Tranh sơn dầu Nguyễn Anh


Dẫn truyện: Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, miền Nam Judea. Vào năm thứ nhất Công Nguyên, Judea dưới quyền bảo hộ của đế quốc La Mã… Thời đó hoàng đế Augustus ban hành lệnh kiểm tra dân số trong toàn cõi Rôma. Theo như sắc lệnh, mọi người phải quay về ghi danh tại nguyên quán…

Một tháng rồi, thôn Cái Mì bình thường hoang vắng bỗng dưng khua vang tiếng bước chân của nhiều người lạ mặt. Dân Cái Chôm thôn bên nhìn vào Cái Mì, ngạc nhiên hỏi,

— Ủa! Họ từ đâu tới vậy?

Người Cái Mì cộ mắt, nhổ nước miếng, chửi thề ròn tan,

— Mẹ kiếp! Ở đâu mà chui ra! Dân Cái Mì đấy…

— Cha nội, giỡn hoài! Nhìn đâu giống dân Cái Mì… Mà mần chi lại kéo tới đây?

Người Cái Nhôm hạ giọng, nói nho nhỏ,

— Tính lập hội kín à?

Người Cái Mì xụ mặt, bỏ đi thẳng một nước,

— Ông nội! Thần khẩu hại xác phàm bây giờ! Mơi thấy xác ở bãi bắn Cái Chôm thì đừng có than!

Đúng như lời than phiền của dân Cái Mì. Khách lạ mặt nguyên gốc Cái Mì! Nhưng nói tiếng Cái Mì tuồng như người lớn nói ngọng hoặc con nít nói đớt. Sáng, đặt chân tới thị trấn. Chiều, hoàng hôn, khách kéo tới mấy quán nhậu. Hết tốp này đến tốp khác. Thôi thì… suốt sáng, thâu đêm...

Ngày nào cũng thế, khách nhắm chặt mắt, ngủ thẳng cẳng tới trưa. Chui ra khỏi giường, khách vốc nước xúc miệng ùng ục cổ họng. Xong xuôi, khách lại bước thẳng tới quán rượu. Rượu xong, khách không về nhà trọ, nhưng dẫn nhau đi ra giếng nước đầu làng. Trên đường đi, khách nhổ xoèn xoẹt nước miếng hôi rình trộn lẫn đờm xanh! Có ông khách say quá, xiêu vẹo, té ngay bên lề đường như cây rỗng ruột đổ gục. Nằm chòi chòi trên mặt đường làng, khách há to miệng nôn thốc nôn tháo. Mùi ói tanh lờm lợm quyến rũ từng đàn ruồi lằng kéo tới bám đen đặc một khoảng đường! Có khách chân dăm đá chân chiêu, vừa đi vừa cất giọng hát. Những bài hát lẳng lơ, lời ca dâm tục. Cái Mì thông thường thiếu nữ rộn ràng cười đùa trên những nẻo đường. Chiều về, phụ nữ trong thôn rủ nhau ra giếng nước đầu làng múc nước về nhà dùng cho bữa cơm tối. Từ khi khách kéo về Cái Mì bởi lệnh kiểm tra dân số toàn cõi Đông Dương, đường làng bỗng dưng vắng hoe. Giếng nước giờ này không còn bóng dáng những người phụ nữ.

Thôn Cái Mì đang thanh bình từ bao lâu nay rồi. Trên có Hương Chủ Ngọc, Hội đồng Hương Chức, và đoàn Thanh Niên Tự Vệ, dưới là dân làng hiền lành như lúa chín vàng ngoài đồng. Người người, ai nấy một lòng. Cả ngàn năm nay rồi, Cái Mì vẫn sống như thế. Như một chuyện bình thường, như một ước lệ. Nhưng bởi những người khách lạ, bầu trời thanh bình Cái Mì chỉ trong thoáng chốc bốc hơi. Bởi những người khách lạ, Cái Mì tự động tách ra hai phe, phe cổ võ và phe chống đối.

Phe cổ võ bao gồm chủ quán rượu, quán ăn, và quán trọ. Gặp khách, chủ nào cũng tự nhiên hớn hở. Chủ nào miệng cũng cười toe toe như gái thoa son dồi phấn hồng mở cửa mời khách lạ bước vô. Mà cũng khó trách! Cái Mì nhỏ bé về dân số và diện tích. Cái Chôm thôn bên còn có đồn Tây đóng. Bên đây, Cái Mì, chẳng có gì! Quán trọ Cái Mì cho khách lỡ độ đường bình thường vắng hoe ngoại trừ ruồi lằng bay lăng quăng đợi chờ cơ hội! Thế đấy, không ai ngờ! Chỉ bởi lệnh kiểm tra dân số, giờ này Cái Mì không còn phòng trống. Hai ba quán trọ trong thôn, quán nào cũng treo cao bảng chữ: “Hết Phòng!” Đặc biệt nhất là những quán rượu bán đế Gò Công. Ngày cũng như đêm, quán nồng nặc mùi người và mùi rượu. Những ông chủ quán rượu, bình thường mặt nhìn tợ như thù cha chưa trả. Giờ thì hớn hớn như gái xuân! Đương nhiên, thì cũng bởi vì những đồng tiền!

Thì người đời đã thường hay nói,

Tiền nở nụ cười.

Tiền tươi con mắt.

Tiền cất vào kho.

Tiền no bao tử!

Mà đây không phải là tiền kẽm tiền xu đâu nhé. Cái thứ tiền đó giờ có cho không, chủ nào cũng bĩu môi, giơ tay ném thẳng xó nhà. Bây giờ người ta chỉ còn nói đến tiền bạc tiền vàng; bởi không hiểu sao, những người khách quay về Cái Mì ai cũng có tiền. Tiền nhiều đếm mỏi cả tay! Có người còn xách theo trong mình nguyên bọc tiền vàng khắc hình đại đế Nã Phá Luân của Phú Lang Sa. Một ngôi nhà xập xệ trong thôn trị giá 100 đồng tiền bạc. Ngôi Chùa Thiên thờ Trời nằm cuối thôn trị giá 1000 đồng tiền vàng. Thế mà khi bước vào quán rượu, khách thản nhiên quẳng ra bàn cả nắm tiền vàng. Tiền vàng rớt xuống đất kêu coong coong nghe vui tai, âm vàng ngân vang rung động lòng người. Nếu ưng ý được lòng khách, bồi bàn còn nhận được nguyên một đồng bạc tiền thưởng! Cứ thế! Làm chi bồi bàn không cất công phục vụ cúc cung. Muốn gì được nấy. Muốn rượu hả! Có rượu! Muốn gái hả! Có ngay!

Phe chống đối bao gồm Hương Chủ Ngọc và Hội đồng Hương Chức của thôn. Thiếu nữ Cái Mì công dung ngôn hạnh. Từ bao lâu nay, thôn Cái Mì chưa bao giờ phải thi hành luật thả bè trôi sông người con gái một phút nhẹ dạ. Sông Tiền trôi ngang qua làng từ bao lâu nay vẫn đỏ mầu. Nhưng đỏ bởi phù sa, chứ không phải máu.

Thế đó, không ai ngờ! Ngay khi bóng dáng từng đoàn người nguyên gốc Cái Mì đổ xuống nườm nượp cổng làng bởi lệnh kiểm tra dân số, những con kên kên phục vụ lính tây thôn bên đã nhấp nhổm ngóng đầu quay về Cái Mì theo dõi tình thế. Ba tuần trước, mặc cho những lời cảnh cáo xa gần, cô gái giang hồ khét tiếng trong vùng thản nhiên gõ cửa căn nhà treo bảng cho thuê trong thôn Cái Mì.

Cô gái vừa dọn vào, một tiếng sau khách lạ cửa trước cửa sau tấp nập.

Trong thôn, không ai nói chi. Nhưng, được đúng hai ngày, nhà thổ vừa mới tưng bừng khai trương bừng bừng phát hỏa!

Nửa đêm về sáng, lửa bốc cháy từ phòng khách, lửa liếm lem lẻm vách gỗ mặt tiền, lửa theo đà gió bừng sáng bốc ngọn bay vút lên cao. Nhờ sự can thiệp của đoàn Thanh Niên Tự Vệ, căn nhà trọ còn đứng vững, mặc dù mặt tiền cháy đen nham nhở. Lửa vừa tàn, mã tà, lính kín kéo tới. Sở Mật thám lập biên bản, đặt nghi vấn có người đốt nhà!

Sau vụ hỏa hoạn, cô gái buôn hương không chịu thua. Cô nhờ người sơn phết qua loa mặt tiền rồi lại tỉnh bơ hành nghề. Thế là lại bình thường! Khách khứa lại tấp nập. Tiếng cười lại vang vang một góc phố từ xế chiều cho tới nửa đêm về sáng. Người ra người vô, nhà thổ rộn ràng, vui!

Được khoảng một tuần.

Vào một buổi sáng tinh mơ! Ông Bõ chăm sóc Chùa Thiên bỗng hét to như bị ma da rượt khi đi ngang qua nhà thổ. Người trong thôn chạy tới chỉ để nhận ra cánh cửa căn nhà thổ mở tung, để lộ nguyên hình hai xác người treo lủng lẳng từ thanh xà ngang: một của cô gái buôn hương, một của người khách.

Bởi hai thây ma, mã tà lính kín lại lục đục kéo tới. Sở Mật Vụ gọi ông Hương Chủ Ngọc, Hội đồng Hương Chức, và cả Bõ già lên thẩm vấn. Từng người rồi từng người. Nhưng cũng như lần trước, nhân viên mật vụ vẫn không kiếm ra thủ phạm. Rốt cuộc, Sở Mật Vụ đóng hồ sơ. Lính kín mã tà kéo lại về bốt tây đóng bên thôn Cái Chôm!

Nhưng! Bắt đầu từ ngày hôm đó, khoảng nửa đêm về sáng căn nhà trọ bỗng dưng chập chờn bóng ma. Tối tối có người thấy hai xác người, một nam một nữ hiện ra treo tòng teng lơ lửng. Có người nửa đêm về sáng nghe rõ tiếng hú lanh lảnh từ căn nhà loang lổ vết cháy. Vào đêm sáng trăng, có người còn thấy 9 hạt máu đỏ từ thanh xà ngang nhỏ xuống nền gạch viết ra chữ Nhân rõ từng nét trong chữ Nho.

Người làng xì xào hỏi nhau,

– Ủa, tại sao lại là số 9? Mà sao 9 hạt máu đỏ hòa lại, viết thành chữ Nhân? Mà tại sao lại là chữ Nhân? Mà tại sao không viết chữ Nhân trong tiếng Nam Bộ?

Nghe lời càm ràm, có người quay ngang kín đáo nhắc nhở,

– Bà thần! Bộ quên rồi à? Ông bà có câu, ‘Giết 9 bò mới đủ lễ.’ Mà nè, cũng đừng có quên, ả này đâu phải người mình! Ả người Quảng Đông mà. Đâu có rành tiếng Việt.

Thằng Tài Mặt Rô mục đồng trong làng, mới mười năm tuổi nhưng phá phách ma chê quỷ hờn. Sểnh ra là ăn cắp. Lơ đãng một chút là mất đồ. Cuối tuần nó tếch sang thôn bên, đứng đường dẫn mối cho kên kên rỉa thịt. Chủ bầy chiên có lần cự nự nó cái tật ăn cắp vặt. Nó nổi máu du côn. Chiều tối, nó gọi bạn bè tới túp lều giữa cánh đồng Cái Mì. Cả đám hùa lại cắt cổ con chiên đực to nhất bầy nướng ăn tại chỗ. Thế đấy! Không biết sao, nửa đêm về sáng, nó dám mò tới căn nhà ma...

Sáng hôm sau, lại một lần nữa, đi ngang qua căn nhà cháy, Bõ già thấy thằng Tài Mặt Rô oặt ẹo nằm trên nền đất hoang ngôi nhà ma. Mặt nó bầm tím, tay chân như không còn xương. Mang nó về nhà, người ta đổ cháo nóng vào miệng, giật tóc mai hú gọi ba hồn chín vía. Sáng hôm sau nó mới hồi tỉnh, nhưng tay chân quặt quẹo mềm oặt như con chàng hiu. Hỏi chi, nó cũng không nói, mặt tái xanh ngoen ngoét. Người trong thôn ồn ào hẳn lên. Họ kháo với nhau, “Chết rồi! Vậy là ứng nghiệm lời nguyền 9 giọt máu viết ra 1 chữ Nhân. Thằng Tài Mặt Rô nạn nhân đầu tiên. Trong làng mình, ai sẽ là người thứ hai đây?”.

oOo

Đêm nay 24 tháng 12. Đã gần mười một giờ đêm, chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa thôi, Cái Mì chuyển mình bước vào nửa đêm.

Trời khuya! Tiếng kẻng từ tháp canh bốt tây bên làng Cái Chôm vang vang báo chuẩn bị sang canh nửa đêm! Tiếng cú khóc than ai oán từ căn nhà thổ bỏ hoang! Tiếng lọc cọc cô đơn trên đường của những vó ngựa! Tiếng la hét cười đùa vang dội từ những quán rượu. Vẫn như mọi đêm khuya, tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng hát, lẫn tiếng thở nồng nặc mùi rượu lại vẫn ồn ào len lỏi qua những khung cửa của những quán rượu giờ này vẫn tấp nập khách đi ra đi vào.

Nhìn bầu trời đen kịt cuối năm, chủ nhân Quán trọ Cây Thốt Nốt hai tay che miệng ngáp dài. Mấy tuần lễ liên tục rồi, chú Tám Tàng phải lắc đầu lia lịa từ chối từng người, bởi mọi phân vuông trong quán trọ đều đã được tận dụng tối đa. Bàn ghế phòng khách của quán trọ được rời đi lấy chỗ cho hơn ba mươi người. Riêng căn phòng chứa đống đồ cũ đã được dọn dẹp cho mười người khách nằm xếp lớp cá mòi.

Thấy quán trọ sơn phết nổi bật ba chữ “Cây Thốt Nốt,” người khách đến từ Nam Vang thắc mắc,

— Lạ lùng hén! Đất này đâu phải đất cây thốt nốt. Sao lại cắc cớ đặt tên quán trọ Cây Thốt Nốt?

Ông khách đến từ xứ Lào đứng sát ngay bên gật đầu góp ý,

— Ừ, đúng đó! Sao không đặt tên Quán trọ Cái Mì?

Người khách Nam Vang trợn mắt,

— Ủa! Sao lại Quán trọ Cái Mì?

Ông khách xứ Lào nói ngay,

— Thì Cái Mì! Bởi đây là làng trồng lúa mì mà. Dân ở đây họ nướng bánh mì tây, bán cho tây thuộc địa. Cho nên làng mới có tên Cái Mì.

Nhìn hai ông khách, chú Tám Tàng chép miệng,

— Cái vụ này…tình thiệt tui cũng hổng có rành.

Hai ông khách cùng dừng ngang câu chuyện, quay nhìn ông chủ quán, giọng điệu gậy mọt,

— Ông chủ nói vụ này là vụ nào?

Chú Tám Tàng nhìn ra cửa quán, cúi thấp đầu, hạ giọng nói nho nhỏ, tuồng như người nói chuyện quốc sự,

— Thì tui… tui muốn nói tới cái tên quán trọ. Ông vừa mới hỏi sao quán lại có tên Cây Thốt Nốt…

Chú Tám Tàng lắc lắc đầu, thở dài,

— Ta nói làng có thời bị dịch tả. Thôi thì… mười người chết bẩy còn ba! Dân Cái Mì hồi đó bỏ đi tha phương cầu thực một mớ. Cho nên bởi cái vụ kiểm kê dân số đó, con cái dân làng lục đục quay về thôn. Ta nói Cái Mì có thời hoang vắng tựa bãi tha ma. Về sau, không hiểu từ đâu lòi ra câu vè, “Thốt nốt mọc giữa tháng Ba, là điềm ấu chúa sinh ra thái bình.” Đám trẻ mục đồng chiều chiều tụm năm tụm bẩy đầu ngõ đua nhau đọc vang vang câu vè. Ông Hương Chủ Ngọc chặn một thằng bé lại hỏi nó ở đâu kiếm ra câu vè. Thằng nhỏ nói tháng trước có ông thầy chùa mặc áo nâu tựa như thầy chùa tu trên núi Sam dạy câu vè. Ổng dặn mấy đứa phải học thuộc lòng, rồi mới cho một vốc kẹo dừa. Ông Hương Chủ hỏi tên tuổi sư thầy. Thằng bé gãi gãi đầu nói không biết.

Chú Tám Tàng lại kín đáo nhìn ra cửa nhà trọ, thì thào nho nhỏ,

— Mà lạ lắm. Tháng Ba năm ngoái cổng làng tự nhiên nứt ra Cây Thốt Nốt. Cây mọc nhanh lắm, chỉ thoáng một cái, cành lá xum xuê che mát cả một góc trời. Cả làng hồi hộp nhìn nhau, chờ đợi giây phút ấu chúa ra đời. Năm ngoái, lúc tía tui về lại với ông bà. Ổng để lại cho tui nguyên cái quán trọ! Tui đặt luôn tên quán Cây Thốt Nốt…

Ông chủ quán trọ tự dưng thở dài,

— Nhưng ta nói… hơn một năm rồi. Có ai thấy ấu chúa đâu! Mà cả tháng nay rồi. Con cháu thôn làng hồi đó bỏ đi. Nay quay về! Tưởng vương tướng gì. Hóa ra cũng chỉ quanh quẩn ngày quán rượu đêm nhà thổ. Thiệt tình!…

Người khách Nam Vang thắc mắc,

— Ủa! Tưởng là từ sau vụ cháy nhà. Rồi thêm hai cái xác ma xà ngang. Làng mình yên rồi chứ...

