1. Cảnh Chúa Giáng Sinh thật lạ lùng chưa từng thấy trên hồ Venice

Một cảnh máng cỏ Giáng Sinh có lẽ quý vị và anh chị em chưa từng thấy trên đời được ghi lại trong đoạn video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Chúa Giêsu Hài Đồng nổi lên mặt nước, được bao quanh bởi Thánh Giuse và Đức Mẹ đang trôi nổi dưới ánh bình minh gần cù lao Burano, trong khu vực hồ phía bắc Venice.

Tác phẩm nghệ thuật này được tạo ra bởi Francesco Orazio, một người trồng rau nhưng có một năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh. Anh đã hoàn thành tác phẩm này vào hôm thứ Ba 15 tháng 12 trong một vùng nước rộng, không cản trở thuyền bè qua lại.

Tác phẩm của anh không chỉ có Chúa Hài Đồng, Thánh Giuse và Đức Mẹ nhưng còn thêm 57 người và vật khác, tổng cộng là 60 hình dạng khác nhau bằng ván ép được cố định bằng những thanh gỗ. Vị trí của các bức tượng gỗ này không thay đổi nhưng lên xuống theo thủy triều.

May mắn cho người nghệ sĩ nông dân này là triều cường sẽ không sớm xảy ra nên tác phẩm của anh có thể bình an vô sự cho đến tận lễ Hiển Linh mùng 6 tháng Giêng.


Source:Reuters

2. Cảnh Giáng Sinh với phong cách hậu hiện đại ở Vatican gây ra làn sóng chỉ trích

Cảnh Giáng Sinh với phong cách hậu hiện đại được dựng ở quảng trường Thánh Phêrô năm nay đã gây ra một làn sóng chỉ trích rất mạnh. Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Post-Modern Vatican Nativity Scene Provokes Wave of Criticism

Edward Pentin

Cảnh Giáng Sinh với phong cách hậu hiện đại ở Vatican gây ra làn sóng chỉ trích


“Tôi chưa thấy ai nói rằng họ cảm thấy Công Giáo hơn vì họ đã nhìn thấy nó”, nhà sử học nghệ thuật Elizabeth Lev nói như thế về cảnh Giáng Sinh đang gây tranh cãi.

Cảnh Giáng Sinh năm nay đã bị chỉ trích dữ dội vì phong cách nghệ thuật hậu hiện đại của nó, mà các nhà phê bình cho rằng hoàn toàn đoạn tuyệt với các cảnh Giáng Sinh truyền thống, không có tính truyền giáo và cũng chẳng truyền cảm hứng cho người khác về mầu nhiệm Nhập thể.

Khung cảnh Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô chứa 20 đồ vật bằng gốm hiện đại, bao gồm các nhân vật chính trong câu chuyện Chúa Giáng Sinh nhưng có khuôn mặt giống đồ chơi cùng với sự hiện diện của một phi hành gia và một tên đao phủ trông giống satan – và tuyệt nhiên không có máng cỏ.

Các nhân vật, bao gồm Đức Mẹ được miêu tả với mái tóc vàng, xoăn tít, được đặt cách nhau trên một sân khấu tối giản, không có cảnh quan, hang động, cây cối hay dòng suối đặc trưng cho cảnh Chúa Giáng Sinh thông thường.

Phản ứng trên các phương tiện truyền thông xã hội và các nơi khác đã chủ yếu bao gồm các từ ngữ dao động từ những từ như “ghê tởm”, “kinh hoàng”, “ô nhục”, cho đến các từ như “ma quỷ”, “ngỡ ngàng” và “nhạo báng Chúa Giáng Sinh”. Tim Stanley, một nhà báo nổi tiếng của tờ Daily Telegraph của Anh, gọi cảnh Giáng Sinh này là “hoàn toàn đáng sợ”, trong khi trang Facebook của Vatican News tràn ngập những lời chỉ trích ngay cả khi nó chưa được khánh thành.

Chỉ có một vài người tỏ ra thích nó, với một người trên Facebook gọi cảnh này là “tuyệt đẹp” và một người dùng Twitter nói rằng đó là “nỗ lực tốt nhất của Giáo hội để đưa tôi trở lại đàn chiên” (Một người khác thì nói rằng anh ấy đang cân nhắc việc trở thành Công Giáo nhưng nói rằng anh ấy sẽ vẫn theo đạo Tin lành sau khi nhìn thấy cái cảnh này.)

Kể từ khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống này vào năm 1982, đây không phải lần đầu tiên cảnh Giáng Sinh của Vatican đã gây ra các chỉ trích vì rời xa hình ảnh thông thường về một máng cỏ trong đó có những hình tượng có kích thước lớn hơn người thật về Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, các đạo sĩ, và các động vật đi kèm.

