Chúa Nhật 10 tháng 7, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật thứ 15 Mùa Thường Niên.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại dụ ngôn Người Samaritô nhân hậu (x. Lc 10:25-37) – mà chúng ta đều biết. Trong bối cảnh là con đường đi từ Giêrusalem đến Giêricô, trên con đường đó, một người đàn ông đã bị một bọn cướp đánh đập dã man và cướp bóc. Một tư tế đi ngang qua nhìn thấy anh ta nhưng không dừng lại; tư tế ấy tiếp tục đi. Một người Lêvi, phục vụ trong đền thờ, cũng làm như thế. Phúc Âm cho biết “Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương”(c. 33). Chúng ta đừng quên từ này - “anh đã động lòng thương người ấy”. Đây là điều mà Thiên Chúa cảm thấy mỗi khi Ngài thấy chúng ta đang gặp khó khăn, khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta đang gặp đau khổ. “Anh đã động lòng thương người ấy”. Thánh Sử chỉ rõ rằng người Samaritanô đang trong một cuộc hành trình. Như thế, mặc dù đã có kế hoạch riêng và đang hướng đến một đích đến xa xôi, nhưng người Samaritanô không viện cớ đó mà cho phép mình lảng tránh, anh ta tham gia vào những gì đã xảy ra trên đường. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: không phải Chúa dạy chúng ta làm điều đó sao? Nhìn về phía xa, đến điểm đến cuối cùng của chúng ta, đồng thời chú ý đến các bước cần thực hiện ở đây và bây giờ để đến được đó.

Điều quan trọng là những Kitô hữu đầu tiên được gọi là “môn đệ của Con Đường” (xem Công vụ 9: 2). Trên thực tế, môn đệ rất giống người Samaritanô – cũng như anh ta, môn đệ đang trong một cuộc hành trình, là một người trẩy đi xa. Người tín hữu biết mình chưa “đến nơi”, nhưng muốn học hỏi mỗi ngày, theo Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6), “Ta là đường”. Môn đệ của Chúa Kitô cùng bước theo Ngài và do đó trở thành “môn đệ của Con Đường”. Người đó đi theo sau Chúa, không thụ động, không, nhưng luôn đi trên đường. Trên đường đi, người đó gặp gỡ mọi người, chữa lành bệnh tật, thăm các làng mạc và thành phố. Đây là những gì Chúa đã làm, Ngài luôn di chuyển.

Do đó, “môn đệ của Con Đường”, tức là những tín hữu Kitô chúng ta, nhận thấy rằng cách suy nghĩ và hành động của mình dần dần thay đổi, ngày càng trở nên phù hợp với lối sống của Thầy hơn. Bước đi theo bước chân của Chúa Kitô, người môn đệ trở thành một người đi đường và - giống như người Samaritanô - học cách nhìn và có lòng trắc ẩn. Anh ta nhìn thấy và có lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Trước hết, cần thấy rằng: đôi mắt của những người môn đệ Chúa đang mở ra với thực tế, chứ không phải khép kín một cách ích kỷ vào vòng xoáy của những suy nghĩ riêng mình. Trái lại, thầy tư tế và người Lê vi nhìn thấy người đàn ông bất hạnh, nhưng họ đi ngang qua như không thấy anh ta, họ nhìn theo hướng khác. Tin Mừng dạy chúng ta cách nhìn - Tin Mừng dẫn dắt mỗi người chúng ta hiểu đúng về thực tế, vượt qua những định kiến và chủ nghĩa giáo điều mỗi ngày, vì có nhiều tín hữu đã ẩn náu đằng sau những giáo điều để tự bảo vệ mình khỏi thực tế. Bên cạnh đó, Tin Mừng cũng dạy chúng ta theo Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có lòng trắc ẩn - nhìn thấy và có lòng trắc ẩn - trở nên ý thức về người khác, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang gặp khó khăn, và can thiệp như người Samaritanô, không tỉnh bơ đi ngang qua nhưng phải dừng lại.

