1. Đức Tổng Giám Mục Aquila ủng hộ lời kêu gọi không cho Joe Biden rước lễ vì lập trường ủng hộ phá thai của ông ta.

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã lên tiếng công khai ủng hộ Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput đối với tuyên bố của ngài rằng cựu Phó Tổng thống Joe Biden là một người ủng hộ phá thai nhiệt thành, vì thế ông ta, “ không nên rước lễ”.

Hôm thứ Bảy, Đức Tổng Giám Mục Aquila đã tweet một tuyên bố của Chaput và sau đó thêm vào suy nghĩ của riêng mình. Trong bài đăng trên tờ First Things, Đức Tổng Giám Mục Chaput viết: “Ông Biden đã nói rằng ông ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách ủng hộ phá thai tương tự trong tư cách tổng thống, và do đó ông ta không được phép rước lễ. Ý định đã nêu của ông đòi hỏi một sự phản ứng mạnh mẽ và nhất quán từ các nhà lãnh đạo và các tín hữu của Giáo hội.”

Đáp lại lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Chaput, Đức Cha Aquila viết “Đức Tổng Giám Mục Chaput nói sự thật vì phần rỗi các linh hồn. Tai tiếng và ngộ nhận là có thật khi chúng ta không đối xử với Thánh Thể bằng tình yêu và sự tôn kính,khi đó, đức tin của chúng ta về sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể bị phương hại”

Trong bài tiểu luận Đức Tổng Giám Mục Chaput đã ghi nhận có những bất đồng giữa các giám mục Hoa Kỳ về cách hành xử đối với những nhân vật tuyên xưng mình là người Công Giáo nhưng “công khai và kiên trì chống đối các giáo huấn Công Giáo về các vấn đề như phá thai.” Ngài nhìn nhận rằng “việc công khai từ chối không cho các quan chức chính phủ như thế rước lễ không phải lúc nào cũng là khôn ngoan hay lúc nào cũng là một phương thế mục vụ tốt nhất. Làm như vậy một cách ồn ào và mạnh mẽ có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, khi mời các quan chức đó cứ tiếp tục đắm mình trong ánh sáng truyền thông như là các nạn nhân của Giáo Hội.” Tuy nhiên, ngài cũng không nghĩ rằng các Giám Mục nên im lặng trước sự coi thường trắng trợn của các quan chức này đối với giáo huấn của Giáo hội.

Hơn nữa, Bộ Giáo lý Đức tin đã nói rõ vào tháng 7 năm 2004 với McCarrick lúc bấy giờ còn là một Hồng Y rằng “mục tử của người ấy phải gặp đương sự, hướng dẫn anh ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho anh ta biết rằng anh ta không được lên Rước Lễ cho đến khi anh ta chấm dứt hoàn cảnh tội lỗi khách quan, và cảnh báo anh ta rằng nếu anh ta cứ lên rước lễ, anh ta sẽ bị từ chối Thánh Thể”.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc ấy là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin viết rằng: “Quyết định này, nói đúng ra, không phải là một hình thức chế tài hay một hình phạt. Cũng không phải là thừa tác viên Thánh Thể đang đưa ra một phán xét chủ quan về tội lỗi của người đó, nhưng là đang phản ứng trước việc người đó không thích hợp để rước lễ do hoàn cảnh tội lỗi khách quan.”


Source:Life Site News

2. Các dân biểu Cộng hòa Wisconsin thách thức thống đốc bằng cách đặt cây thông Giáng Sinh ở Tòa Nhà Quốc Hội tiểu bang

Hai nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã dựng một cây thông Giáng Sinh ở Tòa Nhà Quốc Hội tiểu bang mặc dù đã được thông báo rằng họ không được phép làm như vậy. Hành động này thể hiện một sự thách thức sau khi Thống đốc Tony Evers của đảng Dân Chủ quyết định không trưng bày cây thông Giáng Sinh ở đó trong năm nay lấy cớ tòa nhà đã đóng cửa do đại dịch coronavirus.

Bộ Hành chính tiểu bang, gọi tắt là DOA, có truyền thống đặt một cây thông được tô điểm bằng các đồ trang trí do học sinh làm trong tòa nhà hình tròn. Thống đốc Tony Evers thường để lộ ra mặt thói bài Kitô Giáo, và đã từ chối gọi cây này là cây Giáng sinh, khiến đảng Cộng Hòa khó chịu.