Trước đây cảnh Giáng Sinh năm 2017 là cảnh Giáng Sinh gây tranh cãi nhất, gây ra sự phản đối kịch liệt sau khi người ta thêm vào hình ảnh một người đàn ông cởi trần (mà một số người coi là người đồng tính luyến ái), một xác chết và không có cừu hay bò trước một nơi có vẻ như là một nhà thờ bị đánh bom. Cảnh tượng, được gọi là “Giáng Sinh của lòng thương xót”, đến từ một tu viện ở Ý, hóa ra lại là điểm hành hương yêu thích của các nhà hoạt động cho quyền của người LGBT.

Nguồn gốc của các hình tượng

Năm nay, Vatican đã gọi cảnh Chúa Giáng Sinh là “hiện đại và độc đáo”, nhưng nó thực sự chứa những hình tượng ban đầu được thực hiện từ năm 1965 đến năm 1975 tại thị trấn Castelli, thuộc giáo phận Teramo của tỉnh Abruzzo ở miền trung nước Ý - một vùng bị động đất vào năm 2006 và năm 2016.

Nổi tiếng với đồ gốm sứ, ý tưởng cho cảnh Giáng Sinh như thế này được Stefano Mattucci, lúc đó là giám đốc của Viện Nghệ thuật FA Grue của thị trấn, đề ra ý tưởng và được thiết kế bởi hai giáo sư nghệ thuật, Gianfranco Trucchia và Roberto Bentini. Cảnh này được triển lãm lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1965, sau đó được trưng bày tại Chợ Trajan ở Rôma vào năm 1970, và vài năm sau đó ở Giêrusalem, Bethlehem và Tel Aviv. Nhiều nhân vật khác nhau đã được thêm vào, bao gồm một người theo đạo Hồi và một giáo sĩ Do Thái, nâng tổng số lên 54.

Fausto Cheng, một trong những sinh viên vào thời điểm đó, là người đã giúp tạo ra các hình vẽ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 rằng “các khía cạnh mang tính cách mạng” đã đặc trưng cho sự sáng tạo của nó, “từ việc ly khai khỏi các khuôn mẫu cổ điển của nghệ thuật gốm sứ, khỏi cách sử dụng màu sắc, và khỏi cảnh Chúa Giáng Sinh nguyên thủy”. Anh nói thêm rằng khung cảnh đã được “lồng vào những sự kiện đương đại từ những năm gần đây bao gồm việc đặt chân lên mặt trăng, Công đồng Vatican II và việc bãi bỏ án tử hình” (hai chủ đề sau phản ánh những vấn đề rất được Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm).

Theo Marcello Mancini, phó chủ tịch Viện FA Grue, quyết định đưa các hình ảnh này đến Vatican hai năm sau đó là kết quả của các cuộc gặp gỡ giữa Đức Cha Lorenzo Leuzzi, Giám Mục Teramo và một nhóm nghệ sĩ và kỹ thuật viên. Họ muốn mang theo một số nhân vật không chỉ “liên quan đến Kitô Giáo” mà còn “liên quan đến một số chủ đề mà Đức Giáo Hoàng của chúng ta yêu quý”, ông nói. Những chủ đề này bao gồm không chỉ sự kết nối với khoa học mà còn với môi trường, đi kèm với sự bao gồm nhiều loài động vật. Ông nói với đài truyền hình địa phương, đó là một “máng cỏ theo chủ nghĩa tự nhiên”, có chứa “dê, cừu, thiên nga”, tất cả đều là “những vật thể có hình hài tao nhã và một phong cách tiêu biểu không thể so sánh được”.

Gây sốc mạnh

Nhưng nỗ lực của năm nay, diễn ra trong một năm thử thách đối với nhiều gia đình và cá nhân do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, dường như đã đánh vào một sợi dây thần kinh đặc biệt. “Thật là gây chia rẽ, tôi không nghe thấy mấy ai bảo vệ nó,” nhà nghệ thuật sử học Elizabeth Lev cư trú tại Rôma, đang giảng dạy tại Đại học Duquesne nói. Mọi người đặc biệt tìm đến Vatican “vì truyền thống của cái đẹp”, cô nói thêm. “Chúng tôi lưu giữ những thứ đẹp đẽ trong đó để dù cuộc sống của bạn có tồi tệ đến đâu, bạn vẫn có thể bước vào quảng trường Thánh Phêrô và nghĩ rằng quảng trường ấy là của bạn, là một phần của con người bạn, và nó phản ánh bạn là ai và vinh quang được biết mình là ai”.

“Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại quay lưng lại với điều đó”, Lev nói thêm. “ Nó dường như là một phần của sự thù nghịch kỳ lạ, hiện đại nhưng chối bỏ truyền thống của chúng ta”.

