Giới thiệu một Giáo dục Trẻ em: Trường Tình Thương Antôn (thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn)

Bế giảng một năm đèn sách: Một thành tích đáng khích lệ

Sài Gòn - Sáng thứ Năm 25/05/2005, tại khuôn viên nhà thờ Thánh Antôn Cầu Ông Lãnh đã diễn ra lễ bế giảng đơn sơ của Trường Tình Thương Antôn do Cha Clément Trần Thế Minh, Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM) làm chủ nhiệm trường, với nhân sự chỉ có: 1 giáo viên phụ tá kiêm thư ký văn phòng và 7giáo viên đứng lớp. Sân khấu buổi lễ là bậc tam cấp trước cửa nhà thờ với một tấm vải đỏ đơn sơ với dòng chữ “Lễ Tổng Kết năm học 2004-2005” cùng tấm bảng viết phấn chương trình buổi lễ.

Khác với bao ngôi trường khác ở thành phố Sài Gòn này, kết quả tổng kết không quen thuộc như đã từng thấy trên các chuyên trang giáo dục hiện nay nhan nhản những con số 90%, 95% học sinh xuất sắc, giỏi, thậm chí 99,9% cao chót vót. Theo Báo cáo tổng kết thì đầu năm năm Trường nhận vào 158 em, cuối năm còn lại 126 em (từ mẫu giáo đến lớp 5), hầu hết lớp nào cũng có con số rơi rụng với các lý do: bỏ học, chuyển trường, đi làm mưu sinh, học yếu, bị kỷ luật… Kết quả Tổng kết được thể hiện bằng tỷ lệ: 31% học sinh Giỏi, 45% Khá, 20% Trung bình và 4% Yếu. Tuy là trường tình thương nhưng theo Tổng Kết của nhà trường thì “Chương trinh giảng dạy theo hệ chính quy, các kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, đánh giá đúng thực lực của từng học sinh, một số em ý thức học tập rất tốt, tuy nhiên cũng còn học sinh lười học và vi phạm kỷ luật”. Năm nay Trường Tình Thương có 10 học sinh bước qua ngưỡng cửa tiểu học so với con số đầu năm là 12 em. Các em có học bạ nghiêm chỉnh và được thi và cấp bằng ở một trường nhà nước để có thể đường hoàng tiếp tục bước vào lớp sáu như bao học sinh khác. Các em đã được nhận những phần thưởng tuy không có giá trị cao nhưng thật sự vui mừng vì đó là cố gắng nỗ lực của từng em đạt được. Không áo thụng màu mè như một số trường tiểu học làm lễ tốt nghiệp cho các em ra trường, các em lớp 5 ở đây chỉ đơn giản được trao những vương miện bằng hoa trong niềm vinh dự của bài hát hoan hô của toàn thể học sinh trong trường.

Các em lớp 5 trong ngày tốt nghiệp
Đó là những con số thể hiện thực trạng của một ngôi trường qua 14 năm tồn tại, chỉ cần 31% học sinh Giỏi, 45% Khá, tôi đã thấy nét rạng rỡ hân hoan trên khuôn mặt của các cô giáo và Cha chủ nhiệm khi nói đến kết quả này, vì đó là kết quả thực và kết quả này thật sự cao so với nhiều năm trước bằng nỗ lực của thầy trò qua một năm đèn sách (Cha Chủ nhiệm thường xuyên rà soát các bài kiểm tra, thi học kỳ của học sinh do các cô chấm điểm).

Món quà: bồi dưỡng khẩu phần ăn trưa cho các học sinh là 500 đồng

Sống ở đất Sài Gòn phồn hoa đô hội, với giá cả ngày càng đắt đỏ, mọi thứ đều tăng vọt, ít ai có thể ngờ rằng tại một ngôi trường, 500 đồng lẻ lại có giá trị thật sự. Theo Báo cáo Tổng kết của cô Cúc, phụ tá Cha chủ nhiệm, kiêmThư ký trường thì từ năm học 2004-2005 này, được sự giúp đỡ của ân nhân, trường Tình Thương “đã bắt đầu tổ chức bồi dưỡng cho các em học sinh giữa giờ chơi, mỗi khẩu phần trị giá 500 đồng”, khẩu phần đó có thể là trái chuối, một vài cái bánh, mẫu kẹo hay gì đó làm cho các em đỡ đói… nhằm giúp các em nhỏ có sức học tiếp khi nắng đã bắt đầu lên cao gần giờ trưa nóng nực của Sài Gòn, bởi vì có rất nhiều em nhà nghèo làm gì có tiền ăn sáng để được no bụng (phần ăn sáng của người lao động tay chân khoảng 3.000 đồng). Đây là ước vọng của Cha Clément từ nhiều năm trước nhưng đến năm học này ngài mới thực hiện được, vì tuy 500 đồng là con số nhỏ nhoi, nhưng trung bình trong năm học này trường có 130 em, vị chi là phải tốn 15.210.000 đồng mỗi năm (500đ x 130em x 26ngày/tháng x 9 tháng học). Khoảng 1000 Mỹ kim không phải là con số nhỏ đối với ngân sách chắt chiu từ bàn tay nhân hậu của các ân nhân đóng góp, trong khi đó nhà trường nhận các em vào học miễn phí và chăm lo cho các em đủ thứ từ sách tập, dụng cụ học tập, đồng phục… không thiếu thứ gì như bao ngôi trường khác.

