Bài Chia Sẻ Cảm Nghiệm Về Sự Hiển Linh Của Đức Mẹ Tại Trà Kiệu.

(Bài thuyết trình trong buổi hội thảo chuyên đề về Đức Mẹ Trà Kiệu, với tước hiệu “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, do Giáo phận Đà Nẵng tổ chức, tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, ngày 23-11-2020)

-Chúng con xin kính chào quý Đức Cha, quý Cha TĐD, quý Cha Giám đốc, quý cha và quý thầy.

-Chúng con xin kính chào quý Mẹ Bề trên, quý nữ tu,

-Xin kính chào quý Đại diện các giáo xứ và quý khách mời

Kính thưa quý Đức Cha, qúy cha và quý vị.

-Chúng con thật may mắn, được sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Trà Kiệu linh thiêng này, với một cảnh quan thôn dã thanh bình và xinh đẹp: có núi đồi, có sông suối. Trà Kiệu, trước đây là kinh đô huy hoàng, một thời vàng son của Chiêm Quốc.

“Điện các huy hoàng, trong ánh nắng.

Đền đài tuyệt mỹ, dưới trời xanh”.

-Chúng con cũng rất vui mừng và sung sường là được thừa hưởng một di sản đức tin vô cùng quí báu, đó là Thiên Chúa qua tay từ mẫu của Mẹ Maria, đã cứu giúp tổ tiên chúng con khỏi bị Văn Thân hủy diệt. Nhờ đó mà các thế hệ con cháu chúng con mới có cơ hội được tiếp nối mạch sống đức tin của cha ông ngày trước.

-Đặc biệt là chúng con đang được sống trong hồng ân Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu lần đầu tiên, mà chúng con hằng mong ước. Hôm nay, chúng con lại được tham dự cuộc Hội thảo chuyên sâu về Đức Mẹ Trà Kiệu, sau 135 năm Đức Mẹ đã hiển linh tại đây, để đón nghe những bài chía sẻ chuyên sâu, uyên bác về Đức Mẹ Trà Kiệu, với chuyên đề “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”.

-Chúng con cũng rất hân hoan, là được BTC Hội thảo cho phép chúng con, với tư cách là người con của Trà Kiệu, được chia sẻ một vài cảm nghiệm về người Mẹ rất kính yêu của chúng con, Đức Mẹ Trà Kiệu, trước khi cuộc hội thảo chính thức đi vào phần nội dung chính.

Kính thưa quý Đúc Cha, quý cha và quý vị.

Trước hết

I. TỔ TIÊN CHÚNG CON NGÀY ẤY, QUA SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CHA QUẢN XỨ BRUYÈRE (Cố Nhơn), ĐÃ HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG VÀ PHÓ THÁC VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ Đức Mẹ MARIA

Như chúng ta đã biết, xế trưa ngày 01 tháng 9 năm 1885 quân Văn Thân ồ ạt kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu.

Chiều ngày 02 và 03 tháng 9 năm 1885, giáo dân Trà Kiệu hầu như tuyệt vọng và buông xuôi, vì họ biết chắc rằng Trà Kiệu không thể nào chống cự lại lực lượng hùng hậu, đông đúc với vũ khí đầy đủ của quân lính Văn Thân. Nên họ xin Cha quản xứ ban các phép sau hết rồi chờ chết. Chính trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, Cố Nhơn đã chạy đến cùng Mẹ Maria, Người Mẹ đã nhiều lần cứu giúp Cha, để cầu xin Mẹ thương cứu giúp giáo dân, giáo xứ. Cha đã thiết lập một bàn thờ Mẹ ngay tại nhà xứ, để cho mọi người đến cầu khẩn cùng Mẹ. Họ chỉ còn biết cậy trông và phó thác vào Chúa và Mẹ. Trong khi những người trai trẻ đi giao chiến thì những người già trẻ em, ở nhà đọc kinh lần chuổi, để tha thiết cầu xin Chúa và Mẹ giúp đỡ.

Mỗi khi ra trận, họ đều đến trước bàn thờ Mẹ để cầu xin ơn trợ giúp và phó thác mọi sự cho Chúa và Mẹ; và khi cuộc giao chiến kết thúc họ đều quay về quì gối tạ ơn Mẹ, với vũ khí đôi khi còn dính đầy máu me.

Và rồi cứ mỗi lần bắt đầu xuất quân giao chiến với quân Văn Thân, giáo dân Trà Kiệu lại đồng thanh kêu cầu danh Ba Đấng đến cứu giúp họ :

“Hè hè. Giêsu Maria Giuse. Thương chúng con. Che chở chúng con.”

Ngay cả lúc tuyệt vọng, vì thấy không thể nào tự vệ được nữa, họ không chạy trốn, không chối bỏ đức tin, mà tập trung về nhà thờ để được chết bên Chúa, chết vì Chúa, hay nói khác đi là được phúc tử vì đạo.

Tất cả những điều đó, đã nói lên niềm tin mãnh liệt của tổ tiên chúng con trong cơn giáo nạn. Họ đã hoàn toàn cậy trông vào Chúa và Mẹ Maria.

Điều thứ hai là

II. SỰ HIỂN LINH CỦA Đức Mẹ TẠI TRÀ KIỆU LÀ MỘT GIA SẢN ĐỨC TIN CỦA CON CÁI MẸ TRÀ KIỆU.

Chính vì lòng tin mãnh liệt vào sự quan phòng của Thiên Chúa và Mẹ Maria của Giáo xứ Trà Kiệu, và sự cầu xin thiết tha trong cơn giáo nạn, mà Chúa đã chạnh lòng thương, đã cho Mẹ và các Thiên Thần đến cứu giúp ông bà tổ tiên chúng con khỏi bị tàn sát, hủy diệt.

Sự hiển linh của Mẹ không phải là truyền thuyết, hay chỉ là truyền khẩu, mà là chính sử, là tín sử, được ghi chép một cách cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, trung thực và trách nhiệm. Điều này không ai có thể chối cãi được. Và cũng nhờ đó mà chúng ta biết được đầy đủ về sự hiển linh của Mẹ.

1/ Trước hết là chúng ta biết rõ và chính xác về nơi chốn và thời gian Đức Mẹ đã hiện ra.

Chính Đức Mẹ đã hiện ra trên nóc ngôi nhà thờ này, nơi chúng ta đang hiện diện đây, vào các ngày 10 và 11 tháng 9 năm 1885. Đây là địa điểm Mẹ đã hiện ra. Địa điểm thì không thay đổi nhưng nhà thờ thì đã thay đổi. Ngôi nhà thờ khi Đức Mẹ hiện ra là do Cố Lợi (Galibert) xây dựng năm 1870. (Rộng 17m, kể cả 2 bên hông, và dài 38m). Sau biến cố Văn Thân được 4 năm, thì Cố Nhơn trùng tu lại cho kiên cố và trang hoàng cung thánh rực rỡ hơn, đẹp đẻ hơn. Cố Nhơn cho xây thêm gian tiền đường phía trước (6m) và 2 cây tháp 2 bên. Đến năm 1971 Cha Phê rô Lê Như Hảo triệt hạ ngôi nhà thờ củ và xây dựng ngôi nhà thờ 2 tầng như hiện nay. Tuy nhiên 2 cây tháp 2 bên thời cố Nhơn vẫn còn giữ nguyên, như chúng ta thấy đó.

2/ Thứ hai là các chứng từ lịch sử đã cho chúng ta biết chắc rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại Trà kiệu.

-Trước hết là lời chứng của quân Văn Thân

Quân Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn đã trông thấy Mẹ một cách tỏ tường, và từ đồi Kim Sơn họ đã kêu lên “MỘT BÀ ĐẸP, MẶC ĐỒ TRẮNG, ĐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ”.

-Thứ hai là chính Cố Nhơn (Cố Bruyère), Cha quản xứ Trà Kiệu

Cố Nhơn, là một nhân chứng trong cuộc, là cha quản xứ Trà Kiệu, là linh hồn của cuộc chiến tự vệ, tuy khiêm tốn nhưng Cha đã quả quyết về việc Đức Mẹ hiện ra. Với năng quyền và trách nhiệm đòi buộc, Cha đã trung thực viết thư trình báo cho Tòa Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn rằng:

“Đối với con, thú thật là con không được thấy phép lạ, nhưng điều làm con tin chắc chắn đó là phép lạ và chỉ có phép lạ thôi, là nhà thờ, nhà xứ đã thoát khỏi sự tàn phá ghê gớm của đại pháo, chỉ đặt cách đó chừng vài chục mét và bắn trực xạ vào nhà thờ, nhà xứ” (11) Compte rendu, Octobre 1886. Thư Cố Nhơn (Bruyère) đệ trình về Tòa Giám mục Qui Nhơn.

-Thứ ba là CỐ GEFFROY.

Cố Geffroy đã đến Trà Kiệu ngay sau khi cuộc giao chiến kết thúc để điều nghiên một cách tường tận, tỉ mỉ và chính xác, Cố đã viết rằng:

“Có Phải Đức Trinh Nữ đã hiện ra hay không? Tôi không dám loan báo một sự hệ trọng như thế. Nhưng điều chắc chắn là quân Văn Thân, trong hai ngày này (10 & 11), họ không ngừng lặp đi lặp lại rằng: họ đã thấy một người đàn bà đứng trên nóc nhà thờ. Lúc thì họ kính trọng bà và gọi là MỘT BÀ ĐẸP, MẶC ĐỒ TRẮNG, lúc thì họ nguyền rủa, tức giận vì không sao bắn trúng bà.”

Và Cha xác quyết rất nhiều lần trong bản tường trình của Cha gởi cho Hội Thừa Sai Paris.:

“Phần con, con xác tín rằng: quân Văn Thân trong suốt hai ngày liền,(10 và 11) họ không ngừng lặp đi lặp lại rằng: Họ thấy một người đàn bà đứng trên nóc nhà thờ” (Une page de la persécution en Cochinchine)

Chúng ta biết rằng, Nhà thờ chỉ cách đồi Kim Sơn chừng 80 mét. Ngày đó cảnh quan thôn dã thật thanh bình, không khí trong lành không có tạp chất, không có tiếng ồn tiếng động như thời kỳ công nghiệp hiện đại ngày nay, nên âm thanh được truyền đi rất xa. Những lời kêu réo của Văn Thân trên đồi Kim Sơn thì giáo dân và Cha xứ đều nghe rất rõ; Ngược lại, giáo dân than khóc, kêu van thì họ cũng nghe rõ mồn một.

Còn tầm nhìn từ đồi Kim Sơn xuống nhà thờ thì quá gần, quang cảnh lúc đó còn thoáng đãng, không có gì che chắn, nên quân Văn Thân đã trông thấy Mẹ đứng trên nóc nhà thờ quá rõ ràng. Chính Cố Nhơn phải cạo râu và cải trang, thế mà Văn Thân trên đồi Kim Sơn vẫn nhìn thấy và phát hiện ra ngài.

-Thứ tư là một cựu võ quan xạ thủ đại bác thiện nghệ

Trong các khẩu đại pháo có một khẩu đường kính rất lớn, và đặt rất gần, khoảng 50,60 mét, đã bắn hàng trăm quả đại bác vào nhà thờ, nhưng chỉ bắn trúng nhà thờ có một quả, và trúng vào cái hoa thị nhỏ ở phía sau bàn thờ, còn tất cả đi quá cao. Nhưng đó không phải là vì nhắm không chính xác, xạ thủ là một cựu võ quan thiện nghệ, rất quen xử dụng đại bác. Ông ta đã thú nhận sau đó rằng :

“Muốn nhắm bắn một bà đẹp mặc đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ, mà tất cả đều đi quá cao, trừ có một quả.”

Cha Geffroy còn viết tiếp :

“Tại đây không phải chỉ có một dấu lạ như thế, mà người ta cũng đã nghe đến nhiều dấu lạ tương tự. Tôi muốn nói đến “Đạo quân trẻ em”, một đạo quân mặc áo trắng hay đỏ, tiến đến như một đạo quân hùng dũng, chống lại với Văn Thân. Đã hơn một lần quân Văn Thân kêu lên rằng: Họ không chỉ đánh với người Công Giáo mà còn đánh với hàng ngàn trẻ em đến tiếp ứng khi giáo dân xuất trận. Các em này đến từ trời cao và xuống dọc theo lũy tre khi người Công Giáo xuất hiện”.

-Thứ năm là những chứng từ của lương dân.

Khi cuộc giao tranh lùi sâu vào dĩ vãng, cuộc sống giao lưu giữa giáo xứ và lương dân chung quanh đã trở lại những ngày thân thiết ban đầu, vì cùng là anh em ruột thịt, cùng chung 13 vị Thủy Tổ thời đi khai hoang lập ấp, thì lúc đó các vị cao niên ở các làng chung quanh, mới kể lại rằng:

- Theo các cụ thân sinh thì:

“Lẽ ra quân ta đã tràn vào tận diệt hết làng Trà Kiệu một cách dễ dàng, đạp lên cũng chết hết. Nhưng hình như Cố đạo dùng pháp thuật “Rấm đậu thành binh” khiến xuất hiện vô số âm binh đánh lại quân ta”. Các cụ thân sinh còn cho biết: “các âm binh đó đều là con nít, cầm thanh bạc bay phất phới đánh vào đầu nghĩa quân, khiến bị thương không ít, rồi hàng ngũ hỗn loạn, sợ hãi, xô đẩy, đạp lên nhau chạy thoát”.

m binh đó là ai? Chắc chúng ta đã biết; Đó chính là các đạo binh Thiên Thần mà Chúa và Mẹ cho xuất hiện để cứu nguy giáo xứ, chứ cha cố nào có thuật rấm đậu thành binh như các thầy phù thủy.

- Người khác lại kể rằng: bậc tiền bối của mình, là người trực tiếp tham chiến trong đoàn quân Văn Thân vì bị ép buộc, đã kể lại rằng : Không biết bên Công Giáo có câu thần chú gì mà nghe như “tre tre”. Mỗi khi họ lâm trận họ hô vang, làm người nghe lạnh xương sống, sợ hãi và chỉ muốn chạy thôi. Ngược lại thì người bên giáo khi hô như vậy, họ lại phấn kích, hùng dũng xông thẳng vào Văn Thân mà không sợ hãi chút nào, làm quân Văn Thân hoảng sợ bỏ chạy, mặc dù chỉ huy của họ gào thét, ngăn chận họ lại.

Đây chính là lời kêu cầu Ba Đấng hỗ trợ, mỗi khi giáo dân Trà Kiệu bắt đầu giao chiến : “Giêsu Maria Giuse, hè hè, xin thương chúng con, che chở chúng con”, mà họ không hiểu, chỉ nghe âm như “tre tre” thôi.

- Có người lại cho biết rằng : sau 2 ngày bắn đại pháo ồ ạt dữ dội xuống nhà thờ nhà xứ, nhưng không hư hại gì cả và có bóng dáng một người đứng trên nóc nhà thờ, thì hầu hết quân Văn Thân lần lượt đào ngũ, vì họ nghĩ là Trà Kiệu có tiên thánh phù trợ, không thể đánh được.

- Và Tú Quỳ cũng đã làm 1 bài vè đánh đạo, nói lên sự thất bại của Văn Thân.

-Thứ sáu là MỘT SỰ THẬT HIỂN NHIÊN

Ngoài các chứng từ lịch sử, chứng từ lương dân, chúng ta còn có một sự thật hiển nhiên, mà không ai chối cãi được. Không có một thiên tài quân sự nào có thể bảo rằng :Trà Kiệu tự sức mình đã chiến thắng được quân Văn Thân đông đảo, vũ khí đầy đủ, chỉ huy tài giỏi, với quyết tâm dốc toàn lực để tận diệt, dù phải kéo dài gần tháng trời. Có thể nói: thất bại của Văn Thân, hay nói ngược lại, chiến thắng của Trà Kiệu, đó là một phép lạ tỏ tường, không nói khác được..

Bây giờ chúng ta hãy so sánh tương quan lực lượng của 2 bên, để nhận ra một sự thật hiển nhiên: là nếu không có sự quan phòng chở che của Thiên Chúa qua sự hiển linh của Mẹ Maria, giáo hữu Trà Kiệu, làm sao thoát khỏi sự hủy diệt của Văn Thân.

VỀ QUÂN SỐ.

- Bên Văn Thân: có khoảng 8 đến 10 ngàn chiến binh, trong đó có nhiều quân lính chuyên nghiệp và do những cựu quan chức thiện nghệ chỉ huy như Đô đốc Chưởng Thủy Tý. Tướng Ông Ích Thiện (Con tướng Ông Ích Khiêm), Soái Quách Đồng (Đại Lộc) và nhiều tướng khác.

- Bên Giáo xứ Trà Kiệu lúc đó chỉ có 370 nam nhơn có thể cầm vũ khí để tham chiến (tuổi từ 16 đến 60) và được chia ra làm 7 đội. Bên cạnh đó Trà Kiệu có độ 500 đến 600 phụ nữ, được xếp vào đội dự bị (đội 8). Tất cả là nông dân, không ai biết chiến đấu, chỉ trừ ông Đội Phổ, đã có một thời gian phục vụ binh nghiệp tại triều đình nhà Nguyễn với cấp bậc Đội trưởng, nên người ta quen gọi ông là Đội Phổ.

VỀ KHÍ TÀI:

- Văn Thân có Thần công, đại bác, Voi trận, Súng hỏa mai. Lại thêm giáo mác, thuốc nổ.

- Trà Kiệu chỉ có: 4 khẩu súng nạp hậu và mỗi cây chỉ có 10 viên đạn, với 5 khẩu súng bắn đá do Cố Thiên nhường lại, và một khẩu súng hỏa mai. Thêm vào đó giáo dân đã tự rèn một số giáo mác để tự vệ.

VỀ CHIẾN TRẬN :

- Bên Văn Thân mở 18 cuộc tấn công với nhiều thế trận, chiến thuật khác nhau, như Hỏa công, Đại pháo, Lăn khiên, Voi chiến, Chà chươm, tấn công kết hợp hỏa lực (đại pháo)… do nhiều tướng tài chỉ huy, nhưng đều thất bại.

- Còn Trà Kiệu liều mạng mở 2 cuộc tấn công để tìm sự sống và đều chiến thắng.

VỀ TỔN THẤT.

- Sau 21 ngày đêm giao chiến, tổn thất của quân Văn Thân thì không thể nào biết chính xác được, nhưng có thể nói mà không sợ lầm là số tử thương phải trên 300 người, trong đó có Đô Đốc Chưởng Thủy Tý, hai tướng soái trong đó có soái Quách Đồng, thuộc Quách tộc Đại Lộc. Văn Thân mất 14 khẩu đại bác lớn nhỏ, vài chục súng hỏa mai, súng hiệp và một kho đạn dược, một kho gạo

- Trà Kiệu thiệt mất 15 người trực tiếp tham chiến, và 25 người do tạc đạn bên ngoài cuộc giao chiến.

Và một điều mà chúng con thường hay tự hỏi :

Đức Mẹ HIỆN RA TẠI TRÀ KIỆU ĐỂ LÀM GÌ?

Cứ mỗi lần Mẹ hiện ra, Mẹ đều mang đến cho con cái nhân loại một Sứ Điệp nào đó. Như ở Fatima, Mẹ đã trao cho nhân loại 3 mệnh lệnh Fatima. Còn ở Trà Kiệu, Mẹ hiện ra để làm gì?

Trước hết tổ tiên chúng con ngày ấy đã xác tín rằng : Mẹ hiện ra là

-ĐỂ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU.

Trong 2 ngày đầu, ngày 2 và 3 tháng 9 năm 1885 giáo dân Trà Kiệu hoàn toàn tuyệt vọng và buông xuôi. Họ quá khiếp hải và cầu xin cha quản xứ trao ban những bí tích cuối cùng, để họ tập trung lại trong nhà thờ chờ Văn Thân đến tàn sát. Họ chỉ muốn chết tại nhà thờ, chết có Chúa, chết vì Chúa chứ không muốn chết ở nơi nào khác. Dù hãi hùng tuyệt vọng nhưng họ vẫn tin tưởng và phó thác cho Chúa và Mẹ Maria, không chối bỏ đức tin, không chạy trốn, nên đã chạm đến lòng thương xót của Chúa, và Chúa đã cho Mẹ đến để PHÙ HỘ cho họ. cứu giúp họ khỏi bị tàn sát dã man,

Vì thế, sau biến cố, giáo dânTrà Kiệu mới xây cất Đền Mẹ Bửu Châu để dâng kính cách riêng cho Mẹ với tước hiệu “Beatrix Maria auxilium christianorum”(Đức Bà phù hộ các giáo hữu), để cám tạ tri ân, để nhắc nhở con cháu muôn đời không quên ơn Mẹ. Và đúng như vậy, biết bao phen Mẹ đã cứu giúp con cái Trà Kiệu của Mẹ. Từ Văn Thân 1885 rồi trải qua biết bao biến cố vật đổi sao dời, như năm tản cư 1947, năm Mậu Thân 1968, năm Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu 1971, năm Giải phóng 1975…biết bao nguy khó đỗ xuống trên con cái Trà Kiệu của Mẹ, tưởng chừng không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, nhưng Mẹ vẫn chở che, vẫn gìn giữ tai qua nạn khỏi, Mẹ luôn phù hộ các giáo hữu, cho giáo xứ Trà Kiệu được trường tồn.

Thứ đến là chúng con nghĩ Mẹ hiện ra

-ĐỂ CẢM THƯƠNG ANH CHỊ EM LƯƠNG DÂN.

Một số nơi khi Mẹ hiện ra, Mẹ cho con cái Mẹ được nhìn thấy, và được nghe lời Mẹ trao truyền. Nhưng ở Trà Kiệu thì khi hiện ra, Mẹ chỉ cho anh em lương dân được nhìn thấy, Mẹ quay về phía lương dân, mặc dù Mẹ cũng không nói gì với họ. Dù họ bắn đại pháo ồ ạt, tấn Công Giáo dân dữ dội, nhưng Mẹ không quở trách, không tức giận, nét mặt vẫn hiền từ, độ lượng, nhân ái, như có ý muốn nói với anh em lương dân rằng: đừng giết hại những người anh em vô tội. Tất cả là anh em, là con một Cha trên trời. Chính anh em lương dân đã được thấy Mẹ đứng trên nóc nhà thờ, và họ gọi với sự kính trọng : “Một Bà Đẹp, Mặc Đồ Trắng”.

Và Mẹ đến còn

-ĐỂ BÊNH VỰC CHO SỰ THẬT VÀ CÔNG LÝ.

Sự hiển linh của Mẹ tại Trà Kiệu còn muốn minh định với chúng ta, với mọi người rằng: Nếu chúng ta tin tưởng phó thác và kêu cầu thì Mẹ sẽ giúp cho chúng ta chiến thắng sự dữ, chiến thắng dối trá, cho dù chúng ta yếu đuối, thiếu thốn mọi bề. Cuối cùng thì Sự thật và Công lý sẽ được thực thi, sẽ được sáng tỏ. để xóa tan bất công…

Kính thưa quý Đức Cha, quý Cha và quý vị.

Vì nhận biết hồng ân Chúa qua tay Mẹ rất đổi lớn lao, nên cha ông chúng con ngày trước, khi biến cố qua đi, đã thực hiện nhiều công trình để muôn đời ghi nhớ ơn Chúa và Mẹ.

-Trước hết là

-TRÙNG TU NGÔI THÁNH ĐƯỜNG NƠI MẸ ĐÃ HIỆN RA CHO THẬT XỨNG ĐÁNG.

Để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phù trì đặc biệt của Thiên Chúa qua bàn tay nhân lành của Mẹ Maria, cũng như để cho con cháu muôn đời về sau nhớ mãi Hồng n cao cả này, Cố Nhơn và giáo dân Trà Kiệu đã chuẩn bị trong 4 năm để trùng tu lại ngôi Thánh Đường, nơi mà Mẹ đã hiện ra, một cách trang trọng bề thế hơn, xứng hợp với hồng ân cao cả là Mẹ đã đến viếng thăm. Công trình bắt đầu thi công từ năm 1889 cho đến năm 1892 mới hoàn thành

Ngôi nhà thờ được trùng tu, trang trí Cung Thánh và xây thêm tiền đường với 2 tháp chuông 2 bên. Nhà thờ được dâng kính cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria.

-Thứ hai

-XÂY THÁNH ĐƯỜNG ĐƯỜNG KÍNH CÁCH RIÊNG CHO Đức Mẹ

Sau khi trùng tu ngôi thánh đường nơi Mẹ đã hiện ra cho bề thế tráng lệ hơn, Cố Nhơn và Giáo xứ Trà Kiệu lại ước mong xây dựng một ngôi nhà thờ khác để dâng kính cách riêng cho Đức Mẹ với tước hiệu: “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Nhưng vì quá nghèo nên mãi đến năm 1898 (tức 13 năm sau), thì ước vọng đó mới thành hiện thực. Ngôi nhà thờ dâng kính Đức Mẹ, được làm bằng gỗ, bé nhỏ và đơn sơ, và xây dựng ngay trên đồi Bửu Châu, mà trước đây chúng con gọi là nhà thờ núi,

Thứ ba là

- TRAO TRUYỀN NIỀM TIN VÀ LÒNG BIẾT ƠN CHO CON CHÁU QUA TRUYỀN KHẨU.

Tổ tiên chúng con ngày trước không có đầy đủ tri thức và phương tiện như ngày nay, nên các vị đã dùng phương thế cổ truyền là “truyền khẩu” để trao truyền lại cho con cháu chúng con, cái gia sản đức tin và hồng phúc, mà Chúa và Mẹ đã ban cho Trà Kiệu ngày ấy, bằng phương cách, “Kể chuyện”. Những lúc đông người, những khi có điều kiện là cha ông chúng con “kể chuyện xưa”, “kể chuyện Đức Mẹ hiện ra” “Kể chuyện đánh với Văn Thân”…và cứ thế, cha truyền cho con, con truyền cho cháu… để muôn đời không quên hồng phúc lớn lao này. Vì thời gian có hạn, chúng con không thể trình bày đầy đủ về biến cố 1885, xin quí vị có thể tìm đọc thêm trong tập sách Linh địa Trà Kiệu và tập Đi tìm Đức Mẹ Trà Kiệu.

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, và trong giờ phút đặc biệt này, chúng con xin dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria, các Thiên Thần lời cám tạ tri ân. Chúng con cũng không quên đâng lên các bậc tổ tiên Trà Kiệu những tâm tình biết ơn. Chúng con nguyện sống theo tinh thần cậy trông và tín thác vào Chúa và Mẹ của các ngài. Chúng con cũng xin cám ơn BTC đã góp công góp sức “Cao rao danh Mẹ Trà Kiệu” qua cuộc Hội thảo đặc biệt này.

Cuối cùng, chúng con xin cám ơn quý Đức Cha, quý Cha và tất cả quý vị đã lắng nghe những tâm tình chia sẻ của chúng con.

Chúng con trân trọng kính chào.

Giuse Maria Duy Trà Phạm Cảnh Đáng,

Người con của Trà Kiệu