Trong mô tả về cảnh Chúa Giáng Sinh, Vatican cho biết cảnh Giáng Sinh năm nay bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp, Ai Cập và Sumer cổ đại - là điều mà nhà sử học nghệ thuật Andrea Cionci, viết trên nhật báo Libero Quotidiano của Ý, cho là dấu vết của “phương pháp giải thích Kinh thánh theo trào lưu phê bình lịch sử cấp tiến diễn ra sau Công đồng Vatican II”. “Đường lối đó”, ông nói, có “xu hướng làm sáng tỏ mọi thứ siêu nhiên trong đức tin Công Giáo”. Ông giải thích thêm “Các tín điều, phép lạ và sự can thiệp của thần thánh được đồng hóa với tàn dư của các tôn giáo ngoại giáo có trước Kitô Giáo”.

Ottavio Bucarelli, giám đốc bộ phận di sản văn hóa tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô ở Rôma, vẫn coi cảnh Chúa Giáng Sinh năm nay là “hoàn toàn hợp pháp” vì nó bắt nguồn từ một viện nghệ thuật nghiên cứu không chỉ “kỹ thuật cổ đại” mà còn cả “các đề xuất sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, những cách thức mới để thử nghiệm mà ngày nay, trong mắt chúng ta, có thể được coi là sự phá vỡ với truyền thống lâu đời về quang cảnh Chúa Giáng Sinh”.

Ông nói với ACI Stampa vào ngày 14 tháng 12 rằng “do đó cần phải đưa tư duy của chúng ta trở lại hiện thực lịch sử - nghệ thuật” và nhìn vào các nhân vật “bằng đôi mắt đó”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bối cảnh hóa các “giai đoạn lịch sử và môi trường từ trong đó nó được tạo ra” - cụ thể là những năm 60 và 70 là những thập kỷ “lên men về chính trị, văn hóa và tôn giáo”.

Đổi mới chỉ vì muốn đổi mới

Lev đồng ý rằng mong muốn mang một khung cảnh Chúa Giáng Sinh như vậy đến Vatican chủ yếu là “vấn đề về sự đổi mới”, mặc dù cô tin rằng điều cuối cùng mọi người muốn trong một năm khó khăn và chia cắt gia đình là “cảm nghiệm với hình ảnh quen thuộc của Thánh Gia”. Một khả năng cảnh Giáng Sinh có thể đem lại là nó gây “sốc cho chúng ta khiến chúng ta khao khát một cảnh Giáng Sinh truyền thống giống như một số người lập luận rằng việc không thể đón nhận các bí tích năm nay do tình trạng bị cô lập vì đại dịch khiến mọi người khao khát các bí tích”.

Nhưng Lev nhớ lại rằng khi Thánh Phanxicô Assisi bắt đầu truyền thống về các hoạt cảnh Giáng Sinh, ngài đã xin phép Đức Giáo Hoàng chính xác vì ngài không muốn một phong tục như vậy “bị hiểu nhầm là đổi mới, chỉ vì mục đích muốn đổi mới” nhưng phải là “một sự khơi gợi nhắc nhớ đến mầu nhiệm Nhập thể”. Cô nói thêm “Vào những năm 1220 khi mọi người giàu có và có tất cả những gì họ cần, Thánh Bonaventura lúc đó đã đưa ra quan điểm rằng ngài mong muốn ‘đánh thức lại đức tin chai lì trong trái tim của các Kitô hữu’”.

“Tôi muốn khẳng định rằng tôi chưa thấy ai nói rằng họ cảm thấy Công Giáo hơn bởi vì họ đã xem cảnh Giáng Sinh năm nay của Vatican,” Lev nói. “Tôi đã thấy mọi người cười nhạo nó, mọi người chửi bới khắp nơi, quá nhiều. Cảnh Giáng Sinh như thế không đánh thức được một đức tin đang dật dờ. Nó chỉ làm được mỗi một điều là đang chôn vùi một niềm tin uể oải, sống dở chết dở dưới một đống chế nhạo - và nó thực sự trông giống như một sự đổi mới chỉ vì muốn có điều gì đó mới mẻ”.

Tờ National Catholic Register đã hỏi Phòng Báo chí Tòa thánh liệu có thể thay thế cảnh Chúa Giáng Sinh trước những lời chỉ trích lan rộng hay không, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Lev không nghĩ rằng nó phải bị loại bỏ, nhưng nói rằng sẽ đáng hoan nghênh nếu có ai đó cảm thấy tiếc và thừa nhận rằng đó là một “sự lựa chọn thiếu cân nhắc” xét vì “những chia rẽ và tổn thương mà nó đã gây ra”, nhưng cô không lạc quan lắm về khả thể có ai đó sẽ làm như thế.


Source:National Catholic Register