CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A

Mến Chúa yêu người, cốt lõi của Kitô giáo

Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40

Một trong những tranh luận thường được đặt ra trong cuộc sống là: chọn Thiên Chúa hay chọn con người? Những người theo khuynh hướng duy nhân bản chủ trương rằng ngày hôm nay phải hoàn toàn dấn thân cho sự thăng tiến con người, và đối với họ, Thiên Chúa chẳng có ích gì cả, như những người Marxít thường nói. Ngược lại, những người theo khuynh hướng duy đạo đức, chủ trương phải hoàn toàn dấn thân cho Thiên Chúa bằng đời sống siêng năng đọc kinh, cầu nguyện, nhưng lại bỏ bê bổn phận bác ái đối với tha nhân.

Phải chăng khi thờ phượng Thiên Chúa, con người có được phép lãng quên tha nhân chăng? Đó là câu hỏi mà con người mọi thời đại đặt ra như được diễn tả qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay khi một người thông luật đến hỏi và thử Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất” (Mt 22,36)? Chúa Giêsu dùng cơ hội này để cống hiến một sự mới mẻ khi tóm tắt mọi lề luật vào trong giới răn: “Mến Chúa, yêu người, như là cốt lõi của lề luật” (x. Mt 22,37-40).

1- Điều răn quan trọng nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi”

Trong luật Môsê, có 613 điều luật, trong đó, có 248 điều buộc làm và có 365 điều cấm làm. Giữa một “rừng luật” như thế, điều nào là quan trọng? Câu hỏi của người thông luật là một câu hỏi hóc búa! Nhưng với sự khôn ngoan thần linh, Chúa Giêsu trả lời ngay lập tức: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất” (Mt 22,37-38). Câu trả lời này không phải là mới mẻ đối với người Do Thái, đặc biệt với Biệt Phái, bởi vì, đây là giới răn trong kinh Shema mà một người Do Thái đạo đức phải đọc hai lần sáng tối mỗi ngày để cầu nguyện (x. Đnl 4,5-9).

Tuy nhiên, ở đây, Chúa Giêsu lấy lại lề luật Cựu Ước vừa để tái khẳng định điều chính yếu vừa để kiện toàn lề luật. Vì thế, chúng ta cần dừng lại tìm hiểu giới răn quan trọng nhất này. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” có nghĩa là gì? Trong câu này, từ “hết” được lặp lại ba lần để nhấn mạnh và diễn tả rằng con người phải yêu mến Thiên Chúa với toàn vẹn và trọn vẹn con người mình. Tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi sự dấn thân toàn bộ con người: Cả con tim, tâm hồn và lý trí. Nghĩa là tình yêu đó không chỉ ở trên bình diện lý trí, hay con tim, nhưng còn bao gồm cả thân xác, sức lực, các giác quan, tình cảm và đam mê của con người. Ba từ “hết” đó cũng muốn nói rằng tình yêu dành cho Thiên Chúa khiến con người phải từ chối mọi ngẫu tượng: như tiền bạc, tính dục, quyền lực, tư lợi và danh vọng… Yêu mến Thiên Chúa như thế có nghĩa Thiên Chúa luôn là giá trị lớn nhất trong bậc thang giá trị; Người ở chỗ quan trọng nhất trong cuộc đời này. Vì thế, tất cả cuộc sống, nơi ở, cách sống, cách ăn mặc, sinh hoạt, vui chơi giải trí, và những gì còn lại đều diễn tả rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất trong đời chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi đó là điều răn quan trọng nhất.

2- Điều răn thứ hai: “Yêu thương tha nhân như chính mình”

Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,39-40). Chúa Giêsu đã liên kết lại hai giới răn một cách thật cảm động. Người ta không thể đối lập Thiên Chúa với con người, cũng không thể đối lập con người với Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, không có sự mâu thuẫn giữa hai tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa, thì phải yêu thương tha nhân. Yêu thương tha nhân là bằng chứng yêu mến Thiên Chúa, và hơn thế nữa, yêu thương tha nhân là yêu mến Thiên Chúa (x. Mt 25,45; 1 Ga 4,20).

