1. Một vị thánh vừa từ giã chúng ta

Trong Thánh lễ an táng vào hôm thứ Ba 23 tháng 11, nhà lập pháp Công Giáo bị giết, Sir David Amess được nhớ đến như “một người xây dựng cây cầu thực sự”.

Giảng trong Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Westminster, Luân Đôn, vào ngày 23 tháng 11, Cha Pat Browne nói rằng ngay cả trong cái chết, thành viên kỳ cựu của Quốc hội đã đưa những người thuộc phe đối lập lại với nhau.

“David là một thợ xây cầu thực thụ. Nhìn thấy Thủ tướng và Thủ lĩnh phe đối lập kề vai sát cánh trong im lặng và cầu nguyện, bày tỏ sự kính trọng của họ ở Southend sau khi ông qua đời, và đưa họ đến trong sự đoàn kết và thông công, là điều mà Quốc Hội không mấy khi được thấy.”

“Cái chết của David là chất xúc tác cho mọi người trong Quốc Hội nhận ra sự hợp nhất của họ với tư cách là một cộng đồng làm việc khác biệt, nhưng cùng nhau, vì lợi ích quốc gia trong thế giới của chúng ta.”

Cha Pat Browne, kinh sĩ của Vương Cung Thánh Đường Westminster nhận định rằng “Một vị thánh vừa từ giã chúng ta.”

Nhà lập pháp David, 69 tuổi, bị đâm chết trong cuộc họp hàng tuần với các cử tri tại Nhà thờ Giám lý Belfairs ở Leigh-on-Sea, Essex, vào ngày 15 tháng 10.

Thánh lễ an táng được truyền trực tiếp do Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster cử hành. Những người đưa tang có Thủ tướng Anh Boris Johnson, các thành viên Nội các, các cựu thủ tướng John Major, David Cameron, và Theresa May, và Thủ lĩnh phe đối lập, Keir Starmer.

Trong một thông điệp được đọc bởi Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa thánh tại Vương quốc Anh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời “chia buồn chân thành và bảo đảm sự gần gũi thiêng liêng của ngài với gia đình Amess.”

“Đức Thánh Cha nhớ lại với lòng biết ơn những năm tháng cống hiến phục vụ công chúng của Ngài David được hướng dẫn bởi đức tin Công Giáo mạnh mẽ của ngài và bằng chứng là ngài quan tâm sâu sắc đến người nghèo và những người thiệt thòi, cam kết bảo vệ món quà sự sống của Chúa, và những nỗ lực của ngài để thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác với Tòa Thánh trong sứ mệnh phổ quát của mình”. Thông điệp đã do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay Đức Thánh Cha Phanxicô, gửi cho Đức Cha Alan Williams của Brentwood, giáo phận quê hương của ngài David.

“Phó dâng linh hồn của ngài David cho lòng nhân từ yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng tất cả những ai tôn vinh và tưởng nhớ đến ngài David sẽ được củng cố trong quyết tâm bác bỏ các hình thức bạo lực, chống lại cái ác bằng điều thiện và giúp xây dựng một xã hội trên nền tảng công lý, tình huynh đệ và sự đoàn kết ngày càng cao hơn”.

Đức Hồng Y Nichols, chủ tịch hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, nói rằng Đức Giáo Hoàng đã đưa ra “lời chia buồn sâu sắc và sự ủng hộ cũng như những lời cầu nguyện cho gia đình của ngài David.”

Vị Hồng Y cảm tạ Chúa “về tấm gương mà ngài David đã mang đến cho chúng ta cùng với sự tốt lành,” cầu nguyện “xin lòng thương xót của Thiên Chúa chào đón ngài David về nhà trên trời.”

Ngài David, một nhà đấu tranh phò sinh, từng là Thành viên Quốc hội của đảng Bảo thủ từ năm 1983 cho đến khi qua đời, và đại diện cho Southend West từ năm 1997.

Ngài đã thành lập Nhóm nghị sĩ liên đảng để quan hệ với Tòa thánh vào năm 2006 và là người có công trong việc sắp xếp chuyến thăm lịch sử của Đức Bênêđíctô XVI tới Quốc Hội Anh vào tháng 9 năm 2010.


Source:Catholic News Agency

2. Linh mục Công Giáo Ba Lan bị Đức quốc xã chém được phong chân phước

Một linh mục Công Giáo bị Đức quốc xã chém vào năm 1942 đã được tuyên bố là chân phước vào hôm thứ Bảy 20 tháng 11.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự lễ phong chân phước cho Cha Jan Macha tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Katowice, tây nam Ba Lan, vào ngày 20 tháng 11.

