Chờ đợi Chúa trong sự yêu thương

(Suy niệm Chúa nhật I Mùa Vọng năm C)

Một người nông dân oằn mình dưới cái nắng của mùa hè chạy chiếc xe ba gác chất đầy những trái dừa tươi mát lạnh và chỉ bán với giá 10 ngàn đồng/trái. Một cô gái xinh đẹp, ăn mặc sang trọng chạy chiếc xe hơi dừng lại hỏi: “nhiêu tiền một trái?”.

Người nông dân mừng rỡ liền báo giá 10 ngàn/trái. Cô gái quay ngắt đi và nói: “sao đắt thế, 15 ngàn hai trái, bán không?”. Người bán dừa vội trả lời: “Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái, tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả” cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng.

Cô ấy bước vào xe hơi và đi đón cô bạn, cả 2 cùng tới một quán ăn sang trọng. 2 cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra. Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 950k, cô gái đưa hẳn 1 triệu và nói với ông chủ quán: “Khỏi thối!“.

Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán giàu có. Nhưng nó lại rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp.Tại sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li từng đồng một mỗi khi chúng ta mua hàng của những người nghèo khổ tội nghiệp? Và tại sao chúng ta lại quá hào phóng với những người không cần tới sự hào phóng của chúng ta?

Vậy tại sao cô gái ấy phải trả tiền đúng với giá mà người bán hàng đã đề sẵn lên mỗi sản phẩm? Tại sao người bán dừa cũng đề giá lên sản phẩm đó mà cô gái này vẫn kì kèo trả giá? Tại sao tại các chợ bình dân người mua có thể trả giá mà trong các quán ăn sang trọng thì không? Cũng là một bó rau cải bán ngoài chợ giá 5 ngàn thì người mua được trả giá xuống 3-4 ngàn, nhưng vẫn bó rau đó trong siêu thị thì người mua cứ phải móc đủ 5 ngàn đồng để trả mà không đòi giảm giá?

Nếu đã mua được của người giàu thì xin đừng trả giá với người nghèo. Họ khổ cực một nắng hai sương, họ bỏ sức lao động, lấy cần cù, chịu khó để kiếm chút lời nuôi sống bản thân và gia đình. Vậy tại sao ta không trả giá với những người giàu, sao không nói họ bán vậy là đắt, tại sao biết đắt mà vẫn mùa và không cần trả giá? Do ta cứ nghĩ họ mặc định sẵn giá đó ta không mua thì thôi, họ bán cho người khác. (sưu tầm internet).

Chúng ta bắt đầu bước vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Mùa Vọng là thời gian mời gọi các ki-tô hữu chuẩn bị tâm hồn để đón chờ Chúa Cứu Thế đến. Có người sẽ hỏi Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm rồi, sao còn phải chờ đợi? Chúa đã đến lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm, nhưng Chúa sẽ đến lần thứ hai để xét xử chúng ta trong ngày tận thế. Vậy chúng ta phải chờ đợi như thế nào? Trong tinh trạng ngủ quên hay tỉnh thức? Trong tình trạng vui vẻ hay buồn sầu? Trong sự bị động hay chủ động? Trong thái độ bất an, vô cảm, tội lỗi hay yêu thương, quảng đại và thanh sạch tội lỗi?...Trong suốt thời gian 4 Tuần, chúng ta sẽ được Lời Chúa mời gọi tỉnh thức và cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn xứng đáng hầu có thể đón gặp Chúa đến bất ngờ.

Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, thế nhưng vì con người đã bị ma quỷ là cha của sự dối gian và là kẻ thù không đội trời chung của Thiên Chúa, lôi kéo và cám dỗ phạm tội chống lại Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn yêu thương và mong muốn con người được hạnh phúc cũng như được sống. Thế nên, Giáo hội Mẹ của chúng ta, là hiền thê của Đức Giê-su Ki-tô, đã không ngừng kêu gọi và răn dạy để con cái của mình biết nhận ra con người tội lỗi mà biết hối cải và trở về với Thiên Chúa, là Cha đầy lòng xót thương hầu được cứu độ và giải thoát. Giáo hội dùng nhiều phương thế để giúp con cái của mình tìm đến sự bình an và hạnh phúc đích thực. Mùa vọng là một trong những thời gian tốt nhằm nhắc nhở các ki-tô hữu tỉnh thức và cầu nguyện luôn hầu có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. (x. Lc 21, 36).

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tỉnh thức, cầu nguyện và nhận ra tội lỗi của bản thân mà than thân, khóc lóc và dứt khoát khử trừ với hình thức bề ngoài. Điều quan trọng nơi mỗi người là thay đổi con tim, thay đổi cõi lòng cách chân thành và thiết thực. Chúng ta không dừng lại ở việc chuẩn bị đón Chúa ngang qua việc tô vẽ, làm hang đá rùm beng, điện đài hoành tráng, trang trí tốn phí mà trong lòng không chịu thay đổi mà còn chất chứa những tính mê nết xấu, tội lỗi xấu xa.

Hơn nữa, chúng ta chờ đợi Chúa Cứu Thế không chỉ trong thái độ tiêu cực là diệt trừ quá khứ tội lỗi, loại bỏ con người cũ, cái tôi ích kỷ,…mà chúng ta còn được mời gọi sống điều tích cực là dấn thân phục vụ và yêu thương anh chị đồng loại, nhất là những hoàn cảnh nghèo khổ và bệnh tật. Có thể nói thái độ mà Chúa mong muốn trong tâm tình Mùa vọng là đón chờ Chúa trong niềm vui, trong hân hoan và phấn khởi cõi lòng ngang qua các việc lành phúc đức đối với tha nhân hơn là chờ đợi trong ưu sầu, buồn bã và vô cảm.

Chúa là Đấng Công Chính, là Đấng sẽ đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực cho nhân loại, lẽ nào chúng ta lại không khao khát và mong chờ đón gặp Ngài hay sao? Phải chăng chúng ta đang tìm kiếm ai khác? Cái gì khác? Phải chăng chúng ta đang bị những đam mê tiền, tình, danh, lợi bao phủ và lôi kéo? Đây chỉ là những thứ mau qua và dẫn đến cái chết, chết vĩnh cửu. Còn Chúa, nơi bảo tồn sự sống, sự sống đời đời, chúng ta lại bâng quơ, phớt lờ và lười biếng để tìm gặp và chờ mong. Mùa vọng như là lời mời gọi mỗi chúng ta hãy thức tỉnh để biết chọn lựa điều lành tránh điều dữ, tìm kiếm gặp gỡ Chúa hơn là những thú vui hay đam mê khác; biết quan tâm và bao dung hơn là chia rẽ và loại trừ anh chị em. Vì đón Chúa là đón anh chị em mình. Tìm gặp Chúa nơi anh chị em, nhất là nơi những hoàn cảnh éo le, già cả neo đơn, ốm đau bệnh tật thì đúng hơn và ý nghĩa hơn trong tâm tình Mùa vọng.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương