TÔI CÓ THỂ NÊN THÁNH CHĂNG?

Charles Peguy đã xác quyết rằng: “Bi kịch duy nhất sau cùng của cuộc đời này là: không tìm ra một vị thánh nào”. Nếu quả thật khó đến vậy, thì ai sẽ nên thánh đây! Thiết nghĩ, khái niệm nên thánh trong mỗi chúng ta dường như khác nhau, cho nên điều khó khăn và ít thực hiện được, chẳng phải “khó nên thánh” mà có thể chính suy nghĩ, tư duy bản thân khiến chúng ta khó “trở nên thánh”!

Các thánh chẳng phải là những ánh quang xẹt qua rồi biến mất, và cũng không phải trường hợp được đặc ân ngoại lệ; đúng hơn, họ chính là mẫu gương chuẩn mực cho mỗi người chúng ta. Thực tế cho rằng, theo cảm thức Kinh Thánh về từ ngữ, thì tất cả các tín hữu đều được gọi là thánh nhân (x. Ep 1, 1). Bởi lẽ, hạn từ “sanctus/sancti” hay “sanctity” mang nghĩa nên thánh, trở nên thánh thiện trong đời sống thường nhật và trong đời sống đạo. Hết thảy mọi người, nam hay nữ, già hay trẻ, người lớn hay nhi đồng, trẻ sơ sinh hay còn trong bào thai, xinh đẹp hay xấu xí…đều được gọi mời “trở nên thánh thiện như Cha trên trời là Đấng thánh” (x. Lv 11, 44-45; 19, 2; Mt 5, 48). Nói cho cùng, hạn mục “nên thánh” chẳng phải là một lựa chọn, mà là ơn gọi. Hơn nữa, “làm thánh” không bao giờ là đặc ân chỉ dành cho một số ít, hoặc một nhóm người công chính hay tự xưng mình công chính cả! Vì là ơn gọi nên thánh, tất cả chúng ta đều có chung sứ mệnh “sống thánh thiện, sống chứng nhân” như Chúa kêu mời. Có khác chăng, chỉ là cách thức, hoàn cảnh, môi trường, trách vụ, bậc sống của mỗi người mà thôi.

Ngoài ra, khi xét về mặt ngôn ngữ, chúng ta thường cho rằng từ trái nghĩa với “các thánh” hay “thánh nhân” là “tội nhân” hoặc “người tội lỗi”, như thể “người bất chính” đối nghịch với “người công chính” hoặc “bất nhân” ngược lại với “chính nhân”. Nói cho cùng, thật ra chẳng có đối trọng nào với người tội lỗi trong thế gian này, chỉ có người tội lỗi được cứu hay không được giải thoát do lựa chọn tối hậu của họ mà thôi. Vì chẳng ai dám nhận mình công chính, vẹn sạch trước mặt Chúa cả “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào ai đứng vững được chăng?” (Tv 130, 3). Do đó, nên thánh không có nghĩa là vô tội, nguyên tuyền, vẹn sạch, nhưng đúng hơn, ơn gọi nên thánh là hồng phúc “loại biệt”, được kêu mời kết hiệp với Thiên Chúa luôn mãi. Tuy sống trong thế gian này, nhưng các thánh nhân “đã hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa…không rập khuôn theo đời này, nhưng cải biến bản thân bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: điều gì tốt, điều gì đẹp lòng Chúa, điều gì hoàn hảo” (x. Rm 12, 1-2). Các thánh nhân trung thành sống với ân sủng “loại biệt” chứ không tách biệt khỏi cộng đoàn, khỏi gia đình, khỏi xã hội, khỏi Giáo hội. Các ngài sống can đảm với ơn gọi nên thánh theo thánh ý Chúa trong thế gian này, chứ không sống rập khuôn theo thế gian hay chạy theo thói đời làm hài lòng thế gian, mà phớt lờ căn tính nên thánh của mình.