Giảng trong thánh lễ được truyền trực tiếp, vị Hồng Y người Ý nói: “Chứng từ của Cha Jan Franciszek Macha cho Chúa Giêsu là một trang thực sự anh hùng về đức tin và lòng bác ái trong lịch sử của Giáo hội ở vùng Thượng Silesia này.”

“Ngài đã chết, giống như hạt lúa mì: Ngài bị giết bởi một hệ thống Đức Quốc xã đầy thù hận đối với những người đang gieo rắc điều thiện, để cho người dân ngày nay thấy rằng quyền thống trị trên trái đất của các thế lực, dù hùng mạnh đến đâu, đang qua đi, trong khi Vương quốc của Chúa Kitô với luật tối cao là điều răn về lòng bác ái vẫn tồn tại”.

Cha Jan Franciszek Macha, thường được gọi là Hanik, sinh ngày 18 tháng Giêng năm 1914, tại Chorzów Stary, một ngôi làng ở tỉnh Silesia, miền nam Ba Lan. Ngài có hai chị gái và một anh trai.

Năm 1934, ngài vào Chủng viện Thần học Silesian. Ngài được thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Katowice vào ngày 25 tháng 6 năm 1939, chỉ ba tháng trước khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan.

Sau hai tháng làm cha phó tại giáo xứ quê hương, ngài được bổ nhiệm đến giáo xứ Thánh Giuse ở Ruda Śląska, một thành phố gần Katowice.

Trong thời gian chiếm đóng, ngài đã cung cấp viện trợ cho các gia đình bị mất thành viên trong các cuộc giao tranh. Ngài làm tuyên uý cho một phong trào du kích có mật danh là Konwalia, nghĩa là Hoa huệ của Thung lũng, chuyên giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ngài cũng xuất bản tờ báo chui có tên là Świt, nghĩa là Bình minh.

Trong bài giảng của mình, được đọc bằng tiếng Ba Lan, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Trong khi bạo lực và chiến tranh hoành hành ở Ba Lan và khắp thế giới, Cha Jan Franciszek Macha hiểu rằng chỉ có đức tin và lòng bác ái mới có thể nhận ra phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, được tạo ra. theo hình ảnh Chúa và giống Chúa”.

“Từ những ngày đầu tiên trong chức vụ tư tế, ngài đã đặt mình phục vụ người lân cận, bắt đầu trên con đường anh hùng thực hiện tình yêu, con đường mà sau này sẽ dẫn ngài đến giá phải trả là hy sinh mạng sống của mình.”

“Cha Jan Franciszek Macha đã chăm sóc nhiều gia đình tan tác vì cơn ác mộng chiến tranh. Không có sự đau khổ nào khiến ngài thờ ơ: bất cứ nơi nào có người bị bắt, bị trục xuất, hoặc bị bắn, Cha Jan Franciszek Macha đều mang đến sự an ủi và hỗ trợ vật chất. Và ngài không bao giờ để ý đến sự khác biệt về quốc tịch, hệ phái tôn giáo, hay trình độ xã hội”.

Gestapo, cảnh sát mật của Đức Quốc xã, đã bắt giữ Cha Jan Franciszek Macha vào ngày 5 tháng 9 năm 1941, tại một nhà ga xe lửa ở Katowice. Họ tìm thấy danh sách những người mà ngài và các cộng sự của ngài đã giúp đỡ, cũng như các tài liệu khác cho thấy họ đã thu tiền và trao cho những người cần.

Sau những cuộc thẩm vấn kinh hoàng, vì Cha Jan Franciszek Macha nhất định không khai ra một ai, nên bọn Đức Quốc Xã đã kết án tử hình ngài bằng cách chặt đầu tại một phiên xử ngắn ở Katowice vào ngày 17 tháng 7 năm 1942.

Ngài bị hành quyết bằng máy chém tại nhà tù ở Katowice lúc 12:15 sáng ngày 3 tháng 12 năm 1942, bất chấp những nỗ lực của mẹ ngài xin cho ngài được ân xá.

Khi chết, ngài mới 28 tuổi và mới chỉ phục vụ được 1,257 ngày với tư cách là một linh mục. Cơ thể của ngài cũng biến mất và được cho là đã bị thiêu hủy tại trại tập trung Auschwitz.

Án phong thánh cho Cha Macha được mở vào năm 2013. Sau khi giai đoạn cấp giáo phận được hoàn thành vào năm 2015, án tuyên thánh đã được gửi đến Rôma. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một sắc lệnh vào ngày 29 tháng 11 năm 2019, công nhận Cha Macha là một người tử vì đạo, bị giết “in odium fidei”, nghĩa là vì lòng hận thù đức tin.

Việc phong chân phước ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 17 tháng 10 năm 2020, nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus.

