điều trị để khỏi bệnh, điều quan trọng là phải tuân thủ tốt kế hoạch điều trị, trung thành và dùng thuốc đều đặn, đúng cách và đúng lúc. Điều này là cần thiết trong tất cả cuộc sống. Chúng ta hãy nghĩ về cây trồng trong nhà: chúng ta cần tưới nước liên tục mỗi ngày. Chúng ta không thể ngâm nó và sau đó để mặc nó mà không tưới nước trong một tuần! Thậm chí lời cầu nguyện còn khẩn thiết hơn như thế. Chúng ta không thể chỉ sống trong những giây phút cầu nguyện mạnh mẽ hoặc những cuộc gặp gỡ căng thẳng nhưng chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, và sau đó “đi vào giấc ngủ đông”. Niềm tin của chúng ta sẽ cạn kiệt. Chúng ta cần nước cầu nguyện hàng ngày, chúng ta cần thời gian dành riêng cho Thiên Chúa, để Ngài có thể đi vào thời gian của chúng ta, vào cuộc sống của chúng ta; chúng ta cần những khoảnh khắc nhất quán, trong đó chúng ta mở rộng trái tim mình với Người để Người có thể hàng ngày tuôn đổ trên chúng ta tình yêu, hòa bình, niềm vui, sức mạnh, hy vọng, nhờ đó nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ - Chúa nói với tất cả mọi người, không chỉ với một số người! - “rằng họ phải cầu nguyện luôn và không được nản chí” (câu 1). Bây giờ ai đó có thể phản đối: “Nhưng, làm thế nào tôi có thể làm điều đó? Tôi không sống trong tu viện. Tôi không có nhiều thời gian để cầu nguyện!” Có lẽ một phương pháp tu hành khôn ngoan đối với khó khăn thực sự này mà người già, đặc biệt là ông bà của chúng ta, biết rõ có thể giúp đỡ chúng ta, điều mà ngày nay hơi bị lãng quên. Đây là những kinh nguyện thường được gọi là những lời nguyện ngắn - aspiration. Tên nghe hơi lỗi thời, nhưng phẩm chất thì rất tốt. Những lời nguyện ấy là gì? Thưa: Chúng là những lời cầu nguyện rất ngắn, dễ ghi nhớ, có thể được lặp đi lặp lại thường xuyên trong ngày, xen kẽ với các hoạt động khác nhau, để luôn “hòa hợp” với Chúa. Ví dụ, ngay khi thức dậy, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa và con xin dâng ngày này cho Chúa”. Đây là một lời cầu nguyện ngắn. Sau đó, trước một hoạt động, chúng ta có thể lặp lại, “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Giữa những công việc này và công việc khác, chúng ta có thể cầu nguyện như vậy, “Chúa ơi, con tin cậy nơi Chúa. Chúa ơi, con yêu Chúa”. Những lời cầu nguyện thực sự dù ngắn cũng giúp chúng ta tiếp xúc với Chúa. Chúng ta thường gửi tin nhắn tức thì cho những người chúng ta yêu thương như thế nào! Chúng ta cũng hãy làm điều này với Chúa để trái tim của chúng ta luôn được kết nối với Ngài. Và đừng quên đọc phản hồi của Ngài. Chúa luôn đáp lại. Chúng ta tìm những lời phản hồi của Chúa ở đâu? Sách Tin Mừng luôn luôn được lưu giữ trong tầm tay và nên được mở ra nhiều lần mỗi ngày, để nhận được một Lời sự sống hướng đến chúng ta.

Và hãy quay lại với lời khuyên mà tôi đã đưa ra nhiều lần - hãy mang theo một cuốn Phúc âm cỡ nhỏ trong túi trong ví của anh chị em. Và khi anh chị em có một phút, hãy mở nó ra và đọc điều gì đó, và Chúa sẽ đáp lại.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ biết lắng nghe trung thành, dạy chúng ta nghệ thuật cầu nguyện luôn luôn mà không nản lòng thối chí.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Vào ngày 10 tháng 10 năm ngoái, giai đoạn đầu tiên khai mạc Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục với chủ đề “Vì một Giáo hội Thượng hội đồng: Hiệp thông, Dự phần, Truyền giáo”. Kể từ đó, giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng đang được thực hiện trong các Giáo hội địa phương thông qua việc lắng nghe và biện phân. Thành quả của tiến trình đồng nghị đang diễn ra rất nhiều, nhưng để chúng có thể đạt đến độ chín hoàn toàn, không cần phải vội vàng. Vì vậy, để có một thời gian phân định thoải mái hơn, tôi đã thiết định rằng Thượng Hội Đồng này sẽ diễn ra trong hai phiên họp. Lần đầu tiên từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 năm 2023, và lần thứ hai vào tháng 10 năm 2024. Tôi tin tưởng rằng quyết định này sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về tính đồng nghị như một chiều kích cấu thành của Giáo hội, và giúp mọi người sống điều đó như cuộc hành trình của những anh chị em loan báo niềm vui của Tin Mừng.

Hôm nay, tại Boves (Cuneo), các Cha Giuseppe Bernardi và Mario Ghibaudo – Cha Sở và Cha Phó, bị giết vì lòng hận thù đức tin vào năm 1943 - sẽ được tuyên phong Chân phước. Trong cơn nguy hiểm tột cùng, các ngài không bỏ rơi những người được giao phó mà còn giúp đỡ họ đến mức đổ máu, chia sẻ số phận bi thảm của những người dân trong thành phố bị Đức Quốc xã giết hại. Ước gì tấm gương của các ngài khơi dậy trong các linh mục ước muốn trở thành mục tử theo trái tim Chúa Kitô, luôn ở bên cạnh dân của họ. Một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Thứ Ba, ngày 18 tháng 10 này, Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đang xúc tiến chiến dịch “Một triệu trẻ em cầu nguyện Kinh Mân Côi”. Tôi cảm ơn tất cả các bé đang tham gia! Chúng ta hãy hiệp nhất với họ và giao phó những người dân đau khổ của Ukraine, và những người khác đang đau khổ do chiến tranh và bất kỳ hình thức bạo lực và khốn khổ nào, cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ.

Liên quan đến những người cùng khổ, ngày mai là Ngày Quốc tế Xóa đói nghèo. Mọi người đều có thể chung tay hướng tới một xã hội mà không ai cảm thấy bị loại trừ vì nghèo đói.

Tôi xin chào tất cả các bạn, những người đến từ Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Đặc biệt, tôi chào ban nhạc từ Freiburg mà tôi đã nghe các bạn hòa tấu. Thực sự rất tốt! Dàn hợp xướng “Comelico” từ Santo Stefano di Cadore và Hiệp hội Immaculata, và đại diện của Liên đoàn các tổ chức kinh doanh Tây Ban Nha và Liên đoàn lao động tự do Tây Ban Nha. Tôi cũng gửi lời chào đến những người đang ở đây từ Chajarí, tỉnh Entre Ríos, Á Căn Đình. Xin Chúa phù hộ cho anh chị em!

Tôi hy vọng tất cả anh chị em có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana