TĨNH THỨC VÀ TRUNG THÀNH
Chúa Nhật 19 Thường Niên Năm C

Chúa nhật trước, bài đọc 1, tác giả sách Giảng Viên nói: "Tất cả chỉ là phù vân". Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.

Văn chương Việt nam khi nói tới sự bấp bênh, vô định, thường dùng hình ảnh bọt bèo: "Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau" (Nguyễn Du).

Bọt là bong bóng nước mong manh, tan trong chốc lát. Hình ảnh bọt diễn tả cái vắn vỏi của cuộc đời. Bèo gợi lên ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi, vô định: "Lênh đênh duyên nổi phận bèo. Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi" (Ca dao); "Bèo dạt, mây trôi đành với phận" (Chu Mạnh Trinh).

Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó là phù vân, khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến?

Có ba quan niệm sống có thể tạo ra một thái độ tiêu cực trước cuộc đời.

1- Chết là hết, không còn gì tồn tại. Nếu quả thực mọi sự sẽ chấm dứt với cái chết, nếu số phận người tốt kẻ xấu đều sẽ như nhau sau khi chết, thì người ta sẽ có lý mà lập luận rằng: Ta hãy ăn uống, vui chơi, hưởng thụ giây phút hiện tại cho thoả thích. Chết rồi sẽ chẳng còn gì!

2- Tin vào thuyết định mệnh, nghĩa là mọi sự đã được an bài sẵn. Số phận mỗi người đã được thần thánh định đoạt. Nếu thế thì con người chẳng cần và chẳng có thể làm gì nữa, mọi cố gắng đều vô ích.

3- Tin vào thuyết luân hồi. Cuộc sống là một vòng luân chuyển, hết kiếp này qua kiếp khác. Kiếp này chưa đạt cõi phúc, sẽ chờ kiếp sau, khi được đầu thai lại, luân hồi theo vòng nghiệp chướng.

Dĩ nhiên thuyết luân hồi không đương nhiên dẫn tới tiêu cực, nhưng dù sao cũng không dành cho cuộc sống hiện tại một giá trị và tầm quan trọng quyết định đối với số phận mỗi người.

Khác quan niệm trên, Kitô giáo dạy: Thiên Chúa giao cho ta chịu trách nhiệm về thế giới, về sự thành công của đời mình. Hiện tại quyết định số phận đời đời. Mỗi giây phút qua đi, không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta ở trần gian vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Tin mừng hôm nối tiếp giáo huấn tuần trước của Chúa Giêsu: “Phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”. Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức.

Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về: Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn.

Cũng vậy, Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Họ cần sống cuộc đời hiện tại một cách nghiêm túc. Họ cố gắng làm phận sự ở đời hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

Dụ ngôn người quản gia trung thành. Quản gia chỉ là quản lý mà “ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”.
Chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Cần trung thành trong nhiệm vụ được giao. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp… tất cả đều là do Chúa ban tặng.

Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa. Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn. Vì thế, người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử.

Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin, hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin, chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng của ơn cứu rỗi.
Biết mình đang đi về đâu, người có lòng tin không vì thế mà đương nhiên hết còn cảm nhận tính bi đát của cuộc đời “phù vân, bèo bọt”. Họ vẫn là con người như mọi người, nhưng họ có một niềm hy vọng giúp giữ thái độ lạc quan và an bình.

Tỉnh thức và sẵn sàng là tâm trạng của người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.