Cha Macha là một trong số hàng nghìn giáo sĩ Công Giáo bị giết trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan từ năm 1939 đến năm 1945. Khoảng 1/5 trong số 10,000 linh mục giáo phận của Ba Lan đã thiệt mạng.

Đức Quốc xã đã giết 868 giáo sĩ Công Giáo Ba Lan tại trại tập trung Dachau, nơi từng được mô tả là “nghĩa trang linh mục lớn nhất thế giới”.

Thánh lễ phong chân phước được cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Ba Lan. Sau Kinh Thương Xót, Đức Tổng Giám Mục Wiktor Skworc của Katowice đã chính thức xin Đức Thánh Cha Phanxicô ghi tên Cha Macha vào sổ bộ các vị chân phước của Giáo hội.

Tiểu sử của Cha Macha đã được đọc bởi Cha Damian Bednarski, cáo thỉnh viên án tuyên thánh. Sau đó, một sắc lệnh của Đức Thánh Cha tuyên bố Cha Macha là Chân Phước đã được tuyên đọc.

Đức Hồng Y Semeraro công bố công thức phong chân phước bằng tiếng Latinh và một hình ảnh của Cha Macha đã được công bố.

Các thành viên trong gia đình tân chân phước mang di tích của ngài lên bàn thờ. Các di vật bao gồm bức thư cuối cùng của Macha gửi cho cha mẹ và anh chị em của mình trước khi bị hành quyết, một tràng hạt mà ngài đã làm và một chiếc khăn tay nhuốm máu.

Trước lễ phong chân phước, Đức Hồng Y Semeraro đã đến thăm nhà thờ giáo xứ nơi Cha Macha được rửa tội, cầu nguyện tại giếng rửa tội ở nhà thờ Thánh Maria Mađalêna, ở Chorzów Stary. Ngài cũng đến thăm một chủng viện ở Katowice nơi đào tạo các linh mục ở vùng Silesia.
Source:Catholic News Agency

3. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Đại hội của Giáo hội Mỹ Latinh và Caribê

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tham dự viên Đại hội của Giáo hội Mỹ châu Latinh và quần đảo Caribê trong tiến trình lắng nghe, phân định và tìm hiểu thánh ý Chúa, để ngày càng trở thành các môn đệ thừa sai.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội của Giáo hội Mỹ Latinh và Caribê, nhóm tại trụ sở Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, từ ngày 21 đến ngày 28 tháng Mười Một, với mục đích đẩy mạnh một Giáo hội đi ra ngoài, đồng hành, khơi dậy tinh thần của Đại hội kỳ 5, hồi năm 2007 của hàng Giám mục Mỹ Latinh, nhóm tại Aparecida, và hướng về dịp kỷ niệm 500 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh thổ dân ở Guadalupe, và mừng Năm thánh 2,000 năm cứu độ vào năm 2033.

Tham dự Đại hội này có 1,000 người, gồm 200 giám mục, 200 linh mục và phó tế, 200 nữ tu nam nữ và 400 giáo dân, cùng với những người ở ngoài lề xã hội. Tuy nhiên, vì đại dịch nên chỉ có 50 người tham dự trực diện, phần còn lại tham dự trực tuyến. Tham gia vào tiến trình lắng nghe ý kiến để đi tới Đại hội này có 70,000 người, trong đó 65% là phụ nữ. Tất cả các ý kiến được cô đọng trong một văn kiện để thảo luận trong Đại hội này.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Đại hội của Giáo hội Mỹ Latinh này cũng thuộc tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng Mười năm 2023, về chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Ngài đề cao việc làm đầu tiên của Đại hội này là “lắng nghe” để đối thoại và phân định. Lắng nghe tiếng Chúa, và tiếng kêu của dân, lắng nghe dân để nhận định thấy trong đó có thánh ý Chúa đang kêu gọi chúng ta.”

Tiếp đến là phân định cộng đồng, đòi phải cầu nguyện nhiều và đối thoại, để có thể cùng nhau đạt tới thánh ý Chúa, và tìm ra những con đường vượt thắng, giúp ngăn cản không để những dị biệt trở thành chia rẽ và phân cực với nhau. Đức Thánh Cha cho biết ngài cầu xin Chúa để các tham dự viên được đầy tình yêu sáng tạo của Chúa Thánh Linh, thúc đẩy chúng ta đi ra ngoài, không sợ gặp gỡ người khác, và linh hoạt Giáo hội để trong tiến trình hoán cải mục vụ, ngày càng trở thành thừa sai truyền giáo hăng say hơn.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Tôi khích lệ anh chị em hãy sống những ngày Đại hội này, đón nhận với lòng biết ơn và hân hoan đón nhận sự tràn đầy của Thánh Linh nơi dân trung thành của Thiên Chúa, đang lữ hành tại Mỹ châu Latinh và Caribê”.
Source:Crux