Lá thư Canada 1-8-2022 : Cuộc Tông Du Lịch Sử

Tuần lễ cuối tháng 7 vừa qua, Canada đã đón tiếp Đức Thánh Cha Francis. Ngài đến Canada không phải để thăm viếng ngoại giao mà để xin lỗi và hòa giải với người Da Đỏ. Chuyện này có cái gốc cách đây 100 năm từ khi chính quyền Canada cưỡng bách trẻ em Da Đỏ vào các trường nội trú, trước sau có tới 139 trường. Chính quyền Canada trao việc giáo dục và quản trị phần lớn các trường này cho Giáo Hội Công Giáo. Mục đích là cải hóa các em từ bỏ nếp sống Da Đỏ để sống như người Da Trắng, vì người da trắng nghĩ rằng văn hóa người Da Đỏ là man rợ. Đã có tới 150 ngàn em Da Đỏ bị đưa vào các trường này và có tới 4.000 em đã chết ở đây. Việc này đã làm người Da Đỏ phẫn nộ. Và chính quyền Canada đã nhận ra đây là một việc làm sai lầm, đã xúc phạm nặng tới người Da Đỏ, nên năm 2015 Canada đã chính thức xin lỗi người Da Đỏ, nhưng người Da Đỏ vẫn chưa hài lòng, vẫn còn thù hận người Da Trắng. Tháng 5, 2021 người ta phát hiện ra nhiều nấm mồ hoang chôn tập thể ở một số trường nội trú khi xưa. Cơn tức giận của người Da Đỏ lại bùng lên to hơn trước, nhiều nhà thờ trong khu dân bản địa Da Đỏ ở đã bị đốt phá. Họ đòi Giáo Hội Công Giáo phải chính thức xin lỗi và đền bù. Chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Francis cuối tháng 7 vừa qua là có mục đích này.

Hiện người Da Đỏ sống rải rác khắp nơi, nhưng có 3 nơi tập trung đông nhất là Edmonton có khoáng triệu người gốc First Nations, Quebec có khoảng 600 ngàn người gốc Metis, và miền cực bắc khoảng 65 ngàn dân Inuit. Tháng 4 vừa qua, một phái đoàn Canada gồm giáo sĩ đại biểu các sắn dân Da Đỏ đã sang Roma, Đức Thánh Cha đã đón tiếp và đã ngỏ lời xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi này bị coi là chưa mạnh đủ nên cuối tháng Bảy vừa qua, ngài sang tận Canada, và tới tận nơi người Da Dỏ ở để xin lổi và làm hòa. Đây là chuyến công du không phải thăm chính quyền Canada mà để gặp người Da Đỏ, để mặt đối mặt, nói lời xin lỗi và làm hòa, cho nên nơi đầu tiên máy bay của ngài đáp xuống không phải thủ đô Ottawa mà là Edminton ở miền tây, một nơi đông dân Da Đỏ nhất. Ngài đã được đón tiếp theo nghi lễ Da Đỏ. Các cụ xem tin thời sực chắc đã thấy. Có điều đặc biệt là trong nghi lễ chào đón thứ nhất ở phi trường, ngồi bên Đức
Thánh Cha là bà Toàn Quyền Canada thay mặt Nữ Hoàng, bà toàn quyền tên Mary Simon, một lãnh tụ Inuk của Da Đỏ, và ngồi bên trái là thủ tướng Jutin Trudeau, Thật ý nghĩa quá! Điều đặc biệt nữa là trong lần gặp gỡ dân Da Đỏ đầu tiên, thì trên diễn đài Đức Thánh Cha ngồi giữa và 4 vị tù trưởng Da Đỏ ngồi hai bên. 4 vị này mặc y phục Da Đỏ, đầu dội mũ lông chim to lớn, và vị đai diện Da Đỏ đã đội một mũ lông chim cho Đức Thánh Cha. Cái mũ lông chim to lớn này giống y như mũ lông chim mà tổ tiên ta đã đội có ghi trên các mặt trống đồng của VN.

Nghe tôi nói đến đây thì ông Từ Hòe trong làng An Lạc của chúng tôi đã cười khà khà và nói ngay : Đây là chứng cớ rõ ràng nhất rằng người Da Đỏ ở Canada chính là nhóm 50 con của Mẹ Âu Cơ ngày xưa đã theo mẹ lên núi. Mẹ Âu Cơ dẫn con lên núi tức là lên hướng bắc, rồi khi gặp bắc cực thì quẹo sang phía tây, tới bãi biển Bering gặp Alaska, mẹ con đã đi qua Alaska và vào miền đất hiện nay là Canada, đã dừng chân để lập nghiệp. Họ đã tản mát khắp nơi trên mảnh đất bao la này.

