1. Nữ FBI đồng thời là nữ giáo lý viên của tổng giáo phận bị giết gây xúc động mạnh

Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami đã đưa ra một bài giảng lễ xúc động để tuyên dương Laura Schwartzenberger, một đặc vụ FBI 43 tuổi, đã bị giết trong khi theo đuổi một cuộc điều tra về một tên truyền bá nội dung khiêu dâm trẻ em.

Thánh lễ an táng được cử hành vào ngày 6 tháng 2, bốn ngày sau khi Đặc vụ FBI Laura Schwartzenberger, một người mẹ của hai cậu con trai nhỏ, một giáo lý viên của tổng giáo phận Miami, và là một thành viên tích cực của giáo xứ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu ở Parkland, Florida bị bắn chết cùng với Đặc vụ Daniel Alfin.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh sự đau lòng của cộng đồng sau cái chết của Schwartzenberger, người không chỉ cam kết vì sự an toàn của trẻ em thông qua sự nghiệp của mình mà còn dạy giáo lý cho trẻ em tại giáo xứ.

“Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất tới chồng của Laura, Jason, tới hai con trai của họ, Gavin và Damon; chúng tôi cũng xin gửi lời chia buồn đến gia đình của anh Daniel Alfin. Chúng tôi chia sẻ sự đau buồn của họ và sự tiếc thương của cha mẹ, anh chị em và những người có mối quan hệ huyết thống của những công chức đã thiệt mạng khi thi hành công vụ”, ngài nói.

“Nỗi đau của anh chị em rất sâu sắc; và toàn bộ cộng đồng của chúng ta ở đây Nam Florida chia sẻ điều đó với anh chị em - và chúng tôi mong muốn rằng khi chia sẻ điều đó, chúng tôi có thể xoa dịu nỗi đau của anh chị em. Và mặc dù chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi muốn anh chị em biết rằng anh chị em không phải gánh vác nó một mình. Toàn bộ cộng đồng sát cánh với anh chị em và sẽ tiếp tục làm như vậy trong những ngày tới”.

Lúc 6:04 sáng 2 tháng 2, hai Đặc vụ FBI là Laura Schwartzenberger và Daniel Alfin, 36 tuổi, được sự hỗ trợ của 3 cảnh sát viên địa phương quận Sunrise đã mang lệnh khám xét của tòa án đến nhà nghi phạm David Lee Huber để tịch thu computer và các bằng chứng khác. Huber bị nghi là buôn bán các nội dung khiêu dâm trẻ em. Hắn ta nhìn thấy họ qua camera an ninh và đã dùng một khẩu tiểu liên tự động bắn ở cự ly gần khi họ đang gõ cửa nhà y. Vì bất ngờ, Laura Schwartzenberger và Daniel Alfin đều tử trận, trong khi 3 cảnh sát viên địa phương bị thương. Nghi phạm đã dùng súng tự sát.

Đức Tổng Giám Mục Wenski nói rằng trong suốt sự nghiệp của Schwartzenberger, cô đã gặp phải mặt tối của bản chất con người và bảo vệ những người trẻ dễ bị tổn thương khỏi sự xấu xa của những kẻ săn mồi tình dục. Khi nói chuyện với hai con trai của Laura, ngài nói rằng mẹ của họ là một anh hùng thực sự, người kiên quyết theo đuổi thiện.

“Gavin và Damon, mẹ của chúng con là một anh hùng cũng như mọi đặc vụ, mọi thành viên thực thi pháp luật đeo huy hiệu và báo cáo nhiệm vụ. Họ không phải là người nổi tiếng; nhưng họ là những anh hùng.”

“Nhưng trở thành anh hùng không có nghĩa là chúng ta không biết sợ hãi; nó có nghĩa là không để nỗi sợ hãi lấn át chúng ta khiến chúng ta không thể giúp đỡ người xung quanh. Cô và tất cả những người chết trong nhiệm vụ đều là những anh hùng vì đối mặt với cái ác họ đã kiên quyết, kiên quyết bảo vệ và phục vụ thiện ích chung”.

Một buổi lễ tưởng niệm Schwartzenberger cũng được tổ chức tại Miami Gardens vào ngày 6 tháng 2. Trong buổi lễ, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết những câu chuyện về người đặc vụ này nói lên một cuộc đời “quyết tâm, sự cống hiến và lòng dũng cảm”.

Ông cho biết Schwartzenberger gia nhập FBI vào năm 2005 và sau khi tốt nghiệp Quantico, cô đã có gia nhập biệt đội đầu tiên ở Albuquerque. Vào năm 2007, cô trở thành thành viên nữ FBI SWAT đầu tiên của Albuquerque. Ba năm sau, cô chuyển đến Miami và tham gia Đội Điều tra Tội phạm Bạo lực Chống Trẻ em.

“Tôi hiểu rằng Laura là một phụ nữ có đức tin - một người Công Giáo sùng đạo, đã tham dự đều đặn các sinh hoạt tại nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu. Đó là một phần quan trọng trong cuộc đời cô ấy và là một phần của con người cô ấy trong mọi việc cô ấy làm”, ông nói thêm.


Source:Catholic News Agency

2. Biểu tình bạo động bùng lên tại Iraq

Hôm thứ Hai, Vatican đã công bố một lịch trình bận rộn cho chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq. Thật không may là việc công bố lịch trình này trùng với thời điểm bùng phát các cuộc biểu tình khắp cả nước khi người dân Iraq kêu gọi cải cách chính trị.

Iraq trước đây đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình bạo lực vào năm 2011, 2015 và 2018 trong đó những người biểu tình yêu cầu những thay đổi sâu sắc trong ban lãnh đạo chính trị quốc gia mà họ tin rằng đã cho phép tham nhũng phát triển mạnh, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Iraq vẫn chưa thể phục hồi từ sau nhiều năm chiến tranh, khủng bố, lầm than và sự thất bại của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề.

Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình mới đã nổ ra ở nhiều tỉnh ở cả miền trung và miền nam Iraq, trong đó có cả một số cuộc biểu tình bạo động với một số người biểu tình bị thương.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Nasiriyah, miền nam nước này hôm thứ Sáu, ba trong số những người biểu tình đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động.

Trong các cuộc biểu tình, những người tham gia đã chặn một cây cầu chính ở trung tâm thành phố trước khi quay trở lại Quảng trường Habboubi. Vào tháng 10, 2019, Quảng trường Habboubi đã là nơi diễn ra một số cuộc đàn áp tàn bạo nhất.

Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq hiện xếp thứ 162 trên thế giới về tính minh bạch, chỉ khá hơn một số quốc gia bao gồm Somalia, Nam Sudan, Syria, Yemen và Venezuela.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Iraq từ 5 đến 8 tháng Ba, chấm dứt 15 tháng gián đoạn các chuyến tông du bên ngoài Italia của ngài. Tuy nhiên, hy vọng cho chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố kép ở Baghdad vào sáng thứ Năm 21 tháng Giêng làm rung chuyển thủ đô Baghdad.

Các quan chức Iraq cho biết, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 110 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát kép xé nát một khu vực sầm uất ở trung tâm Baghdad vào sáng thứ Năm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Yahya Rasool cho biết một trong hai thủ phạm đã dụ đám đông đến gần mình trong một khu chợ ở trung tâm Quảng trường Tayaran bằng cách giả bệnh té xuống đất và kêu la cầu cứu. Khi đám đông những người tốt bụng đến gần, y kích hoạt chất nổ quấn quanh người.

Rasool cho biết, kẻ đánh bom thứ hai đã tấn công khi mọi người xúm lại giúp đỡ các nạn nhân của cuộc tấn công đầu tiên.

Đây là vụ nổ bom tự sát đầu tiên ở Baghdad kể từ tháng Giêng năm 2018, khi 35 người thiệt mạng và 90 người bị thương tại cùng một quảng trường vừa bị tấn công.


Source:Crux

3. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thay đổi cách dịch câu kết luận các lời cầu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã quyết định rằng trong bản dịch sang tiếng Anh, câu kết luận của các lời cầu trong Sách lễ Rôma, “one God, for ever and ever”, từ nay sẽ là “God, for ever and ever”, nghĩa là bỏ đi chữ “one”.