Liên quan đến điều này, bài đọc I của Chúa Nhật này nhắc nhở chúng ta: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức… Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu” (Xh 22,20-22). Như thế, chống lại con người là chống lại Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu mang đến sự mới mẻ cho giới răn này khi nói: “Yêu người thân cận như chính mình.” Ở đây, chúng ta để ý chữ “như chính mình” làm tiêu chuẩn đo lường cho tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu không nói: “Anh em hãy làm cho người ta những gì mà họ đã làm cho anh em.” Nếu như thế, luật báo oán “lex talionis” “mắt đền mắt, răng đền răng” vẫn còn hiệu lực. Nhưng Chúa Giêsu nói ở đây rất khác: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Bởi lẽ, ai cũng mong muốn làm điều tốt, điều lành cho mình; không ai muốn làm những điều xấu cho mình (trừ người điên)… Từ đó, chúng ta hãy mong muốn và làm cho người khác những điều tương tự như thế. Hơn nữa, Chúa Giêsu coi tình yêu tha nhân như là “giới răn mới của Thầy,” một giới răn thâu tóm hết toàn bộ lề luật: “Đây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

3- Việc bác ái từ lòng bác ái

Khi nói về tình yêu tha nhân, ngay lập tức chúng ta nghĩ về “những việc bác ái,” đó là những việc phải làm cho tha nhân như: Cho ăn, cho uống, thăm viếng họ… Tóm lại, là giúp đỡ họ. Nhưng đây là việc làm bác ái, chưa phải là lòng bác ái. Trước khi làm việc bác ái, cần phải có lòng bác ái. Việc làm bác ái phải gắn liền với lòng bác ái. Vì thế, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta làm việc bác ái với lòng chân thành, vui vẻ mà không “khoe khoang,” không “giả hình đạo đức” (x. Rm 12,9); hay làm phúc “với một con tim trong sáng” (x. 1 Pr 1,22). Bởi lẽ, nhiều lúc, người ta làm việc bác ái không phải vì người nghèo và vì Chúa, nhưng là để vinh danh chính mình, hay để rửa tiền bất công, rửa lương tâm khỏi áy náy, hoặc để được người khác giúp đỡ... Người ta lỗi bác ái ngay lúc làm việc bác ái!

Tuy nhiên, có những người sai lầm khi chủ trương rằng yêu thương tha nhân thì cứ để trong lòng, cầu nguyện cho họ là đủ, mà không hề có một hành động nào cụ thể. Về điểm này, thánh Giacôbê Tông Đồ nói rất chí lý rằng: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16). Thánh Gioan thêm rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18). Vì thế, không được coi thường những việc bác ái cụ thể và phải làm với tấm lòng chân thành vui vẻ. Bác ái luôn có tính hoàn vũ, không phải là việc làm của một số người giàu và người khỏe mạnh có thể làm cho người khác, còn người nghèo và người bệnh tật chỉ có thể đón nhận. Không phải thế. Tất cả mọi người có thể cho và đón nhận. Hơn nữa, lòng bác ái phải được thể hiện ra một cách cụ thể. Nghĩa là chúng ta bắt đầu nhìn những hoàn cảnh và những người đang sống với chúng ta bằng cặp mắt mới. Cặp mắt mới nào? Rất đơn giản: Đó là cặp mắt giống Thiên Chúa khi Người nhìn chúng ta: Cặp mắt của tha thứ, cặp mắt của lòng nhân hậu, cặp mắt của thấu cảm!

Lúc đó mọi sự sẽ thay đổi, tất cả mọi tương quan cũng thay đổi, mọi động lực phòng thủ, thù ghét đã ngăn cản chúng ta yêu thương một ai đó cũng biến mất như một phép lạ. Và chúng ta bắt đầu nhìn thấy người khác như họ thực sự là họ: Một thụ tạo đáng thương đang đau khổ vì yếu đuối cũng như giới hạn của kiếp người, giống ta và giống mọi người. Đó là khi mọi mặt nạ chúng ta đeo sẽ rớt xuống, và người ta cũng sẽ nhìn thấy bạn đúng như bạn thực sự là, một hình ảnh lung linh của Thiên Chúa rất đáng yêu mến.

Vâng, như thế, Chúa Giêsu đã nhân bản hóa tình yêu Thiên Chúa và thần linh hóa tình yêu tha nhân. Nếu đối với bạn, yêu mến Thiên Chúa gắn liền với yêu thương người thân cận, thì đó là bằng chứng bạn đang sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ chọn một trong hai, hoặc đối lập chúng, thì bạn đã quên điều chính yếu mà Chúa Giêsu hôm nay giới thiệu và nối kết, là mến Chúa và yêu người, cốt lõi của Kitô giáo chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/