1. Chứng tá của Linh mục Dòng Đa Minh được chữa lành khi cầu khẩn Gương mặt Thánh thành Tours

Hôm 10 tháng 6, tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường” đã có bài tường trình về ơn chữa lành xảy ra cho một linh mục dòng Đa Minh.

Sau khi khuôn mặt của ngài bị tê liệt một phần, vị linh mục này đã tìm thấy sự chữa lành hoàn toàn thông qua Gương mặt Thánh của Chúa Giêsu.

Cha Jean-Christophe de Nadaï, linh mục Dòng Đa Minh, Tiến sĩ văn chương cổ điển, cư ngụ tại tu viện Saint-Jacques ở Paris cho biết như sau:

Vào ngày 4 tháng 4 năm 2018, thứ Ba trước Chúa Nhật Lễ Lá, trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay, tôi tỉnh dậy với nửa mặt bên phải của mình bị liệt.

Miệng của tôi đặc biệt bị ảnh hưởng; Tôi chảy nước dãi ra bên miệng, đến nỗi tôi luôn cảm thấy bất kính với Mình Máu Thánh Chúa khi cử hành Thánh lễ. Mí mắt của tôi cũng bị ảnh hưởng, vì vậy tôi phải làm ẩm mắt, phải thường xuyên để giữ cho mắt không bị khô và cẩn thận nhắm chặt lại trong đêm với sự hỗ trợ của một miếng băng dính.

Bác sĩ tại bệnh viện Salpêtrière, người mà tôi đến khám ngay trong ngày, nói với tôi rằng đó là một dạng liệt đặc biệt nghiêm trọng do nguồn gốc siêu vi. Giai đoạn tiếp theo của bệnh rõ ràng sẽ là một trạng thái vô cùng mệt mỏi.

Anh ấy nói với tôi rằng tôi sẽ phải cố gắng giảm viêm bằng cách sử dụng corticosteroid, nhưng không có gì chắc chắn rằng dây thần kinh mặt sẽ trở lại bình thường hoàn toàn. Anh không chắc rằng các triệu chứng sẽ biến mất.

Vào thứ Ba, ngày 2 tháng Năm, một phụ nữ thường tham dự Thánh lễ tại Tu viện Saint-Jacques ở Paris, đã rúng động trước tình trạng của tôi. Cô ấy đến mang cho tôi một lọ dầu từ đền thánh ở thành phố Tours.

Tours là thành phố lớn nhất trong vùng Centre-Val de Loire ở miền Tây nước Pháp và là tỉnh lỵ của vùng Indre-et-Loire. Năm 2017, thành phố này có 135,800 dân.

Cô ấy là một cựu y tá. Sự nhiệt thành của cô đối với Chúa chúng ta là kết quả của những ký ức của cô về những sai lệch tâm linh trong quá khứ của chính mình, từ đó Ngài đã giải cứu cô qua một cuộc hoán cải đột ngột.

Tất nhiên, tôi biết rằng các anh em Đa Minh của tôi ở Tours đã được Đức Tổng Giám Mục của thành phố đó chỉ định làm người trông coi nhà nguyện Gương Mặt Thánh, hơn thế nữa Cha bề trên Tu viện Tours là bạn học với tôi.

Tuy nhiên, bản thân tôi đã không nghĩ đến việc cầu xin những ân sủng mà Chúa có thể ban cho tôi thông qua lòng sùng kính đối với Gương mặt Thánh. Nhưng trạng thái bệnh tật cụ thể này đã khiến tôi phải cầu cứu.

Cách mà tôi nhận được sự giúp đỡ thật đáng ngạc nhiên, vì hoàn toàn không lường trước được: không phải tôi khuyến anh chị em giáo dân, nhưng chính một phụ nữ giáo dân đã dạy tôi về lòng sùng kính đối với Gương Mặt Thánh ở thành phố Tours.

Cô thường tham dự Thánh lễ được cử hành vào thứ Năm hàng tuần cho ý cầu nguyện của các bệnh nhân tại Nhà thờ San-Nicolas-des-Champs ở Paris, được giao cho Cộng đồng Emmanuel coi sóc. Cô đã đến đó vào ngày 27 tháng 4 và có ấn tượng rất mạnh khi thấy một người bệnh cầu nguyện nhiệt thành như thế nào.

Cả hai trao đổi địa chỉ của nhau. Sau đó, cô đã rất ngạc nhiên khi nhận được từ bệnh nhân này tám lọ dầu từ Gương Mặt Thánh ở thành phố Tours, để phân phát chúng theo nhu cầu tùy ý cô. Cô đã nghĩ ngay đến tôi.

Tôi không biết tại sao tôi không tận dụng những lọ dầu này ngay lập tức. Nhưng vào ngày thứ Năm 4 tháng Năm, đúng một tháng sau khi có triệu chứng đầu tiên của căn bệnh này, một cơn đau rất khó chịu xuất hiện và khiến tôi phải dùng dầu, xức lên mặt, ngay trước Thánh lễ giữa trưa.

Thay vì sự nhẹ nhõm như tôi mong đợi, tôi lại trải qua một cơn đau dữ dội trên khuôn mặt. Tôi thấy đây là một dấu hiệu cho thấy Chúa Giêsu Kitô muốn tôi tham dự vào mầu nhiệm Thương khó của Người, vì vậy tôi bắt đầu cầu nguyện cho một số ý định đã được giao phó cho tôi. Điều này chỉ kéo dài vài phút, sau đó cơn đau biến mất hoàn toàn.

Sáng hôm sau, ngày 9 tháng Năm, tôi đến khám sức khỏe tại bệnh viện Salpêtrière, nơi đã được hẹn trước đó. Mục đích của cuộc hẹn là để xác minh, bằng một dòng điện, tình trạng của dây thần kinh mặt.

Trước sự ngạc nhiên lớn của tôi, bác sĩ nói với tôi rằng dây thần kinh đang phản ứng hoàn hảo với kích thích điện. Nó đã lấy lại được toàn vẹn.

Thứ Năm tuần sau, tôi có một cuộc trò chuyện với một giáo sư y khoa, người nói với tôi, “Không phải sự can thiệp của con người đã làm nên điều này”.

Tôi tiếp tục với liệu pháp mátxa mặt hàng ngày, theo chỉ dẫn của nhà vật lý trị liệu tại Bệnh viện Salpêtrière, người mà tôi sẽ đến thăm lại vào ngày 12 tháng 6. Trong cuộc hẹn, cô ấy cũng vô cùng ngạc nhiên ghi nhận rằng khuôn mặt tôi đã lấy lại được khả năng vận động hoàn hảo.

Cái hẹn cuối cùng của tôi là vào ngày 18 tháng 9, khi người ý tá ấy chắc chắn rằng tôi đã thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo mà không có bất kỳ tác động xấu nào thường thấy khi tình trạng được chữa khỏi.

Paris, Tu viện Saint-Jacques, vào ngày Lễ Gương Mặt Thánh ở thành phố Tours, 13 tháng 2 năm 2018.
Source:Aleteia

2. Đức Hồng Y Tagle nghẹn ngào khi nhớ lại câu chuyện di cư của ông ngoại ngài

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle hôm thứ Ba đã nghẹn ngào chia sẻ câu chuyện về hành trình di cư của ông nội mình từ Trung Quốc đến Phi Luật Tân khi còn nhỏ.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Vatican ngày 15/6, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nói rằng khi đến thăm các trại tị nạn ở Hy Lạp, Li Băng, Jordan và Bangladesh, ngài luôn nhớ đến cội nguồn di cư của mình.

“Nơi những người tị nạn và di cư này, tôi thấy ông tôi được sinh ra ở Trung Quốc, nhưng đã buộc phải rời khỏi quê hương của mình khi còn là một cậu bé, đi với ông chú sang Phi Luật Tân để tìm kiếm một tương lai tốt hơn”, Đức Hồng Y Tagle nói và dừng lại trong một thời gian để cố ngăn không bật khóc thành tiếng.