Ôi! 500 đồng thật quý giá biết bao, ước mong sao chỉ cần mỗi người Công Giáo Việt Nam dành dụm 500 đồng mỗi ngày cho Quỹ Bác ái của HĐGMVN, thì với hơn 5 triệu giáo dân Việt Nam khắp nơi, Giáo Hội sẽ có số tiền không nhỏ để giúp đỡ biết bao số phận cơ nhỡ, biết bao trẻ nhỏ sẽ được đến trường.

Tâm tình của Cha chủ nhiệm trường Tình Thương Antôn.

Cha Clément Trần Thế Minh
Cha Clément đã đưa ra lời nhận xét trong buổi tổng kết năm học với những lời bình dị, những lời khuyên chân tình của người chủ nhiệm ngôi trường sau một năm học:

“Hôm nay, tôi cám ơn sự hiện diện của Thầy Thiện Triều, thầy chính là tổ phụ của Trường Tình thương hôm nay, với rất nhiều công sức, rất nhiều tình thương, với những yêu cầu rất là khó khăn, thầy đã can đảm, đã cố gắng, để thuyết phục các em có hoàn cảnh rất là đặc biệt trong khu vực Cầu Ông Lãnh này đi học, để hôm nay đây, trường Tình Thương đã đi vào nề nếp như đã trình bày trong kết quả của năm học. Phải nói rằng các em học rất tốt, và hạnh kiểm cũng rất tốt, đành rằng ở đâu cũng có những em lười học, những em chưa cố gắng, nhưng đó là tật xấu cố hữu của con người, trường nào cũng có thôi. Nhưng nếu so sánh với quá khứ, những ngày cách đây không bao lâu, chừng hai năm thôi, khi các em đi học ở trường này còn đem theo dao găm ở trong cặp để bảo vệ nhau, để tự vệ và để gây xáo trộn trong nhà trường, tôi còn giữ lại con dao găm mà chúng tôi đã tịch thu của các em cũng như một vài thanh sắt mà các em mang theo để tự vệ.

Về vấn đề học tập, trước đây không bao lâu, các em còn vi phạm nội quy Trường Tình Thương, nhưng ngày nay với sự chặt chẽ, vấn đề bỏ học rất hiếm, cũng có nhưng mà rất hiếm, và kết quả học tập cho thấy rằng các em đã đi vào nề nếp. Có một điều rất là cảm động mà tôi thán phục các em và cũng như biết ơn các cô đã tập cho các em được, đó là có người nói với tôi hay nói đúng hơn các cô nói với tôi rằng trong giờ bồi dưỡng giữa giờ, thì các cô để thực phẩm cho các em tự động đến lấy ăn, sau khi đã nhắc các em là mỗi người được quả chuối hay là hai cái bánh…, các em mỗi người tự động đến lấy khẩu phần của mình mà không bao giờ lấy thêm, đó là điều thật cảm động, của ăn không đáng gì nhưng tinh thần kỷ luật đã đạt được kết quả. Để được như vậy, nhờ các em đã được nhắc nhở nhiều và các em đã chấp nhận sự giáo dục, sự huấn luyện của nhà trường và đó chính là điều tôi muốn chia sẻ. Điều mà tôi đã nhắc các em từ nhiều năm qua và tôi xin nhắc lại là: con người có hai mặt học tập và kỷ luật. Học cũng như một người thợ nề xây một bức tường, viên gạch nào cũng cần, viên gạch nào cũng quý, không phải bỏ viên gạch nào, mà viên gạch nào cũng phải tốt thì cái tường mới bảo đảm. Quan trọng là phải học từng ngày, từng ngày, từng giờ, từng giờ, từng môn một. Bởi vậy, mất căn bản nhiều khi không thể cứu vãn được… Việc học mất căn bản là rất nguy hiểm, nếu lười học không phấn đấu, bài học, bài bỏ thì càng lên trên càng chới với, càng lên trung học, càng lên đại học thì chỉ có cái bằng giả thôi chứ thực lực, học lực không có.

Chúng tôi chỉ nhắc các em một điều mà tôi xin lặp lại là các em cần đến đây để học, chúng tôi yêu thương các em, chúng tôi lo lắng cho các em, chúng tôi xin tài trợ để các em khỏi phải đóng tiền học, nhưng chỉ xin các em có hai điều thôi đó là học và không quậy phá, nếu các em đến đây mà không học hay quậy phá thì chúng tôi buộc lòng phải cho các em về nhà. Bởi vì các em đến đây mà quậy phá thì sẽ làm phụ lòng những người hy sinh bỏ tiền ra nuôi dưỡng ngôi trường này, mà họ nghĩ rằng chúng tôi làm việc tốt vì tương lai các em. Bởi vậy chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại hoài và thấy rằng các em bắt đầu hiểu và điều đó đã thể hiện qua kết quả học tập. Hy vọng rằng trong niên khoá tới, các em học tập tốt hơn nữa, và làm được như vậy chắc chắn các em sẽ làm cho chúng tôi được vui vẻ, được hạnh phúc và lấy làm tự hào vì những cống hiến, những hy sinh của mình cũng như các em tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ các em đã hy sinh để cho con được đi học, các em cũng đã tỏ lòng biết ơn nhất là đối với các ân nhân, những người luôn mong các em học tập tốt và kỷ luật tốt”.