Quyết định này được đưa ra sau một lá thư được Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích gửi vào tháng 5 năm 2020 cho các Hội Đồng Giám Mục các quốc gia nói tiếng Anh, đề cập đến mối quan ngại về bản dịch tiếng Anh.

Một lưu ý vào ngày 4 tháng 2 từ Ủy ban Phụng Tự của USCCB cho biết việc sửa đổi sẽ có hiệu lực tại các giáo phận của Hoa Kỳ từ ngày 17 tháng 2, Thứ Tư Lễ Tro.

Cho đến nay, câu kết luận của các lời cầu, tiếng Latinh “Deus, per omnia sæcula sæculorum”, đã được dịch sang tiếng Anh là “one God, for ever and ever”.

Thông báo của ủy ban nói rằng Đức Hồng Y Sarah đã nhận xét rằng “trong văn bản Latinh không có đề cập đến chữ ‘one’, và từ ‘Deus’ trong văn bản Latinh đề cập đến Chúa Kitô. Vị Hồng Y Tổng Trưởng đã chỉ ra tầm quan trọng của việc khẳng định chân lý Kitô học này giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo của thế giới ngày nay”.

Ghi chú nói thêm rằng những Sách Lễ tiếng Anh có trước Công đồng Vatican II “phản ánh bản dịch đúng. Nhưng, khi các văn bản hậu công đồng được xuất bản bằng tiếng Anh, từ ‘one’ đã được thêm vào.”

Công thức phổ biến nhất, được sử dụng khi một lời cầu được hướng đến Chúa Cha trước đây là:

“Through our Lord Jesus Christ, your Son, who lives and reigns with you in the unity of the Holy Spirit, one God, for ever and ever.”

Sẽ được sửa lại là:

“Through our Lord Jesus Christ, your Son, who lives and reigns with you in the unity of the Holy Spirit, God, for ever and ever.”

Nghĩa là:

“Nhờ Đức Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.

Sự thay đổi này phù hợp với các Hội Đồng Giám Mục của Anh và xứ Wales, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan, cũng như các lãnh thổ nói tiếng Anh khác.

Sự thay đổi tương tự đã được thực hiện bởi các giám mục Anh và xứ Wales, bắt đầu từ ngày 29 tháng 11 năm 2020.

Nghị định của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales nói rằng “Việc thêm từ ‘one’ vào trước ‘God’ trong câu kết của lời cầu có thể tạo ra hiểu nhầm và có vấn đề. ‘Deus’ - ‘God’ ở đây đề cập đến từ ‘Son’ trước đó và là một khẳng định Kitô học, chống bè rối Ariô, và không trực tiếp đề cập đến Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh này”.

Các ngài nhấn mạnh rằng việc thêm từ ‘one’ vào trước từ ‘God’ “có thể làm giảm giá trị tuyên bố về phẩm giá độc nhất của Chúa Con trong Ba Ngôi”, hoặc “có thể được hiểu là nói rằng Chúa Giêsu là ‘một Thiên Chúa’”

“Một trong hai hoặc cả hai cách giải thích này đều gây tổn hại cho đức tin của Giáo hội.”

Các ngài giải thích thêm rằng từ “one” “có nguy cơ gợi ý rằng Chúa Giêsu đã trở thành một vị thần độc lập với Ba Ngôi Thiên Chúa và là một vị thần trong số rất nhiều vị thần. Những gì chúng ta cầu nguyện cần thể hiện những gì Giáo hội tin tưởng, và đòi hỏi rằng, trong các công thức phụng vụ, chúng ta đề cao giáo lý về Chúa Ba Ngôi”.

Tụng thức Ba Ngôi Thiên Chúa trong câu kết thúc “nhấn mạnh đến thần tính của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng với tư cách là Con Nhập thể, thay mặt chúng ta cầu bầu với Chúa Cha... do đó, vai trò trung gian tư tế cầu thay nguyện giúp của Chúa Con được làm rõ.”

Ghi chú giải thích cho biết tụng thức này đã được sử dụng vào thế kỷ thứ tư “như một phương tiện để chống lại tà giáo Ariô,” cho rằng Chúa Giêsu Kitô đã trở thành Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa hằng có đời đời.

Hơn nữa, ghi chú cho biết thêm, từ “một” không được sử dụng trong các bản dịch của câu kết luận các lời cầu bằng tiếng Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha: “Do đó, bản dịch tiếng Anh có sự khác biệt với bản dịch của các nhóm ngôn ngữ chính khác.”

Bản giải thích của các giám mục Anh và xứ Wales nói rằng “vì việc thêm từ ‘one’ có thể tạo ra các cản trở cho lời cầu nguyện và do đó ảnh hưởng đến niềm tin, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã phán quyết rằng nó không còn được sử dụng trong việc dịch các bản văn Latinh sang tiếng Anh nữa.”

USCCB đã phê duyệt các bản dịch mới của các phần trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, một bản dịch mới của Sách Lễ Rôma đã được thông qua vào năm 2011.
Source:Catholic News Agency

4. Tiến sĩ George Weigel: Chúng ta đang rơi ngược từ thời Kitô Giáo về thời các Tông đồ

Sau thời kỳ khó khăn ban đầu, mà lịch sử Giáo Hội gọi là “Apostolic times” - thời các Thánh Tông đồ - chúng ta bước sang thời kỳ “Christendom times” - thời Kitô Giáo - trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà đa số dân chúng tán thành tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp truyền bá trung thành đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 10 tháng Hai, 2021 với nhan đề “From Christendom Times to Apostolic Times”, nghĩa là “Từ thời Kitô Giáo đến thời các Tông đồ”. Ông cho rằng chúng ta đang sống trong một không khí văn hóa thù địch với đức tin, đến mức có lẽ chúng ta đang rơi ngược trở lại thời sơ khai, chập chùng các khó khăn của Giáo Hội.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi toàn văn bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Vi.

Ba mươi năm trước, vào ngày 22 tháng Giêng năm 1991, thông điệp thứ tám của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, nghĩa là Sứ vụ của Đấng Cứu Thế, được công bố. Trong một triều đại giáo hoàng giàu ý tưởng đến nỗi giáo huấn của triều đại này chỉ mới bắt đầu được tiêu hóa, Redemptoris Missio nổi bật như một kế hoạch chi tiết cho tương lai Công Giáo. Các phần sống động của Giáo hội trên thế giới đang sống viễn tượng môn đệ truyền giáo mà thông điệp mời gọi chúng ta. Những phần đang hấp hối của Giáo hội trên thế giới vẫn chưa nhận được thông điệp, hoặc hiểu sai, hay đã từ chối thông điệp này — đó là lý do tại sao họ đang chết dần.

Redemptoris Missio đã đặt ra một thách thức thẳng thắn và ghê gớm đối với những người Công Giáo sống tà tà thoải mái: Hãy nhìn xung quanh các bạn và hãy nhận ra rằng thời của chúng ta là thời kỳ tông đồ, không phải thời kỳ Kitô giáo. Thời kỳ Kitô giáo, Christendom, như Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã nói vào năm 1974, đã kết thúc.

“Christendom” nghĩa là một tình huống trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà họ tán thành giúp truyền bá “đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ” (Gđ 1: 3). Những nơi như thế tồn tại trong ký ức sống động; Tôi lớn lên trong những khoảnh khắc cuối cùng, thoáng qua của một, trong các nền văn hóa Công Giáo đô thị của những năm 1950 ở Baltimore. Hình thức “Christendom” đó bây giờ đã biến mất từ lâu. Trên khắp thế giới phương Tây ngày nay, không khí văn hóa mà chúng ta hít thở không truyền tải đức tin và cũng không trung lập về đức tin; đó là thứ không khí văn hóa thù địch với đức tin. Và khi sự thù địch đó chiếm được đỉnh cao chỉ huy của nền chính trị, nó sẽ ráo riết tìm cách gạt đức tin ra bên lề. Chẳng hạn, đó là điều xảy ra khi các chính phủ tìm cách áp đặt LGBTQ và tư tưởng giới tính lên xã hội bằng cách trừng phạt những người, vì lý do niềm tin, không chịu khuất phục trước quan niệm có hại về tính tuỳ tiện vô hạn của con người - ý tưởng Kinh Thánh và Kitô Giáo về con người bị hình sự hóa. Những người tưởng tượng ra rằng “điều đó làm sao có thể xảy ra ở đất nước này” nên đọc Sắc lệnh hành pháp về “bản sắc giới tính” do ông Biden ký vài giờ sau khi ông nhậm chức Tổng thống.

“Thời các Tông đồ” mời gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai, được mô tả một cách sống động trong Tông đồ Công vụ. Ở đó, chúng ta thấy những người bạn của Chúa Phục Sinh bùng cháy với lòng say mê truyền giáo. Các “tin mừng” mà Chúa Giêsu tuyên bố trước khi chết đã được xác nhận qua sự phục sinh của Người từ trong cõi chết và qua những lần xuất hiện của Người với các bạn bè trong nhân tính đã được chuyển hóa, và tôn vinh của Người. Đây không phải là tin mừng cho một số ít người được chọn; đây là một tin mừng cần được chia sẻ với mọi người.

Vì vậy, một loạt những người vô danh tiểu tốt, sống bên lề của một thế giới tự tưởng tượng mình là văn minh, đã bất ngờ xuất hiện để chuyển đổi thế giới đó sang một thế giới đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô là Chúa của họ. Họ phải đối mặt với sự chế giễu; một số nghĩ rằng họ say rượu, họ “đầy rượu rồi” (Cv 2:13). Những người khác coi họ là những người nói lảm nhảm, như Thánh Phaolô đã nhận ra trên đồi Areopagus của thành Nhã Điển (Cv 17:18). Vẫn còn những người khác cho rằng họ điên rồ, như khi thống đốc La Mã Phét-tô hét lên với Phaolô, “Ông Phaolô, ông điên mất rồi! Ông hay chữ quá nên hoá điên” (Cv 26:24). Nhưng các Tông đồ vẫn kiên trì. Các ngài đã thể hiện một cách sống khiêm tốn hơn, nhân ái hơn. Một số đã chết như những vị tử vì đạo. Và đến năm 300 sau Chúa Giáng Sinh, họ đã cải đạo một phần đáng kể đế quốc La Mã sang niềm tin vào Chúa Kitô.

Trong thời kỳ Kitô giáo, một “nhà truyền giáo” là người rời khỏi vùng thoải mái về văn hóa và đi rao giảng Tin Mừng ở nơi mà trước đây người ta chưa từng nghe thấy. Thông Điệp Redemptoris Missio dạy rằng vào thời các Tông đồ, mỗi người Công Giáo là một nhà truyền giáo đã được giao nhiệm vụ “ra đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Trong thời các Tông đồ, “lãnh thổ truyền giáo” không phải là một điểm du lịch xa lạ; nó ở khắp mọi nơi. Lãnh thổ truyền giáo ở ngay bàn nhà bếp, khu phố, và nơi làm việc; sứ mệnh truyền giáo mở rộng đến cuộc sống của chúng ta trong tư cách là những người tiêu dùng và các công dân. Giáo dân, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, có một nghĩa vụ đặc biệt là trở thành những người truyền giáo cho văn hóa, kinh doanh và chính trị, vì chứng tá của giáo dân ở những địa điểm đó có uy tín đặc biệt.

Là một Giáo hội gồm các môn đệ truyền giáo, chúng ta phải sử dụng phương pháp tự nguyện, tự do, không áp đặt. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp Redemptoris Missio, được in nghiêng những lời của mình để nhấn mạnh rằng “Giáo hội đề xuất; Giáo Hội không áp đặt gì cả”. Nhưng chúng ta phải đề xuất, chúng ta phải mời gọi, chúng ta phải làm chứng cho ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã được ban tặng — đó là tình bạn với Chúa Giêsu Kitô và sự kết hợp vào nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội. Như chính Chúa đã nói trong Mt 10: 8, vì chúng ta đã nhận được cách nhưng không, nên chúng ta phải trao ban một cách cách nhưng không.

Giáo Hội Công Giáo của thế kỷ 21 đang được kêu gọi chuyển từ thế thủ sang truyền giáo, có nghĩa là phải chuyển đổi các tổ chức của chúng ta thành bệ phóng cho việc truyền giáo. Bản lĩnh tư cách môn đệ của chúng ta sẽ được đo lường bằng cách chúng ta đáp lại lời kêu gọi là tiến ra chia sẻ ân sủng mà chúng ta đã được chúc phúc.
Source:First Things