Chủ quán Cây Thốt Nốt chép miệng,

— Thì đúng là như vậy. Ta nói làng mình yên. Nhưng làng chung quanh đâu có yên. Kên kên không qua. Nhưng xác ma bên đây kéo sang bển để kên kên rỉa thịt!

Ông khách xứ Lào có vẻ hiểu biết,

— Sấm Trạng Trình có viết ấu chúa sẽ sinh ra ở làng Cái Mì đấy. Ông chủ có biết chuyện hay không?

Chủ quán Cây Thầy Dầu gật đầu,

— Có, tui có nghe qua…

Chủ quán kín đáo nhìn ngó chung quanh,

— Ông Hương Chủ Ngọc ổng có kể cho tụi tôi nghe. Ổng còn nói khi ấu chúa sanh ra đời. Sao chổi hiện giữa trời. Què cụt đứng dậy chạy te te khắp ba sào ruộng lúa cho coi...

Chủ quán che miệng nói thì thào, giọng nhỏ rưng rức,

— Mà tui nói cái này. Chỉ mấy người mình biết với nhau thôi đó nghen! Đừng có xì xào lôi thôi, tới tai lính kín mã tà thì khổ cả đám. Nghe nói ấu chúa, ổng sẽ lãnh đạo người mình đuổi đám giặc chạy té tát…

Ông khách xứ Lào như không mặn mà với chuyện thời sự. Ông đổi đề tài,

— Nghe nói có thằng nhỏ mục đồng nửa đêm về sáng chui vào ngôi nhà ma ăn cắp đồ, rồi bị Thanh Niên Tự Vệ đập gãy tay chân. Đúng không ông chủ?

oOo

Trời Cái Mì chuyển mình gần nửa đêm. Xa xa tiếng chó hú nghe như từ ngôi nhà thổ bỏ hoang tiếp tục vang vang từng hồi. Tiếng hú đêm đen vọng lại, cứ tưởng hồn ma trăm ngày khóc than bởi không ai mở cửa mả! Chủ nhà trọ Cây Thốt Nốt giơ tay che miệng ngáp dài. Khuya quá rồi. Nhìn ra khung cửa, chú Tám quyết định vặn chìa khóa hòm tiền, bởi chợt nhớ tới thằng con vừa trở chứng đau nặng. Chú Tám thở dài! Cực thì thôi! Gần một tuần rồi, thằng nhỏ làm mình nóng sốt. Người nó nóng hầm hập như lò nướng bánh mì. Hai hôm trước, thằng nhỏ lên cơn động kinh. Tay chân nó giật cong, miệng méo xếch. Chú Tám Tàng hốt hoảng lôi dầu cù-là loại thượng hảo hạng cạo lưng thằng bé. Mấy phút sau, thằng Cún mắt thôi trợn trắng, hơi thở trở lại điều hòa.

Tối hôm đó, chú Tám Tàng bàn với vợ sẽ mang thằng Cún lên Sài Gòn chữa bệnh. Ở đó, chú biết ông thầy lang học được toa thuốc gia truyền trị bá bệnh của người Cao Miên. Người đi mần ruộng, bị rắn hổ cắn. Xùi bọt mép, mắt trắng trợn. Mang tới thầy, ổng nhét mấy hoàn thuốc vào miệng. Khoảng tiếng sau, bệnh nhân ngồi dậy, mạnh sân sẩn!