Năm nay, Evers quyết định loại bỏ luôn việc trưng cây thông này với lý do Tòa Nhà Quốc Hội đóng cửa không cho công chúng thăm viếng do đại dịch coronavirus. Hai dân biểu Đảng Cộng hòa là Paul Tittl và Shae Sortwell, giống như các nhà lập pháp khác, vẫn đang làm việc bên ngoài tòa nhà.

Hai nhà lập pháp đã nộp đơn xin giấy phép vào ngày 1 tháng 12 để đặt những gì họ mô tả là “một trưng bày lịch sử” trong Tòa Nhà Quốc Hội hình tròn của Wiscosin từ ngày 1 tháng 12 đến ngày 6 tháng Giêng. Đơn xin phép không nói rằng “trưng bày lịch sử” này là một cảnh Giáng Sinh hay là một cây thông. Dù thế, đơn xin của hai dân biểu này đã bị bác bỏ.

Bất kể đơn xin của mình bị bác, hai nhà lập pháp cũng dựng một cây Giáng Sinh cao 2.1m theo ý họ vào sáng thứ Hai 7 tháng 12, với các thông điệp như “Điều kỳ diệu của lễ Giáng sinh không nằm ở những món quà mà là nơi sự hiện diện của Ngài” và “Cây này thuộc về hai dân biểu Tittl và Sortwell. Không ai được di chuyển mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của các dân biểu này.”

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này vụ việc vẫn đang trong tình trạng giằng co. Không cảnh sát viên nào dám đụng vào cây này vì sợ mang họa.


Source:Crux

3. Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao bác bỏ khả năng thành sự của việc xưng tội qua điện thoại

Đại dịch coronavirus lại bùng phát đợt hai tại nhiều nơi trên thế giới và có nhiều báo cáo cho thấy có rất nhiều biến hóa của loại virus Trung Quốc độc địa này như khả năng lây nhiễm cao hơn, người bị nhiễm chết nhanh hơn.. Trong bối cảnh đó, câu hỏi về khả năng thành sự của việc xưng tội qua điện thoại lại được nêu ra.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao cho biết: Mặc dù thế giới đang đối mặt với một đại dịch có thể hạn chế khả năng cử hành các bí tích đối với nhiều người, đặc biệt là những người đang bị cô lập, cách ly hoặc nhập viện vì nhiễm COVID-19, nhưng vẫn không có khả năng thành sự của việc xưng tội qua điện thoại.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 5 tháng 12 với tờ Quan Sát Viên Rôma, vị Hồng Y đã được hỏi liệu điện thoại hoặc các phương tiện liên lạc điện tử khác có thể được sử dụng để xưng tội hay không.

“Chúng tôi có thể xác nhận ngay tính bất thành sự của phép xá giải được thực hiện thông qua các phương tiện như vậy.”

“Trên thực tế, sự hiện diện thực sự của hối nhân không có, và như thế không có sự chuyển tải thực sự của lời giải tội; chỉ có những rung động điện được tái tạo từ lời nói con người.”

Đức Hồng Y cho biết các Giám Mục địa phương sẽ quyết định liệu ngài có cho phép “giải tội tập thể” trong những trường hợp cần thiết nghiêm trọng hay không, “ví dụ, tại lối vào của các khu bệnh viện nơi các tín hữu bị nhiễm bệnh và có nguy cơ tử vong”.

Trong trường hợp này, linh mục sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cần thiết và nên cố gắng “khuếch đại” giọng nói của mình càng lớn càng tốt để hối nhân có thể nghe thấy lời tha tội.

Luật Giáo hội đòi hỏi, trong hầu hết các trường hợp, linh mục và hối nhân phải hiện diện cụ thể với nhau. Hối nhân xưng ra những tội lỗi của mình và bày tỏ lòng khao khát thoát khỏi những ràng buộc của tội lỗi.

Nhận thức được những khó khăn mà các linh mục đang phải đối mặt liên quan đến việc tôn trọng các biện pháp và các quy định dân sự về sức khỏe trong khi dâng Tiệc Thánh, Đức Hồng Y cho biết mỗi giám mục phải chỉ rõ cho các linh mục của họ và các tín hữu “sự chú ý thận trọng cần được áp dụng khi cử hành bí tích hòa giải cá nhân qua những cách thức duy trì sự hiện diện thể chất của linh mục và hối nhân”. Ngài nói thêm, những hướng dẫn như vậy phải dựa trên tình hình cụ thể của địa phương liên quan đến sự lây lan và nguy cơ lây lan.

Đức Hồng Y nói nơi được chỉ định để xưng tội phải thông thoáng và ở bên ngoài phòng giải tội, nên sử dụng khẩu trang, các bề mặt xung quanh phải được vệ sinh thường xuyên, và phải tôn trọng giãn cách xã hội đồng thời bảo đảm bí mật và ấn tín Bí tích Hòa Giải.

Trong một thánh lễ được truyền trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta vào buổi sáng ngày 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:

“Nhiều người sẽ nói với tôi: ‘Nhưng Cha ôi, con muốn làm hòa với Chúa lắm nhưng con không thể ra khỏi nhà. Con muốn Ngài ôm chầm lấy con nhưng làm sao con có thể làm được điều đó trừ khi con tìm được một linh mục? Anh chị em hãy làm những gì sách Giáo lý nói. Sách Giáo lý nói rất rõ ràng. Nếu anh chị em không tìm được một linh mục để đi xưng tội, hãy thưa lên với Chúa. Ngài là Cha của anh chị em. Hãy nói với Ngài trong sự thật: Lạy Chúa, con đã làm điều này điều kia. Xin Chúa tha thứ cho con. Hãy cầu xin sự tha thứ của Chúa bằng tất cả trái tim của anh chị em, kết thúc bằng một kinh ăn năn tội và hứa với Ngài, ‘sau này con sẽ đi xưng tội’. Anh chị em sẽ quay về với trạng thái có ân nghĩa với Chúa ngay lập tức. Như sách Giáo lý dạy, anh chị em có thể tự mình đến gần với lòng thương xót Chúa, trong trường hợp không có linh mục.”


Source:Crux

4. California áp đặt lệnh ở yên trong nhà một cách nghiêm ngặt

Lệnh lưu trú tại nhà ở California - sẽ kéo dài ba tuần - có hiệu lực vào thứ Hai trên khắp các khu vực chính của tiểu bang... Một ngày sau khi số ca nhiễm coronavirus mới tăng lên tới mức kỷ lục là 30,000 người trong một ngày.

Các hạn chế, theo lệnh của Thống đốc Gavin Newsom được áp dụng theo từng khu vực, việc tụ tập với bất kỳ ai bên ngoài hộ gia đình đều bị cấm. Các quán bar, tiệm làm tóc, làm móng và tiệm xăm sẽ đóng cửa và cấm ăn uống trong nhà cũng như ngoài trời.

Đó là một cú tàn khốc đối với Jennifer và Andrew Pappas, chủ sở hữu của tiệm Papapavlo ở Stockton, California. “Chúng tôi có bốn đứa con và chúng tôi có một nghĩa vụ lớn ở đây. Chúng tôi có nhiều khoản vay mà chúng tôi đã vay đến mức ban đêm chúng tôi ngủ rất ít”.

Các hạn chế được đưa ra khi các giường trong các khoa chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện được lấp đầy gần hết công suất trên khắp California, và vào hôm Chúa Nhật, California đã đánh dấu một kỷ lục mới về số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện.

Tiến sĩ Gottlieb cho biết: “Dù mọi thứ ngay bây giờ đã là tồi tệ rồi, chúng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”. Trong chương trình Face the Nation của CBS hôm Chúa Nhật, cựu ủy viên FDA, Tiến sĩ Scott Gottlieb, cảnh báo có khả năng đại dịch sẽ tiếp tục tồi tệ hơn trong những tuần tới “Tôi nghĩ, vào cuối năm nay, chúng ta có thể sẽ có khoảng 300,000 ca tử vong. Và đến cuối tháng Giêng, số người chết có thể lên đến 400,000 người. Chúng ta sẽ liên tục chứng kiến mức 2,000 người chết mỗi ngày. Và khi chúng ta bước vào tháng Giêng theo chiều hướng này, thật không may, là chúng ta sẽ phải chứng kiến hơn 3,000 ca tử vong mỗi ngày, và chúng ta có thể sẽ có gần 4,000 ca tử vong mỗi ngày”.

Trên toàn quốc, các ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đang ở mức cao nhất với trung bình khoảng 194,000 ca mới được báo cáo mỗi ngày trong tuần qua, theo một thống kê dữ liệu chính thức của Reuters. Cho đến nay, đã có 14.7 triệu ca nhiễm trùng và hơn 280,000 ca tử vong liên quan đến coronavirus được báo cáo ở nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu.


Source:Reuters