Điều tôi phải nói ngay là trên các bản tin thế giới bây giờ người ta không dùng chữ Da Đỏ mà dùng chữ ‘thổ dân’ hay ‘dân bản địa’, nhưng tôi thích danh xưng Da Đỏ hơn, nghe ấn tượng và đặc sắc. Dân Da Đỏ ở Canada gồm nhiều gốc dân, nhưng được xếp thành 3 loại : First Nations, Metis, và Inuit. Đức Thánh Cha Francis đến 3 nơi có dông 3 sắc dân này là thế.

Chính phủ Canada nhân dịp này công bố sẽ đền 20 tỷ đồng cho cộng đồng Da Đỏ về những thiệt hại trong các dịch vụ trường học cưỡng bách trên.

Canada là đất của người Da Đỏ ở đầu tiên, dấu vết còn ghi ở khắp nơi, rõ ràng nhất là nhiều địa danh mang tiếng Da Đỏ. Như quốc danh Canada bởi tiếng Kanata, tiếng của thổ dân Iroquois, nghĩa là ‘cái nhà ta’; như Toronto là tiếng thổ dân Mohawk, nghĩa là ‘nơi hẹn hò’; như Quebec là tiếng thổ dân Alonquin, nghĩa là ‘lối đi chật’; như Ontario là tiếng thổ dân Huron, nghĩa là ‘cái hồ đẹp’; như Ottawa là tiếng thổ dân Algonquin, nghĩa là ‘nơi buôn bán trao đổi’; như Niagara là tiếng Iroquois, nghĩa là ‘nơi thác đổ như sấm sét’... Ngoài địa danh, trong ngôn ngữ thường ngày ở Canada còn có nhiều tiếng Da Đỏ, như Igloo : nơi ở làm bằng tuyết, như Parka : áo ấm bằng da thú caribou, như Kayak : thuyền độc mộc làm bằng gỗ cây birch …

Chuyện thời sự Canada về chuyến viếng thăm của Dức Thánh Cha và người Da Đỏ đã dài, xin tạm ngưng giấy lát vì Canada còn nhiều tin nổi bật khác nữa, như : theo tờ báo nổi tiếng quốc tế The Economist bên Anh thì thế giới hiện nay có 10 thành phố có cuộc sống tốt đẹp nhất thế giới, và Canada có 3 thành phố trong danh sách này, đó là Calgary được được xếp hạng 4, Vancouver hạng 5 và Toronto hạng 8. Còn Hoa Kỳ không có trong danh sách ‘top 10’ này. Các cụ bên Hoa Kỳ đừng buồn nha.

Ngoài ra là tin về bản đồ chính trị thế giới đang được vẽ lại sau khi NATO có thêm Phần Lan và Thụy Điển. Việc này xảy ra vì Nga Hoàng Putin đang lăm le chiếm trọn Ukraine.

Và thế giới còn nhiều tin nữa, như Cựu thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe mới bi ám sát ngày 8 tháng 7 vừa qua. Mọi người khắp nơi thương tiếc, như thế giới đã từng thương tiếc TT Ngô Đình Diệm của VNCH, TT John F Kennedy của Hoa kỳ, TT Park Chung Hee của Nam Hàn, như TT Anwar Sadat của Ai cập, như Indira Gandhi của Ấn Độ…

Viết đến thương nhớ, tự nhiên tôi nhớ ngay tới hai danh nhân VN qua đời gần đây, thứ nhất là Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh, thủ lãnh tiên khởi của Không Quân VNCH. TS Vinh trước khi mất đã nhập đạo Công Giáo, thứ hai là Ông Tô Văn Lai của Thúy Nga Paris By Night, ông cũng vừa ra đi bằng an thanh thản với tuổi già. Ai cũng quý mến và thương nhớ 2 ông.

Riêng làng tôi thì thương nhớ ông Tô Văn Lai nhiều hơn. Nhờ ông mà chúng ta có hơn 130 cuốn băng ca nhạc tuyệt phẩm, hơn hẳn các công ty băng nhạc khác cả hải ngoại lẫn trong nước. Sự thành công tuyệt vời này do ông, và cô con gái Marie Tô và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Ông Lai và ông Ngạn là hai người gốc nhà giáo, nên cái tâm của nhà giáo đã ảnh hưởng lớn tới bản sắc của các cuốn băng văn nghệ nổi danh này, Ông Lai vừa nằm xuống và ông Ngạn sau cuốn 133 cũng sẽ nghỉ hưu. Bằng hữu tôi ai cũng mê ông nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, mê cái tài MC duyên dáng của các chương trìinh văn nghệ, mê các sách ông viết, mê các chuyện ông sáng tác và đọc, mê 60 vở kịch ông soạn cho các băng Paris By Night. Hy vọng ông Ngạn tuy không xuất hiện trên sân khấu nhưng vẫn còn là cố vấn cho Thúy Nga. Ai cũng cầu chúc mọi may mắn cho GS Ngạn và cho vợ chồng cô giám đốc Marie Tô Ngọc Thủy.