Tinh thần kỉ luật và giá trị của việc làm

Sau lễ bế giảng, tối 25/05/2005, Trường Tình Thương Antôn đã trích ngân sách để tưởng thưởng cho các em đạt thành tích tốt trong học tập được đi nghỉ mát ở Nha Trang hai ngày một đêm. Trong dịp tháp tùng cùng đoàn đi du lịch này, tôi không khỏi thán phục và chứng kiến tính kỷ luật của các em, biết tự quản tập thể dục buổi sáng khi các cô còn lo buổi điểm tâm cho các em, các em biết tự dọn dẹp vệ sinh mỗi khi xong bữa, biết cùng mời Cha Chủ nhiệm và các cô giáo trước khi ăn và biết chào hỏi lễ phép những người được giới thiệu, biết cám ơn Cha Sở Antôn Vĩnh Phước trước khi lên đường về Sài Gòn (điều mà không phải trẻ nhỏ và thậm chí người lớn nào cũng làm được - như ký giả Hương Vĩnh đã từng đề cập trên VietCatholic trong loạt bài “Sau Ba Thập Niên” khi trở về thăm Việt Nam: hầu hết người dân trong nước không còn sử dụng những từ “cám ơn” hay “xin lỗi”). Điều may mắn là khi đoàn tham quan đến đâu thì các điểm du lịch điều miễn hoặc lấy tiền vé tượng trưng, cũng như Giáo xứ Antôn Vĩnh Phước, Tu viện Phanxicô Nha Trang lo cho nơi ăn chốn ở đã làm giảm chi phí rất nhiều cho Trường. Các em đã được hưởng một kỳ nghỉ mát thật tươi vui, sinh động để rồi sau đó trở về phụ giúp cha mẹ mưu sinh trong những ngày hè trong đời sống thường nhật.

Đời sống ở Sàigòn qua biết bao con số trên báo chí, thấy vậy mà thật sự còn nhiều khó khăn, bất cứ khi nào có dịp phải ghé lại quán xá để ăn uống là cũng có thể bắt gặp tuần tự năm bảy người mời mua vé số, và có người mua số ắt hẳn có người dò số. Chiều chiều khoảng độ 5 giờ, khi các tỉnh thành vừa chấm dứt quay số, đó cũng là lúc các em nhỏ tập trung tại các tiệm phôtôcopy để giành nhau mua giấy dò số và ba chân bốn cẳng chạy để bán cho bác xích lô, anh xe ôm, cô bán quán…, và đa phần những người cầu may nhiều nhất cũng là những người lao động nghèo, và một tấm giấy dò cũng là 500 đồng. Nhưng điều xúc động và đáng phải kể hơn là theo các cô trường Tình Thương tâm sự, một số các em học trò Trường Antôn, sáng đi học và chiều phụ giúp cha mẹ và “nghề” dễ kiếm tiền “lẻ” bằng đôi chân của các em (tức là phải chạy) là bán giấy dò số. Để có tiền tiêu riêng trong chuyến du lịch Nha Trang này, các em đã phải gởi cô giáo từng 500 đồng từ tiền bán giấy dò mỗi ngày để có được vài chục ngàn mua quà cho ba mẹ, bạn bè, người thân (đi chơi xa mà! theo tâm lý là phải có tiền tiêu riêng, mua quà cho người thân, người viết đã thật sự chứng kiến từng em một kể rằng quà này của mẹ, của bạn…), vì đối với các em đi chơi xa thế này đâu phải là dễ, biết đâu chỉ là một lần cho cả cuộc đời.

Thay lời kết

Vâng! Có một ngôi trường như thế giữa Sài Gòn tráng lệ, có những người thầy cô như thế và có những việc tưởng chừng nhỏ nhoi như thế. Đáng trân trọng và nhân rộng đường lối giáo dục của ngôi trường này biết bao, để mong rằng trẻ thơ Việt Nam sống trong hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được hưởng sự giáo dục căn bản từ thơ bé để bước vào đời.

Xin trân trọng gởi lời tri ân tất cả ân nhân và Dòng Anh Em Hèn Mọn đã giúp đỡ và nuôi dưỡng ngôi trường này.

Sài Gòn, ngày Quốc tế Thiếu Nhi, 01/06/2005,
Trung Thiên (trungthien2004@yahoo.com )
Địa chỉ liên lạc của Trường Tình Thương Antôn
Lm Tu sĩ Clément Trần Thế Minh
18 Phan Văn Trường, Quận 1, TP.HCM
Tel: 84-8-8299810
Email: cmkc28@hcm.vnn.vn