Nghĩ tới ngày mai sáng sớm phải lên đường, chú Tám Tàng đứng dậy. Hai tay chú nhè nhẹ đóng kín lại cánh cửa gỗ quán trọ. Nhưng chú thoáng cau mày, bởi nhận ra tiếng con LuLu sủa vang vang ngoài sân. Chú Tám nghĩ tới Ông Chủ Ngọc và đoàn Thanh Niên Tự Vệ. Có thể đang đi tuần ban đêm, thấy quán trọ còn mở cửa, tính ghé ngang. Nhưng tiếng chó sủa trở nên gắt gỏng nhát gừng. Chú Tám Tàng nhíu mày... Nếu là Ông Chủ Ngọc và đoàn Thanh Niên Tự Vệ, con LuLu đã không sủa. Bởi con LuLu thì còn lạ chi Hương Chủ Ngọc. Chú Tám Tàng khựng lại, nghĩ tới câu chuyện ấu chúa mới bàn hồi chiều với hai ông khách. Chú Tám cau mày, thoáng lo ngại. Chú tự trách mình sao hớ miệng, dễ mở bụng, tin người! Chú Tám nghĩ tới mật thám lính kín. Ai biết đâu họ rải người xuống Cái Mì, giả làm người quay về thôn ghi danh hộ khẩu… Tự dưng Chú Tám Tàng ớn lạnh xương sống. Chú nhớ tới đồi Cái Chôm sát sông. Nơi đó nhà nước bảo hộ xây pháp trường bắn bỏ tù chính trị! Bắn xong, xác tù hai chân còn dính xiềng bị quẳng thẳng xuống sông cho đàn cá sấu đói mồi táp! Chú Tám nuốt nước miếng, mắt căng ra nhìn, hồi hộp chờ đợi…

Nhưng thật bất ngờ, tiếng con Lulu sủa chợt ngưng bặt. Đêm khuya đông lạnh nghe rõ tiếng gõ chầm chậm của vó lừa trên con đường đá sỏi. Chú Tám Tàng nhíu mày nhìn lên... Ủa! Sao lại vó lừa? Vùng này có ai cưỡi lừa bao giờ!

Trước mặt Chú Tám Tàng mờ mờ xuất hiện hai bóng người. Người đàn ông chắc khoảng hai mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, vành râu quai nón rậm rạp bao quanh hàm. Bóng kia nhỏ thó, chắc là phụ nữ, ngồi trên lưng lừa, mặt che kín bằng miếng khăn mầu nâu quấn đầu. Người đàn ông ngón tay thô tháp khô cứng cầm dây cương lừa, tiến lại quầy, cất tiếng nói, giọng Bắc,

— Vâng! Em chào ông chủ quán!

Người chồng nhìn quanh, hai bàn tay xoa xoa vào nhau,

— Không dám dấu chi quan bác! Vợ chồng nhà em từ ngoài Bắc lặn lội đường xa tới đây, cũng bởi lệnh kiểm tra dân số. Nhờ quan bác thương. Quan bác cho hai vợ chồng nhà em một căn phòng… Dạ, em đội ơn quan bác.

Nhìn người đàn ông, chủ quán Cây Thốt Nốt chép miệng, nói ngay,

— Tui biết hai vợ chồng ông anh từ ngoài đó, lặn lội đường xa, giờ đã mệt mỏi lắm rồi. Nhưng thiệt tình là quán trọ không còn phòng trống nữa...

Nói xong câu từ chối, chú Tám nghĩ người đàn ông sẽ bỏ đi. Nhưng không! Anh ta vẫn đứng đó. Lần này, xuống giọng năn nỉ. Tay gãi gãi trán, tay chỉ người vợ vẫn yên lặng trên lưng lừa, người đàn ông năn nỉ,

— Em nói thiệt tình là không phải! Nhưng giờ trời đã quá khuya, nửa đêm về sáng. Xin quan bác thương. Vợ chồng em đội ơn quan bác!

Nghe giọng Bắc lạ tai, hiểu tình cảnh của đôi vợ chồng quê, chú Tám chạnh lòng. Nhưng ông chủ quán trọ vẫn phải đối diện với sự thật. Chú Tám nói,

— Tui nói tình thiệt với ông anh là nhà trọ đã hết chỗ rồi… Thiệt tình là hết, không còn chỗ…

Nghe ông chủ nói quyết liệt như vậy, người đàn ông xứ Bắc chỉ ra ngõ vắng dài sâu hun hút, giọng như muốn bật tung tiếng khóc,

— Chết rồi! Nguyên cả canh giờ rồi! Em gõ không biết bao nhiêu cửa quán trọ. Nhưng chết mất bác ơi! Ai cũng lắc đầu quầy quậy. Chúng em đất khách quê người, mà vợ em lại bụng mang dạ chửa! Giờ em cũng không biết đi đâu nữa. Chết thiệt…

Bây giờ ông chủ quán mới nhìn ra. Ánh sáng từ quán rượu gần bên nhập nhoè chiếu đổ dài bóng hình cô đơn của người thiếu phụ. Chú Tám Tàng nhận ra cái bụng to kềnh càng của thiếu phụ trên lưng lừa. Chủ quán lúng túng, khó chịu; bởi nhận ra tình trạng khó xử! Thà là không biết. Chủ quán chép miệng! Bây giờ bỏ thì thương mà vương thì tội. Chú Tám Tàng nhíu cặp chân mày, nghĩ tới căn phòng chứa đồ với mười mạng đàn ông chen chúc. Nhưng làm sao được, bởi hai người khách là một cặp vợ chồng. Đẩy anh chồng vào cũng được, nhưng còn cô vợ bụng chửa vượt mặt như thế kia thì nhét vào chỗ nào trong cái hộp cá mòi xếp lớp đó?

