Thánh Lễ Tiệc Ly năm nay đã do Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y đoàn, chủ sự lúc 18 giờ ngày thứ Năm Tuần Thánh tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Với thánh lễ Tiệc Ly này, Giáo Hội chấm dứt Mùa Chay và bước sang Tam Nhật Vượt Qua, là đỉnh cao của năm Phụng Vụ.

Nhiều người, thậm chí có cả những người Công Giáo cho rằng “đạo nào cũng là đạo, cũng dạy ăn ngay ở lành.” Đó là một lời ngụy biện nham hiểm.

Trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết:

“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.”

Tam Nhật Vượt Qua trình bày với chúng ta cốt lõi của đức tin Công Giáo, như Thánh Phaolô đề cập đến trong thư chúng tôi vừa nhắc đến, đó là niềm tin rằng Chúa Giêsu là người thật, và trong bản tính con người này, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta; và Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, và với bản tính Thiên Chúa, Ngài đã sống lại từ trong cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Đó mới là cốt lõi đức tin của chúng ta, và là hy vọng của chúng ta. Ăn ngay ở lành chỉ là hệ quả tất yếu của đức tin nơi Chúa Giêsu, đó không phải là toàn bộ đức tin của chúng ta. Chính vì thế, Tam Nhật Vượt Qua được coi là đỉnh cao của Phụng Vụ Công Giáo vì với các cử chỉ, điệu bộ, nghi thức rất đặc biệt, Tam Nhật Vượt Qua trình bày với chúng ta một cách trực tiếp và rõ rệt yếu tính đức tin Kitô của chúng ta.

Trong Thánh lễ Tiệc Ly, mở đầu cho Tam Nhật Vượt Qua, Giáo Hội muốn chúng ta kính nhớ ba yếu tố sau đây: Thứ nhất là việc Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể. Thứ hai là việc Chúa thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh. Và thứ ba là tình huynh đệ yêu mến nhau, không phải yêu mến chung chung nhưng phải là yêu như Chúa yêu chúng ta.

Trong khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, ca đoàn đã hát một bài ca nhập lễ với những lời sau

Đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh!
Hãy thưa cùng Thiên Chúa:
“Oai hùng thay, sự nghiệp của Ngài!
Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm.
Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh.”
Đến mà xem công trình của Thiên Chúa:
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ!

Bài giảng của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re

Trong bài giảng, Đức Hồng Y nói:

Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1).

Thánh Lễ hôm nay, với một cường độ khác thường các cảm xúc và suy nghĩ đưa chúng ta sống trở lại buổi tối khi Chúa Kitô, bao quanh bởi các Tông đồ chung quanh Bàn Tiệc Ly, đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục, và ủy thác cho các ngài lệnh truyền hãy yêu thương nhau.

Thứ Năm Tuần Thánh nhắc nhở cho chúng ta về mức độ chúng ta được yêu thương. Con Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho chúng ta - Mình Máu Thánh Ngài – nghĩa là tổng thể Con Người của Ngài cho ơn cứu độ của chúng ta.

“Người yêu họ đến cùng” như được khẳng định trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, đến độ đã chết một cái chết nhục nhã trên thập giá vào ngày hôm sau, Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là một dấu chỉ tình yêu tột độ nghĩa là, khả năng yêu ở mức độ cao nhất và không thể vượt qua.

Hồng ân của Bí tích Thánh Thể chỉ có thể giải thích là vì Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta và muốn gần gũi với mỗi người chúng ta mãi mãi, thậm chí cho đến ngày tận thế. Món quà quý giá này là ơn sủng qua đó Chúa đồng hành với chúng ta như là ánh sáng, sức mạnh, phần lương và sự phù trợ chúng ta mọi ngày trong lịch sử của chúng ta.

Hơn thế nữa, Công đồng Vatican II khẳng định rằng Phụng Vụ là “tột đỉnh mọi hoạt động của Giáo Hội phải quy hướng về, đồng thời là giếng tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” và mô tả Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô”.

Bí tích Thánh Thể là trung tâm và là đời sống Giáo hội. Vì thế, Bí tích Thánh Thể cũng phải là trung tâm và là trọng tâm đời sống của mỗi Kitô hữu.

Khi mô tả Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh”, Công đồng Vatican II diễn tả ý tưởng rằng trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, mọi sự đều xuất phát và dẫn đến Bí tích Thánh Thể.

Về phương diện này, “Bí tích Thánh Thể là một thực tại không chỉ để được tin mà còn là sự sống”. Đó là lời mời gọi cởi mở đối với người khác, lời mời gọi đoàn kết, yêu thương huynh đệ, và lời mời gọi giúp đỡ những người gặp khó khăn, đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Những ai tin vào Bí tích Thánh Thể không bao giờ cảm thấy cô đơn trong cuộc sống. Họ biết rằng trong bóng tối và trong sự im lặng của tất cả các Nhà thờ, có Đấng biết rõ tên họ của mình, và trước nhà tạm, mọi người đều có thể bộc bạch bất cứ điều gì trong lòng và nhận được sự an ủi, sức mạnh và bình an nội tâm.

