Theo Daniel Esparza, trên Aleteia ngày 07/04/2021, trong sách Étte, ta không tìm thấy Thiên Chúa ở đâu cả. Làm thế nào mà cuốn sách này đi vào Kinh thánh được?



Đọc Kinh Thánh, và hiểu nó cho đúng, càng đúng càng tốt, thường là một nhiệm vụ khó khăn. Nó đòi hỏi cả kiên nhẫn lẫn rèn luyện. Nó đòi hỏi sự chú ý đến từng chi tiết, một số kiến thức tổng quát về bối cảnh trong đó những bản văn này được viết ra, và sự khiêm tốn tri thức để thừa nhận mình thường sai lầm hơn là không. Nhưng có lẽ, trước hết và quan trọng nhất, Kinh Thánh cần được đọc với một tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng đối phó với nhiều “kỳ cục” của nó.

Nói Kinh Thánh đầy những điều kỳ quặc là một cách nói chưa đạt. Nói nó là một cuốn sách đầy thách đố vừa đúng vừa sai cùng một lúc. Trước hết, Kinh Thánh không phải là một cuốn sách, mà là một tập hợp của một số cuốn sách riêng biệt, hầu hết (nếu không phải là tất cả) được viết ra từ sự đan kết của các nguồn khác nhau, đôi khi công khai mâu thuẫn nhau. Nó cũng là phó sản của diễn trình lao công miệt mài và chi li của nhiều thế hệ nhà văn, nhà sưu tập và nhà biên tập. Nó là một tập hợp các bản văn được soạn thảo, hiệu đính và hệ thống hóa qua nhiều thiên niên kỷ.

Không có gì ngạc nhiên khi không chỉ có một cuốn Kinh thánh. Và cũng không cần phải nói điều hiển nhiên, là có vô số bản dịch khác nhau, một số bản dịch hay hơn những bản dịch khác. Có những Kinh thánh khác nhau theo nghĩa đen. Người Do Thái có Kinh thánh của họ, các Kitô hữu Thệ Phản có Kinh thánh của họ, và các Kitô hữu Chính thống và Công Giáo Rôma cũng có Kinh thánh của họ — cuốn Kinh thánh lớn nhất trong số đó, tổng cộng bao gồm 73 cuốn sách. Ngược lại, qui điển của Luthêrô chỉ bao gồm 66 cuốn. Chắc chắn, tất cả những cuốn Kinh thánh này đều có liên quan mật thiết với nhau và thường chồng chéo lên nhau. Nhưng chúng không giống nhau.

Diễn trình quyết định bản văn nào được đưa vào Kinh thánh và bản văn nào không được đưa vào, gọi là việc lập qui điển (canonization), một thuật ngữ dường như bắt nguồn từ chữ canes (cây lau) mà thời xưa người ta dùng làm thước đo, và khi được truyền qua cách sử dụng của Kitô giáo, nó có nghĩa là “chuẩn mực” hoặc “quy tắc”. Quy điển của người Do Thái, được ráp nối trong rất nhiều thế kỷ, thường được gọi là “Tanakh”. Từ này là từ viết tắt của các chữ cái đầu tiên của mỗi một trong ba bộ sưu tập chính có trong nó: “T” tắt của Torah (năm cuốn sách đầu tiên), “N” tắt của Nevi'im (có nghĩa là “các tiên tri” và bao gồm không những các sách có tên của các nhà tiên tri làm tiêu đề của chúng, mà còn là các sách lịch sử về Giôsuê, Các Thẩm phán, Samuen và các Vua), và “K” tắt của Kethuvim (có nghĩa là “các trước tác”, bao gồm ít nhiều mọi thứ khác).

Nhưng Kinh thánh của Kitô giáo xếp các cuốn sách theo một thứ tự khác. Trong khi Tanakh bắt đầu với Sáng thế ký và kết thúc với Sách Étte, các Kitô hữu đã tổ chức lại quy điển, xếp ưu tiên cách hiểu của họ về các cuốn sách này như được nhìn dưới ánh sáng của Chúa Giêsu: thay vì Kethuvim, Kinh thánh Kitô giáo bắt đầu bằng “Cựu ước” (nghĩa là Tanakh) và kết thúc với Nevi'im, các sách tiên tri. Điều này để làm nổi bật sự kiện này là Chúa Giêsu, Đấng vốn dạy “lề luật và các tiên tri”, là sự nên trọn của cả hai — một quyết định biên tập có ý nghĩa hoàn hảo đối với các Kitô hữu. Nhưng tại sao những người biên tập Kinh thánh Do Thái lại quyết định kết thúc quy điển của họ bằng một cuốn sách (hết sức bạo lực) hoàn toàn không đề cập đến Thiên Chúa? Tại sao Kinh thánh Do thái bắt đầu bằng một cuốn sách trong đó Thiên Chúa hiện diện khắp nơi (sách Sáng thế) và kết thúc bằng một cuốn sách trong đó, người ta không thấy Người ở đâu? Thực sự, làm thế nào cuốn sách này đi vào Kinh Thánh? Một số nguồn cổ xưa cho rằng sách này cách nào đó đã lẻn vào qui điển, và việc đưa nó vào trong đó là một vấn đề gây tranh cãi trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo.

