Bản dịch của Vũ Văn An

Theo trang mạng chính thức của Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung ngày thứ tư 21 tháng 10, 2020 tại Đại Sảnh Phaolô VI, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về lối cầu nguyện của Các Thánh Vịnh. Lần này ngài chú tâm vào Thánh vịnh 36 (các câu 2-4, và 8-9) nói về việc cầu nguyện là tâm điểm cuộc sống. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay, chúng ta cần thay đổi một chút cách cuộc yết kiến được tiến hành vì coronavirus. Anh chị em bị tách biệt, để được bảo vệ bằng mặt nạ, và tôi ở đây, hơi cách xa một chút và tôi không thể làm những gì tôi luôn luôn làm, là đến gần anh chị em, vì mỗi khi tôi làm như vậy, tất cả anh chị em tụ lại gần nhau và không duy trì được khoảng cách, và do đó, có nguy cơ lây nhiễm cho anh chị em. Tôi xin lỗi vì điều này, nhưng đó là vì sự an toàn của anh chị em. Thay vì đến gần anh chị em và bắt tay chào anh chị em, chúng ta phải chào nhau từ xa, nhưng anh chị em biết cho rằng tôi ở gần anh chị em bằng tấm lòng của tôi. Tôi hy vọng anh chị em hiểu tại sao tôi làm điều này.

Ngoài ra, trong khi các người đọc đang đọc đoạn Kinh thánh, tôi thấy một bé trai hay một bé gái ở đằng kia khóc, và bà mẹ thì ôm ấp và cho em bé bú và tôi nói: đây là những gì Chúa làm với chúng ta, giống như bà mẹ đó. Với sự dịu dàng xiết bao bà đã ráng an ủi và cho bé thơ bú. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ. Và khi điều đó xảy ra tại một nhà thờ, khi một bé thơ khóc, người ta biết ở đó, có sự dịu dàng của một bà mẹ, giống như hôm nay, có sự dịu dàng của một bà mẹ vốn là biểu tượng cho sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đừng bao giờ làm một bé thơ đang khóc trong Nhà thờ phải im lặng, không bao giờ, vì đó là tiếng nói lôi kéo sự dịu dàng của Thiên Chúa. Xin cảm ơn sự chứng kiến của anh chị em.

Hôm nay chúng ta sẽ hoàn thành loạt bài giáo lý về lối cầu nguyện trong các Thánh vịnh. Trước hết, chúng ta thấy thường xuất hiện ra sao một nhân vật tiêu cực trong Thánh vịnh, được gọi là người “xấu”, tức người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Đây là người không có bất cứ tham chiếu siêu việt nào, tính cao ngạo của họ không có giới hạn, họ không sợ phán xét nào về những gì họ nghĩ hoặc làm.

Vì lý do này, Thánh Vịnh trình bày lời cầu nguyện như một thực tại căn bản của đời sống. Việc nhắc đến thể tuyệt đối và thể siêu việt - mà các bậc thầy linh đạo gọi là “sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa” - và là điều khiến chúng ta trở nên hoàn toàn nhân bản, là ranh giới cứu chúng ta khỏi chính chúng ta, ngăn chúng ta phiêu lưu vào cuộc sống một cách như săn mồi và phàm ăn. Cầu nguyện là sự cứu rỗi của con người.

Chắc chắn cũng có lối cầu nguyện sai lầm, lối cầu nguyện được nói lên chỉ để lôi kéo sự ngưỡng mộ của người khác. Người đó hoặc những người đi dự Thánh lễ chỉ để cho mọi người thấy họ là người Công Giáo hoặc để khoe những mốt thời trang mới nhất mà họ mới mua được hoặc để tạo ấn tượng tốt trong xã hội. Họ đang hướng tới lối cầu nguyện sai lầm. Chúa Giêsu đã hết sức khuyên răn chống lối cầu nguyện như vậy (x. Mt 6: 5-6; Lc 9:14). Nhưng khi tinh thần cầu nguyện đích thực được tiếp nhận một cách chân thành và đi vào trái tim, thì nó giúp chúng ta chiêm ngưỡng thực tại bằng chính con mắt của Thiên Chúa.

Khi người ta cầu nguyện, mọi sự đều có được “chiều sâu”. Điều này đáng lưu ý trong cầu nguyện, có lẽ một điều gì đó tinh tế đã bắt đầu nhưng trong lối cầu nguyện có chiều sâu, nó trở nên có chất lượng, như thể Chúa nắm lấy nó trong tay và biến đổi nó. Việc phục vụ tồi tệ nhất mà một người có thể dành cho Thiên Chúa, và cho các người khác nữa, là cầu nguyện một cách mệt mỏi, thuộc lòng. Cầu nguyện như những con vẹt. Không, ta phải cầu nguyện bằng trái tim. Cầu nguyện là trung tâm của cuộc sống. Nếu có cầu nguyện, thì ngay một người anh em, một người chị em, thậm chí một kẻ thù cũng trở nên quan trọng. Một câu nói xưa của các đan sĩ Kitô giáo tiên khởi viết: “Phước cho đan sĩ nào coi mọi người như Thiên Chúa, sau Thiên Chúa” (Evagrius Ponticus, Trattato sulla preghiera, n. 122). Những ai tôn thờ Chúa, thì yêu mến con cái Người. Những người kính tôn Thiên Chúa, thì tôn trọng con người.