Ngoài ra, Chị Ba Biên Hòa và đa số dân làng đều mong sau băng 133, sẽ có thêm băng với chủ đề về Phạm Duy, tuy xưa đã có nhưng nói chưa đủ. Mà nói ít sao được, vì Phạm Duy là một tên tuổi lẫy lừng qúa lớn.Tiếc rằng nhạc sĩ thiên tài họ Phạm đã ra đi năm 2013, nên Thúy Nga không thể phỏng vấn thêm được nữa, nhưng tên tuổi của ông vẫn còn sáng chói, chứng nhân vẫn còn rất nhiều và ở khắp nơi. Lòng yêu nước của ông thật vĩ đại, ông bỏ ngoài tai những lời phê bình về thân cộng hay về tình ái, ông đã sống thật với lòng mình, ông đã về quê hương VN và nằm xuống ở quê hương VN. Trong tang lễ, người ta đã không khóc mà đã hát những bài nhạc của ông. Điều đặc biệt và đáng ghi nhớ nhất là lúc hạ huyệt thì bài ‘Việt Nam Việt Nam’ được hát to, bài này VC vẫn cấm nhưng lúc này tự nhiên nổ bùng lên, mọi người cùng hát lớn tiếng. Tôi nghĩ đây là một điềm lành.Và tôi nghĩ rằng mai này khi chế độ CS tan và VN sẽ đi vào vận mệnh mới, lúc đó quốc ca sẽ là bài Việt Nam Việt Nam chứ không còn ‘tiến mau ra sa trường…thề phanh thây uống máu quân thù’, quốc kỳ VN sẽ không còn là cờ máu nữa.

Mỗi lần nhắc tới Phạm Duy là tôi nhớ ngay đến nhạc sĩ Văn Cao bạn thân của ông. Tiếc rằng Văn Cao đã không theo Phạm Duy vào Nam mà ở lại đất Bắc, và đã bị CSVN đầy ải cả một đời. Giá mà miền Nam vừa có Phạm Duy vừa có Văn Cao thì cõi nhạc Miền Nam sẽ còn phong phú và hay hơn biết chừng nào !

Cả làng An Lạc của tôi ai cũng mê nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao và Trịnh Công Sơn, nhạc và lời của 3 nhạc sĩ này đầy ý nghĩa và hay hết sức. Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới một bài viết về Phạm Duy rất hay của nhà văn Lê Hữu trên mạng năm ngoái. Xin phép nhà văn Lê Hữu cho tôi được lấy ý chính và trích mấy đoạn chính, như sau :

…Một lần được gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi nói rằng có một bài hát tôi thực sự mong được nhà nước cho phép, đó là bài ‘Việt Nam, Việt Nam’. Ông im lặng. Tôi nói thêm là tôi chờ cái ngày bài hát ấy được hát vang vang trên khắp mọi miền đất nước. Ông im lặng. Tôi hiểu được sự im lặng đó. Bài hát có những lời lẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại, và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ :

…Việt nam đem vào sông núi Tự Do Công Bình Bác ái muôn đời. Việt nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau,Việt Nam đi xây cất yên vui dài lâu. Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời…Tình yêu đây là khí giới. Tình thương đem về muôn nơi Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người…

Bài ca có nhịp điệu khỏe khoắn, tiết tấu mạnh mẽ, nghe phấn chấn, thúc dục, tựa những bước chân hăm hở bước tới, rất thích hợp để hát hợp ca, đồng ca trong những cuộc họp mặt, những sinh hoạt văn hóa, hay xuống đường tuần hành. Lời bài ca khơi dậy tinh thần yêu nước, mang tính chất một bài quốc ca, thế mà CSVN hiện nay cấm hát vì nó đụng tới những điều nhạy cảm. Thực ra bài này không phải là một bài riêng biệt nhưng chỉ là chung khúc của bài trường ca Mẹ Việt Nam. Chung khúc nói lên những ước mơ và khát vọng của người dân Việt hiện nay, mong cho đất nước yên bình, không còn cách chia, mọi người biết yêu thương nhau. Trước khi chết, Phạm Duy đã viết một thư cho chính quyền xin được phổ biến bài ca ái quốc này nhưng ông không được trả lời.