Trong Bữa Tiệc Ly với các tông đồ của Ngài, Chúa Kitô, vị linh mục đích thực, đã nói: “Hãy làm điều này - tức là Bí tích Thánh Thể - để tưởng nhớ đến Thầy.” Ba ngày sau, vào Chúa nhật Phục sinh, Người cũng nói với họ: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha.”

Như thế, Chúa Giêsu truyền cho các Tông đồ của Ngài quyền năng của chức tư tế, “để Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải có thể được tiếp tục và đổi mới trong Giáo hội. Ngài đã ban tặng cho nhân loại một món quà có một không hai.

Một điều khác nữa khi Chúa Giêsu chia sẻ với các Tông đồ của Ngài quanh bàn Tiệc Ly là sự thể hiện tình yêu và tình bạn như Thiên Chúa yêu, cũng như sự phản bội của con người. Trong câu chuyện về tình yêu vô bờ bến của Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta ‘cho đến cùng’, có sự cay đắng xuất phát từ sự bất trung và phản bội của con người.

Do đó, Thứ Năm Tuần Thánh là lời mời gọi chúng ta nhận thức về tội lỗi của mình, quay lại đường ngay nẻo chính, và dấn thân trên con đường ăn năn và đổi mới để nhận được ơn tha thứ của Chúa.

Vì vậy, chúng ta được mời gọi để có được niềm vui được Chúa thứ tha, và với sự ăn năn và với Bí tích Hoà giải, chúng ta bắt đầu phục hồi tinh thần với tấm lòng rộng mở hơn đối với Thiên Chúa và với tất cả anh chị em của chúng ta.

Giữa tình hình gay cấn do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đang diễn ra liên quan đến Covid-19, truyền thống Chầu Thánh Thể suốt đêm, với nhiều sáng kiến khác nhau về cầu nguyện và những giây phút sốt mến, sẽ không thể xảy ra ở nhiều nơi trong năm nay.

Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện trong suy nghĩ của mình và với tấm lòng tràn đầy biết ơn đối với Chúa Giêsu Kitô, Đấng muốn hiện diện giữa chúng ta với tư cách là một người cùng thời với chúng ta dưới hình bánh và hình rượu.

Đối mặt với đại dịch, chúng ta cũng được khuyến khích cất lên một dàn đồng ca cầu nguyện để bàn tay Chúa đến giúp đỡ chúng ta và chấm dứt tình trạng bi thảm gây ra những hậu quả đáng lo ngại trong các lĩnh vực y tế, công ăn việc làm, kinh tế, giáo dục và các mối quan hệ trực tiếp với mọi người.

Như chính Chúa Giêsu Kitô đã dạy, chúng ta “cần phải đi gõ cửa Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng”

Lời nguyện giáo dân

Mở đầu phần lời nguyện giáo dân, Đức Hồng Y nói:

Khi đến lúc từ giã thế giới này để về cùng Cha, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta chứng tích tình yêu của Ngài trong cử chỉ khiêm tốn rửa chân và trong ân sủng tối cao là Bí tích Thánh Thể. Vậy chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để cầu xin và đón nhận những ân sủng dồi dào của Chúa.

Cầu cho các tín hữu Kitô.

Trong cử chỉ của Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, cầu xin cho họ nhận ra sự phong phú vô tận của tình yêu Chúa Cha.

Cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô, các giám mục, linh mục và phó tế:

Ta hãy cầu xin cho các ngài sống chức vụ của mình như một sự phục vụ và một sự cống hiến không giới hạn.

Cầu cho các Kitô hữu vẫn còn chia rẽ

Ta hãy cầu xin cho việc tưởng niệm Lễ Vượt qua này vang lên lời cầu nguyện nhiệt thành cho sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã dâng lên cùng Chúa Cha.

Cầu cho những người vẫn đang là các tù nhân của tham lam và bạo lực

Ta hãy cầu xin cho nhân loại tái khám phá rằng Chúa đã hiến mình cho mọi người như gương mẫu cho việc theo đuổi con đường phục vụ và bác ái.

Cầu cho tất cả chúng ta

Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta khi chia sẻ bánh từ trời trong bàn tiệc Thánh Thể, thì cũng biết chia sẻ của cải thế gian này với những người đói khát công lý và lòng thương xót.

Đức Hồng Y kết thúc các lời nguyện giáo dân như sau

Lạy Chúa, là tình yêu tuyệt vời, khi cử hành cuộc thương khó của Con Chúa, xin cho chúng con thông phần vào sự Phục sinh của Người, xin cho chúng con xứng đáng là người thừa kế và là thực khách vinh quang trong bữa tiệc vĩnh cửu.

Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con.

Amen.

Phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.

Chúng tôi cũng xin được chấm dứt chương trình nơi đây.