Quá nhiều giấy bút viết về những tư tưởng siêu việt, cao quý của chư Thánh rồi, thế thì chúng ta nên đặt ra một câu hỏi vô cùng căn bản: Thánh nhân là ai? Nên thánh là như thế nào? Trước tiên, ai ai trong chúng ta đều ý thức và thừa nhận mình là người tội lỗi. Cũng vậy, một vị Thánh biết bản thân là người tội lỗi, nhưng là hối nhân. Họ nắm vững mọi thông tin chi tiết, cụ thể: họ mang trong mình tội lỗi, thiếu sót (như thể là một tin xấu, tin buồn), nhưng họ trông cậy và tín thác vào ơn cứu độ (như thể là tin vui, tin mừng). Peter Kreeft đã nói: “Thánh nhân là một nhà khoa học chân chính và là triết gia đích thật” (A saint is a true scientist, a true philosopher). Là khoa học gia, các Thánh tìm kiếm chân lý, am hiểu chân lý và theo đuổi chân lý. Và chân lý này không đơn thuần là chân lý khoa học, hay sự thật về cuộc sống, vạn vật, mà là chính Đức Ki-tô “Ta là đường, là sự thật (chân lý) và là sự sống” (x. Ga 14, 6). Đã là nhà khoa học và triết gia chân chính, các ngài cần quan sát tinh tường, suy tư ngọn nguồn, cặn kẽ về chân lý, cho nên cần sự tinh tế và óc thực tế, chứ chẳng ảo tưởng, “sống trên mây”, hoặc bám vào lý tưởng không thực, hay một ý thức hệ nào.

Hơn nữa, các Thánh là những người luôn đặt lý tưởng cao cả của mình vào Thiên Chúa, chứ không nại vào danh vọng, tiền tài, tiếng tăm, hay bất cứ thứ gì chóng qua ở đời này. Chính vì vậy, các ngài đón nhận trọn vẹn mọi đau khổ vì lòng mến kiên vững và dũng cảm, và cũng không quên ôm trọn niềm hân hoan vinh thắng, “vui với người vui, khóc với người khóc” (x. Rm 12, 15). Như chúng ta biết, một trong nhiều tiêu chí của tiến trình phong Thánh, đó là: Thánh nhân phải có niềm vui - Saints must have joy).

Chưa hết, Thánh nhân là người tôi trung của Đức Ki-tô. Người nên thánh cũng có thể gọi là vị chinh phục vĩ đại; không đơn thuần chỉ tuyệt hảo như A-le-xan-đơ, Na-pô-lê-on hay Thành Cát Tư Hãn song pha trận chiến, chinh phục dân nước, chiếm lĩnh lãnh thổ rộng khắp mặt đất này, mà các Thánh chinh phục chính bản thân, chiến thắng bản thân mình. Thật không sai khi triết gia nổi tiếng Pla-tô cũng từng thốt lên rằng: “chiến thắng hiển hách nhất chính là chinh phục bản thân” (To conquer oneself is the best and noblest victory…). Và cứ thế, chúng ta có thể suy tư: nếu ai đó chinh phục cả thế giới này, mà chẳng chiến thắng bản thân mình thì nào ích gì? Hay được cả thế gian này, mà đánh mất chính mình (đánh mất căn tính, đánh mất linh hồn,…) thì lấy gì mà đổi lại được?

Hoà cùng Thánh Phao-lô, ai ai sống nên thánh đều mở rộng tâm hồn dám quả quyết “với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13). Họ đón nhận mọi trạng huống, tình cảnh trong đời dù thiếu thốn hay dư dật, dù no đủ hay đói kém, dù được hậu thuẫn hay bị chống báng, dù đầy đủ hay túng bấn, dù phải gặp cơn quẫn bách hay bình yên…tất cả chỉ là thứ yếu, điều chính yếu và hệ trọng nhất không gì khác là Đức Ki-tô, Ngài là khởi đầu và cùng đích của họ. Các Thánh kết ước với Thiên Chúa, mãi trung thuỷ, trung thành, trung tín cho đến hơi thở cuối cùng. Mặc khác, các ngài rất quả quyết, đôi khi cũng “cứng đầu” chẳng chịu thoả hiệp, thương thuyết hầu thay đổi hoặc hoán đổi chân lý. Các ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống, hơn là thương thảo đánh đổi cuộc sống chóng quá ở trần thế này với sự sống vĩnh hằng trên thiên đàng. Tại điểm này, gương lành nơi chư Thánh tử đạo rõ ràng và sắc nét hơn cả. Lịch sử Giáo hội phát hoạ cho chúng ta thấy: các Thánh dám dùng máu đào mà viết nên “tôi tin kính một Thiên Chúa” (Credo in Deum) khi đối diện với cái chết thảm thương. Vị thánh được nhắc tới đây chính là Thánh Phê-rô miền Vê-rô-na hay được gọi là Thánh Phê-rô tử đạo (sinh vào năm 1206 tại Vê-rô-na, và tử đạo vào 6/4/1252 gần Mi-lan, nước Ý)