Tháng 6 năm 2012, Nhạc sư Trần Văn Khê, người bạn cố tri của Phạm Duy cũng viết một bức thư dài 12 trang gửi chính quyền VN xin cho phép phổ biến 2 trường ca nổi tiếng của Phạm Duy là bài ‘Con Đường Cái Quan’ và bài ‘Mẹ Việt Nam’ kết thúc bằng chung khúc’Việt Nam,Việt Nam’. Thư có đoạn như sau :’

…‘ Tôi ước mong chính phủ, Bộ Văn hóa, xem xét trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phổ biến đến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời ca đi sâu vào lòng người dân. Với hai trường ca này, Phạm Duy đã nói về một Việt nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh… để thấy rằng Việt Nam tươi đẹp đến nhường nào, luôn lấp lánh bóng dáng hòa bình, yêu thương, nhân ái, người vì người, sống chết cho nhau.,,’

Cả hai lá thư với lời tha thiết và tâm huyết ấy đều ‘thư đi’ mà không có ‘tin lại’!

Báo chí còn ghi sự kiện đặc biệt này là trong đám tang Phạm Duy ỏ Saigon, trong phút cuối lúc hạ huyệt, khi mọi ngươi vây quanh đang rải những nắm đất và những bông hoa xuống nắp quan tài, thì một tiếng nói bỗng vang lên ‘Chúng ta hãy cùng nhau hát bài Việt Nam Việt Nam. Một tiếng hát cất lên rồi nhiều tiếng cũng cất lên theo, hòa vào nhau, bài hát càng lúc càng vang ầm lên. Lời hát hòa nhịp với những bông hoa tiếp tục tung xuống. Ai cũng hát, ai cũng coi bài ca này làm lời tiễn biệt Phạm Duy. Bài hát lần đầu tiên được công khai cất lên kể từ ngày ông về nước, như một lời tiễn biệt cảm động và chân thật nhất…

Tôi lại mắc lỗi đã miên man ra ngòai lề mất rồi. Nét chính của bài này là chuyện Đức Thánh Cha Francis tới Canada để công khai ngỏ lời xin lỗi và làm hòa với người Da Đỏ. Xin được trở về chủ đề. Người Da Đỏ đã đón Ngài nồng nhiệt, đã đội mũ lông chim truyền thống của họ lên đầu của ngài, đã ôm hôn Ngài. Tội nghiệp ngài quá, cụ già gần 90 phải ngồi xe lăn mà còn cố đi xa, tới tận nơi để được ôm và bắt tay xin lỗi. Tôi thấy nhiều ông bà Da Đỏ đã khóc vì cảm động. Chúng tôi yêu và mê Đức Thánh Cha này quá. Ngài chính là Chúa Giêsu khi xưa đang vác thánh giá.

Đa số dân làng An Lạc chúng tôi đã sống ở Canada gần nửa thế kỷ mà đâu có biết việc dân Da Đỏ bản địa xưa kia đã bị kỳ thị nặng nề như vậy. Sử sách Canada cũng không ghi chép rõ việc này. GS Tiffany D. Prete nổi tiếng của Đại học Lethbridge bên Anh đề nghị : Hồ sơ Công Giáo liên quan đến hệ thống các trường nội trú những năm 1870-1990 phải đươc công khai hóa và phát hành, và phải được trao tận tay những dân Da Đỏ nạn nhân của việc kỳ thị. Sự kiện Đức Thánh Cha đến Canada lần này sẽ giúp tất cả chúng ta có cái nhìn thấu triệt hơn về thân phận dân Da Đỏ bản địa dưới hệ thống giáo dục nội trú cưỡng bách năm xưa. Ủy ban Sự Thật và Hòa giải Canada đã xin Đức Thánh Cha Francis tới xin lỗi trực tiếp những nạn nhân còn sống sót và cộng đồng của họ. Công luận đều nhìn nhận rằng lời xin lỗi chính thức từ giáo hoàng rất quan trọng. Đức TGM Thomas Collins của Toronto cho biết chỉ có 17 trong 70 tổng giáo phận trên toàn quốc là có liên hệ tới các trường nội trú cưỡng bách đang nói tới hiện nay, Ngài nói : Giáo Hội Công Giáo phải nhận trách nhiệm về việc không chu toàn nghĩa vụ giáo dục với các em nội trú, đã tách các em và thường là cưỡng bức các em khỏi cha mẹ, gạt bỏ ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc Da Đỏ. Giáo Hội Công Giáo phải nhận lỗi và chuộc lỗi và tìm phương cách chữa lành.

Cuối tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Francis đã đến tận nơi họ ở để công khai nói lời xin lỗi. Nơi cuối cùng ngài tới là miền Iqaluit ở Bang Nunavut miền giáp Bắc Cực. Việc Ngài xin lỗi hồi tháng Tư tại Roma, và việc cuối tháng 7 này là những hành động lịch sử đẹp mắt vô cùng.

TRÀ LŨ