Và vì vậy, cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần để xoa dịu những lo lắng trong cuộc sống; hoặc, dù sao, kiểu cầu nguyện này chắc chắn không phải là của Kitô hữu. Đúng hơn, cầu nguyện làm cho mỗi chúng ta có tinh thần trách nhiệm. Chúng ta thấy rõ điều này trong “Kinh Lạy Cha” mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người.

Để học cách cầu nguyện theo lối này, Sách Thánh vịnh là trường học tuyệt vời. Chúng ta đã thấy các Thánh vịnh không phải lúc nào cũng sử dụng ngôn ngữ tinh tế và nhẹ nhàng, và chúng thường đề cập tới các vết thẹo của cuộc hiện sinh. Tuy nhiên, tất cả những lời cầu nguyện này trước nhất được sử dụng trong Đền thờ Giêrusalem và sau đó trong các hội đường; thậm chí những hội đường thân thiết và có tính bản thân nhất. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo diễn đạt điều đó như thế này: “Nhiều hình thức cầu nguyện của Sách Thánh Vịnh được thành hình cả trong phụng vụ Đền thờ lẫn trong tâm hồn con người” (số 2588). Và do đó, lời cầu nguyện bản thân rút tỉa từ và được nuôi dưỡng trước hết bằng lời cầu nguyện của dân Israel, sau đó là lời cầu nguyện của Giáo hội.

Ngay cả những bài Thánh vịnh ở ngôi thứ nhất số ít, những thánh vịnh bày tỏ các suy nghĩ và vấn đề thân thiết nhất của một cá nhân, cũng là di sản tập thể, đến mức được cầu nguyện bởi mọi người và cho mọi người. Lời cầu nguyện của Kitô hữu có “hơi thở” này, có “sự căng thẳng” tâm linh này giữ cho đền thờ và thế giới hiện hữu với nhau. Cầu nguyện có thể bắt đầu trong vùng nửa tối nửa sáng của gian giữa nhà thờ, nhưng sẽ kết thúc ngoài đường phố thị thành. Và ngược lại, nó có thể nở rộ trong các hoạt động trong ngày và đạt đến sự viên mãn trong phụng vụ. Cửa nhà thờ không phải là rào cản, mà là “tấm màng” thấm qua được, sẵn lòng cho phép lời rên rỉ của mọi người lọt qua.

Thế giới luôn hiện diện trong lời cầu nguyện tìm thấy trong Sách Thánh vịnh. Thí dụ, các bài Thánh vịnh nói về lời hứa cứu rỗi những người yếu đuối nhất của Thiên Chúa:.. “Trước cảnh người nghèo bị áp bức, kẻ khốn cùng rên siết thở than, giờ đây Ta đứng dậy’, Chúa phán, ‘Ta ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ’” (12: 6). Hoặc một lần nữa, chúng cảnh báo về sự nguy hiểm của sự giàu có của cải thế gian vì... " Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (49:21). Hoặc điều này nữa, chúng mở chân trời cho quan điểm của Thiên Chúa về lịch sử: “Chúa đảo lộn chương trình muôn nước, Người phá tan ý định chư dân. Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn” (33: 10-11).

Tóm lại, ở đâu có Thiên Chúa, thì con người cũng phải ở đó. Sách Thánh rất dứt khoát: “Chúng ta yêu thương, vì Người đã yêu thương chúng ta trước”. Người luôn đi trước chúng ta. Người luôn chờ đợi chúng ta vì Người yêu chúng ta trước, Người nhìn chúng ta trước, Người hiểu chúng ta trước. Người luôn chờ đợi chúng ta. “Nếu ai nói : ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Nếu anh chị em lần nhiều chuỗi Mân Côi mỗi ngày nhưng sau đó lại tán gẫu về người khác, và nuôi dưỡng mối hận trong lòng, nếu anh chị em ghét người khác, thì việc cầu nguyện ấy thật sự là giả tạo, nó không đúng sự thật. “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4: 19-21). Kinh thánh thừa nhận trường hợp của người, mặc dù thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng không bao giờ gặp được Người; nhưng Kinh thánh cũng khẳng định rằng người ta không bao giờ có thể bác bỏ nước mắt của người nghèo nếu không sẽ không gặp được Thiên Chúa. Thiên Chúa không ủng hộ chủ nghĩa “vô thần” của những người phủ nhận hình ảnh của Thiên Chúa đã in sâu vào mỗi hữu thể nhân bản. Chủ nghĩa vô thần thường ngày là thế đó: tôi tin vào Thiên Chúa nhưng tôi giữ khoảng cách với người khác và tự cho phép mình ghét bỏ người khác. Đó là thuyết vô thần thực tế. Không nhìn nhận con người như hình ảnh của Thiên Chúa là một sự phạm thánh, một sự ghê tởm, một xúc phạm nặng nề nhất có thể có đối với đền thờ và bàn thờ.

Anh chị em thân mến, ước chi các lời cầu nguyện trong Thánh vịnh giúp chúng ta không rơi vào cơn cám dỗ của “kẻ xấu”, nghĩa là sống, và có lẽ cả cầu nguyện nữa, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và như thể người nghèo không hiện hữu.