Nhìn ông chủ quán trọ bất động như tượng muối, người chồng như cá chết cạn cố gắng chòi chòi thân mình đập qua đập lại trên mặt cát khô,

— Hay là quan bác biết ở đâu còn chỗ trống! Xin bác chỉ cho em biết! Em xin phép đi ngay... Vâng, em sẽ đi ngay, không dám làm phiền bác nữa…

Nhìn người đàn ông xứ Bắc hạ mình năn nỉ, chú Tám nhớ lại thời mới lấy vợ. Hai vợ chồng son thời đó sao mà nghèo, nghèo đến nỗi cơm ngày chỉ được hai bữa; mỗi bữa chỉ có chén cơm trắng với vài con mắm khô quẹt. Vợ khi đó bụng mang dạ chửa con so. Chú Tám Tàng vẫn phải cắn răng để vợ ngày ngày còng lưng mót nhặt những cọng lúa mang về nấu cơm. Cũng bởi lao tâm lao lực, thằng Cún hồi đó sinh sớm hai tháng. Nhìn thằng con quặt què đau yếu từ thuả mới chui ra khỏi bụng mẹ, Chú Tám Tàng vẫn ít nhiều ngậm ngùi cay đắng... Ai biểu hồi đó mình nghèo!

Nhìn ngôi sao băng sáng ngời bay vút ngang trên nền trời, chủ quán Cây Thốt Nốt quyết định,

— Thôi! Thì như thế này. Tui biết có túp lều của đám mục đồng nằm giữa cánh đồng. Ban đêm, túp lều bỏ không! Giờ tui đề nghị như thế này. Tui sẽ dẫn hai vợ chồng ông anh tới đó ngủ tạm qua đêm. Đêm nay mà thôi. Ngày mai vợ chồng tui có việc phải lên Sài Gòn. Căn phòng của tui bỏ không. Trưa ngày mai, vợ chồng ông anh quay lại quán, ở tạm chỗ đó mấy hôm...

Trước lời đề nghị của chú Tám, đôi chân mày rậm và vầng trán rộng của người đàn ông dãn mềm từng thớ thịt. Người chồng xứ Bắc tươi nét mặt, nói ngay,

— Vâng, vâng! Thế thì nhất. Quan bác tốt quá. Trời Phật phù hộ vợ chồng quan bác. Giờ quan bác dậy sao, em xin nghe theo làm vậy. Vâng, vâng! Em nhờ quan bác chỉ đường. Vợ chồng em xin phép đi theo ngay!

Ông chủ quán đứng dậy,

— Nếu vậy thì ta lên đường. Trời khuya lắm rồi!

Ông chủ quán nhấc cao ngọn đèn dầu hột vịt bước tới. Ánh lửa hắt hiu soi bóng ba người và chú lừa khẳng khiu đổ dài trên con đường đất dẫn ra đường ruộng lúa mì.

Trời cuối năm, đêm 24. Cái Mì không một ánh trăng. Đêm nay trời lạnh thổi gió rét buốt căm căm. Chú Tám nhìn lên nền trời tối đen. Một vài tiếng chó hoang hú gọi đàn xa xa từ sau rặng núi lay động những đốm sáng đom đóm lập lòe. Một vài cánh dơi xào xạc khua động đêm đen. Tiếng cú nhà thổ tiếp tục vang dội ngân xa. Chú Tám Tàng nhớ tới căn nhà ma. Chú Tám thắc mắc không hiểu thằng Tài Mặt Rô rắn mặt bị ma hớp hồn, hay nó bị ông Hương Chủ Ngọc sai Thanh Niên Tự Vệ đánh què chân như lời đồn thổi. Nhớ tới thằng bé mục đồng rắn mặt, ông chủ quán Cây Dầu lại nhớ tới thằng Cún. Ngày mai, vợ chồng anh cũng sẽ lọc cọc dẫn theo thằng con què quặt ngồi trên lưng ngựa. Đường lên Sài Gòn có nhanh lắm cũng phải mất hai ngày. Nhớ tới Sài Gòn giờ này toàn tây thuộc địa, ông chủ quán lắc đầu. Nhìn lên trời cao, chủ quán trọ Cây Thốt Nốt lẩm bẩm câu đồng dao,

— Thốt nốt mọc giữa tháng Ba. Là điềm ấu chúa sinh ra thái bình.

