“Tôi rất tiếc khi có mặt ở đây hôm nay chứ không phải ở Kabul vì trái tim tôi vẫn ở đó. Mỗi ngày tôi nhận được nhiều tin nhắn và tôi khóc, vì tôi không thể làm gì được”, nữ tu Shanhaz Bhatti nói.

Trong nhiều năm, nữ tu sĩ gốc Pakistan thuộc Dòng các Nữ tu Thánh Joan Antida đã làm việc với những người bị thiệt thòi ở Afghanistan thông qua hiệp hội Pro Bambini di Kabul, một tổ chức bác ái có trụ sở tại Ý.

Cô đến Ý vào tháng 8 năm ngoái cùng với các nữ tu của Mẹ Teresa và một nhóm trẻ em khuyết tật trong những ngày tang thương khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban.

Tối 20 tháng 12 cô ấy đã nói về kinh nghiệm của mình tại Milan trong một buổi tối do Centro PIME quảng bá, dưới sự bảo trợ của Tổng giáo phận Milan và AsiaNews.

Mục đích của sự kiện là bảo đảm rằng thảm kịch của người dân Afghanistan không bị lãng quên, trong khi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng vẫn diễn ra bất chấp chiến tranh đã kết thúc.

Cuộc họp được tổ chức tại Vương cung thánh đường Basilica di Sant'Ambrogio của Milan, đó là vương cung thánh đường của các vị tử đạo, với các bài đọc về những đau khổ của đất nước này qua con mắt đức tin.

Sơ Shanhaz mô tả tình trạng của mình khi làm việc với đất nước mà người Công Giáo bị áp bức gần như công khai. Sơ giải thích: “Chúng tôi không thể mặc các biểu tượng tôn giáo. “Chúng tôi thậm chí không thể phát âm tên của Chúa Giêsu vì điều đó có thể được hiểu là theo đạo. Chúng tôi chỉ có thể truyền bá Tin Mừng qua những nụ cười.”

Trong những ngày bi thảm của tháng 8, các thành viên của Giáo hội nhỏ tại Afghanistan đã quyết định ra đi với những đứa trẻ mồ côi khuyết tật được họ chăm sóc.

Nữ tu Shanhaz, người vẫn mặc bộ quần áo cũ khi ở Afghanistan, đã mô tả ba giờ đi xe buýt đến sân bay định mệnh. “Ngay cả hôm nay tôi vẫn giật mình thức giấc vào ban đêm và những gì chúng tôi đã thấy trong đêm khủng khiếp đó vẫn khiến tôi toát mồ hôi hột.”

Giải thích công việc của mình hiện nay trên đất Ý, Sơ Shanhaz nói:

“Tôi cố gắng đồng hành với mọi người vì những đau khổ mà họ đã trải qua. Nó không dễ dàng cho họ”. Tuy nhiên, suy nghĩ của sơ ấy là với những người còn lại ở Kabul.

“Tôi giữ thẻ điện thoại Afghanistan trong điện thoại di động để liên lạc mặc dù điều này có thể hơi nguy hiểm cho họ. Nhưng tôi đã nhìn thấy sự đau khổ của họ và tôi không thể bỏ rơi họ”

“Họ gửi cho tôi những đoạn video, những tin nhắn thoại: 'Chị ơi, chị có thể làm gì cho chúng em được không? Ít nhất chị có thể đưa chúng em đến Pakistan không?' Tôi cầu nguyện. Chúng tôi cố gắng kiếm cho họ ít nhất một số tiền, ít nhất để sưởi ấm nhà của họ, mua một ít củi, nến. Và các loại thuốc vì rất nhiều người bị bệnh. Không khí ở Kabul rất ô nhiễm và bạn cảm thấy khó thở”.

Sứ vụ truyền giáo tại Afghanistan của hiệp hội Pro Bambini di Kabul vẫn chưa bị đóng cửa mà chỉ bị tạm dừng.

Sơ Shanhaz nói: “Tôi sẽ là người đầu tiên quay lại nếu có cách nào đó, nếu nó an toàn, không chỉ cho tôi mà còn những người khác.”

Mirwais Azimi, một người Afghanistan từ Herat, đã nói về tình hình nhân đạo ở Afghanistan. Cho đến khi bỏ trốn, ông dạy quan hệ quốc tế tại một trường đại học.

“Mỗi buổi tối chúng tôi đều nghĩ về Afghanistan. Chúng tôi có thể an toàn ở đây, trên đất Ý, nhưng về mặt tinh thần thì chúng tôi bồn chồn. Chúng tôi đau khổ nhiều như họ, những người còn lại ở Afghanistan đang phải chịu đựng tất cả sự nghèo đói”.

“Đồng đô la đã tăng gấp đôi. Một đô la trị giá 75 Afghanistan, nhưng vài ngày trước nó đã chạm mức 120. Giá có lẽ đã tăng 200%. Đói nghèo đang hủy hoại con người chúng tôi. Tôi luôn nghĩ về việc khi nào tôi sẽ có thể trở lại”.

Đau khổ không chỉ ở bên trong biên giới Afghanistan, Najma Yawari, 23 tuổi, người đã chạy trốn khỏi Kabul cách đây 3 năm nhưng bị giam hai năm trong trại tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm gần đây.

Cô đến Ý nhờ các hành lang nhân đạo do Cộng đồng Sant'Egidio tài trợ.

Tối qua tại Milan, cô nói: “Vẫn còn nhiều người Afghanistan ở Lesbos; họ không thể ra ngoài, không thể học tập, không thể làm việc. Đây không phải là cuộc sống. Tôi hy vọng rằng sẽ đến ngày không còn chiến tranh nữa và mọi người có thể sống mà không cần lo lắng về tương lai của mình”.


Source:Asia News