1. Tổng tuyển cử ở Malta có thể làm lu mờ chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng

Malta gần đây đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối tháng 3, trước vài tháng so với kế hoạch và vài ngày trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến quốc đảo, có nghĩa là thông điệp của Giáo hoàng có nguy cơ bị thất lạc trong bối cảnh chính trị sa sút.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4, đánh dấu chuyến tông du quốc tế đầu tiên trong năm nay của ngài. Ngài sẽ thăm các thành phố Valletta, Rabat và Floriana, cũng như đảo Gozo.

Di cư dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm của Đức Phanxicô, vì Malta từ lâu đã trở thành một nhân tố chính trong cuộc tranh luận về di cư của Âu Châu. Minh họa cho điều này là khi ở Malta, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ đến thăm một trung tâm chào đón người di cư khi ở trên đảo.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Giáo hoàng có nguy cơ bị lu mờ bởi chính trị địa phương, sau thông báo gần đây của Thủ tướng Malta Robert Abela rằng cuộc tổng tuyển cử của đất nước sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng 3, chỉ một tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến đó.

Abela, người thuộc đảng Lao động cầm quyền của Malta, đã nhậm chức thủ tướng Malta vào đầu năm 2020 sau sự từ chức của người tiền nhiệm và đồng thời là chủ tịch đảng Lao động, Joseph Muscat, trong bối cảnh các chỉ trích cách chính phủ giải quyết vụ sát hại nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia.

Giới tinh hoa chính trị của Malta vẫn đang quay cuồng với những tiết lộ vào cuối năm 2019 rằng các quan chức chính phủ hàng đầu có liên quan đến cả âm mưu giết người của Galizia, là người đã bị giết trong một vụ đánh bom xe vào năm 2017.

Được biết đến với báo cáo chuyên sâu về các trò tham nhũng của chính phủ, Galizia là một cái tên quen thuộc ở Malta, và cái chết của cô đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước. Sau khi cô bị sát hại, các quan chức cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức và đầy đủ, tuy nhiên, cuộc điều tra đó phần lớn bị đình trệ cho đến cuối năm 2019, khi có thông tin cho rằng các quan chức chính phủ hàng đầu có liên quan đến cái chết của Galizia, bao gồm cả chánh văn phòng của Thủ tướng Muscat.

Vào tháng Giêng năm 2020, Muscat từ chức trong bối cảnh áp lực của dư luận, bao gồm các cuộc phản đối lan rộng, từ cả người dân và Nghị viện Âu Châu. Tháng 12 năm 2019, Nghị viện Âu Châu đã ban hành một nghị quyết thúc giục Liên minh Âu Châu đối thoại pháp lý với Malta, khiến Malta có nguy cơ mất quyền bỏ phiếu tại Liên Hiệp Âu Châu.

Ban đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến thăm Malta vào tháng 5 năm 2020 sau vụ bê bối tham nhũng, nhưng chuyến thăm đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus bùng phát, và Vatican đã phải vật lộn để tìm một ngày khả thi để dời lại lịch trình chuyến tông du.

Tổng tuyển cử ở Malta ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 6, nhưng cuối tuần trước Abela đã có động thái bất ngờ khi yêu cầu Tổng thống nước này, George Vella, giải tán quốc hội và kích hoạt một cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào ngày 26 tháng 3, chỉ năm ngày trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngày 31 tháng 3, hai ngày trước khi Đức Giáo Hoàng đến, cũng đánh dấu Ngày Tự do của Malta kỷ niệm việc rút quân của Anh và Hải quân Hoàng gia vào năm 1979. Đây được coi là một ngày lễ với các sự kiện lớn có sự tham dự của tổng thống và các quan chức chính phủ hàng đầu khác, với các giọng điệu chính trị không thể phủ nhận.

Thông thường, Vatican hạn chế đến thăm một quốc gia trong hoặc quá gần chiến dịch bầu cử, một phần để tránh ấn tượng rằng Đức Giáo Hoàng đang can dự vào chính trị địa phương, và một phần để đảm bảo rằng thông điệp của chính ngài sẽ không bị lạc mất hoặc bị chính trị hóa bởi các nhà lãnh đạo mong muốn sử dụng chuyến thăm vì lợi ích cá nhân.

Đảng Lao động của Abela dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba, có nghĩa là những ngày sau cuộc bầu cử sẽ được đánh dấu bằng sự ăn mừng hoặc thất vọng giữa các công dân, những người có khả năng sẽ bận rộn với các diễn biến chính trị hơn những gì Đức Giáo Hoàng nói.

Kể từ khi cuộc bầu cử của Malta được công bố sau khi Vatican công bố ngày của chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, một số người đã thúc đẩy Tòa Thánh hoãn lại chuyến tông du, bao gồm cả các thành viên của cộng đồng giáo hội địa phương. Một số người nói rằng việc tổ chức một chuyến thăm của Giáo hoàng quá gần với cuộc bầu cử là không phù hợp.

Tuy nhiên, một nguồn tin của Vatican quen thuộc với chuyến thăm cho biết hiện tại, việc lập kế hoạch đang được tiến hành “như bình thường”.

Một phái đoàn của Vatican dự kiến sẽ đến thăm Malta vào thứ Sáu 4 tháng Ba, và một chương trình chính thức cho chuyến thăm, nếu không bị hoãn lại, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Đây không phải là lần đầu tiên Vatican phải đối mặt với một cuộc bầu cử chớp nhoáng gần với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.

Vào ngày 8 tháng Giêng năm 2015, vài ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm, Sri Lanka đã tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn hai năm, với việc Tổng thống đương nhiệm Mahinda Rajapaksa được nhiều người mong đợi sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, và chào đón Giáo hoàng như một lễ kỷ niệm chiến thắng của ông.

Tuy nhiên, Rajapaksa đã phải chịu một thất bại kinh hoàng, với đối thủ của ông là Maithripala Sirisena giành được 51.3 phần trăm số phiếu bầu. Sirisena là người chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô vài ngày sau đó.

Điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tại Malta vẫn chưa được nhìn thấy, tuy nhiên, bất kể kết quả như thế nào, nếu chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng diễn ra như dự kiến hiện tại, Đức Phanxicô sẽ phải lội qua các vùng nước chính trị có thể có nguy cơ làm lu mờ hoặc siêu chính trị hóa bất kỳ thông điệp mục vụ nào mà ngài định đưa ra.
Source:Crux

2. Đức Thánh Cha Phanxicô mở ra tiến trình đặc biệt để phong thánh cho 16 vị tử đạo dòng Cát Minh trong Cách mạng Pháp

Giọng hát của các sơ đã cất lên từ đoạn đầu đài khi các sơ đi đến cái chết vào ngày 17 tháng 7 năm 1794, trong Thời kỳ khủng bố, thời kỳ đáng sợ của Cách mạng Pháp, đã hành quyết ít nhất 17,000 người.

Theo yêu cầu của các giám mục Pháp và Dòng Cát Minh Nhặt Phép, vào ngày 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý mở một quy trình đặc biệt được Giáo Hội Công Giáo gọi là “phong thánh tương đương” để nâng 16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne lên hàng các thánh.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.

16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne đã được tuyên là Chân Phước tử đạo. Thông thường, cần có một phép lạ để được tuyên thánh. Yêu cầu đó được bỏ qua trong tiến trình tuyên thánh “tương đương”.

Tuyên thánh “tương đương”, giống như quy trình phong thánh thông thường, là sự cầu khẩn xin Chúa ban cho Đức Giáo Hoàng ơn không thể sai lầm khi tuyên bố rằng một người nằm trong số các thánh trên thiên đàng. Tuy nhiên, việc tuyên thánh “tương đương” không giống như quy trình chính thức của việc tuyên thánh cũng như các nghi lễ, vì việc tuyên thánh “tương đương” xảy ra tương đối đơn giản: chỉ cần Đức Giáo Hoàng đưa ra một sắc lệnh.