Chú Tám Tàng chép miệng thở dài, thốt nốt đã mọc giữa tháng Ba hơn năm rồi. Ấu chúa ở đâu mà sao vẫn chưa ai thấy! Chú Tám Tàng thở dài… Tiếng thở dài bay lên cao chầm chậm tan biến vào bầu trời đêm của thôn Cái Mì tối 24.

oOo

Ba ngày rồi, Bõ già đau nặng. Cháo loãng đổ vào miệng không trôi lọt qua hàm răng ngậm chặt cứng, nhưng sui sủi hóa ra bọt bong bóng đóng hai bên mép. Mắt Bõ mở lớn trắng đùng đục, ruồi nhằng đậu đen bám chi chít. Bõ ho sù sụ, mùi hôi thối bay nồng nặc một khoảng không gian căn phòng người bệnh... Ông Chủ Ngọc nói nhỏ với Hội đồng Hương Chức chuẩn bị chuyện hậu sự cho Bõ.

Thế mà sáng nay, trời vừa hừng sáng, Bõ tự nhiên ngồi bật dậy, lưng thẳng như cây thước. Bõ mở mắt nhìn qua khung cửa, bước chầm chậm mấy bước, rồi thật bất ngờ phóng chạy trên con đường làng như bị ma nhập. Tới Chùa Thiên, Bõ dừng lại, hai cánh tay khẳng khiu đẩy tung cửa sắt nặng nề! Chạy sầm sập vào khu chánh điện khói hương nghi ngút giờ kinh sáng, Bõ dừng lại, nhìn Hương Chủ Ngọc, nhìn mọi người. Tay Bõ chỉ ra hướng sân chùa, tay chỉ lên trời, miệng ú ớ phát không ra được một âm.

Dừng ngang lời kinh, dân làng Cái Mì trợn tròn mắt nhìn Bõ già tưởng như nhìn thấy người chết hiện hồn. Ông Chủ Ngọc khoát tay ra hiệu chấm dứt giờ kinh sáng. Dân làng đứng dậy, ùn ùn kéo nhau đi theo Bõ già ra sân. Tới sân gạch đỏ ối, không ai bảo ai, người người đưa mặt ngẩng lên nhìn trời. Chủ Ngọc cũng nhìn theo để rồi ngỡ ngàng nhận ra bầu trời xám xịt mây đen mùa đông đang vặn mình chuyển đổi sang màu đỏ tươi. Trên cao, ngôi sao chổi sáng rực rỡ đang xoay tròn tít đều những vòng quay. Dân làng Cái Mì kinh hãi rú lên! Có người quỳ xuống đấm ngực, có người nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, có người sụt sùi câu kinh.

Còn đang ngơ ngác dõi nhìn hiện tượng thiên nhiên lạ kỳ, dân làng giật mình nhìn ra con đường làng. Một lần nữa, tiếng bước chân chạy sầm sập trên con đường. Tưởng ai, hóa ra đó chính là ông khách xứ Lào. Dừng lại tại sân ngôi Chùa Thiên, ông khách tay ôm ngực thở dốc, tay kia chỉ về hướng quán trọ Cây Thốt Nốt,

— Thằng Tài Mặt Rô! Cả thằng Cún nữa… Chạy tới quán Cây Thốt Nốt mà coi! Hai đứa nó đang rượt nhau chạy rần rần ngoài đường kia kìa! Nhanh! Nhanh lên! Chạy tới mà coi…

Người thôn Cái Mì ngơ ngác nhìn nhau. Đoàn Thanh Niên Tự Vệ thì thào nói tối hôm qua, trong khi đi tuần, họ nghe thấy tiếng hát thánh thót từ trời cao vọng xuống vang vang cả một cánh đồng Cái Mì vào đúng lúc nửa đêm...

Người làng Cái Mì của Nam Bộ vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra ngoại trừ đôi vợ chồng quê mùa đến từ làng Na Rét của xứ Bắc.

□ Nguyễn Trung Tây

San Jose, CA, 23/12/2020