Đối mặt với câu chuyện ngụ ngôn Phúc Âm này, chúng ta có thể đổ lỗi cho người khác hoặc đổ lỗi cho chính mình, chỉ tay về phía người khác, so sánh họ với thầy tư tế hoặc người Lê vi “Người đó, người đó tiếp tục, người đó không dừng lại…” - hay thậm chí là tự trách mình, kể lể thất bại của bản thân không chú ý đến những người xung quanh. Nhưng tôi muốn đề xuất một loại bài tập khác cho tất cả anh chị em, không phải loại bài tập tìm ra lỗi, không. Chắc chắn, chúng ta phải nhận ra khi nào chúng ta đã vô tâm và đã tự biện minh cho mình. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta phải thừa nhận điều này, đó là một sai lầm. Nhưng chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta vượt qua sự thờ ơ ích kỷ của mình và đặt mình trên Con đường. Chúng ta hãy xin Chúa cho được nhìn thấy và động lòng thương, đây là một cơ duyên. Chúng ta cần cầu xin Chúa, “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy, để con có thể có lòng nhân ái giống như Chúa nhìn thấy con và thương xót con”. Đây là lời cầu nguyện mà tôi gợi ý cho anh chị em ngày hôm nay. “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy và có lòng thương xót giống như Chúa nhìn thấy con và có lòng thương xót đối với con” - để chúng ta có thể thương xót những người chúng ta gặp trên đường đi, trên hết là những người đau khổ và thiếu thốn, để đến gần họ và làm những gì chúng ta có thể làm để giúp họ một tay. Nhiều khi có một số Kitô hữu đến nói với tôi về những điều tâm linh, tôi hỏi họ có bố thí không. “Có”, người đó nói với tôi.

“Vậy, nói cho tôi biết, bạn có chạm vào tay của người mà bạn đã đưa tiền không?”

“Không, không, con ném tiền xuống đó.”

“Và bạn có nhìn vào mắt người đó không?”

“Không, điều đó không hề thoáng qua trong tâm trí con.”

Nếu bạn bố thí mà không chạm đến thực tế, không nhìn vào mắt người cần, thì những bố thí đó là cho bạn, chứ không phải cho người đó. Hãy nghĩ về điều này. Tôi có chạm vào sự khốn khổ, thậm chí là sự khốn cùng mà tôi đang giúp đỡ không? Tôi có nhìn vào mắt những người đau khổ, những người mà tôi giúp đỡ không? Tôi để lại cho anh chị em suy nghĩ này - để nhìn thấy và có lòng trắc ẩn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên hành trình trưởng thành này. Xin Mẹ, Đấng “chỉ cho chúng ta Con Đường”, tức là Chúa Giêsu, giúp chúng ta ngày càng trở thành “môn đệ của Con Đường”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi hiệp nhất với nỗi buồn của người dân Sri Lanka, những người tiếp tục phải chịu những tác động của bất ổn chính trị và kinh tế. Cùng với các Giám mục của đất nước, tôi tái kêu gọi hòa bình và tôi khẩn cầu những người có thẩm quyền đừng bỏ qua tiếng kêu của người nghèo và những nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tôi muốn gửi một suy nghĩ đặc biệt tới người dân Libya, đặc biệt là những người trẻ tuổi và tất cả những ai đang phải chịu đựng những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng ở đất nước này. Tôi kêu gọi mọi người luôn tìm kiếm những giải pháp thuyết phục mới với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải dân tộc.

Tôi lặp lại sự gần gũi của mình với những người dân Ukraine, những người đang hàng ngày bị dày vò bởi những cuộc tấn công tàn bạo mà những người dân bình thường đang phải trả giá. Tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình, đặc biệt là cho các nạn nhân, những người bị thương, những người bị bệnh. Tôi cầu nguyện cho người già và trẻ em. Xin Chúa chỉ ra con đường để chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này.

Ngày Chúa Nhật Biển đang được tổ chức vào ngày hôm nay. Chúng ta hãy ghi nhớ tất cả những người đi biển với lòng kính trọng và biết ơn đối với công việc quý báu của họ, cũng như các tuyên úy và tình nguyện viên của “Stella Maris” – “Ngôi Sao Biển”. Tôi phó thác cho Đức Mẹ những người đi biển bị mắc kẹt trong vùng chiến sự để họ có thể trở về nhà.

Tôi chào nhóm đến từ Trường Cao đẳng São Tomás từ Lisbon, và các tín hữu từ Viseu, Bồ Đào Nha; dàn hợp xướng “Siempre Así” từ Tây Ban Nha; các bạn trẻ đến từ Tổng giáo phận Berlin và các ứng viên Thêm sức từ Bolgare miền Bergamo. Tôi gửi lời chào đến những người hành hương Ba Lan cũng như những người đang tham gia cuộc hành hương hàng năm của các gia đình từ Đài Maria đến Đền Częstochowa. Tôi chào các linh mục đến từ các quốc gia khác nhau, những người đang tham gia khóa học dành cho các nhà đào tạo chủng viện do Istituto Sacerdos của Rôma tổ chức.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana