1. Nữ tổng thống Slovakia xác nhận đã rất xúc động và đã khóc.

Trong một diễn biến chưa từng có trong các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, Nữ Tổng thống đã khóc khi Đức Thánh Cha lên máy bay. Các hình ảnh thu được cho thấy bà đứng chết trân tại chỗ nhìn theo Đức Thánh Cha khi ngài lên máy bay và trong lúc máy bay chạy ra đường băng để cất cánh.

Trong cuộc họp báo sau đó tại dinh tổng thống, đích thân bà Zuzana Čaputová xác nhận là bà đã rất xúc động và đã khóc.

Zuzana cho biết bà đặc biệt xúc động trước sự đơn sơ chân thành của Đức Thánh Cha cũng như thông điệp mà Đức Thánh Cha gởi đến cho đất nước Slovakia.

Trong cuộc gặp gỡ tại phủ tổng thống, Đức Thánh Cha đã nói: “Lịch sử lâu đời của quốc gia này thách thức Slovakia trở thành một thông điệp hòa bình giữa lòng Âu Châu. Lời kêu gọi đó được gợi lên bởi sọc xanh lớn trên lá cờ của các bạn, biểu tượng cho tình anh em với các dân tộc Slav. Tình huynh đệ như vậy là cần thiết cho tiến trình hội nhập ngày càng bức thiết. Hơn nữa, trong những ngày này, sau những tháng dài và vất vả của đại dịch, hoàn toàn nhận thức được những khó khăn phải đối mặt, chúng ta mong đợi với hy vọng về một sự trỗi dậy kinh tế được ủng hộ bởi các kế hoạch phục hồi của Liên minh Âu Châu. Tuy nhiên, luôn có nguy cơ khuất phục trước sự thiếu kiên nhẫn và sự lôi cuốn của lợi nhuận, dẫn đến cảm giác hưng phấn thoáng qua, thay vì gắn kết mọi người lại với nhau, lại chỉ chứng tỏ sự chia rẽ. Sự phục hồi kinh tế mà thôi cũng chưa đủ trong một thế giới tự nó đã trở thành ngã ba đường, trong đó tất cả đều được kết nối với nhau. Ngay cả khi các cuộc chiến giành ưu thế được tiến hành trên nhiều mặt trận khác nhau, cầu mong quốc gia này vẫn có thể khẳng định lại thông điệp về hội nhập và hòa bình. Và cầu mong Âu Châu được phân biệt bởi một tình đoàn kết, khi vượt lên trên các biên giới, có thể đưa nó trở lại trung tâm của lịch sử.

Lịch sử Slovakia đã được ghi dấu ấn không thể xóa nhòa bởi đức tin. Tôi hy vọng rằng đức tin, tự bản chất của nó, sẽ khuyến khích các dự án và cảm xúc được truyền cảm hứng từ tình huynh đệ, dựa trên kinh nghiệm sử thi của hai anh em thánh Cyrilô và Methođiô. Họ đã làm việc để truyền bá Phúc âm vào thời điểm mà các Kitô Hữu của lục địa này đang hợp nhất; ngày nay họ tiếp tục đoàn kết các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở vùng đất này. Cyrilô và Methođiô đồng hóa với tất cả, và tìm kiếm sự hiệp thông với tất cả: người Slav, người Hy Lạp, cũng như người Latinh. Niềm tin vững chắc của họ được thể hiện qua sự cởi mở tự phát hướng đến người khác. Đây là di sản mà bây giờ anh chị em được kêu gọi để bảo tồn, để trong thời đại của chúng ta, các bạn cũng có thể là một dấu chỉ của sự hợp nhất.”

Bà Zuzana Čaputová sinh ngày 21 tháng 6 năm 1973, trong một gia đình lao động nghèo, là một chính trị gia, luật sư và nhà hoạt động môi trường người Slovakia. Bà là Tổng thống Slovakia từ ngày 15 tháng 6 năm 2019. Zuzana là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ tổng thống, và cũng là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử của Slovakia, được bầu ở tuổi 45. Bà Zuzana Čaputová không phải là người Công Giáo. Bà đã ly dị và có 2 đứa con.

Báo chí tại Bratislava cho biết gia đình bà Zuzana nguyên là người Công Giáo. Trong thời kỳ cộng sản, hoàn cảnh khó khăn quá nên có lẽ đã không thể giữ đạo. Tuy nhiên, bà Zuzana chưa bao giờ cho rằng mình là người vô thần. Bà được tin là tập thiền Yoga. Hy vọng, có thể qua chuyến tông du này và những liên hệ tiếp theo đây, nữ tổng thống có thể trở lại đạo. Chúng ta hãy hy vọng như thế.

Dư âm chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hung Gia Lợi và Slovakia

Những hình ảnh quý vị và anh chị em là cảnh quan trên đường Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Bratislava để trở về Rôma. Dư luận về chuyến viếng tông du của Đức Thánh Cha tại Hung Gia Lợi và Slovakia rất thuận lợi.

Đình Trinh xin kể với quý vị và anh chị em câu chuyện sau.

Một người sống sót sau thảm họa Holocaust, tức là cuộc diệt chủng người Do Thái, đã cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì ngài đã nêu bật chủ nghĩa bài Do Thái trong chuyến thăm Trung Âu.

Nhà văn Do Thái gốc Hung Gia Lợi Edith Bruck đã bày tỏ lòng biết ơn của mình trong một bức thư được một ký giả gửi cho Đức Giáo Hoàng vào ngày 15 tháng 9 trong cuộc họp báo trên chuyến bay của ngài khi kết thúc chuyến công du bốn ngày tới Hung Gia Lợi và Slovakia.

Đức Giáo Hoàng đã gặp các cộng đồng Do Thái ở cả hai quốc gia trong chuyến thăm từ ngày 12 đến 15 tháng 9, nhắc lại những đau khổ của họ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và bày tỏ sự bất mãn đối với chủ nghĩa bài Do Thái đương thời.

Bà Bruck, 90 tuổi, viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô kính yêu, những lời của ngài về chủ nghĩa bài Do Thái, chưa bao giờ bị xóa bỏ, ngày nay phù hợp hơn bao giờ hết. Không chỉ ở các quốc gia bạn đang đến thăm, mà ở khắp Âu Châu”.

Hôm 23 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm nhà của nhà văn này ở Rome.

Bà Bruck 89 tuổi là người Hung Gia Lợi, nhưng đã sống ở Ý từ những năm đầu 20 tuổi. Bà sống sót sau các trại tập trung của Đức Quốc xã ở Auschwitz và Dachau, nơi bà bị đưa đến cùng cha mẹ, hai anh trai và một em gái vào năm 12 tuổi.

Cha mẹ và một người anh của bà đã chết trong trại tập trung. Bruck và các anh chị em còn lại của bà được quân Đồng minh giải thoát khỏi trại Bergen-Belsen vào năm 1945.

Theo Vatican, trong một cuộc họp khoảng một giờ vào ngày 20 tháng 2, Bruck và Đức Giáo Hoàng đã nói về “những khoảnh khắc ánh sáng đánh dấu trải nghiệm địa ngục của các trại tập trung”.

Cuộc trò chuyện của hai vị cũng đề cập đến “nỗi sợ hãi và hy vọng cho thời đại chúng ta đang sống, nhấn mạnh giá trị của trí nhớ và vai trò của người già trong việc nuôi dưỡng nó và truyền nó cho người trẻ”.

Khi đến thăm Bruck, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi đến đây để cảm ơn lời chứng của bà và để tri ân những người đã tử vì đạo trong sự điên cuồng của chủ nghĩa dân túy Quốc xã”.

“Và tôi chân thành lặp lại với bà những lời tôi đã nói từ trái tim mình tại Yad Vashem và tôi lặp lại trước mặt tất cả những người, giống như bạn, đã phải chịu đựng rất nhiều vì điều này: ‘Hãy tha thứ cho nhân loại!’,” ngài nói.

Sau năm 1945, Bruck trở lại Hung Gia Lợi và sau đó đến Tiệp Khắc nơi một người chị đang sinh sống. Bà kết hôn lần đầu năm 16 tuổi và chuyển đến Israel. Cuộc hôn nhân đó kết thúc bằng ly hôn sau một năm, và tiếp theo là hai cuộc hôn nhân và ly hôn khác.

Bruck chuyển đến Ý vào năm 1954, nơi bà kết hôn với Nelo Risi, một nhà thơ, đạo diễn phim, dịch giả và biên kịch người Ý, người đã qua đời vào năm 2015 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh thoái hóa thần kinh.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Risi đã chiến đấu trên mặt trận Nga và bị giam trong một trại tạm giam ở Thụy Sĩ.

Bruck đã xuất bản một cuốn hồi ký về thời gian của bà trong các trại tập trung và những năm sau đó bằng tiếng Ý vào năm 1959. Năm 2001 nó được dịch sang tiếng Anh với tiêu đề “Ai yêu bạn như thế này.”

Là một nhà văn từng đoạt giải thưởng, Bruck cũng đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn, các vở kịch và kịch bản phim bằng tiếng Ý. Cô cũng đã đạo diễn một số bộ phim của Ý, một trong số đó ra mắt vào giữa những năm 1980, đã bị cấm đối với người xem dưới 18 tuổi vì những mô tả khiêu dâm về loạn luân.

Trong những năm gần đây, Bruck đã tiếp tục nói về Holocaust trong các trường học và đại học.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha tạ ơn Đức Mẹ tại Đền Thờ Đức Bà Cả

Chuyến bay của Đức Giáo Hoàng hạ cánh tại sân bay Fiumicino của Rome lúc 3:30 chiều, giờ địa phương. Ngài đã ghé vào Đền Thờ Đức Bà Cả để cảm ơn sự che chở phù trì của Đức Mẹ. Chuyến tông du này của Đức Thánh Cha có thể coi là một cuộc trắc nghiệm tình trạng sức khoẻ của ngài sau phẫu thuật ruột kết vào đầu tháng 7 vừa qua.

Theo truyền thống trước và sau các chuyến tông du, Đức Thánh Cha luôn ghé vào Đền Thờ Đức Bà Cả trước và sau mỗi chuyến tông du để cầu xin sự bảo vệ chở che của Đức Mẹ, trên đường ra sân bay cũng như lúc trở về lại Vatican.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện một lúc trước bức ảnh Maria Salus Populi Romani, tức là Đức Maria là phần rỗi của dân thành Roma.

Đức Thánh Cha cũng dâng lên Mẹ một bó hoa để tỏ lòng biết ơn.

Bức ảnh Đức Maria là phần rỗi của dân thành Roma được đặt trong nhà nguyện của Bá tước Borghese trong Đền Thờ Đức Bà Cả.

Tương truyền bức ảnh này đã có ở Rôma dưới triều đại Thánh Giáo hoàng Gregoriô Cả, vào khoảng năm 590 sau Chúa Giáng Sinh, mặc dù nguồn gốc của bức ảnh có lẽ còn lâu đời hơn nữa.
Source:Vatican News

3. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối đơn từ chức của tổng giám mục Hamburg

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối đơn từ chức của một tổng giám mục người Đức, sứ thần Tòa thánh tại Berlin thông báo hôm thứ Tư.

Sứ thần cho biết vào ngày 15 tháng 9 rằng Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße tiếp tục làm tổng giám mục của Hamburg, miền bắc nước Đức, sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng của ông, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.

Sứ thần Tòa Thánh giải thích rằng cuộc điều tra đã phát hiện ra những thiếu sót về thể chế và sai sót về thủ tục của Đức Tổng Giám Mục Heße, nhưng “cuộc điều tra không cho thấy rằng những sai sót này được thực hiện với ý định che đậy các vụ lạm dụng tình dục”.

Dức Sứ thần Tòa Thánh nói rằng “vấn đề cơ bản” là “sự thiếu chú ý và nhạy cảm đối với những người bị ảnh hưởng bởi sự lạm dụng” trong bộ máy hành chính của tổng giáo phận Köln.

Sau những cáo buộc đầu tiên chống lại ngài vào năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Heße đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu xem xét lại trường hợp của mình. Dưới thời của cố Hồng Y Meisner, là Tổng giám mục Köln từ năm 1989 đến năm 2014, Đức Cha Heße, lúc đó chỉ mới là một linh mục, đã lần lượt đảm nhận các chức vụ quản lý nhân sự từ năm 2003-2012 và sau đó là tổng đại diện từ năm 2012-2014. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Hamburg vào năm 2015.

Bản báo cáo 800 trang được chờ đợi từ lâu về việc đối phó với các trường hợp lạm dụng giáo sĩ ở tổng giáo phận Köln đã được công bố vào ngày 18 tháng 3 năm nay. Trong đó, Cha Heße bị buộc tội không giải quyết các tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ đến nơi đến chốn, và ngài đã đề nghị xin Đức Giáo Hoàng cho từ chức. Vào ngày 29 tháng 3, tổng giáo phận Hamburg thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép Đức Tổng Giám Mục Heße nghỉ phép vô thời hạn nhưng vẫn để ngỏ câu hỏi về việc liệu ngài có chấp nhận đề nghị từ chức của Đức Cha Heße hay không. Thời hạn ba tháng để chấp nhận một đề nghị như vậy, được quy định bởi giáo luật, đã trôi qua.
Source:Catholic News Agency