Vị Hồng Y người Phi Luật Tân giải thích trong một lá thư nhân dịp lễ Phục sinh năm 2017 rằng ông ngoại của ông sinh ra ở Trung Quốc, nhưng gia đình đã gửi ông đến sống ở Phi Luật Tân vì gia cảnh quá nghèo.

Đức Hồng Y Tagle cũng nói về nguồn gốc Trung Quốc của mình trong một cuốn sách năm 2017.

“Tôi nghĩ rằng một số đặc điểm của Trung Quốc đã truyền sang tôi, mặc dù ông tôi đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở Phi Luật Tân”.

“Tôi nhớ một số thực hành mà ông tôi đã tuân giữ, chẳng hạn như tôn kính mẹ bằng cách dâng thức ăn cho bà, đặt trước bức ảnh của bà, với một vài nén hương hoặc đốt pháo để chào đón năm mới, hoặc cúng nhiều thức ăn trong bữa ăn gia đình”.

Theo yêu cầu của ông nội, Đức Hồng Y Tagle đã học ngôn ngữ Trung Quốc một thời gian thời niên thiếu, mặc dù trong cuốn sách, ngài nói rằng ngài rất tiếc vì đã không gắn bó với ngôn ngữ này.

Mẹ của Đức Hồng Y, Bà Milagros Gokim, là người Phi Luật Tân gốc Hoa và cha của ngài, Manuel Topacio Tagle, là người dân tộc Tagalog. Cả hai đều ở độ tuổi đầu những năm 90 và vẫn còn sống ở Phi Luật Tân.

Hai ông bà đã nuôi dạy Đức Hồng Y Tagle và em trai của ngài là Manuel Gokim Tagle trong một gia đình Công Giáo sùng đạo. Cả hai ông bà đều làm việc tại một ngân hàng.

Đức Hồng Y Tagle là chủ tịch Caritas Quốc tế từ năm 2015.

Trước khi được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vào tháng 12 năm 2019, vị Hồng Y 63 tuổi này đã là tổng giám mục của Manila trong 9 năm.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô được chính thức mời viếng thăm Đền thánh Santiago de Compostela, ở miền Tây bắc Tây Ban Nha, nơi có mộ của thánh Giacôbê Tông đồ.

Đức Tổng Giám Mục giáo phận sở tại, Julian Barrio Barrio cùng với ông Alberto Nunez Feijoo, Chủ tịch miền Galicia, đã chính thời mời Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14/6/2021 vừa qua, tại Vatican.

Ông Feijoo tuyên bố với giới báo chí sau đó rằng: “Đức Giáo Hoàng biết rất rõ dân miền Galicia và quí mến dân chúng tôi. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha chưa trả lời cho lời mời này. Cách đây vài tháng, Đức Thánh Cha đã kéo dài năm thánh Giacôbê, từ năm nay đến năm tới 2022 vì đại dịch Covid-19.”

Quyết định này của Đức Thánh Cha đã được thông báo trong nghi thức mở cửa Năm thánh Giacôbê, trước sự ngạc nhiên của mọi người. Việc kéo dài này giúp các tín hữu có thể đến hành hương tại Đền thánh nổi tiếng này mà không phải chịu sức ép của thời gian hạn chế.

Đặc ân của Tòa Thánh cho mở Năm thánh Giacôbê có từ thế kỷ thứ 12: năm thánh được mở mỗi khi lễ kính thánh nhân vào ngày 25 tháng 7 rơi vào một Chúa nhật. Đền thánh này là đích điểm của nhiều lộ trình hành hương có từ thời Trung cổ.

Trong khoảng thời gian từ cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu vừa qua, có từ 147 đến 423 tín hữu đến hành hương tại Đền thánh Giacôbê, tức là chỉ bằng một phần bảy so với thời kỳ bình thường trước đại dịch Covid-19.
Source:Dom Radio