Để được tuyên thánh “tương đương”, vị thánh phải được các tín hữu sùng kính từ nhiều năm trước và thể hiện các đức tính anh hùng, và mặc dù không cần phép lạ hiện đại nào, nhưng sự nổi tiếng của các phép lạ xảy ra trước hoặc sau khi vị ấy qua đời được tính đến trong các nghiên cứu lịch sử của Bộ Tuyên Thánh.

Quá trình này rất hiếm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Phêrô Faber và Thánh Margaret thành Costello. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Hildegard thành Bingen và Đức Piô XI đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Albertô Cả.

Các vị tử đạo được tôn kính từ lâu bao gồm 11 nữ tu đã khấn trọn, ba nữ tu chưa khấn và hai người bên ngoài đến làm việc trong tu viện.

Lấy cảm hứng từ hành động tự phát của một tập sinh duy nhất trong số họ - và người đầu tiên và trẻ nhất qua đời - mỗi người trong số 16 thành viên của một tu viện Cát Minh ở Compiègne đã hát bài Laudate Dominum, nghĩa là “Tạ Ơn Chúa”, khi các chị lên các bậc thang máy chém. Sơ bề trên tu viện đã ban phép trang trọng trước khi chết cho từng chị em quỳ gối trước sơ ấy ngay sau khi họ hôn tượng Đức Trinh Nữ trên tay chị, trên các bậc thang của giàn giáo. Sơ bề trên là người cuối cùng chết, giọng nói của sơ ấy vang vọng cho đến khi đầu và thân thể sơ bị đứt lìa bởi chiếc máy chém tàn bạo

Cái chết của các sơ khiến đám đông lặng đi, và 10 ngày sau, bầu khí khủng bố tự nó cũng bị im bặt, và người ta xem đó là một phép lạ mà các sơ đã dâng lên Chúa trong vụ hành quyết các sơ.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lên tiếng về cuộc xâm lược của Nga: 'Chúa ở cùng chúng tôi'

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã lên tiếng vào hôm thứ Năm, vài giờ sau khi lực lượng Nga xâm lược Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk ủng hộ quyền bảo vệ nền độc lập của Ukraine khi Nga tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine vào sáng ngày 24 tháng 2.

Ngài nói: “Quyền tự nhiên và nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là bảo vệ đất đai và con người, nhà nước của chúng ta và tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng ta: gia đình, ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử và thế giới tâm linh”.

Vị tổng giám mục người Ukraine cũng nhấn mạnh đến sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người phải gánh chịu bất công.

“Chúng tôi tin rằng trong thời khắc lịch sử này, Chúa ở cùng chúng tôi. Ngài là người nắm trong tay số phận của cả thế giới và của mỗi người nói riêng, luôn đứng về phía các nạn nhân của sự xâm lược bất công, những người đau khổ và nô lệ”.

“Chính Ngài là Đấng đã tuyên xưng Thánh Danh của Ngài trong lịch sử của mọi quốc gia, bắt giữ và lật đổ những kẻ hùng mạnh của thế giới này cùng với niềm kiêu hãnh của họ, những kẻ chinh phục với ảo tưởng về sự toàn năng của họ, những kẻ kiêu ngạo và xấc xược với sự tự tin của họ. Chính Ngài là Đấng ban cho chúng ta sự chiến thắng đối với sự dữ và sự chết. Chiến thắng của Ukraine sẽ là chiến thắng của quyền năng Thiên Chúa trước sự hèn hạ và kiêu ngạo của con người! Vì vậy, Ukraine đã, đang và sẽ tồn tại!”

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình vào sáng sớm thứ Năm rằng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine, đồng thời yêu cầu quân đội Ukraine hạ vũ khí xuống đầu hàng vô điều kiện.