Một số tác giả nói rằng Thiên Chúa không nhất thiết vắng mặt, nhưng chỉ “ẩn mình” trong đó.

Sách Étte là bằng chứng cho thấy việc người Do Thái sống dưới ách thống trị của một thế lực ngoại bang có tính cách thách thức như thế nào. Là một câu chuyện ngắn, cuốn sách kể về câu chuyện của bà Étte, một phụ nữ Do Thái ở Ba Tư, người cuối cùng trở thành nữ hoàng và ngăn chặn một cuộc diệt chủng chống lại dân tộc của mình — bằng cách đảo ngược cuộc tàn sát ban đầu nhằm vào họ. Các học giả đồng ý rằng cuốn sách không có tính lịch sử: nó là một xây dựng hư cấu nhằm giải thích cả nguồn gốc của lễ hội Do Thái (Purim) lẫn một điều gì đó khác nữa. Chắc chắn, sự kiện một câu chuyện trong Kinh thánh không bao giờ đề cập đến Thiên Chúa quả thực rất đáng ngạc nhiên. Như Kristin Swenson giải thích trong A Most Peculiar Book: The Inherent Strangeness of the Bible (Một cuốn sách lạ thường nhất: Sự kỳ lạ vốn có của Kinh thánh), “Với những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở thế kỷ thứ nhất, chuyện đủ gây rắc rối là thêm vào đó các tình tiết và những lời cầu nguyện để nâng cao mức độ sùng đạo nơi các nhân vật hàng đầu của cuốn sách, và cũng làm hiển nhiên việc Thiên Chúa can dự vào mọi việc. Các mục thêm vào bằng tiếng Hy Lạp đã được đưa vào kinh thánh Công Giáo Rôma và Chính thống giáo. Trong các kinh thánh của Kitô giáo Thệ phản, chúng chỉ xuất hiện như một phần của Ngụy thư”. Thực thế, nếu bạn khảo sát bản Revised Standard Catholic Version (Phiên bản Tiêu chuẩn Tái duyệt Công Giáo) của Kinh thánh, bạn sẽ thấy sách Étte được đánh số khá kỳ lạ: chẳng hạn, chương 16 được lồng vào giữa chương 8 và chương 9. Hơn nữa, sách bắt đầu các chương 11 và 12, và chỉ lúc đó chương 1 mới được tiếp tục. Những chương xen kẽ này tương ứng với những "bổ sung sùng đạo" vốn đã được đưa vào Bản Bẩy Mươi. Khi sưu tập bản Phổ thông bằng tiếng Latinh, Thánh Jerome thấy sáu chương này không phải là thành phần của bản văn gốc tiếng Do Thái. Ngài đã thêm chúng vào cuối cuốn sách. Nhiều phiên bản sau này của bản Phổ Thông (thực sự là bản Tân Phổ Thông [Nova Vulgata] được sửa đổi năm 1969) đã trực tiếp lồng chúng vào câu chuyện.

Vì vậy, trước khi những bổ sung sùng đạo này được đưa vào, cuốn sách đã không đề cập đến Thiên Chúa chi cả. Trong cuốn Introduction to the Old Testament (Hebrew Bible) (Dẫn nhập vào Cựu ước [Kinh thánh] Do Thái), học giả nổi tiếng Christine Hayes đã so sánh sách Étte với các tác phẩm khải huyền khác — nhất là Sách Đanien. Cả hai cuốn sách đều kể câu chuyện về mối đe dọa sống chết triệt để đối với dân tộc Do Thái: mối đe dọa của một cuộc diệt chủng khác. Đanien ra lệnh cho dân chúng trung thành chờ đợi Thiên Chúa giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong Étte, mối nguy hiểm hoàn toàn được xử lý qua hành động của con người. Nhưng thực sự có đúng như thế hay không?

Nhìn vào nguyên bản tiếng Do Thái có thể làm sáng tỏ sự vắng mặt biểu kiến này. Truyền thống giáo sĩ [rabbinical] giải thích rằng kết từ tứ tự [Tetragrammaton], tức “YWHW,” thực sự có mặt, mặc dù dưới dạng ẩn giấu trong các chữ đầu phức tạp khác nhau tìm thấy trong nguyên bản tiếng Do Thái: hoặc chữ cái đầu hoặc chữ cái cuối của bốn từ liên tiếp, có thể là tính đi hay tính lùi, sẽ bao gồm Danh Thánh Chúa, YHWH — thực thế, những chữ cái này đã được nhận ra trong ít nhất ba thủ bản tiếng Do Thái cổ tô màu đỏ. Như thế, cuốn sách vẫn cho thấy Thiên Chúa luôn dẫn đầu dòng lịch sử ngay cả (hoặc đặc biệt) khi chúng ta dường như không nhận thấy như thế. Tóm lại, Étte có ý được đọc như một bằng chứng về đức tin bền bỉ, về hành động đầy tín thác và táo bạo của con người cuối cùng được truyền cảm hứng và dẫn dắt bởi một Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với con người, đến nỗi chúng ta cần chú ý đến cả những chi tiết dường như không liên quan đến việc nhận ra Người.