Cũng khoảng thời gian này, 25 năm trước, là thời gian tôi quen biết và bắt đầu cộng tác với Cha Gioan Trần Công Nghị trong việc hình thành nên Web site VietCatholic.

Chắc chắn, Cha Nghị sẽ được mọi người nhớ đến như một trong các linh mục tiên phong trong việc ứng dụng khoa học điện toán để rao giảng Tin Mừng “từ trên mái nhà” (theo thuật ngữ của Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. ) Tôi cũng hân hạnh được biết và cộng tác với hai vị linh mục khác đi tiên phong trong lãnh vực này là Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Chủ nhiệm dân Chúa Úc Châu, và Cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu, Chủ nhiệm dân Chúa Âu Châu.

Trong suốt 25 năm làm việc chung với Cha Nghị, tôi học được nhiều bài học bổ ích từ nơi ngài, nhưng nổi bật nhất là gương hiếu học và hăng say rao giảng Tin Mừng.

Cha Nghị bắt đầu học Computer và Internet trong khoảng thời gian ngài làm cha phó tại giáo xứ St. Finbar, Burbank của tổng giáo phận Los Angeles, ở phía Tây Bắc Orange County. Từ nhà xứ của ngài về đến Orange County mất gần một giờ lái xe.

Người đầu tiên dạy ngài học Computer và Internet là anh Justin Linh Nguyễn, là người Công Giáo ở Orange County. Gặp nhau tại Mỹ vào năm 1999, Justin cho tôi biết: “Năm 1994, em đăng trên báo dạy kèm Computer và Internet 30 USD một giờ, học tại nhà em.” Lúc ấy, 30 USD là một số tiền khá lớn.

Justin cho biết thêm “Cha ghi danh học, không biết em là người Việt. Cha nói toàn tiếng Mỹ với em. Em cũng nói toàn tiếng Mỹ với cha, nên cũng không biết cha là người Việt. Đến khi cha đến nhà em học, bố em ngớ người ra.”

Đương nhiên là Justin không dám lấy tiền của cha. Nhưng mỗi tuần phải lái xe cả hai tiếng đồng hồ đi học đủ thấy ngài quyết chí đến mức nào. Trong khoảng thời gian đó, máy móc đắt hơn bây giờ rất nhiều, và học Computer còn khó lắm.

Trước thập niên 90, suy nghĩ phổ biến trong ngành điện toán là Computer chỉ dành cho những người chuyên nghiệp, không phải cho quảng đại quần chúng như bây giờ. Thành công lớn nhất, và là đóng góp lớn nhất của Microsoft cho nhân loại là Windows, bắt đầu với Windows 3.1 từ Tháng Tư 1992. Với Windows 95, Microsoft quyết liệt đi theo hướng phổ thông hóa điện toán.

Browser, tức là chương trình để “lướt web”, lúc bấy giờ chủ yếu là Netscape, ra đời năm 1994, vừa dở, vừa chậm, vừa hay làm đứng máy giữa chừng.

Cha Nghị học được cách dùng Netscape thì mừng lắm. Nhưng học đến đó thì chỉ có thể lướt web chứ “chẳng có product gì” (là những từ ngữ ngài ưa dùng). Ý của ngài là phải hiện diện trên Net chứ không chỉ là các khán giả khoanh tay đứng nhìn.

Trong thời gian đó tôi cộng tác với báo dân Chúa Úc Châu của Cha Quảng, chuyên viết các bài về điện toán; và cộng tác với catholic.org ở Hoa Kỳ trong lĩnh vực thảo chương. Catholic.org lúc ấy là Web site lớn nhất của Công Giáo Hoa Kỳ. Cha Nghị vào trang này thường xuyên. Ngài đoán tôi là người Việt Nam nên email cho tôi vào tháng Tư, 1996. Đó là cơ duyên chúng tôi gặp gỡ nhau.

Mấy tháng sau đó, ngày 1 tháng 11, 1996, VietCatholic bắt đầu phát trên mạng lưới toàn cầu.

Hoàn cảnh lúc bấy giờ khó khăn vô cùng. Tất cả các thảo chương phải viết trên Unix dùng một ngôn ngữ điện toán rất khó là Perl. Vào thời điểm đó, Perl khó đến mức viết xong, thử tới thử lui, trao cho chủ, rồi bắt đầu đọc kinh, xin Chúa phù hộ cho khỏi bị chủ đuổi. Nó không có các tiện nghi như hiện nay để mình có thể an tâm là chương trình sẽ vận hành như ý mình mong muốn.

Vì thế, chương trình đầu tiên phát trên VietCatholic là Nụ Cười Nhà Đạo, chỉ toàn những chuyện bông đùa, ngắn gọn vừa với khả năng lập chương trình của hai cha con. Nói “hai cha con” vì ngài cũng phải học viết chương trình bằng Perl, một mình tôi làm không nổi, vì ngoài công việc của VietCatholic, công việc chính của tôi vẫn là phải kiếm cơm, phải cố gắng hết sức vật lộn với các thảo chương điện toán để khỏi bị chủ sa thải. Một linh mục không có nền tảng về Computer học được Perl phải kể là một kỳ tích.

Chương trình Nụ Cười Nhà Đạo rất thành công, người ta vào xem nhiều đến mức VietCatholic phải tạm ngưng trong gần một tháng vào tháng 7, 1997. Lý do là vì người ta vào nhiều quá, thu hút hết bandwidth của nơi đặt server. Họ kêu Cha Nghị đến trả lại computer, đuổi đi chỗ khác. Sau gần một tháng tìm kiếm, một người Việt Nam, tên là anh Hùng, chịu phát lên Internet cho cha, từ chuyên môn gọi là host. Tháng 12, 1998, VietCatholic lại biến mất trên bản đồ thế giới, lần này hô biến hơi lâu, gần cả hai tháng. Anh Hùng, không biết làm ăn sao đó bị khánh tận, người ta tịch thu mọi thứ, kể cả computer của VietCatholic. Thành ra, lại phải mua computer khác, cài đặt lại từ đầu.

Vào thời điểm đó, computer mắc lắm mà phẩm chất lại rất tệ. Cháy ổ cứng là chuyện bình thường. Cho nên, VietCatholic còn phải tạm ngưng mấy lần nữa. Thực sự, tôi không còn nhớ nổi VietCatholic phải mua bao nhiêu computers. Đó là một số tiền khá lớn đối với một linh mục. Những người không có lòng nhiệt thành với Giáo Hội, không thể hy sinh như thế.

Sau này, khi điện toán phát triển, các ngôn ngữ lập trình tân tiến lần lượt ra đời, chúng tôi mới dám nghĩ đến chuyện biến VietCatholic thành một hãng tin, mới dám đăng các bài giảng của Đức Thánh Cha, các tông thư, tông huấn, thông điệp dài tràng giang đại hải.

Để học làm được Web, Cha Nghị còn phải vượt qua một trong những vấn đề làm khổ ngài rất nhiều là ngài không nhớ dai. Viết thảo chương về thực chất là đưa ra một loạt các chỉ thị (command) theo một luận lý thích hợp. Những ai nhớ dai, học thảo chương dễ hơn người khác rất nhiều vì có thể nhớ được hết các commands và công dụng của từng cái. Ngài thường phải hỏi tôi cùng một câu hỏi nhiều lần cho tới khi ngài tìm ra được một phương pháp tổ chức tốt hơn.

Tháng 10, 2006, VietCatholic mở Đại Hội 10 năm thành lập. Trước hết, chúng tôi kéo nhau lên Washington DC tham dự lễ khánh thành nguyện đường Đức Mẹ La Vang. Đến ngày hôm sau Chúa Nhật 22 tháng 10, 2006, cha Nghị thuê một xe hơi chở Cha Lưu và tôi xuống thăm Richmond. Trước khi lên đường, khi còn đang ở nhà một người quen ở Virginia, ngài nói “Các cậu ở đây chơi, mình đi đổ xăng một lát.” Sau đó, ngài quay trở lại chở Cha Lưu và tôi xuống thăm Richmond. Ở đó chơi cả ngày, đến tối mới về. Gần 9 giờ tối, lúc đang đi trên xa lộ, hai bên đồng không mông quạnh, ngài tuyên bố: “Thôi chết, xe hết xăng rồi”. Té ra là ban sáng ngài bảo đi đổ xăng mà thực ra ngài đi mua những thứ linh tinh, quên khuấy mất không đổ xăng. May sao, cuối cùng cứu tinh xuất hiện. Một cô gái tốt bụng lái xe ngang qua, ghé vào trong lúc chúng tôi đang hì hục đẩy cái xe hết xăng vào lề đường, chuẩn bị ngủ khách sạn ngàn sao. Cha đưa cho cô 20 USD. Chập sau cô quành lại đưa chúng tôi một can xăng. Thiệt đúng là hết hồn.

25 năm, một quảng đường dài, đầy vất vả, và căng thẳng nhưng tôi nhìn lại với tâm tình tri ân, tạ ơn Chúa vì được làm việc cùng một linh mục nhiệt thành và được nhìn thấy các gương sáng đức tin nơi ngài.