Ngay sau đó, quân đội Nga đã vượt qua biên giới phía bắc, nam và đông tiến vào Ukraine từ nhiều điểm. Các quan chức Ukraine báo cáo các cuộc pháo kích và các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine, bao gồm cả tại các sân bay và trụ sở quân sự gần thủ đô Kiev của Ukraine.

Cả quân nhân và dân thường thiệt mạng đều đã được báo cáo.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói Ukraine “đang gặp nguy hiểm một lần nữa,” và nói “kẻ thù phản bội” đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, “bước lên đất Ukraine, mang theo cái chết và sự hủy diệt”.

“Vào thời khắc lịch sử này, tiếng nói của lương tâm chúng ta kêu gọi tất cả chúng ta cùng đứng lên vì một Nhà nước Ukraine tự do, thống nhất và độc lập”

“Lịch sử của thế kỷ trước dạy chúng ta rằng tất cả những người bắt đầu các cuộc chiến tranh thế giới đều thua cuộc, và những kẻ thờ thần tượng của chiến tranh chỉ mang lại sự tàn phá và suy tàn cho các quốc gia và cho chính dân tộc của họ”.

Lo ngại rằng Nga đang bắt đầu một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine đã tăng cao trong tuần này sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ông sẽ công nhận các khu vực ly khai của Ukraine như Lugansk và Donetsk là các thực thể độc lập.

Các khu vực phía đông, do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, bao gồm cả vùng đất hiện do lực lượng vũ trang Ukraine nắm giữ.

Ukraine là một quốc gia có 44 triệu dân giáp với Belarus, Nga, Moldova, Rumani, Hung Gia Lợi, Slovakia và Ba Lan.

Theo BBC News, hôm thứ Năm, quân đội Nga đã tiến vào Ukraine không chỉ từ các điểm ở biên giới Nga, mà còn từ Belarus, một đồng minh của Nga.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa thánh.

Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo hội này, vốn đã sống sót sau cái chết và đã phục sinh, với tư cách là Thân thể của Chúa Kitô Phục sinh, mà sự chết không có quyền năng, như Chúa đã ban cho dân Ngài trong nước rửa tội của sông Dnipro”.

“Kể từ đó, lịch sử của dân tộc chúng ta và Giáo hội của Ukraine, lịch sử của các cuộc đấu tranh giải phóng của họ, lịch sử của sự nhập thể của Lời Thiên Chúa và sự biểu lộ Thần Chân Lý của Ngài trong nền văn hóa của chúng ta đã hòa quyện vào nhau mãi mãi”

“Và trong thời khắc nghiêm trọng này, Giáo hội của chúng ta, với tư cách là một người mẹ và một người thầy sẽ ở với con cái của mình, sẽ bảo vệ chúng và phục vụ chúng nhân danh Chúa! Trong Chúa là niềm hy vọng của chúng ta và chiến thắng của chúng ta sẽ đến từ Ngài!”

“Hôm nay chúng tôi long trọng tuyên bố: 'Linh hồn và thể xác của chúng tôi hiến dâng cho sự tự do của chúng tôi!' Cùng một lòng một trí, chúng tôi cầu nguyện: 'Lạy Chúa, Vĩ đại và Toàn năng, hãy bảo vệ Ukraine thân yêu của chúng con!'“

Theo thông tin liên lạc từ thư ký của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, ngài đã ẩn nấp trong một hầm trú ẩn bên dưới Nhà thờ Phục sinh ở Kiev, cùng với những người khác.

“Thành phố Kiev vào thời điểm này đang bị quân đội Nga bắn phá. Như bạn hiểu, không thể tiếp cận được Đức Tổng Giám Mục tại thời điểm này và ngài không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Cùng với người dân của mình, Đức Tổng Giám Mục yêu cầu bạn tham gia cùng với ngài và người dân của ngài trong lời cầu nguyện xin Chúa bảo vệ Ukraine khỏi sự xâm lược vô cớ”.

“Ưu tiên, đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là, và sẽ luôn là, gần gũi với những người bị thương. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine.”
Source:Catholic News Agency