Không một lời nói nào, ngôn từ nào có thể diễn tả hết được hồng phúc và ơn gọi nên thánh. Với một số suy tư vắn vỏi này, hy vọng chúng ta một lần nữa gạt bỏ ý nghĩ “ai làm thánh, chứ tôi thì không thể!” Nếu chỉ với sức lực, trí lực, con người của bản thân chúng ta thì hiển nhiên chẳng thể nào rồi, nhưng đây là ơn gọi, là hồng ân Chúa ban cho mỗi chúng ta. Nói cách khác, Ngài là nhân tố chính trong diễn trình nên thánh của mỗi người chúng ta. Giờ đây, chúng ta dám ra khỏi chốn loang phòng an toàn, thoải mái, tiện nghi của mình hay chưa? Chúng ta can đảm gạt bỏ tư tưởng dường như ăn sâu trong tâm khảm “ai kia làm thánh được, chứ tôi thì không bao giờ…tôi biết rõ bản thân tôi mà!”? Qua một loạt biến cố mới đây, chúng ta càng thấy rõ những đấng được phong chân phước (Á Thánh) hay được nâng lên bậc hiển thánh không còn quá xa lạ với chúng ta nữa, giờ đây họ là những ông bố, bà mẹ, những thanh thiếu niên vai mang cặp xách, mặc áo pull, quần jean, chân mang giày thể thao, chứ chẳng phải chỉ những bậc vĩ vọng trong Giáo hội, các Đấng sáng lập dòng tu, tu hội truyền giáo, hay giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, những nhà truyền giáo, v.v…mà thôi. Trong số đó, điển hình là: Chân phước Carlos Acutis (15 tuổi), Chân phước Laura Vicuña (12 tuổi), Chân phước Chiara Badano (18 tuổi), Chân phước Pier Frassati Giorgio (24 tuổi), Chân phước Isidore Bakanja (19~24 tuổi), Thánh Nunzio Sulprizio (19 tuổi), Thánh Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi (23 tuổi) và còn rất nhiều nữa. Các ngài là “hiền thê” của Đức Ki-tô, đã gắn kết, trung thành và trung tín hoàn toàn vào Ngài. Các ngài dám độc lập, “đứng trên đôi chân” mình, thoát khỏi sự lệ thuộc vào những gì hay những ai ngoài “vị phu quân Giê-su Ki-tô”. Những vị thánh nhân cũng chính là nhà leo núi chuyên nghiệp kỳ tài với nghĩa thiêng liêng; ngược lại, họ khiêm nhường, khiêm hạ, và lặn lội qua đầm lầy đau khổ, đến với những người cùng cực nhất như Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta là chứng nhân sống động của thời đại này.

Sau cùng, thánh nhân là Ki-tô khác (alter Christus), là Ki-tô bé nhỏ hiện diện trong cộng đoàn, trong gia đình, nơi công sở, trong giáo xứ, xã hội, và Giáo hội. Ki-tô nhỏ nhắn ấy cũng đang ẩn mình nơi anh chị em bé mọn, đang phải vật lộn với thiên tai, nhân tai và mọi khốn khó trong cuộc đời này. Tuy thế, các Thánh chẳng bao giờ để kẻ khác chi phối hay chiếm lấy vị thế Thiên Chúa nơi họ, và các ngài cũng không cướp đi vai trò tối thượng ấy để “xưng hùng xưng bá” đối với tha nhân. Chúng ta có thể hồi tưởng câu chuyện về Thánh Phan-xi-cô Át-si-zi. Một lần nọ, ngài hỏi anh em ngài: giả như chúng ta đang được chiêm ngắm cảnh tượng Thiên đàng, và nghe tiếng một người hành khất gõ cửa xin một ly nước mát, thì anh em xử trí thế nào? Vừa nghe xong, mọi người bàn luận sôi nổi, và đưa ra nhiều lời giải đáp. Tuy nhiên, sau đó thánh Phan-xi-cô dạy rằng: nếu dừng việc chiêm ngưỡng ấy lại mà giúp đỡ người hành khất kia chính là hạnh phúc Thiên đàng thật sự, còn nếu như phớt lờ người hành khất ấy, mà tiếp tục đắm chìm trong cảnh tượng Thiên đàng kia, thì lúc ấy chúng ta đang quay lưng lại với chính Thiên nhan Chúa.

Như vậy, Thánh nhân và những ai đang sống nên thánh là người nhìn thấy và nhận ra vị hành khất ấy chính là Giê-su. Xin kính chúc và mừng lễ Chư Thánh Nam Nữ đến tất cả anh chị em - những người đã-đang-sẽ nên thánh giữa đời của tôi!

Lm. Xuân Hy Vọng